Hùng Tâm / Hồ Sơ Người-Việt 140618
"Thánh Chiến", lực lượng ISIL và ranh giới
Sykes-Picot
* Một chút lịch sử không thừa *
Trong một bộ chỉ huy của Bộ binh Hoa Kỳ tại Fort Benning ở
tiểu bang Georgia, có lẽ Thiếu tướng H.R. McMasters đang vò đầu bứt tai về chiến
sự Iraq với những suy tư về lịch sử địa cầu và chính trị Hoa Kỳ....
***
Bán Văn Bán Võ
Từ Việt Nam Tới Trung Đông
Sinh năm 1962, phục vụ Quân lực Mỹ từ ba chục năm nay, Tướng
Herbert Raymond McMasters là loại sĩ quan "không giống ai", nhưng được
ngợi ca là một chiến tướng Hoa Kỳ của Thế kỷ 21.
Khi còn là Thiếu tá, năm 1997, ông cho xuất bản luận án tiến
sĩ về sử học. Cuốn "Chểng mảng trong Công vụ" (Derelection of Duty: Lyndon Johnson, Robert McNamara, The
Joint Chiefs of Staff, and the Lies that Led to Vietnam) nghiên cứu lại cuộc chiến Việt Nam và nêu ra
sai lầm của lãnh đạo, từ Tổng thống Johnson tới Tổng trưởng Quốc phòng McNamara
và các tướng lãnh trong Bộ Tổng tham mưu, khiến Hoa Kỳ bại trận.
Là sĩ quan tại chức mà in sách phê phán lãnh đạo về những lầm lẫn chiến
lược thì quả là "không giống ai". Nhưng luận án trở thành kinh điển mà sinh
viên sĩ quan phải đọc và là tài liệu giảng huấn cho Thủy quân Lục chiến! Hoa Kỳ mới là một xứ chẳng giống ai...
Không chỉ là người uyên bác, McMasters là chiến binh có thành tích trên
các chiến trường Iraq, Afghanistan rồi Iraq, nổi tiếng với việc bình định thành
phố Tal Afar tại Iraq 10 năm về trước. Tal-Afar ở vùng Tây-Bắc là đất sinh hoạt,
và tàn sát, của dân Iraq thuộc hệ phái Sunni, cùng dân Iraq gốc Thổ và người
Kurd! McMasters đã vào đó hoàn thành nhiệm vụ với sự cảm phục của mọi phe trong
cuộc.
Sau mỗi chiến dịch, ông trở về rút tỉa kinh nghiệm và tổng kết các bài
học cho việc giảng huấn tại West Point và sau này là sĩ quan tham mưu cho Đại
tướng David H. Petraeus về chiến lược chống nổi dậy.
Là sĩ quan cứng đầu, được binh lính kính trọng và thượng cấp ngợi khen,
McMasters vẫn chậm lên lon Chuẩn tướng (2008) rồi Thiếu tướng (2012) vì nhiều
người cứ sợ một ông tướng dám nói ngược! Tháng Tư năm nay, H.R. McMasters được
tuần báo TIME đưa vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Nhưng tại
sao "Hồ Sơ Người-Việt" lại mở đầu về một sĩ quan ưu tú của Quân lực
Hoa Kỳ?
Vì Tal-Afar vừa rơi vào tay lực lượng Sunni xưng danh
"Quốc gia Iraq và Đông phương" (Islamic
State of Iraq and the Levant - ISIL), một nhóm võ trang phất cờ Thánh Chiến
Jihad từ Syria tràn qua. Do tổ chức khủng bố al-Qaeda mà ra, ISIL lại bị lãnh tụ
còn lại của al-Qaeda kết án là quá khích và hiếu sát!
Vốn đã dày công hãn mã tại một khu vực đa sắc tộc và nhiễu
nhương nhất của Iraq thì một sĩ quan tác chiến và tiến sĩ lịch sử như H.R.
McMasters phải trở lại chuyện trăm năm về trước....
***
Mật Ước
Sykes-Picot Của Trăm Năm Trước
Ngay giữa Thế chiến I (1914-1918), cuối năm 1915, hai Đế quốc
về già là Anh và Pháp đã mật đàm và có mật ước với nhau. Một Đế quốc sắp đổi chủ
là nước Nga có tham dự vào mật ước đó.
Do hai Ngoại trưởng Anh và Pháp hoàn thành vào Tháng Năm
1916, mật ước mang tên của hai người (Sir Mark Sykes và François Georges-Picot)
nhắm vào việc chia phần tại Cận Đông nếu Đế quốc Ottoman thất trận và tan rã. Là
chân thứ ba trong thế Liên hoành Tam quốc (Triple Entente, Anh, Pháp, Nga), nước
Nga cũng dây máu ăn phần, cho tới khi chế độ Sa hoàng tiêu vong vì "Cách mạng
Tháng 10".
Nói lại cho gọn, trước đà chiến thắng trên xác chết của Đế
quốc Hồi giáo Ottoman, ba nước Âu Châu chia nhau vùng ảnh hưởng như chiến lợi
phẩm. Họ vẽ lại bản đồ Cận Đông, từ biển Địa Trung Hải vào bên trong, với những
địa danh đang trở thành thời sự như Syria, Lebanon, Jordan, Iraq, Iran, Turkey,
Saudi Arabia, v.v....
Khi ấy, Hoa Kỳ vẫn đứng ngoài, chưa tham chiến mà cũng chẳng
muốn liên hệ gì tới chuyện tam phân ngũ liệt tại vùng đất mà Pháp gọi là
Levant, mặt trời mọc, hay ash-Sham theo tiếng Á Rập, xuất xứ của cái tên ISIL lạ
hoắc!
Ngày nay, Mỹ phải giải quyết mâu thuẫn giữa các phe các nước
do lịch sử để lại!
Lý do là mật ước Sykes-Picot đã xoá nhòa rồi đảo lộn các lằn
ranh sắc tộc và tôn giáo trong thế giới Hồi giáo, nhưng thuộc các hệ phái Sunni
hay Shia, hoặc các sắc tộc Á Rập, Ba Tư, Thổ, hay Kurd. Chuyện lộn giống kéo dài
cả trăm năm thành mớ bòng bong như một tổ ong có quá nhiều ong chúa.
Sau này, hai Đế quốc tàn tạ là Anh và Pháp thì đã phủi tay rũ áo. Một
Đế quốc mới hồi sinh từ Liên Xô đổ nát là Liên bang Nga thì cố tái diễn trò mật
ước năm xưa để chinh phục lại ảnh hưởng đã mất. Một siêu cường rất trẻ là Hoa Kỳ
thì chỉ đòi tháo chạy khỏi tổ ong Hồi giáo, mà vẫn bị các nước tại chỗ, như Turkey,
Saudi Arabia, Iran hay Iraq, gọi giật lại.
Họ muốn Mỹ vào duy trì cách phân vùng theo lằn ranh
Sykes-Picot năm xưa của các Đế quốc Âu châu. Nhưng các lực lượng Hồi giáo quá
khích xưng danh Thánh Chiến thì đòi xoá bài làm lại.
Xoá bằng hành động diệt chủng để thành lập một Đế quốc Hồi
giáo thuần chủng và tinh khôi. Khủng bố hay nổi dậy chỉ là phương pháp. Động lực
là chủ nghĩa dân tộc, thật ra là sắc tộc, dưới sự hướng dẫn của một hệ phái tôn
giáo cực đoan, một chủ nghĩa tôn giáo nhuốm mùi phát xít.
Vì cuốn băng tuyên truyền có tên là "The Destruction of Sykes-Picot" do
lực lượng ISL vừa tung ra hôm 15 Tháng Sáu trên mạng, Hồ Sơ Người-Việt mới trở lại chuyện trăm năm.
Làm sao Hoa Kỳ giải quyết nổi bài toán ấy nếu quên lịch sử nhìn từ giác độ của
các nước trong cuộc?
Chúng ta hãy điểm lại sự tính toán của các nước.
***
Iran Giật Dây
Rồi Ngã Vào Iraq
Sau khi cường quốc đối thủ là Iraq đổi chủ nhờ cuộc tấn công
của Hoa Kỳ năm 2003, các Giáo chủ Iran tại thủ đô Tehran có cơ hội yểm trợ hệ
phái đa số là dân Shia để khuynh đảo và đẩy lui ảnh hưởng của hệ phái Sunni thiểu
số tại Iraq. Theo hệ phái Shia (thiểu số trong thế giới Hồi giáo toàn cầu) và
thuộc sắc tộc Ba Tư, Iran còn muốn bành trướng ảnh hưởng, cạnh tranh với thế lực
Sunni và lực lượng khủng bố al-Qaeda, một mũi nhọn cực kỳ quá khích của hệ phái
Sunni.
Trước đó, năm 2001, khi Mỹ mở chiến dịch Afghanistan để truy
lùng al-Qaeda và chế độ bảo trợ khủng bố là Taliban, Iran đã kín đáo hợp tác để nhờ
tay Mỹ triệt hạ phe Sunni trong xứ láng giềng ở hướng Đông. Nhưng có đầy tham vọng,
Iran cũng nuôi quân khủng bố của mình là lực lượng Hezbollah tại Lebanon và cả nhóm Hamas trong cộng đồng Palestine trên Dải Gaza, và ra
sức yểm trợ chế độ Bashar al-Assad tại Syria.
Thành tích của Iran là vừa đánh vừa đàm với Hoa Kỳ về kế hoạch
chế tạo võ khí hạch tâm, lại vừa nuôi khủng bố của mình, vừa diệt khủng bố của đối
thủ và vẫn bảo vệ được chế độ Syria rồi xây dựng được thế lực của mình tại Iraq qua
hệ phái Shia, dù có là dị tộc Á Rập thì cũng là đồng đạo Shia.
Nào ngờ là sau ba năm nội chiến tại Syria, từ 2011, nếu chế độ
al-Assad vẫn tồn tại thì lực lượng Sunni chống Assad cũng lớn mạnh và kết tinh
vào tổ chức ISIL, từ Syria tràn qua Iraq làm đảo lộn trật tự Shia của các giáo
chủ tại Tehran! Lực lượng ISIL khó nuốt chửng Iraq hay tấn công Iran, nhưng vẫn
làm tiêu hao công trình đầu tư và gây thêm tốn kém cho Iran. Từ thế công, các
giáo chủ Iran bị vướng dây tại Iraq và rơi vào thế thủ!
Và họ rất hài lòng khi Ngoại trưởng John Kerry của Mỹ ướm lời
kêu gọi hợp tác để diệt trừ ISIL. Ta sẽ lại lợi dụng Hoa Kỳ lần nữa.
Nhưng Iraq cũng tiếp cận với Saudi Arabia, một cường quốc đối
thủ của Iran.
***
Hoàng Gia Saudi
và Cuộc Đi Đêm Với Putin
Thời sự cứ viết Saudi Arabia là cường quốc dầu hỏa, đồng
minh chiến lược của Mỹ và cừu thù của Iran. Sự thể rắc rối hơn vậy.
Lãnh đạo vương quốc Saudi Arabia là Hoàng gia Saudi, thuộc sắc
tộc Á Rập theo hệ phái Sunni. Ngồi trên biển dầu, họ nuôi một nhóm lý luận Sunni
cực đoan nhất là phong trào Wahhabi – nhóm "linh hướng" của lực lượng
al-Qaeda. Và trùm khủng bố Osama bin Laden của al-Qaeda là một trí thức thuộc một
gia đình quyền thế người Saudi.
Hoàng gia Saudi không mấy yên tâm với Mỹ dưới sự lãnh đạo của
Tổng thống Barack Obama. Vì Obama muốn tháo chạy khỏi Iraq bằng mọi giá, lại bàn
giao chuyện Syria cho Nga và đàm phán riêng với Iran. Dù ít thiện cảm với lực
lượng ISIL quá khích, mà họ gọi là quân khủng bố, lãnh đạo Saudi cố quậy cho nát
chuyện Syria, gây rối cho Iran tại xứ Iraq và nếu cần thì nói chuyện thẳng với
Liên bang Nga để ngăn ngừa ảnh hưởng của Tehran!
Trước khi thế giới kịp bàng hoàng về sự vùng dậy của lực lượng
ISIL tại Iraq, hôm mùng ba Tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin mời Ngoại
trưởng Saudi đến tư thất của mình tại khu nghỉ mát Sochi để đàm đạo và nói chuyện
với Ngoại trưởng Nga. Họ tính những gì? Hãy thử đoán xem....
Nội loạn Iraq sẽ thổi giá dầu lên trời, điều có lợi cho hai
nước xuất cảng là Nga và Saudi Arabia. Bị cuốn hút vào hồ sơ Trung Đông, Hoa Kỳ
đành nhịn Putin về chuyện Ukraine. Bị hao mòn lực lượng tại Iraq, các giáo chủ
Iran khó bành trướng ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo và thách đố quyền lực
Saudi. Và nước Mỹ sẽ khó quên đồng minh Saudi khi đòi đàm phán riêng với Iran!
Một đồng minh chiến lược khác của Hoa Kỳ cũng nhìn vào vụ khủng
hoảng Iraq với mối nguy ISIL, đó là Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, là xứ Turkey còn lại của
Đế quốc Ottoman, thành viên Hồi giáo duy nhất của Minh ước NATO.
***
Turkey và Mối
Lo Thổ Dậy
Lãnh đạo xứ Turkey Hồi giáo, thuộc sắc tộc Thổ, không thể yên
tâm về tình hình Iraq tại miền Nam lãnh thổ.
Iraq là thị trường xuất cảng lớn nhất của Turkey sau nước Đức.
Iraq có sắc tộc Kurd tại miền Bắc giáp giới với Turkey, là lực lượng có ảnh hưởng
trong vùng dầu khí, có liên hệ với dân Kurd trên đất Thổ, với khả năng võ trang
nhờ nhóm dân quân Peshmega để tự vệ và đòi quyền tự chủ thành một xứ Kurdistan.
Lãnh đạo Turkey liên kết với lãnh đạo thiểu số người Kurd tại
Iraq và rất khó chịu về hơi hướng độc tài của Thủ tưởng Nouri al-Maliki tại
Baghdad. Họ đặc biệt thất vọng với việc Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Iraq và để lại
một khoảng trống cực kỳ bất ổn cho mọi người.
Khi lực lượng ISIL vùng dậy và gây khó cho chính quyền al-Maliki
tại Baghdad, Turkey càng khó yên tâm. Vừa phải đưa quân phòng thủ biên giới miền
Nam, lãnh đạo Turkey tại thủ đô Ankara vừa lo ngại là trong đà suy nhược của
Baghdad, các lực lượng dân quân người Kurd sẽ kiểm soát các kho dầu và càng dệt
mộng thành hình xứ Kurdistan. Một nước Kurdsitan độc lập có nghĩa là dân
Kurd tại miền Nam Turkey sẽ ly khai và trở thành công dân Kurdistan. Vừa có súng, vừa có dầu, dân Kurdistan mà nổi dậy thì sẽ là
vấn đề cho Thổ Nhĩ Kỳ!
Nếu Hoa Kỳ lại còn tráo trở bắt tay Iran thì xứ Turkey sẽ phải tính lại.
Nếu Hoa Kỳ lại còn tráo trở bắt tay Iran thì xứ Turkey sẽ phải tính lại.
Chúng ta cũng nên đọc lại lịch sử.
***
Lịch Sử Sang
Trang
Sau hơn sáu thế kỷ thống trị ngang lục địa Âu-Á, từ 1299 đến
1923, Đế quốc Ottoman của dân Thổ tan rã khi Thế chiến II kết thúc. Các cường quốc Âu châu đã chia năm xẻ bảy sự
hoang tàn của một Đế quốc thâm niên nên mới ra cơ sự ngày nay với dăm ba sắc tộc và cả chục hệ phái Hồi giáo trên một
vùng đất có dầu. Còn lại trong trò chơi quái đản ấy của Âu Châu là nước Nga. Kế
thừa sự nghiệp của Anh-Pháp cầu an là một siêu cường rất trẻ, là nước Mỹ.
Đọc lại lịch sử thì sau khi lật đổ chế độ Sa hoàng để lập ra
Liên bang Xô viết, chính Đế quốc Liên Xô phanh phui mật ước Sykes-Picot của Anh-Pháp-Nga
để lấy lòng các nước Hồi giáo! Kế thừa di sản Xô viết, Putin hiểu rõ bài học lịch
sử và đang tận dụng mọi đòn bẩy tại Syria, Iran, hay Saudi để gây thêm nhiễu loạn,
cho Hoa Kỳ đi chữa cháy. Còn mình thì bán dầu và bán súng.
Khi lực lượng ISIL như từ trên trời rơi xuống và giết người
không gớm tay rồi tung khẩu hiệu xóa bỏ lằn ranh Sykes-Picot để lập ra một Vương
quốc mới, từ Lebanon qua Syria, Iraq và cả Jordan, người ta nên nhìn lại chuyện
Thánh Chiến như trò chơi quyền lực ngàn đời của lịch sử.
_______________________________
Kết luận ở đây
là gì?
Các chiến lược gia Hoa Kỳ mà có ý thức lịch sử thì nên học sử
thật lẹ và hướng dẫn dư luận về những động lực sâu xa bên dưới khẩu hiệu. Để xác
định lại quyền lợi thiết thực của nước Mỹ - và nước khác. Chuyện Trung Đông hay Đông Á cũng
vậy mà thôi.
Còn lại ở tại chỗ thì trong vòng đua của Thần thánh - hay Quỷ dữ tùy cách gọi - Tử thần giữ độc quyền chân lý và dân chủ không thể có tiếng nói.
Quá tuyệt vời thầy NGhĩa ah, tiếc thay những người đang nắm quyền lực ở Việt nam không đọc, không đủ kiến thức để hiểu những sự chuyển động sâu sắc của thế giới trong thế chiến 3 nhằm tìm ra hướng đi tốt đẹp cho dân tộc mình
Trả lờiXóaThưa chú Xuân Nghĩa!
Trả lờiXóaNếu chú không viết lại lịch sử cận đại, thì rất thiệt thòi cho thế hệ cháu và cả cho thế hệ mai sau nữa!
Thế giới đông người hơn và chật chội hơn nên dễ mắc bệnh claustrophobia, sợ u bế, sợ bị dồn nén. Vì vậy, chúng ta phải để ý tới địa dư, là môn học xưa nay đa số cho là vô ích vô bổ! Nhưng thế giới vẫn là thế giới của con người nên còn hằn in trong dạ trong tí những chuyện của quá khứ. Vì vậy, chúng ta phải chú ý đến lịch sử, môn học về quá khứ ít ai cho là quan trọng. Huống hồ, các chế độ độc tài thường có tật "lọc sử" làm quần chúng quên trí nhớ hoặc nhớ lệch lạc.
Trả lờiXóaThậm chí... "không có sử", như một nhà trí thức tại Hà Nội đã ai oán công nhận, nên ta dễ lao vào tai họa cũ, khi tai họa đó càng có xác suất xảy ra cao hơn....
Buồn và lo!