Thứ Ba, tháng 6 03, 2014

Siêu Cường Thoái Nhiệm



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 140601
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Một quân xưởng chất đầy đạn giấy....


* Hoa Kỳ phải lãnh đạo thế giới - từ cửa hậu - Cậu Obama dưới nét vẽ Michael Ramirez trên tờ IBD *


Một Tổng thống Mỹ đã cảnh báo như sau trong bài diễn văn sau cùng - và quan trọng nhất - của sự nghiệp: "Thất vọng với cuộc chiến vừa qua, chúng ta hết hy vọng tiến tới một nền hòa bình tốt đẹp hơn vì thiếu can đảm nhận lãnh trách nhiệm trong một thế giới bất toàn. Đừng để tái diễn điều này, vì nếu không, chúng ta lại theo con đường bi thảm đó – con đường dẫn tới Thế chiến III".

Không, đây không là lời phát biểu của Tổng thống Barack Obama trong bài diễn văn cuối cùng vào năm 2016, khi Mỹ rút khỏi cuộc chiến dài nhất lịch sử Hoa Kỳ, tại Afghanistan. Cũng chẳng là lời báo động của Tổng thống George W. Bush hung hăng sau sự bẽ bàng của cuộc chiến Iraq. Tinh thần "can đảm nhận trách nhiệm trong một thế giới không hoàn hảo" có thể là đặc tính của Tổng thống Ronald Reagan nổi tiếng diều hâu. Nhưng ông không là người đưa ra lời cảnh báo đó qua bài diễn văn giã biệt công chúng sau hai nhiệm kỳ Tổng thống, từ 1981 đến 1989.

Tác giả lời khuyên này nói như vậy chỉ ba tháng trước khi ông tạ thế, trong bài diễn văn sau cùng về Tình hình Liên bang, vào Tháng Giêng năm 1945, tám tháng trước khi Thế chiến II kết thúc. Đấy là Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, một lãnh tụ được đảng Dân Chủ coi là thần tượng.

Trước đó nửa thế kỷ, một Tổng thống Roosevelt khác cũng đồng quan điểm là Hoa Kỳ phải lãnh đạo thế giới. Ông còn nêu sáng kiến là lập ra một định chế quốc tế để thực hiện lý tưởng hoà bình cho nhân loại, với vai trò trọng yếu của Mỹ trong định chế đó. Đấy là Tổng thống Theodore Roosevelt bên Cộng Hoà, người lãnh đạo Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20, từ 1901 đến 1909. Về sau, sáng kiến đó được một Tổng thống Dân Chủ đề nghị, là Woodrow Wilson với hội Quốc liên, League of Nations, tiền thân của tổ chức Liên hiệp quốc ngày nay.

Dù đạt nhiều thành tích về nội trị qua hai nhiệm kỳ, từ 1913 đến 1921, đại trí thức Wilson lại thất bại với sáng kiến Quốc liên. Chỉ vì khi đó dân Mỹ muốn quay vào trong sau sự thất vọng với trận Đại chiến Thế giới, một cuộc chiến toàn cầu đầu tiên mà sau này, khi cuộc chiến kia xảy ra, thì mới được gọi là Thế chiến I (1914-1918). Chính là vì thất vọng với "cuộc chiến vừa qua" như F.D. Roosevelt cảnh báo, Hoa Kỳ đã thoái thác và lần lữa trong hai thập niên, mà sau cùng vẫn phải tham dự Thế chiến II. 

Trong hai thập niên đó, dân Mỹ có 10 năm hồ hởi với thành quả phát triển kinh tế, rồi năm năm hốt hoảng với vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933. Cho nên 85 năm trước, họ chú trọng đến kinh tế xã hội ở bên trong và hết quan tâm đến thiên hạ sự ở bên ngoài. Mà thiên hạ sự khi đó là một chuỗi biến động trên đại lục Âu Á dẫn tới cơn địa chấn toàn cầu:

Năm 1931, Đế quốc Nhật đưa quân vào Mãn Châu; tại Âu Châu, Hitler lên cầm quyền năm 1933; Mussolini tấn công Ethiopia năm 1935; năm sau, Hitler và Mussolini hỗ trợ lãnh tụ độc tài Franco trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha; và năm 1937 khi quân Nhật từ Mãn Châu tràn xuống Hoa lục thì Hitler đưa quân vào khu phi quân sự Rhineland, rồi thôn tính nước Áo, tấn công Tiệp Khắc năm 1938 và Ba Lan năm 1939....

Thời ấy, trước đà bành trướng của các thế lực hung đồ, dân Mỹ vẫn thấy chẳng liên can gì đến các vùng xa xôi như Mãn Châu, Ethiopia, Tây Ban Nha hay Tiệp Khắc, Ba Lan. Nhiều chiến lược gia cho là không cường quốc nào lại dại dột vượt đại dương mà tấn công Hoa Kỳ. Thậm chí họ còn nghĩ là dù nước Anh có rơi vào tay Đức quốc xã thì Hoa Kỳ vẫn có thể buôn bán với Đức, y như với Anh và Pháp. Khi mua bán, ai để ý tới lập trường chính trị của khách hàng!

Trong bốn năm liền, từ 1935 đến 1939, Quốc hội Mỹ với lá phiếu lưỡng đảng đã thông qua Đạo luật Trung lập (Neutrality Act): không đứng vào phe nào trong trận chiến Âu-Á và chẳng bán võ khí cho các nước bị xâm lược.

Khi đó, chính Tổng thống F. D. Roosevelt cũng chủ hoà, dù từng là Phụ tá Bộ trưởng Hải quân dưới thời Wilson và trong Thế chiến I. Tháng Chín năm 1938, khi Âu Châu ký Hiệp định Munich, hy sinh Tiệp Khắc để cầu hòa với Đức, Roosevelt vẫn chủ trương trung lập. Một năm sau, đầu Tháng Chín 1939 Thế chiến II chính thức bùng nổ, Hoa Kỳ vẫn đứng ngoài, chỉ góp phần yểm trợ Anh và Pháp. Trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, vào năm 1940, Roosevelt còn hứa hẹn là sẽ tránh cho Hoa Kỳ khỏi bị lôi vào chiến tranh.

Cho tới khi Hải quân Hoa Kỳ bị Đức tấn công vào Tháng 10, rồi Nhật tấn công vào Tháng 12 năm 1941 thì nước Mỹ mới khai chiến. Đấy là lúc Roosevelt đưa ra khẩu hiệu "Hoa Kỳ là Quân xưởng của Dân chủ".... 

Bốn năm sau, ông khuyến cáo quốc dân về lẽ tai hại khi nước Mỹ thiếu can đảm gánh vác trách nhiệm trong một thế giới bất toàn. Trách nhiệm đó là lãnh đạo.

Nhìn từ bên ngoài, nhiều người cứ sợ tinh thần đế quốc của Hoa Kỳ. Thật ra từ bên trong, vì tiếng dân có sức nặng trong nền dân chủ, nhiều Tổng thống Mỹ phải khẩn nài người dân về lẽ hy sinh cho thế giới. Chúng ta có nên nhìn lại toàn cảnh của nghịch lý này chăng?

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, dân Mỹ được bảo rằng lịch sử cáo chung, sự thắng thế của tự do kinh tế và dân chủ chính trị chống lại chủ nghĩa phát xít và cộng sản là tất yếu trong một trật tự mới, với Hoa Kỳ là siêu cường độc bá. Chỉ 20 năm sau, trật tự đó bị lật với vụ khủng bố 9-11 và dân Mỹ đồng tâm nhất chí lao vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Thế rồi khủng hoảng tài chánh và suy trầm toàn cầu bùng lên từ năm 2007 khiến họ hoài nghi kinh tế thị trường, nói về Tổng khủng hoảng, còn các học giả loại cóc nhái như Fareed Zakakia của tờ MNewsweek thì cảnh báo thời lụn bại của Mỹ. 

Hết là "the End of History" mà là "the End of America"!

Nói như một Tổng thống Dân Chủ sau này là Bill Clinton, thật ra Hoa Kỳ là một quốc gia tối cần thiết, indispensable. Nhưng nhiều khi người dân thấy mệt mỏi với trách nhiệm lãnh đạo, chỉ muốn nước Mỹ là một trong nhiều cường quốc và nên chia sẻ gánh nặng toàn cầu với nước khác.

Đó là trạng thái tâm lý ngày nay: đa số dân Mỹ mong quốc gia bớt gánh vác chuyện thiên hạ. Khốn nỗi, thế giới này có sự bất toàn và nguy hiểm không kém gì tình hình của 85 năm trước.

Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, một quốc gia đã dùng võ lực thôn tính lãnh thổ của một xứ khác. Sau khi đánh võ dầu khí và chính trị không xong, Nga đưa quân vào Crimea rồi nhúng tay vào miền Đông của xứ Ukraine, với tầm nhìn và tầm đạn thấu tới ba nước vùng Baltic, xứ Moldovia và cả Ba Lan sau đó. Trong khi đó, Liên hiệp Âu châu bị tê liệt, Liên hiệp quốc nín thinh.

Tại Trung Đông và Bắc Phi, Syria là nơi mà 15 vạn thường dân bị tàn sát trong ba năm liền, cuộc nội chiến chỉ là trận chiến ủy nhiệm của Iran, Nga, Saudi Arabia và cả Turkey, trong khi các lực lượng khủng bố xưng danh Thánh Chiến, dưới lá cờ Al-Qaeda nội hóa, đã lan từ Bắc Phi, Đông Phi đến Tây Phi. Từ Trung Đông qua Đông Á, Iran và Bắc Hàn đều hỳ hục làm bom hạch tâm khiến nhiều xứ khác cũng muốn chế bom để phòng thân. Và trên biển Thái Bình, Trung Quốc thè cái lưỡi bò uy hiếp Việt Nam, Philippines và Indonesia sau này. Nhật Bản hay Ấn Độ thì còn khả năng đương cự chứ các nước Đông Nam Á thì không. Họ nhìn về nước Mỹ.

Đấy là lúc lãnh đạo Hoa Kỳ ăn nói nước đôi: chỉ sử dụng võ lực khi quyền lợi cốt lõi bị đe dọa và chẳng ra quân một mình mà sẽ hợp tác cùng các tổ chức quốc tế và cường quốc khác. Nếu các tổ chức quốc tề và cường quốc Âu Á có khả năng xử lý thì những mối nguy ở trên đã chẳng xảy ra. Chính là sự lần lữa thoái bộ của Hoa Kỳ từ mấy năm nay mới cám dỗ các chế độ hung đồ và dẫn tới nguy cơ Thế chiến III mà Roosevelt báo động 70 năm về trước.

Chúng ta tiến tới chuyện ngày nay, khi Tổng thống Barack Obama qua Âu Châu dự lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của Hoa Kỳ tại Normandie ngày sáu Tháng Sáu năm 1944. Ông có cơ hội điều chỉnh lại cho tinh tế hơn những chuyện vu vơ đã nói tuần trước tại trường Võ bị West Point về đối sách ngoại giao của nước Mỹ. Lãnh đạo xuất sắc là người thuyết phục chứ không chạy theo quần chúng.

Nếu không, "Quân xưởng của nền Dân chủ" chỉ là kho đạn giấy.


______________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ

Chỉ ba tháng sau khi ra chiến trường, một hạ sĩ vội chán chường chiến tranh và khinh thường quân đội. Ba ngày sau khi gửi email cho cha mẹ than vãn điều ấy thì chàng mất tích giữa vùng hỏa tuyến, khiến quân đội phải mở chiến dịch truy tìm để giải cứu và chết mất mấy con. Không rõ là 1) chàng uống rượu say nên chạy khỏi đồn, 2) muốn đào ngũ để ngao du sơn thủy, hay 3) bị lạc đơn vị nên rơi vào tay quân thù - và trở thành công cụ tuyên truyền cho địch. Cả ba giả thuyết ấy được báo chí viết ra từ Tháng Sáu năm 2009 và tờ Rolling Stone thiên tả đã có nhiều bài chi tiết về vụ này từ giữa năm 2012 - mà chưa có giải đáp. Chuyện lạ là trong khi đó chàng lại lên lon Trung sĩ, từ Private First Class pfc lên Sergeant.

Lạ hơn vậy, năm năm sau thì cha mẹ nhận được Tổng thống báo tin vui qua điện thoại: con trai của ông bà đã được giải cứu. Cái giá của thắng lợi giải cứu tù binh, hay con tin, là phóng thích năm tay trùm khủng bố của lực lượng Taliban đã bị giam giữ trong trại tù Guantanamo. Đấy là chuyện của Sgt. Bowe Bergdahl. Chuyện chỉ có tại nước Mỹ dưới thời Obama.

1 nhận xét:

  1. giá trị của lịch sử là đây, ôn lịch sử để nhận định tương lai. Em đã nghe câu này và bây giờ nhờ bác em có cảm nhận thật rõ giá trị của lịch sử. Bài bình luận viết thế này mà đem vào dạy lịch sử thế giới hiện đại thì hay biết mấy. Quá sát và gợi ra sự suy nghĩ vô cùng cho những ai yêu thích!

    Trả lờiXóa