Thứ Năm, tháng 7 10, 2014

Hoa Kỳ Lưỡng Bề Thọ Địch



Hùng Tâm "Hồ Sơ Người-Việt" Ngày 140709

Chuyên đánh đòn xóc, nước Mỹ lãnh cả hai đầu....

* Vừa tuyên thệ nhậm chức Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ vào Tháng Tư, đến Tháng Bảy đã bị Bahrain trục xuất *




Hoa Kỳ có truyền thống đối ngoại là hay tạo ra một tương quan lực lượng giữa các cường quốc bên ngoài để các nước canh chừng nhau mà không nước nào có thể thách đố quyền lực của Mỹ.

Vì chính sách thực dụng mà Hoa Kỳ hợp tác với Liên bang Xô viết để chống Đức quốc xã trong Thế chiến II, rồi giải vây và hợp tác với Trung Quốc để làm Liên Xô suy yếu như từ năm 1972 giữa thời Chiến tranh lạnh. Với chiều hướng đó, Hoa Kỳ có thể buông rơi đồng minh mà bắt tay với kẻ thù cũ. Những thí dụ như vậy kể ra thì rất nhiều.

Gần đây là sau vụ khủng bố 9-11, khi mở chiến dịch tấn công Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban và tiêu diệt lực lượng al-Qaeda theo hệ phái Hòi giáo Sunni, Hoa Kỳ kín đáo hợp tác với một nước khét tiếng chống Mỹ là Iran, thuộc sắc tộc Ba Tư theo hệ phái Shia. Khi vào Iraq thì Mỹ lật đổ chế độ Saddam Hussein và hệ phái Sunni thiểu số bằng cách bắt tay với phe Shia thân Iran. Đến lúc khó khăn thì Chính quyền Bush dồn quân đánh tới để bắt tay với các lãnh tụ Sunni và tạo ra tương quan lực lượng giữa hai phe Sunni và Shia để Mỹ có thể rút lui khi hai phe canh chừng lẫn nhau.

Nhưng ngày nay, tình hình có thay đổi và Hoa Kỳ đang thọ địch từ cả hai đầu. "Hồ Sơ Người-Việt" sẽ tìm hiểu chuyện này qua một tin thời sự ít được chú ý....



NHÀ NGOẠI GIAO MỸ BỊ ĐUỔI


Hôm Thứ Hai mùng bảy Tháng Bảy, Vương quốc Bahrain chính thức tuyên bố rằng một nhà ngoại giao Mỹ là nhân vật "không được hoan nghênh". Theo ngôn từ ngoại giao là "persona non grata". Nói nôm na là kẻ bất hảo và lập tức bị trục xuất.

Nhà ngoại giao không là một viên chức Mỹ ở thủ đô al Manama của Bahrain bị dính vào chuyện tình báo, mà là Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. Ông Tom Malinovski đến Bahrain vì công vụ chứ không đi du lịch và xác nhận rằng ông bị trục xuất.

Mà Bahrain cũng chẳng là một nước thù nghịch Hoa Kỳ. Tại đảo quốc bé xíu này, Đệ ngũ Hạm đội Mỹ lập căn cứ của để canh chừng cả vùng Vịnh qua Hồng hải đến một phần của Ấn Độ dương. Như vậy, tin thời sự là một quốc gia đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông vừa trục xuất một nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ!

Lý do?

Theo Chính quyền Manama thì Mỹ vừa xen vào chuyện nội bộ của Bahrain khi Malinovski tiếp xúc với lãnh tụ Al Wefag của một nhóm Shia lớn nhất tại Bahrain và vi phạm nghi lễ ngoại giao. Ông Malinovski giải thích trên Twetter rằng ông bị trục xuất vì Chính quyền Manama của hệ phái Sunni thiểu số tại Bahrain muốn phá vỡ việc đối thoại với đối lập, thuộc hệ phái Shia. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm rằng việc Phụ tá Malinovski tiếp xúc với Al Wefag đã có sự dàn xếp của giới chức Bahrain.

Loại tin thời sự rất lạ như vậy lại ít được truyền thông Mỹ loan tải, cho nên nếu thiếu chú ý thì ta mất cơ hội suy nghĩ về thế lực của Hoa Kỳ trong một khu vực hỗn mang nhất của Hồi giáo.

Hãy thử suy nghĩ xem sao....



NỘI DUNG BẢN TIN


Sau vụ tàn sát bị ém nhẹm tại Benghazi của Libya vào Tháng Chín năm 2011 khiến bốn người Mỹ thiệt mạng, kể cả viên Đại sứ, người ta biết rằng giới ngoại giao phải được cơ quan an ninh Bộ Ngoại giao bảo vệ. Tại Bahrain, cơ quan Diplomatic Security Service này cần điều phối với viên chức Bộ Nội vụ Bahrain khi nhà ngoại giao là một Phụ tá Ngoại trưởng. Cuộc tiếp xúc với đối lập có thể là do phía Mỹ đề nghị, nhưng phải có sự chấp thuận và dàn xếp của Bahrain, và đã khởi sự trong vòng bí mật để khỏi xâm phạm vào uy tín của Chính quyền Manama.

Thế rồi chuyện gì đã xảy ra sau buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Phụ tá Malinovski và lãnh tụ Al Wefag mà làm Bahrain nổi đóa?

Hỏi cách khác, Hoa Kỳ đề nghị những gì với phe đối lập của Bahrain, hoặc đòi hỏi chính quyền Manama những gì, mà vị sứ giả của mình bị đuổi ra khỏi Bahrain? Là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ tại Trung Đông, đáng lẽ Chính quyền Manama có thể lặng lẽ yêu cầu chấm dứt việc đối thoại hay hòa giải hòa hợp kiểu Mỹ, hoặc kín đáo phàn nàn với Washington về Phụ tá Malinovski, chứ cớ sao lại công khai kết án và trục xuất một Phụ tá Tổng trưởng của Hoa Kỳ?

Có lẽ, Bahrain công khai hóa mâu thuẫn với Hoa Kỳ qua một phương pháp bất thường là vì muốn các nước và các lực lượng chính trị Hồi giáo cùng biết.

Là một đảo quốc chỉ có triệu dân, từng gặp nội loạn trong "Mùa Xuân Á Rập" năm 2011 và được Vương quốc Saudi Arabia gửi quân vào dẹp loạn, Bahrain có thể khó chịu về lời cổ võ cho dân chủ của Phụ tá Ngoại trưởng Malinovski. Nhưng sở dĩ Bahrain dám có thái độ phũ phàng với một đồng minh ở xa chính là nhờ hậu thuẫn của một láng giềng ở gần, là Saudi Arabia.

Từ vài năm nay, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Saudi Arabia tiếp tục suy đồi và Hoàng gia Saudi nhiều lần công khai bày tỏ bất đồng với Chính quyền Barack Obama. Đồng minh chiến lược nhất của Hoa Kỳ trong vùng Vịnh hết tin tưởng vào khả năng hay ý chí bảo vệ của nước Mỹ và còn e sợ là Hoa Kỳ sẽ gây loạn cho mình. Bahrain vừa là phát ngôn viên của tinh thần đó.

Hồ Sơ Người-Việt xin lùi lại để nhìn vào bối cảnh chung của toàn khu vực.



TRUNG ĐÔNG GIỮA VÒNG LỬA ĐẠN


Khu vực hỗn mang này có nhiều sắc tộc và hệ phái Hồi giáo đã lâm vòng tranh chấp từ lâu.

Mâu thuẫn giữa hai hệ phái Sunni và Shia là một bài toán sinh tử. Sự cạnh tranh thế lực giữa Saudi Arabia thuộc sắc tộc Á Rập theo hệ phái Sunni và Iran thuộc sắc tộc Ba Tư theo hệ phái Shia là bối cảnh tranh hùng giữa hai cường quốc cấp vùng.

Khi phong trào đòi hỏi dân chủ bùng lên tại Bắc Phi và Trung Đông từ đầu năm 2011, hai Vương quốc Saudi và Bahrain đều bị chấn động. Họ không yên tâm khi Hoa Kỳ lặng thinh với ách dộc tài của các Giáo chủ Iran mà hy sinh một đồng minh là Tổng thống Hosni Mubarak tại Ai Cập, để phong trào Huynh đệ Hồi giáo thắng lớn với chủ trương xây dựng một thế lực Hồi giáo có thể đe dọa nền quân chủ của mình. May là quân đội Ai Cập lại tái xuất hiện để đẩy lực lượng Huynh đệ Hồi giáo này vào tù.

Tiếp theo, khi nội chiến bùng nổ tại Libya, Hoa Kỳ lại ngả theo sức ép của các nước Âu Châu mà nhảy vào can thiệp. Là người biết sợ sau khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, lãnh tụ Muamar Ghaddafi vẫn bị lật đổ rồi bị hạ sát. Libya trở thành vùng oanh kích tự do của các lực lượng võ trang xưng danh Thánh Chiến Jihad, một mối nguy khác cho Hoàng gia Saudi và Bahrain.

Trong khi đó, từ năm ngoái, Hoa Kỳ từ chối can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria để xứ này trôi vào đại loạn khiến gần hai trăm ngàn người mất mạng, với sự thắng thế của một lực lượng khủng bố đang đòi thống nhất cả thế giới Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của một Giáo chủ mới. Hoa Kỳ không muốn góp phần lật đổ một chế độ tàn ác và thân hữu của Iran tại Syia mà bán cái cho Liên bang Nga.

Từ Syria, lực lượng xưng danh "Quốc gia Hồi giáo tại Iraq và Đông phương" (Islamic State of Iraq and the Levant, ISIL) đã tràn qua Iraq và cải danh thành Đế quốc Hồi giáo mà Chính quyền Obama lại nói rằng mình bị bất ngờ. Làm sao có chuyện bất ngờ khi tình báo và quân báo Hoa Kỳ đã hoạt động rất lâu trong khu vực này, ít ra từ 10 năm trước?

Ở rất xa, mãi tận Tây Phi, lực lượng Boko Haram bỗng dưng nổi danh với thành tích bắt cóc 276 nữ sinh khiến Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama của Hoa Kỳ cũng mủi lòng nhảy vào cuộc. Bà tỏ ý thương tiếc và kêu gọi hành động. Rồi thôi. Ngày nay, chẳng còn ai nói đến số phận của các nữ sinh hay thành tích của lãnh tụ Hồi giáo Abubakar Shekau.

Với Hoàng gia Saudi, giọt nước tràn ly là khi Mỹ muốn cải thiện quan hệ để hợp tác với các Giáo chủ Iran, bất chấp rủi ro là Tehran có thể tiếp tục kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm và củng cố chế độ thần quyền tại Iran bằng ách độc tài. Võ khí ấy không thể bắn tới Hoa Kỳ, nhưng là mối nguy sinh tử cho Hoàng gia Saudi tại kinh đô Riyadh. Và thế lực của Iran theo hệ phái Shia càng được tăng cường tại Baghdad của Iraq lại càng là nỗi lo cho Saudi Arabia.

Là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ tại Trung Đông, Saudi Arabia rơi vào cảnh tứ bề thọ địch và hết tin vào khả năng giải quyết của Chính quyền Obama.

Khi nhìn lại toàn cảnh, ta thấy các nước Á Rập Hồi giáo của hệ phái Sunni đều lâm nạn. Họ bị phong trào Thánh Chiến của phe cực đoan gây sức ép về tôn giáo. Họ sợ phong trào dân chủ sẽ đe dọa nền tảng chính trị của Vương quyền. Trong khi đó, hệ phái Shia dù có là thiểu số trong thế giới Hồi giáo vẫn là một thách đố trường kỳ, kết tinh vào cường quốc Iran, đã có dầu khí và sẽ có đầu đạn nguyên tử.

Còn Hoa Kỳ thì muốn buông tay thả nổi tất cả để lo chuyện ở nhà. Mà vẫn không xong. Tuần nào nước Mỹ cũng khám phá ra một vụ khủng hoảng mới, từ y tế đến thương binh, từ hôn nhân đồng tính đến phá thai hay đổi giống nam nữ, hoặc di dân nhập lậu sau một bầy con nít được chở qua biên giới và thả giữa đồng!

Trong hoàn cảnh đó, khi Phụ tá Ngoại trưởng Malinovski tới Bahrain để nói chuyện dân chủ với một lãnh tụ Shia thì ông ta bị Chính quyền Manama đuổi về. Hoàng gia Saudi và Bahrain muốn bật ra tín hiệu rõ rệt với Hoa Kỳ: lối đung đưa của Mỹ giữa các thế lực đối nghịch trong khu vực Trung Đông là trò chơi nguy hiểm cho các nước Á Rập Sunni thân Mỹ.

Rút tỉa kinh nghiệm của các đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, một danh mục rất dài với nhiều trang bi thảm, họ e ngại nhãn hiệu "thân Mỹ". Thà là đối thủ của Hoa Kỳ như Iran thì còn được ve vãn, chứ cứ theo Mỹ thì có ngày bị đâm vào lưng. Rồi khi hữu sự như hiện nay thì vẫn phải lấy sức mình là chính!

________________________________________


Kết luận ở đây là gì?


Từ thời lập quốc, Hoa Kỳ vẫn đề cao lý tưởng tự do dân chủ nhưng khéo khai thác mâu thuẫn của các nước để bảo vệ quyền lợi của mình. Mâu thuẩn Anh-Pháp, mâu thuẫn Đức-Nga, mâu thuẫn Nga-Hoa là những tiêu biểu. Một cách khai thác thần tình là tạo ra cái thế quân bình bất ổn giữa các thế lực ở xa để không cường quốc nào có thể đe dọa nước Mỹ.

Trong thế giới Hồi giáo, mâu thuẫn giữa hai phe Sunni và Shia đã có từ khi Hoa Kỳ chưa hiện hữu, rồi được Mỹ khai thác theo chiều hướng cố hữu, khi thì ủng hộ phe này, khi lại hợp tác với phe kia.

Nhưng từ hai năm nay, mâu thuẫn chồng chất bên trong nước Mỹ khiến Chính quyền Obama thả nổi thiên hạ sự để khỏi bị mắc mứu vào những tranh chấp sắc tộc hay tôn giáo ở xa. Với kết quả là Hoa Kỳ bị đòn xóc ở cả hai đầu. Trong khi các chính khách Mỹ bận lo vụ tranh cử 2014 và 2016 và chẳng ai lên tiếng về vụ một Phụ tá Ngoại trưởng bị đồng minh tống cổ về nước.

11 nhận xét:

  1. Ba ngày sau khi một Phụ tá Ngoại trưởng bị một đồng minh chiến lược tại Trung Đông trục xuất thì đến lượt trưởng lưới tình báo của Mỹ bị một đồng minh chiến lược tại Âu Châu đuổi về!

    Hoa Kỳ này kỳ thật! Thành tích của Obama hay cũng lại là tội của Bush>

    NXN

    Trả lờiXóa
  2. Mỹ luôn luôn và mãi mãi là một tên đểu cáng trong chính sách ngoại giao, sẵn sàng đạp lên xác chết của dân tộc khác để đạt được mục đích cho quyền lợi của mình mà Nam Việt Nam - Việt Nam Cộng Hoà - là một điển hình.
    Việt Cộng đã gán cho Mỹ một cái tên vô cùng chính xác: "SEN ĐẦM QUỐC TẾ".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 8CL ơi,

      Sự tình nó éo le ở chỗ 1) xứ nào cũng phải bảo vệ quyền lợi của mình, và 2) nếu không có "sen đầm quốc tế" thì đạo tặc Nga-Hoa lại lộng hành!

      Cho nên, cứ trông vào Mỹ là dại, nhưng đồng thời, nếu là người Mỹ, thì cũng phải gây sức ép để chính quyền Mỹ không thể ngoảnh mặt làm lơ, hoặc giao du cùng bọn côn đồ ăn cướp.

      Vấn đề dĩ nhiên là không đơn giản...

      NXN

      Xóa
  3. Bác Nghĩa !
    Trong quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới có một quan niệm " làm bạn với Mỹ nguy hiểm hơn làm kẻ thù của Mỹ ". Từ các sự kiện đã diễn ra hiện nay ở Bắc Phi, Trung Đông, bài học của Việt Nam Cộng hòa thì bác cho cháu hỏi là trong quan hệ quốc tế hiện nay thì những nước nhỏ ( như Việt Nam ) thì nên làm " bạn " hay làm " kẻ thù " của nước Mỹ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua truyen thong cua My, toi da nghe tong thong Karzai cua Aghanistan da tung phat bieu nhu sau: " Lam ke thu cua My con duoc kinh trong hon la lam ban voi My".

      Khi nhan duoc vien tro cua My ma lai bo vao tui rieng, tham o va hoi mai quyen the thi lam sao co the doi hoi duoc su kinh trong cua nguoi My?

      Xóa
    2. Chuyện "bạn thù" với Mỹ chẳ g đơn giản và không chỉ có Hamid Karzai mới than như vậy và so sánh thì ông ta còn xoay trở khá hơn nhiều người.

      Bich Uyên nói đến sự kính trọng của người Mỹ, đúng là cần thiết, nhưng của chính quyền Mỹ lại còn quan trọng hơn. Chẳng kém gì sự thông cảm của truyền thông mù loà của Mỹ. Không một quốc gia nào nhận viện trợ mà có lãnh tụ tham nhũng ăn tiền của Mỹ nều không có sự giúp đỡ đắc lực của viên chức Mỹ.

      Một lãnh tụ chẳng xin tiền của Mỹ vì đất nước có dầu, mà còn cho chính khách Mỹ ăn tiền, là Quốc vương Iran. Ông ta vẫn bị Mỹ bỏ rơi thời Jimmy Carter để các Giáo chủ vào Tehran làm "cách mạng" năm 1979 và bắt giữ dân Mỹ làm con tin. Ngày nay, Iran vẫn là bất khả xâm phạm!

      Chuyện không đơn giản!

      NXN

      Xóa
  4. Anh Nguyễn Xuân Nghĩa cho bà con biết ít điều về S.Res.412 vừa mới được Thượng viện Mỹ thông qua. Cám ơn anh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ có một bài về quan hệ Mỹ-Hoa, nhất là sau hội nghị tay đôi vừa qua tại Bắc Kinh.

      Nếu tò mò, xin bạn gõ trên Google chữ S. Res. 412 thì sẽ thấy là truyền thông Mỹ KHÔNG loan tin này, toàn là truyền thông tiếng Việt mà thôi.

      Có một sự thật bẽ bàng mà nhiều anh em trong nước vẫn chưa hiểu, chuyện Đông Hải là ưu tiên rất thấp của Hoa Kỳ, ít ra là trong lúc này.

      Dù sao, Nghị quyết không có tính chất cưỡng chế của Thượng Viện Hoa Kỳ cũng là một cách ghi vào hồ sơ, để lưu trữ, rằng trong lúc này, Quốc hội Mỹ đã có lên tiếng. Có ngày họ sẽ moi ra để hỏi (tội) là vì sao Hành pháp Mỹ không đếm xỉa gì tới khuyến nghị đó....

      Người Việt Nam tại Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn để nêu lên câu hỏi đó.

      NXN

      Xóa
  5. Ơ hay,

    Một số bạn trông chờ vào Mỹ, xong rồi lại trách Mỹ đểu, có thấy mâu thuẫn không. Tại sao các bạn không tự trách mình rằng, mình đểu với chính mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Lý này cứ xưng là toét mà lại là người sáng nhất.

      Than ôi, có mấy ai suy nghĩ như Cụ đây?

      NXN

      Xóa
  6. Nặc danh21/2/17 5:45 SA

    Em rất thích giọng viết và cách trình bày mạch lạc của tác giả Hùng Tâm trong bài viết này. Em đã bookmark bài viết này gần ba năm nay bây giờ mở ra đọc lại.
    Dù biết một nước nhỏ thì luôn phải chịu sự khống chế của nước lớn láng giềng cùng sự ràng buộc của địa chính trị. Nhưng vì lịch sử bành trướng của Trung Hoa với các dân tộc lân bang cứ làm cho một người Việt như em cảm thấy bất an nên vẫn thấy nếu VN tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước khác cũng vẫn hơn là chịu sư lệ thuộc hay tự an bài đê mất biển đảo.
    S.Res.412
    https://www.congress.gov/bill/113th-congress/senate-resolution/412/text

    Trả lờiXóa