Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 140619
Diễn đàn Kinh tế
Hoa Kỳ có luật lệ và trí nhớ nên không quên đồng tiền phi pháp!
Diễn đàn Kinh tế
Hoa Kỳ có luật lệ và trí nhớ nên không quên đồng tiền phi pháp!
Dư luận tài chính và ngoại giao Âu Châu bị chấn động vì Hoa Kỳ vừa
truy tố một tập đoàn ngân hàng Pháp về tội vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ
và có thể phải nộp phạt đến hơn 10 tỷ Mỹ kim. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu
chuyện này qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do
Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ cuối
Tháng Năm, dư luận báo chí và doanh giới Âu Châu đã bàn tán, và lãnh
đạo nước Pháp cũng lên tiếng, về vụ tập đoàn ngân hàng Pháp BNP Paribas
bị các cơ quan công quyền Mỹ truy tố về tội vi phạm lệnh cấm vận và đòi
phạt đến 10 tỷ Mỹ kim cùng nhiều biện pháp chế tài khác. Chuyện này xảy
ra như thế nào mà Âu Châu lại cho rằng Hoa Kỳ có những ẩn ý chính trị?
Trước hết, xin ông nói về bối cảnh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cùng phán quyết hôm Thứ Hai 16 của Tối cáo
Pháp viện Hoa Kỳ về việc Chính quyền Argentina phải trả hơn một tỷ đô la
tiền nợ cho một công ty tài chính, việc các cơ quan hữu trách Mỹ truy
tố ngân hàng BNP Paribas của Pháp có cho thấy sức mạnh đáng sợ của nền
công lý Hoa Kỳ. Riêng trong vụ BNP, tôi còn cho rằng đáng sợ nhất chính
là thế lực của đồng đô la!
- Thế giới có thói quen rất tiện là gặp bất cứ sự bất ổn nào, như hải
tặc tại Đông Phi, Trung Quốc ngoài Đông Hải, lính Nga tại Đông Âu hay
khủng bố tại Trung Đông, thì đều trông vào Hoa Kỳ. Thế giới cũng quen
dùng đồng Mỹ kim thanh toán nhiều nghiệp vụ buôn bán với nhau, thế rồi
khi có chuyện thì lại oán than nước Mỹ đòi chi phối xứ khác!
- Về bối cảnh thì từ xưa rồi, Hoa Kỳ có lệnh phong toả kinh tế một số
quốc gia về tội diệt chủng, tàn sát thường dân hoặc chứa chấp khủng bố.
Trong vụ BNP, hai nước bị cấm vận được nhắc tới là Iran tại Trung Đông
và Sudan tại Châu Phi. Các nước Âu Châu có thể giữ lập trường dung dị dễ
dãi hơn với các chế độ hung đồ, đấy là quyền của họ và nhờ vậy mà doanh
nghiệp của họ tiếp tục làm ăn với các nước bị Hoa Kỳ trừng phạt, miễn
là thanh toán bằng tiền Âu Châu và đừng dính dáng đến thị trường Mỹ.
- Khốn nỗi, các chế độ tàn ác hoặc bọn buôn lậu hay bán súng quốc tế
lại muốn được thanh toán bằng đồng đô la Mỹ và khi một ngân hàng Pháp
đứng ra làm môi giới cho nghiệp vụ thanh toán đó thì mặc nhiên là vi
phạm luật lệ Hoa Kỳ nên bị truy tố về tội đó.
Vũ Hoàng: Khi vụ BNP bùng nổ thì dư luận truyền
thông lẫn kinh doanh Âu Châu cho rằng chính quyền Mỹ có ẩn ý chính trị
vì nhắm vào một ngân hàng thuộc loại lớn nhất Âu Châu, lại đòi tiền phạt
quá cao và có khi còn loại bớt một đối thủ cạnh tranh đáng ngại nếu Mỹ
cải thiện quan hệ với Iran và doanh nghiệp Mỹ sẽ vào xứ này làm ăn. Ông
nghĩ sao về nhận xét đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là dư luận Âu Châu cứ ra vẻ ngây thơ mà thật ra lại có gian ý!
- Thứ nhất, khi một vụ án hình sự lên tới vài chục triệu đô la thì đấy
là một vấn đề kinh doanh; chứ khi lên tới cả tỷ đô la thì chắc chắn nó
trở thành chính trị ở địa phương. Thứ hai, khi câu chuyện bùng nổ thì
lần lượt Ngoại trưởng rồi Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Tổng trưởng
Tài chính và cả Tổng thống Pháp công khai than phiền, thậm chí Tổng
thống Pháp François Hollande còn gửi thư riêng cho Tổng thống Mỹ để yêu
cầu Hành pháp can thiệp.
- Chính Âu Châu mới chính trị hóa vụ này, chứ
Tổng thống hay Ngoại trưởng Hoa Kỳ khó công khai yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ
Ngân khố hay Biện lý quận Manhattan của thành phố New York tìm cách giảm
án cho ngân hàng Pháp. Trong vụ Argentina bị vỡ nợ, Chính quyền Obama
có thể là muốn nương tay với Chính quyền thiên tả của bà Tổng thống
Cristina de Kirchner nhưng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã mạnh tay phản bác
nên dù có muốn thì ông Obama cũng phải ngại.
- Thứ ba, dù nội vụ vẫn chưa công khai hóa thì người ta cũng biết các
cơ quan hữu trách Mỹ đã mở cuộc điều tra từ lâu về những vi phạm xảy ra
trong giai đoạn 2002 đến 2009 và ngân hàng BNP có biết nên mới lập sẵn
một quỹ dự phòng nộp phạt đến hơn một tỷ đô la.
Vũ Hoàng: Có thể là ngân hàng BNP biết là mình vi
phạm nên tự chuẩn bị ngân khoản nộp phạt nhưng khi các cơ quan Mỹ đòi
phạt tới hơn 10 tỷ đô la thì đấy có là số tiền quá lớn chăng? Thưa ông,
đấy cũng là lập luận của Ngoại trưởng Pháp. Và Thống đốc Ngân hàng Trung
ương Pháp còn cho rằng số tiền quá nặng như vậy có thể gây thiệt hại
cho cả hệ thống tài chính Âu Châu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ Tòa Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ không
làm đúng nhiệm vụ báo cáo về Paris, chứ BNP có chi nhánh Bank of the
West rất lớn tại các tiểu bang miền Tây nước Mỹ thì biết sự thể hơn
chính quyền hay báo chí Pháp.
- Quả thật là trong quá khứ, Mỹ có phạt nhiều ngân hàng Âu Châu, nặng
nhất là Hongkong and Shanghai Bank của Anh bị phạt một tỷ 920 triệu đô
la vào năm 2012. Nhưng bên trong nước Mỹ, năm ngoái, tổ hợp ngân hàng
lớn nhất Hoa Kỳ là J.P. Morgan Chase bị phạt tới 13 tỷ đô la vì tội
trình bày sự thể thiếu trung thực cho khách đầu tư.
- Ngoài ra, trong tiến trình điều tra kéo dài từ nhiều năm, ngân hàng
BNP dần dần biết rõ hơn về những vi phạm chứ không phải là bị cáo buộc
bất ngờ hoặc bị đánh làm gương đâu. Phía Hoa Kỳ thì cho là trong hơn
chục năm vi phạm, BNP đã kiếm lời rất lớn và khoản tiền phạt tương xứng
với số tiền lời bất chính tích lũy trong nhiều năm. Sau cùng, cơ quan
công quyền Mỹ còn đòi ngân hàng BNP sa thải các nhân viên lãnh đạo đã
phạm tội và có thể phải ngưng nhiều nghiệp vụ ngoại hối trên thị trường
Mỹ trong ba tháng. Nội dung của những cáo buộc và dàn xếp hiện nay nhắm
vào việc đòi BNP phải nhận lỗi thì còn có thể châm chước là thông lệ
trong hệ thống luật pháp Mỹ, chứ nếu cứ khăng khăng chối tội thì sẽ bị
thiệt hại nặng hơn. Có lẽ BNP cũng biết thân biết phận nên đã lặng lẽ
cho một Tổng quản trị về hưu sớm theo cái hướng bãi nhiệm những người
phạm tội và đang xim giảm tiền phạt từ 10 tỷ xuống tám tỷ là cùng.
Vũ Hoàng: Nếu cho là ngân hàng này bị phạt tới 10 tỷ
thì mức thiệt hại đó sẽ như thế nào? Liệu nó có thể gây vấn đề cho hệ
thống tài chính như Thống đốc Ngân hàng Pháp lý luận không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tổ hợp BNP quản lý một lượng tài sản toàn
cầu lên tới hơn hai ngàn 400 tỷ đô la, nhờ số vốn pháp định trị giá hơn
120 tỷ đô la tính đến Tháng Ba vừa rồi, và năm ngoái có lời hơn sáu tỷ.
Khi bị phạt thì coi như họ mất toi tiền lời trong hơn một năm và có lẽ
phải phát hành trái phiếu để gọi thêm vốn cho phù hợp với yêu cầu an
toàn tài chính. Tất nhiên thì đây là một sự thiệt hại nhưng cũng chẳng
đến nỗi làm cho ngân hàng BNP phải sụp đổ và phương hại đến hệ thống tài
chính và ngân hàng Âu Châu.
Vũ Hoàng: Nếu gạt bỏ bên ngoài những yếu tố chính
trị theo quan điểm của Âu Châu, khi đi vào nội dung của việc truy tố thì
người ta thấy ra những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung, dư luận báo chí và kinh doanh
Hoa Kỳ đã quen với hệ thống pháp quyền của nước Mỹ nên không coi vụ này
là một đòn chính trị của Hoa Kỳ nhắm vào Châu Âu hay Pháp. Có khi đây là
một khác biệt về văn hóa.
- Hai chế độ Iran và Sudan không tôn trọng nhân quyền, đàn áp đối lập,
lại còn tiếp tay yểm trợ khủng bố cho nên bị Hoa Kỳ ra lệnh cấm vận. Mục
tiêu là để gây áp lực khiến họ phải thay đổi chính sách. Khi các nước
Âu Châu không coi chuyện ấy là quan trọng và doanh nghiệp Âu Châu còn
giúp hai chế độ này để kiếm lời thì họ mặc nhiên giải tỏa sức ép của Mỹ.
- Các chế độ hung đồ đều có nhu cầu kinh tế như mua hàng của xứ này hay
bán hàng cho xứ kia mà nhiều khi khách hàng của họ lại chơi toàn đồ
quốc cấm, như ma túy hay võ khí. Loại khách đó thì rất chuộng đồng đô la
xanh vì có khả năng giao hoán và thanh toán rất rộng. Cho nên, các ngân
hàng Âu Châu có thể kiếm lời khi giữ vai trò ngân hàng thanh toán cho
chế độ bằng nghiệp vụ chuyển ngân đô la.
- Từ năm 2001, Hoa Kỳ có luật lệ
chống khủng bố rất chặt chẽ và theo dõi việc chuyển ngân đô la nên mới
thấy ra vai trò của ngân hàng BNP trong hệ thống giao dịch ấy. Nếu các
phần tử tà ma mà dùng đồng Euro, đồng Rúp của Nga hay đồng Nguyên của
Tầu thì cứ thoải mái làm ăn, khốn nỗi họ lại ưa tiền Mỹ nên mới dính vào
luật lệ Hoa Kỳ.
Vũ Hoàng: Dường như có sự khác biệt văn hoá giữa hai hệ thống pháp lý Âu Châu và Hoa Kỳ. Thưa ông, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như thế, với ngân hàng Thụy Sĩ
chẳng hạn, thì giúp kẻ trốn thuế hoặc rửa tiền không là cái tội, nhưng
tiết lộ danh tánh thân chủ lại là điều bất khả nếu không do nhà nước yêu
cầu bằng trát tòa hẳn hoi. Theo luật lệ Mỹ thì mấy điều ấy lại là tội
hình cho nên đôi bên mới tranh cãi và dàn xếp và nếu còn muốn kinh doanh
trên thị trường Hoa Kỳ thì các ngân hàng Âu Châu đành phải nhận tội và
nộp phạt. Cũng vậy, công ty Google của Mỹ bị Liên Âu điều tra trong ba năm liền
về tội có ý độc quyền là chuyện chẳng ai nêu ra tại Hoa Kỳ.
- Chúng ta không quên rằng các doang nghiệp tài chính bị nhà nước Hoa
Kỳ hay Anh quốc truy tố về tội xào nấu lãi suất để kiếm lời bất chính
đều là ngân hàng của Âu Châu. Trong khi đó, các ngân hàng Mỹ thì quá
quen với việc bị điều tra nên thường dàn xếp bằng cách nhận tội nhẹ hơn
để bị phạt ít hơn thay vì khăng khăng cãi cọ với biện lý để cuối cùng
thì bị trừng phạt nặng.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, Việt Nam có thể học được gì từ chuyện Âu-Mỹ này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng Hoa Kỳ có trí nhớ và
luật lệ tinh vi phức tạp, nhưng cũng có thói tính toán lời lỗ khi quyết
định truy tố việc vi phạm. Nếu tốn kém nhiều cho việc vặt không đáng thì
cơ quan hữu trách cứ làm như không biết nên kẻ gian lại tưởng là lừa
được Mỹ.
- Thật ra thì họ biết đếm và cứ để đó, có khi cả chục năm sau mới tính
sổ và phạt cả lãi đơn cùng lãi kép. Việt Nam là vùng tranh tối tranh
sáng và không có thông tin minh bạch công lý nghiêm minh nên người ta dễ
gian lận và làm tiền. Nhưng đã có tiền rồi thì phải ngầm đưa qua Mỹ thì
mới an toan để sau này còn hưởng. Vì thế, trong bóng tối Việt Nam,
người ta ném từng bọc tiền qua tường vào thị trường Mỹ mà tưởng là chẳng
ai biết. Bên ngày bờ tường thì đèn đuốc sáng trưng và nhà chức trách cứ
đếm từng bọc. Sau này rất lâu họ mới hỏi là tiền ấy ở đâu ra, đem qua
Mỹ rửa ở những chốn nào, và lập hồ sơ truy tố để cuối cùng thì của thiên
lại trả địa!
- Các chế độ độc tài đều có kinh nghiệm đó, thí dụ như gia đình Tổng thống
Ferdinand Marcos tại Philippines ngày xưa. Việt Nam mới ngoi lên thì
chưa, cho nên vẫn tưởng là mình khôn.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cái ẩn dụ lý thú này!
"Tôi thiển nghĩ rằng Hoa Kỳ có trí nhớ và luật lệ tinh vi phức tạp, nhưng cũng có thói tính toán lời lỗ khi quyết định truy tố việc vi phạm. Nếu tốn kém nhiều cho việc vặt không đáng thì cơ quan hữu trách cứ làm như không biết nên kẻ gian lại tưởng là lừa được Mỹ.
Trả lờiXóa- Thật ra thì họ biết đếm và cứ để đó, có khi cả chục năm sau mới tính sổ và phạt cả lãi đơn cùng lãi kép"
Bich Uyen rat dong y ve loi nhan xet nay cua bac Nghia. BUYen da tung lam viec voi ngan hang My ( Security Pacific Bank, ngan hang Nhat ( Sanwa Bank California va ngan hang Phap ( BNP Paribas - Bank of the West sau khi mua lai United California Bank - combination of Sanwa/Tokai) nen rat hieu ro nhung luat le ve banking tai My. Ngoai nhung vu kiem toan hang nam cua federal ( FDIC), state va IRS, cac ngan hang tai USA con phai lam nhung ban bao cao tai chanh hang tuan, thang, tam ca nguyet (qui), nua nam va hang nam cho cac co quan tren. The nen, neu co nhung vi pham ve luat le cua he thong ngan hang My, thi som muon, hoc cung phanh phui ra thoi.
Cám ơn Bích Uyên.
Trả lờiXóaCác đại gia của ta cứ cướp giật trong nhà rồi ném ra ngoài cho Mỹ giữ hộ mà tưởng là không ai biết!
NXN