Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140623
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Chủ nghĩa quốc
gia dân tộc trong những sai lầm của thế giới
Nữ lao công chất bom ở hậu phương cho tiền tuyến |
Kể từ tuần này và suốt bốn năm tới, giới bình luận thế giới sẽ còn nói về một biến cố xảy ra đúng trăm năm trước, trận "Thế Chiến I", bùng nổ từ ngày 28 Tháng Bảy năm 1914 và chính thức kết thúc ngày 11 Tháng 11 năm 1918. Rất ngắn gọn, bài này sẽ nói về chuyện đó từ giác độ kinh tế, và mở ra thế giới ngày nay.
***
Mọi
sự có thể khởi đầu từ một tai nạn nhỏ.
Ngày
28 Tháng Sáu, tại thủ đô Sarajevo của xứ Bosnia nằm giữa Âu Châu, cỗ xe của Đại
công tước Áo là Franz Ferdinand đi lạc, và người sẽ lên làm Hoàng đế của Đế quốc
Hung Áo cùng bà vợ đã bị ám sát trong ngõ hẻm. Như một lò xo nhỏ xíu, vụ ám sát
bật lên chuỗi nổ liên hoàn của hệ thống liên minh giữa Hiệp ước Tam quốc Anh-Pháp-Nga
với Đồng minh Trung ương (chủ yếu là ba Đế quốc Đức, Hung-Áo và Ottoman). Một
tháng sau thì dẫn tới đại chiến.
Trận
đại chiến trở thành Thế chiến khi nhiều nước ngoài Âu Châu cũng bị lôi vào cuộc,
kể cả Trung Hoa, Nhật Bản và nhất là Hoa Kỳ. Kết cuộc thì có 10 triệu chiến
binh tử vong, bảy tám triệu thường dân mất mạng và năm sáu chục triệu người bị
vạ lây....
Bây
giờ, ta nói chuyện kinh tế!
Trong
bốn năm liền, các đại cường Âu Châu dành phân nửa sản lượng kinh tế cho quân phí
và vì không thu đủ thuế nên mới đi vay. Tức là mắc nợ cả kinh tế - lẫn chính trị
sau này. Khi chiến tranh kết thúc, nhà nước phải chu cấp cho người dân vì bốn năm
khắc khổ nên mở ra chế độ bao cấp và tăng cường bộ máy can thiệp vào kinh tế.
Trong cảnh chi thu eo hẹp ấy - vì có đâu lợi tức mà đánh thuế? - người ta tìm đến
giải pháp lạm phát. Như chuyện Việt Nam sau 75.
Tiết
kiệm của thành phần trung lưu Âu Châu bị loại thuế trá hình đó bào mỏng, cho nên một thế
hệ sau vẫn còn khốn đốn, với hậu quả lây lan từ kinh tế sang chính trị.
Về
chính trị quốc tế, các Đế quốc Âu Châu như Anh và Pháp đều có thuộc địa. Khi mẫu
quốc lâm nguy, họ huy động tài nguyên từ hậu phương lớn của hệ thống thực dân.
Tài nguyên đó cũng là con người, là binh lính hay lao công Á, Phi, Úc. Nhờ vậy,
chiến binh, lính thợ và nhất là trí thức từ các thuộc địa Á Châu có dịp nhìn thấy
tại chỗ sự suy nhược của Âu Châu. Và nêu câu hỏi về chế độ thực dân và nền văn
minh da trắng. Trong số này, có những người như Mohandas Gandhi, Chu Ân Lai hay
Phan Chu Trinh.... Khi ấy, Hồ Chí Minh khi đó mới là trẻ ranh học lóm.
Sự
chuyển dịch về sức nặng Âu Châu, khởi sự từ năm 1492 khi Columbus khám phá Tân
Thế Giới, cũng bắt đầu - và đầu tiên là từ đệ nhất cường quốc toàn cầu thời đó:
Đế quốc Anh.
Về
nội lực, nước Anh mất toi 70 ngàn người và một thế hệ: trong số tốt nghiệp
Oxford khóa 1913, có 31% bị tử vong. Đang là cường quốc kinh tế số một của địa
cầu, Anh tụt hạng và mắc nợ một cường quốc mới nổi là Hoa Kỳ.
Khi
Thế chiến I bùng nổ, Mỹ cố giữ thế trung lập, là chủ nợ của các nước tham chiến
trong nhiều năm liền. Cho đến khi thương thuyền hàng hải Mỹ bị Đức tấn công và
luồng chuyển vận trên Đại Tây dương bị đe dọa bởi liên minh Đức-Mễ, dư luận Hoa
Kỳ xoay chiều và cho phép Quốc hội khai chiến vào đầu Tháng Tư năm 1917. Bảy tháng
sau, Hoa Kỳ mới thực sự tham chiến khi ngần ấy nước Âu Châu đã đuối sức. Kết cuộc
thì từ vị trí quốc gia mắc nợ nhiều nhất vì cuộc Nội chiến, Hoa Kỳ trở thành đại
cường chủ nợ số một của thế giới.
Là
tài chủ khắt khe, Mỹ không chịu giảm nợ cho hai đồng minh Anh-Pháp khiến hai đế
quốc tàn tạ này thi đua gọt đầu quốc gia bại trận là Đức, qua Hiệp ước Versailles
năm 1919. Với dân Đức, quân viễn chinh có bị đánh bại nhưng lãnh thổ vẫn còn nguyên vẹn nên họ không tin rằng Đức thua trận, rồi bất mãn vì phải bóp bụng bồi thường chiến
tranh, lại còn mắc nợ cả Mỹ....
Trong
chục năm sau đó, từ 1919 đến 1929, hệ thống tài chánh toàn cầu là những món nợ
chằng chịt. Tại Đức, chính quyền non yếu tài trợ gánh nợ bằng lạm phát phi mã,
dẫn đến tinh thần phẫn uất trả thù, rồi phong trào Đức quốc xã của Hitler. Đấy
là khi kinh tế với chính trị lồng làm một.
Trên
đà thắng lợi của một đại gia chủ nợ và cường quốc số một trên Đại Tây dương,
Hoa Kỳ có lúc hồ hởi sảng, rồi hốt hoảng bậy khi thị trường chứng khoán Wall
Street sụt giá vào năm 1929. Biến cố ấy chặn đứng dòng tư bản chảy từ Tây về Đông,
khiến Đức vỡ nợ, Đông Âu khủng hoảng và Hitler lên ngôi. Đấy là trận Tổng khủng
hoảng 1929-1933, với tai họa về chính sách là chủ trương bảo hộ mậu dịch, theo
kiểu "đèn nhà nào nhà ấy rạng và mạng người nào người ấy giữ". Sự bần cùng hóa tập
thể cũng là cái mầm sâu xa của một trận đại chiến nữa, Thế chiến II, biến cố nổi
danh về số lượng nhân sinh bị tàn sát.
Y
như lần trước, Hoa Kỳ cũng lần lữa đứng ngoài và chỉ tham dự rất trễ, tổn thất ít
nhất và trở thành siêu cường số một.
Thế
còn siêu cường số hai?
Khi
Thế chiến I bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đại trí thức Woodrow
Wilson, dân Mỹ theo đuổi lý tưởng "dân chủ đại đồng" của một thế giới
có thể sống chung hòa bình qua một tổ chức quốc tế là Hội Quốc liên (League of
Nations), dĩ nhiên là do Hoa Kỳ giữ vai điều hợp. Bên kia hai đại dương, Liên
bang Xô viết mới nổi từ cuộc đảo chính của một lãnh tụ đại trí thức khác là Lenin
thì theo đuổi lý tưởng "vô sản vô cương", một thế giới hết biên cương
và giai cấp, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dĩ nhiên là do Nga Xô giữ
vai lãnh đạo.
Đấy
là siêu cường số hai, được Hoa Kỳ yểm trợ và cứu đói khi vừa thành hình năm
1917. Và hùng cứ được 70 năm thì tàn!
Trong
một giai đoạn khá lâu, nhất là qua 40 năm Chiến tranh lạnh, thế giới cứ đong đưa
giữa hai ảo
tưởng đại đồng và vô sản đó mà không nhìn ra động lực quốc gia. Đầu tiên mà không
duy nhất là Hitler, chuyện đã nói.
Từ
rất xa, Nhật có tham chiến bên phe đồng minh thì thất vọng vì các nước da trắng
không chấp nhận quyền bình đẳng màu da trong hiến chương của Hội Quốc liên nên
lui về chủ nghĩa dân tộc cùng chế độ quân phiệt. Là cái mầm sâu xa của trận Trân
Châu Cảng năm 1941.
Cũng từ rất xa, Trung Hoa Dân Quốc có góp 10 vạn dân công
cho Âu Châu - với hai ngàn người đã chôn xác tại Pháp - nhưng trí thức bất mãn
vì các nước Âu Châu không trả lại cho Tầu vùng đất bị Đức chiếm đóng mà trao
cho Nhật. Đấy là cái lò xo của phong trào Ngũ Tứ vào Tháng Năm 1919, dẫn tới sự
thành lập của đảng Cộng sản Trung Hoa, với sự yểm trợ của Liên Xô.
Trên
mảnh vụn của Đế quốc Ottoman, qua mật ước Sykes-Picot trong Thế chiến I, hai nước
Anh Pháp đã xé ra và ráp lại vùng đất của các sắc tộc và hệ phái Hồi giáo tại vầng
Đông của Địa Trung Hải thành ra một địa dư hình thể mới. Mảng dư đồ ấy đang bị
nhiều lực lượng "sắc giáo" – một chữ mới để nói về tôn giáo và sắc tộc
- phủ nhận bằng hành vi khủng bố tại Trung Đông.
Động
lực ngầm bên dưới không là tư tưởng dân chủ, lý tưởng đại đồng, hay ý thức hệ vô
sản, mà là chủ nghĩa dân tộc... Phương pháp có thể là khủng bố, là tập trung quản
lý kế hoạch hay kinh tế thị trường có định hướng nhà nước, nhưng trọng tâm vẫn
là quyền lợi quốc gia. Chúng ta rơi vào chuyện ngày nay tại Đông Âu, Đông Hải và
Trung Đông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét