Thứ Bảy, tháng 1 25, 2014

"Take the 'A' Train" Đến Bình Thạnh


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Xuân Giáp Ngọ 2014

Nghe lại một khúc Jazz bất hủ tại Bình Thạnh

Hình bìa nhạc khúc của Billy Strayhorn. Lấy chuyến xe A vào Harlem



Ngày xưa, dễ chừng đã hơn hai chục năm, hãng yêu cầu tôi về Việt Nam cho một dự án họ đánh giá là quan trọng. Vì quan trọng nên chính ông Tổng giám đốc dẫn đầu phái đoàn cùng hai ngưởi Mỹ làm tư vấn của một doanh nghiệp về thiết kế có nhiều công trình nổi tiếng mà người Việt nào cũng biết nếu đi vào khu giải trí Disneyland hay thăm Universal Studios. 

Ông Tổng giám đốc Paul Gibson là tay kỳ cựu về Á Châu, biết Sàigòn từ bốn chục năm trước và thuộc chuyện Đông Á như lòng bàn tay. Hai người kia thì trẻ hơn và chưa từng đến Việt Nam. Dự án họ trù tính thực hiện là một khu giải trí tương tự như Disneyland, sẽ lớn nhất Đông Nam Á.

Là Phụ tá về phát triển dự án, tôi gợi ý về cách trình bày truyện tích của Việt Nam để thu hút loại khách du lịch văn hóa thay vì du lịch tình dục, nhân đó quảng bá lịch sử nước nhà cho quốc tế. 

Tôi nói về truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương hay Thạch Sanh Chém Chằn Tinh. Tôi kể tại các trận Bạch Đằng Giang hay Thất Kỳ Giang khi khách giật mình thấy cọc nhọn xuyên thủng đáy thuyền họ ngồi, hoặc khi lửa cháy vào khoang trong tiếng nổ lập lòe chung quanh. Đã xem cảnh "Back to the Future", "Jurassic Park" hoặc "Pirates of the Carribean" trong các khu giải trí của Mỹ, chúng ta đều có thể mơ ước chuyện ấy....

Du khách sẽ hồi hộp theo dõi tích cổ trong tiếng nhạc của dân Việt. Ra về còn đem theo nhiều vật kỷ niệm sẽ nuôi sống thủ công nghệ Việt Nam. Cái trống đồng nho nhỏ có thể là bát nhang, vật chặn giấy, hay cái gạt tàn thuốc lá.

Trong những ngày họp hành và thăm thú nhiều nơi, kể cả trung tâm Bàu Sen với tượng Nguyễn Trãi bằng đá buồn bã nhìn khách thuê áo cưới nhễ nhại chụp ảnh, mấy người Mỹ hỏi tôi xem có nơi nào giải trí không. Họ có vẻ chán cảnh phụ diễn văn nghệ trong khách sạn mà muốn tìm đến chỗ nào quốc tế hơn. Tôi hỏi quanh thì được biết đến một nơi khá xa, có thể nghe nhạc Mỹ.

Từ khách sạn, chúng tôi lấy xe thuê qua Bình Thạnh và tìm đến một ngõ tối hun hút.

Bước vào ngõ, tôi nhớ đến Phố Buồn của Phạm Duy hay Xóm Đêm của Phạm Đình Chương thì vẳng thấy tiếng nhạc ngoại quốc. "Phòng trà" là vài tấm bạt che ba bốn cái bàn gỗ ở góc ngõ. Khách có thể ngồi uống trà hay cà phê, nghe nhạc từ một dàn "tứ tấu", có dương cầm, vĩ cầm và hai cây guitar, có tiếng basse rất ngọt. Nhạc trình bày là mấy bản "pop" thịnh hành vài chục năm trước.

Nghe nhạc ngoại quốc tôi nhớ lại thời trước 75.

Đi dự hội nghị quốc tế và vào phòng trà Đông Á thì mình không chỉ nghe "Nắng Chiều" của Lê Trọng Nguyễn mà rất nhiều ca khúc khác của Sàigòn. Thời ấy, giới thanh lịch Đông Nam Á nghe nhạc Nguyễn Ánh 9 hay Văn Phụng là thường. Nghệ thuật Sàigòn toả sáng vào các hộp đêm Á Châu mà chẳng vì lính Mỹ.

Bây giờ, ngồi ở Bình Thạnh, thấy có khách Mỹ, ban nhạc gồm mấy người còn trẻ bỗng hứng khởi nên chơi nhạc Rock, và còn hỏi khách có yêu cầu bản nào không.

Tôi viết lên giấy "Take the 'A' Train". Đấy là tác phẩm của Bill Strayhorn được ban nhạc Duke Ellington đưa lên hạng nổi tiếng nhất của nhạc Jazz. 

Mấy nhạc sĩ trẻ nhìn nhau ra dấu. 

Ngõ tối Bình Thạnh bỗng sáng trưng. Tôi chưa từng nghe một bản A Train nào hay như vậy! Hình như mấy người khách Mỹ cũng thấy thế. Họ ngồi chăm chú, đôi chân nhịp nhịp theo nhạc và cuối bài thì vỗ tay tán thưởng.

Nhạc trưởng Duke Ellington và "Take the A Train"


Họ thì thầm với nhau trong khi ban nhạc cúi chào và bắt qua một bài khác, hay không kém.

Đấy là lúc một người Mỹ hỏi thầm ông Tổng giám đốc. "Tại sao mấy người này giỏi và dễ thương như vậy mà mình lại đánh họ?" Một người khác nói tiếp, kiểu rất Mỹ. "Cộng sản mà chơi Jazz như thế này hay quá! Nhạc của chúng ta đã cảm hóa họ rồi..."

Ông Tổng giảm đốc thuộc loại lõi đời nháy mắt nhìn tôi.

Ngồi im cho đến khi ban nhạc nghỉ giải lao thì tôi lân la hỏi chuyện mấy nhạc sĩ. "Em học piano với bà Cung hay thầy Xuân mà đánh hay như vậy? Ban nhạc của mấy em hoạt động từ thời nào?..."

Hai người tôi nhắc đến tên là danh thủ dương cầm về loại nhạc tân kỳ từ trước 1975. Còn mấy nhạc sĩ này thuộc lớp trẻ nhất của dòng nhạc đó, hơn hai chục năm trước. Họ đã tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sàigòn trước khi cả nước dứt đường tơ. Nay thì vừa gom góp vốn liếng chơi lại nhạc cũ. Vốn liếng không nhiều, họ chỉ có một ngõ tối ở ngoại ô tù mù...

Được khách ngợi khen, mà lại là người Mỹ thứ thiệt, họ cao hứng trình tấu rất hay và kể lại chuyện cũ, thời "cải tạo", rồi thời "đổi mới".

Trên xe trở về khách sạn, tôi trả lời mấy người bạn Mỹ:

Xong chiến tranh rồi, quý vị vẫn chẳng hiểu gì cả! Các nhạc sĩ này là sản phẩm của miền Nam. Họ không chơi nhạc trong club Mỹ ngày xưa. Họ bị nạn hai lần khi miền Nam sụp đổ và lãnh tội bồi Mỹ với loại nhạc đồi trụy. Bây giờ quý vị khen là Cộng sản cũng văn minh mà chơi nhạc Jazz như Mỹ!...

Cũng từ đó, mỗi lần nghe "Take the 'A' Train", tôi ngậm ngùi nhớ về Bình Thạnh! Mà không chỉ Bình Thạnh hay nhạc Jazz. Miền Nam chúng ta đi quá sớm.

Còn dự án kia? Ý tưởng cũng quá sớm với chế độ hiện tại. Người Mỹ ra về và nói rằng nên đợi trăm năm, hoặc tìm qua xứ khác....

Thương biết bao, 50 năm Việt Rock.

__________________________

Bài viết trên Việt Báo Xuân Giáp Ngọ (trang 92) để dẫn vào bài ký sự về một ban nhạc Rock đầu tiên của Việt Nam, ban CBC Band, 50 năm vẫn còn hát, sau khi đi tìm tự do từ 1974, và trôi dạt vào một ngôi chùa Tây Tạng....

3 nhận xét:

  1. Doc xong bai viet cua bac Nghia, cam thay that chua xot , ngam ngui...biet bao gio Viet Nam moi bat kip su tien bo cua Nam Han, Dai Loan...noi chi toi Singapore?

    Trả lờiXóa
  2. Chúc bác Nghĩa và gia đình cùng các độc giả một năm mới hạnh phúc!

    Trả lờiXóa
  3. Mèo vừa tìm nghe bài Take the A train của Duke Ellington. Mèo nhớ trong truyện Phía Nam Biên Giới, Phía Tây Mặt Trời của H. Murakami, cũng hay nhắc tới Duke Ellington.
    Đã có một thời, miền Nam đã phát triển đến tầm cao, vậy mà ...
    Một bài hoài niệm cho một năm mới sắp tới.

    Trả lờiXóa