Thứ Ba, tháng 12 09, 2014

Mặc Cảm Trắng – Bi Thảm Đen



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 141208
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Khi nào ca khúc "White Chrismas" sẽ là biểu tượng kỳ thị da đen?   

* Ferguson khói lửa mù trời cũng là thời của bọn hôi của *


Người ta có thể hoài nghi tương lai Hoa Kỳ, chỉ vì - ngẫu nhiên sao - tuần qua dư luận Mỹ gặp toàn tin xấu.

Gần như cùng ngày, khi nhiều đường phố tại Hoa Kỳ bị một số dân biểu tình đập phá và hôi của thì một định chế tài chánh là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố ước tính cập nhật về sức sản xuất của kinh tế Trung Quốc: vừa vượt Mỹ để đứng đầu thế giới. Trong khi đó, cái đồng hồ quái ác kia vẫn tích tắc từng trăm triệu bạc: số công trái của Mỹ vừa lên tới 18 ngàn tỷ đô la! Từ rất xa, Tổng thống Nga quên hẳn những than van trong bài diễn văn về tình hình Liên bang ông đọc trước lưỡng viện Quốc hội hôm Thứ Năm mùng bốn mà nhấn mạnh đến vụ khủng hoảng tại Ferguson như một biểu tượng về nạn kỳ thị đầy bất công của xã hội Mỹ....

Chúng ta hãy cùng nhìn vào cái nạn đó.


***

Cách nhau chín ngày, ngày 24 Tháng 11 rồi mùng ba Tháng 12, đại bồi thẩm đoàn ở hai nơi có một phán quyết tương tự: không truy tố viên cảnh sát da trắng đã gây ra cái chết cho hai người da đen.

Việc viên cảnh sát Darren Wilson được miễn tố sau khi bắn chết một thiếu niên da đen là Michael Brown tại trị trấn Ferguson của tiểu bang Missouri vào Tháng Tám vừa gây chấn động trong xã hội Mỹ, với hàng trăm cuộc biểu tình và cả chục vụ đốt phá, thì lại có phán quyết của đại bồi thẩm đoàn tại thành phố New York. Viên cảnh sát Daniel Pantaleo được miễn tố dù đã cùng nhiều cảnh sát khác vật ngã và bóp cổ một thanh niên da đen là Eric Garner khiến anh ta chết vì nghẹt thở vào Tháng Bảy.

Về pháp lý, hai vụ có nhiều khác biệt - chi tiết khảo sát của đại bồi thẩm đoàn trong vụ Garner chưa được công bố - nhưng ấn tượng chung của nhiều người là 1) nhân viên công lực Mỹ có thói bạo hành, 2) tập trung vào cộng đồng da đen, 3) cho nên nạn kỳ thị da đen của nước Mỹ vẫn còn phổ biến. Đấy là ấn tượng.

Sự thật thì quả nhiên dân da đen là nạn nhân trong xã hội Mỹ. Còn lại, họ là nạn nhân của ai thì đấy lại là vấn đề chính trị.

Theo cơ quan FBI, nạn giết người là lý do chính làm thanh niên da đen bị thiệt mạng, với tỷ số cao gấp 10 thanh niên da trắng. Dù chỉ chiếm 13% dân số toàn quốc, người da đen lại gây ra đa số các vụ sát nhân trong xã hội. Nhưng thủ phạm của hơn 90% những vụ giết người da đen cũng lại là người da đen.

Cảnh sát có tội khi họ không ngăn được nạn bạo hành bên trong cộng đồng da đen, nơi tội ác xảy ra gấp bội, từ bẩy lần tới cả chục lần nếu so với dân da trắng. Nhưng nếu họ tích cực thi hành công vụ - và lãnh rủi ro rất lớn về mọi mặt, kể cả bị hạ sát - thì lại đạt một kết quả đáng dị nghị không kém: đa số những kẻ phạm pháp trong tù lại là người da đen. Phải chăng, dân da đen bị trù rập khi được nhân viên công lực chiếu cố?

"Trù rập" hay "chiếu cố" lại có định nghĩa chính trị hơn là pháp lý.

Trong vụ Eric Garner bị xiết cổ chỉ vì bán thuốc lá lậu thuế, viên cảnh sát chỉ huy việc bắt giữ là sĩ quan da đen, một nữ cảnh sát, và Garner có thể mắc bệnh xuyễn. Nhưng chẳng khác gì vụ nhiếp ảnh gia Eddie Adams chụp hình Tướng Nguyễn Ngọc Loan hành quyết một tay đặc công Vỉệt cộng trong vụ Mậu Thân 68, hình ảnh thu vào ống kính trong một khoảnh khắc đã thành "sự thật muôn đời".

Lại một người da đen bị thiệt mạng vì cảnh sát da trắng. Truyền thông và chính giới Mỹ góp phần dựng lại cái chân lý méo mó đó.

Xã hội Hoa Kỳ quả thật là có thảm kịch của người da den. Nó xuất phát từ chế độ buôn bán nô lệ Phi Châu rất phổ biến ngày xưa. Nhưng chế độ ấy đã chấm dứt từ lâu dù nhiều lãnh tụ da đen, kể cả dân biểu Charlie Rangel của đảng Dân Chủ tại Harlem, vẫn cứ phủ nhận.

Chính là một Tổng thống Cộng Hoà, Abraham Lincoln, đã đưa nước Mỹ vào cuộc Nội chiến và sau cùng chiến thắng để kết thúc trang sử đen tối này. Ngay giữa Nội chiến 1861-1864, Lincoln đã ra bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Sau khi Nội chiến chấm dứt, Quốc hội trong tay Cộng Hoa đã biểu quyết Tu chính án 13 của Hiến pháp vào đầu năm 1865 để bãi bỏ chế độ nô lệ. Trăm năm sau, cũng lại phe Cộng Hoà, với tỷ lệ cao hơn Dân Chủ, đã ủng hộ Đạo luật Dân quyền năm 1964 và Đạo luật Đầu phiếu năm 1965 để loại bỏ nạn kỳ thị vì lý do sắc tộc.

Đấy là loại sự thật lịch sử đã bị truyền thông và chính giới lãng quên khi người ta cứ kết luận rằng đảng Cộng Hoà là của dân da trắng, có tinh thần kỳ thị chủng tộc, nhưng may là có đảng Dân Chủ của dân nghèo đã tích cực bảo vệ người da màu.

Trong vụ khủng hoảng về chủng tộc đang xảy ra, giữa nhiều vụ khủng hoảng khác, hai lãnh tụ da đen là Tổng thống Barack Obama và Tổng trưởng Tư pháp (đã từ chức mà chưa mãn nhiệm) là Eric Holder tiếp tục khai thác sự thật méo mó đó. Chung quanh là nhiều nhân vật đấu tranh cho dân quyền của da đen, như các mục sư Al Sharpton, Jessie Jackson hay giáo sĩ Hồi giáo Louis Farrakhan, đều tham gia trò chơi đổ dầu vào lửa mỗi khi có thảm kịch cho người da đen.


***


Sự thật thì nạn nhân lẫn thủ phạm của tội ác và các vụ bạo hành trong cộng đồng da đen là người da đen. Nguyên nhân có thể là kinh tế (lợi tức quá thấp so với trung bình), xã hội (cách sinh sống và đẻ con, với tỷ lệ rất cao của các bà mẹ độc thân ở tuổi vị thành niên), hay văn hóa giáo dục (nhiều người quy tội cho ai khác, hoặc tin rằng nhà nước phải chu cấp nhu cầu chính đáng của họ). Đây là bài toán nghiêm trọng của nước Mỹ và cần một nỗ lực toàn quốc để tìm ra giải pháp cho lâu dài.

Lý do là nếu bạo động cứ xảy ra trong khu vực sinh hoạt của người da đen thì tình hình kinh tế sa sút sẽ kéo dài thảm kịch. Chỉ một thiểu số may mắn ra rút chân khỏi vùng giao tranh mà tìm một cuộc sống khác ở nơi khác, chứ đa số vẫn là nạn nhân trong cõi lầm than triền miên. Việc trợ giúp người da đen là quyết định chính đáng, nhưng người ta cần cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau để tránh loại hậu quả bất lường là làm thui chột ý chí phấn đấu và gây phản ứng ỷ lại.

Không thiếu gì người da đen đã thật sự phấn đấu, và nói ra chân lý này. Nhưng họ khó vượt qua hiện tượng gọi là "mặc cảm da trắng" - chữ của Tổng thống Dân Chủ Bill Clinton. Nhiều người da trắng thiên tả, tự xưng là cấp tiến hay tiến bộ, coi nạn ngược đãi dân da đen là một loại tội tổ tông của nước Mỹ, đến độ họ trở thành thiên lệch trong cách giải quyết.

Nhiều người khác còn tệ hơn vì tìm lợi thế chính trị khi khai thác vấn đề sắc tộc trắng đen. Thí dụ như để kiếm phiếu của thiểu số da đen. Hậu quả vẫn là củng cố những ghettto da đen trong xã hội Mỹ.

Tổng thống Obama lỡ dịp làm nên lịch sử vì chẳng nêu vấn đề một cách khách quan và đề nghị một kế hoạch giải quyết cho toàn dân và hai đảng. Ông cũng là một nạn nhân của vụ Ferguson. Với đà này, sẽ có ngày ca khúc "White Christmas" bị kết án là đề cao da trắng và kỳ thị da đen!

___________________________


Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ


Trong vụ bầu cử tháng trước, Thị trưởng Don Cravins của thành phố Opelousas tại tiểu bang Louisiana đã có lời khuyên lịch sử: "Hãy đi bầu sớm. Và ngày mai bầu nữa". Luật Lousiana cho đi bầu sớm, Thị trưởng Cravins của đảng Dân Chủ còn chu đáo hơn mà kêu gọi cử tri đi bầu thêm - mà khỏi sợ vi phạm luật bầu cử. Chỉ vì cùng lời khuyên đó hôm mùng ba Tháng 11, ông cho cử tri biết là mai này ta sẽ bầu ông Earl Taylor làm Biện lý thì ông ta chẳng truy tố ai đâu! Con trai của viên Thị trưởng tài ba này là Đổng lý Văn phòng của Nghị sĩ Dân Chủ Mary Landrieu. Dù có kẻ khôn ngoan hốt phiếu như vậy, bà Landrieu vẫn đại bại, thua 12 điểm, trong cuộc bầu cử chung quyết vào Thứ Bảy vừa qua. Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ là lề thói bầu cử gian lận này đã được phanh phui. Và cái đề nghị việc xét thẻ căn cước của cử tri trước khi vào phòng phiếu không là một ý tưởng mang tính chất kỳ thị thiểu số.

1 nhận xét:

  1. Cháu không biết mấy tiểu bang khác ra sao, chứ từ ba mẹ gia đình rồi bạn bè người châu Á của cháu rất thần tượng obama. Nhưng khi hỏi họ lý do vì sao hâm mộ obama thì câu trả lời cháu thường thấy nhất là bởi vì obama là 1 tổng thống da màu( không trắng) đầu tiên. Mà nghịch lý ở chỗ là thần tượng tổng thống da màu, nhưng lại ghét và sợ khi sống và làm việc gần người da đen. Còn những suy nghĩ của họ nói về người da trắng như là người da trắng kì thị chủng tộc lắm. Nhưng họ lại không sợ mà nhiều lúc còn thích sống gần người da trắng.

    Trả lờiXóa