Hùng
Tâm / Người Việt Ngày 141203
"Hồ Sơ Người-Việt"
Quốc dân đảng Trung Hoa bị dân Đài Loan trừng phạt
*Giáo sư Kha Văn Triết, khi tranh cử chức Đô trưởng Đài Bắc *
Hôm Thứ Ba mùng hai, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)
là Mã Anh Cửu tuyên bố từ chức Chủ tịch Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Quyết định của
ông có hiệu lực ngay hôm sau. Dù hết lãnh đạo Quốc Dân Đảng (được quốc tế gọi tắt
là KMT), Mã Anh Cửu vẫn là Tổng thống cho đến kỳ bầu cử tới vào năm 2016, trừ
phi lại có một cuộc khủng hoảng nữa.
Có thể là vì tin rằng Mã Anh Cửu tiếp tục là Tổng thống Đài
Loan, truyền thông Hoa Kỳ loan tin này rất ngắn. Tờ The Wall Street Journal chạy
tin nhỏ bằng một bàn tay phụ nữ ở góc trang A10.
Thật ra, chúng ta vừa chứng kiến một biến động có ý nghĩa. Đài
Loan như một mẫu hạm lặng lẽ dời xa tầm nhắm của Bắc Kinh - và sẽ là vấn đề cho
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng.
Về bối cảnh, hôm Thứ Bảy 29 Tháng 11 vừa qua, Đài Loan có cuộc
bầu cử hội đồng hàng tỉnh và các chức vụ hành chánh cấp vùng và Quốc Dân Đảng đang
nắm Hành pháp bị đại bại. Đến 60% người dân sẽ sống trong các đơn vị hành chánh
có thị trưởng thuộc về đảng đối lập Dân Chủ Tiến Bộ (đảng Dân Tiến), được viết
tắt theo Anh ngữ là DPP.
Đấy là lý do khiến Thủ tướng Giang Nghi Hoa cùng nội các 81
người lập tức từ chức. Hôm sau, đến lượt Mã Anh Cửu cũng nhận trách nhiệm mà từ
chức Chủ tịch Quốc Dân Đảng. "Hồ Sơ Người-Việt" sẽ tìm hiểu tại sao Quốc Dân Đảng vừa thất cử và hậu quả sẽ
là gì? Nhìn theo tấm lịch thì người ta có thể thấy ra ba biến cố báo hiệu.
Hoa Hướng Dương
Thứ
nhất là Hoa Hướng Dương. Dân Đài Loan bất mãn việc đảng cầm quyền xử thế với cuộc
biểu tình phản đối của học sinh sinh viên vào ngày 18 Tháng Ba.
Trong
các năm 1987 về sau, khi Anh Quốc thương thuyết với Bắc Kinh về quy chế tương
lai của Hong Kong thì dân chúng Đài Loan đã biểu tình đòi dân chủ. Quốc Dân Đảng
dưới quyền lãnh đạo của Tưởng Kinh Quốc (con trai Tưởng Giới Thạch) bắt đẩu chuyển
hóa. Khi đó, thành tích đấu tranh của thanh niên Đài Loan là phong trào"Dã
Bách Hợp Học Vận" (cuộc vận động hoa loa kèn dại của sinh viên học sinh -
Wild Lily Student Movement) vào mùa Xuân năm 1990.
Mùa
Xuân năm nay, ngày 18 Tháng Ba, sinh viên học sinh Đài Loan lại biểu tình phản đối
hiệp định mà Chính quyền Mã Anh Cửu muốn ký với Bắc Kinh. Đấy là phong trào
"Hoa hướng dương" ("Thái Dương Hoa Học Vận", Sunflower
Movement). Họ chiếm Quốc hội (Lập pháp viện) và cả Hành pháp viện là trụ sở của
hội đồng chính phủ, khiến Mã Anh Cửu phải nhượng bộ và trì hoãn thi hành chánh
sách hợp tác khắng khít với Bắc Kinh.
Tham Nhũng Trong Đảng
Biến
cố thứ hai là nạn tham nhũng trong bộ máy Quốc Dân Đảng.
Tai
tiếng bùng nổ từ Tháng Chín về chế độ an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe với
lời kết án của quần chúng về tình trạng tham nhũng trong bộ máy hành chánh và nhất
là sự cấu kết của Quốc Dân Đảng với các đại doanh nghiệp, đa số tập trung ở thủ
đô Đài Bắc. Trong vụ này, ta còn thấy ra nhiều nguyên nhân sâu xa hơn.
Trước
tiên là người tiền nhiệm của Mã Anh Cửu là Tổng thống Trần Thủy Biền thuộc đảng
Dân Tiến đã bị án 19 năm tù về tội tham nhũng khi còn tại chức từ năm 2000 đến
2008. Khi ấy, nhiều người cho vụ án này có nội dung chính trị do Quốc Dân Đảng
dàn dựng. Nhưng khi Mã Anh Cửu lên lãnh đạo thì tình hình cũng chẳng khá hơn.
Chuyện
thứ hai đằng sau những tai tiếng của hệ thống chính trị là việc Bác sĩ Kha Văn
Triết, một Giáo sư đáng kính về những cống hiến y khoa, đã đắc cử chức Đô trưởng
Đài Bắc ngày 29 vừa qua dù ông chưa hề là chính khách chuyên nghiệp. Giới trí
thức ủng hộ ông Kha từ vòng sơ bộ, sau đó các đảng đối lập, dẫn đầu là Dân Tiến,
dồn phiếu cho ông đắc cử tại một nơi được coi là thành trì của Quốc Dân Đảng.
Cùng
với cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên, việc Giáo sư Kha Văn Triết làm Đô
trưởng và từ đó có thể ra tranh cử Tổng thống vào năm 2016 cho thấy sức mạnh của
xã hội dân sự tại Đài Loan, khi người dân thật sự làm chủ và đánh bạt các thế lực
kinh tế và chính trị.
Hiệu Ứng Hong Kong
Biến
cố thứ ba mới là vụ khủng hoảng tại Hong Kong vào Tháng 10. Khi vụ khủng hoảng vừa
bùng nổ thì từ đầu Tháng 10, "Hồ Sơ Người-Việt" đã trình bày bối cảnh
của vấn đề ("Dân Chủ và 'Nhất Quốc Lưỡng Hệ' - Nguyên do sâu xa của vụ khủng hoảng tại Hong Kong"). Ở đây ta
chỉ cần nhắc lại vài điểm chính.
Trong
vụ này, khi dân Đài Loan thấy cảnh sát đàn áp sinh viên học sinh Hồng Công bằng
dùi cui và lựu đạn cay, họ nghĩ nay đến số phận của mình nếu Quốc Dân Đảng tiếp
tục chính sách hợp tác khắng khít với Bắc Kinh. Từ khi còn là Đô trưởng và ra
tranh cử Tổng thống, ông Mã Anh Cửu đã chủ trương hội nhập kinh tế với Hoa lục
trong tinh thần "nhất quốc lưỡng chế", là công nhận Đài Loan cũng là
Trung Quốc nhưng theo một chế độ chính trị khác.
Tinh
thần lưỡng chế cũng là giải pháp được Đặng Tiểu Bình đề nghị với Anh quốc khi
thu hồi Hồng Công vào năm 1997. Kết quả là chế độ tự do chính trị cùa Hong Kong
đang bị đe doạ và sinh viên bị đàn áp. Hậu quả của vụ Hong Kong là Quốc Dân Đảng
bị trừng phạt tại Đài Loan!
Nếu
đi xa hơn chuyện Quốc Dân Đảng, người ta còn thấy ra bàn tay của Bắc Kinh.
Tầm Với Quá Đà Của Trung Quốc
Trong
cả hai việc ở hai nơi là Hồng Công và Đài Loan, ta thấy ra những tính toán bị dội
ngược của Bắc Kinh.
Trung
Quốc nghĩ rằng thị trường kinh tế Hoa lục là mồi nhử đắc dụng nhất để cả Hong
Kong lẫn Đài Loan đều vì lợi ích kinh tế mà chấp nhận mô hình chính trị của đảng
Cộng sản và từ đó Bắc Kinh sẽ thống nhất cả hai khu vực kinh tế này dưới màu cờ
của đảng.
Tinh
thần "nhất quốc lưỡng chế" mà họ nêu ra với Hong Kong và Đài Loan có
hai vế trái ngược. "Nhất quốc" là Trung Quốc do đảng lãnh đạo mà cả hai
khu vực này đều nên chấp nhận là thực thể chính đáng. Còn "Lưỡng chế"
là hai chế độ chính trị - độc đảng tại Hoa lục và tự do tại Hong Kong hay dân
chủ tại Đài Loan - thì Bắc Kinh sẽ lặng lẽ thủ tiêu khi sát nhập hay hội nhập
hai khu vực này.
Quả
nhiên là doanh gia Hong Kong và Đài Loan đều đầu tư vào Trung Quốc để kiếm lời
rất bộn và còn tác động vào hệ thống chính trị ở trên. Nhưng nào ngờ là lãnh đạo
Cộng sản bị phản ứng dội ngược từ người dân ở dưới.
Sau
khi "hồi quy cố quốc", Hong Kong bị mất ưu điểm truyền thống là tự do
và đa nguyên mà sức cạnh tranh về kinh tế lại còn sa sút hơn. Đài Loan cũng gặp
hiện tượng đó.
Đảo
quốc này có ưu thế dân chủ về chính trị và công bằng về xã hội, với vai trò
quan trọng của nông nghiệp và tiểu doanh thương như hai lực đối trọng với các đại
công ty tập trung ở Đài Bắc. Mười năm sau khi Đài Loan mở rộng hợp tác kinh tế
với Bắc Kinh theo chủ trương của Quốc Dân Đảng thì các tổ hợp lớn của Đài Loan
đều tìm cách đầu tư vào Hoa lục để kiếm lời. Nhưng các tiểu doanh nghiệp lại bị
thiệt hại. Đài Loan mất ưu thế là trung tâm chế biến với nhân công rẻ và thật sự
thì bị rút ruột với các cơ sở tiểu doanh hết còn ưu thế cạnh tranh.
Nguy
hại hơn thế về kinh tế xã hội, chênh lệch giàu nghèo lại mở rộng y như tại Hong
Kong. Vì vậy người dân của hai khu vực đều không hài lòng về chuyện hợp tác với
Trung Quốc, nên mới biểu tình phản đối. Tầm với của Bắc Kinh đã đi quá đà và bị
quật ngược.
Địa Dư và Dân Số
Toan
tính hội nhập hay sát nhập của Bắc Kinh có thể đã bị cản trở nên họ nghĩ thời
gian sẽ hàn gắn. Dăm ba năm nữa thì mọi chuyện rồi sẽ qua. Sự thật lại không được
như vậy.
Sau
khi bị Cộng sản đánh bại năm 1949, Quốc Dân Đảng cùng Tưởng Giới Thạch chạy qua
Đài Loan với giấc mơ "quang phục Trung Hoa" mà coi thường dân bản xứ,
là người thuộc sắc tộc khác hơn là dân "Mân Nam" gốc từ tỉnh Phúc Kiến.
Mâu thuẫn giữa dân tỵ nạn với dân bản địa
được dẹp êm nhờ chánh sách cứng rắn của họ Tưởng.
Rồi
hậu duệ của họ trong hệ thống Quốc Dân Đảng đã phát triển đảo quốc này với những
thành quả chói lọi. Một trong nhiều hậu quả kinh tế xã hội là các thế lực kinh
tế và đại doanh gia đều tập trung ở khu vực Đài Bắc. Trong khi ấy, miền Nam và
miền Trung vẫn thiên về nông nghiệp và là nơi sinh hoạt của tiểu doanh nghiệp,
là những đơn vị kinh tế đã đem lại ưu thế công bằng xã hội của Đài Loan. Ngày
nay, đấy là nơi xuất phát lực lượng đối lập quy tụ vào đảng Dân Tiến.
Nhưng
hai thế hệ sau thì tình hình còn thay đổi hơn nữa.
Một
thí dụ là Lý Đăng Huy, người được coi là cha đẻ của nền dân chủ Đài Loan. Tốt
nghiệp Đại học Cornell tại Hoa Kỳ, ông là người Hẹ, không thuộc cánh Mân Nam mà
lên kế nhiệm Tưởng Kinh Quốc từ năm 1988. Ông lãnh đạo Quốc Dân Đảng, thúc đẩy dân
chủ hóa và là người đầu tiên được bầu làm Tổng thống qua thể thức phổ thông đầu
phiếu khi tái tranh cử vào năm 1996.
Khác
với thành phần di tản từ Hoa lục, ông không đồng ý với giấc mơ thống nhất và còn
chủ trương độc lập cho nên sau này ra khỏi Quốc Dân Đảng để lập ra một đảng nhỏ
là "Liên minh Đoàn kết Đài Loan" (Taiwan Solidarity Union). Lý Đăng
Huy không là ngoại lệ.
Con
cháu của di dân từ Hoa lục không còn thiết tha gì đến giấc mơ "quang phục"
hay thống nhất với Trung Quốc, mà cũng chẳng mặn mà gì về "bản sắc Trung
Hoa" - do Bắc Kinh là đại biểu duy nhất. Họ muốn là công dân Đài Loan, một
quốc gia độc lập.
Chiều
hướng này sẽ tiếp tục nên Bắc Kinh mới nhức đầu!
___________________
Kết luận ở đây là gì?
Đừng
nghĩ rằng Trung Hoa Quốc Dân Đảng tất nhiên là chống cộng.
Với
mồi nhử kinh tế và cái danh hão của chủ nghĩa dân tộc, đảng Cộng sản Trung Quốc
tưởng là sẽ thôn tính cả Đài Loan lẫn Hong Kong. Mà không xong.
Cớ
sao đảng Cộng sản Việt Nam chưa thấy ra điều này? Vì bị mắc mồi Bắc Kinh?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét