Thứ Năm, tháng 12 11, 2014

Chữ "Tứ" Bất Tử Của Trung Quốc

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Tuần báo SỐNG - Ngày 141203
Vùng Oanh Kích Tự Do  


Kịch bi hài - "Ngày Hiến Pháp" của Trung Quốc

 














* Bốn thế hệ lãnh tụ sau Mao: Đặng Giang Hồ Tập * 



LTS. Tuần báo SỐNG hân hạnh được sự hợp tác của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong một cột mục thường xuyên khởi sự từ Tháng 12, 2014. Chúng tôi xin trang trọng giới thiệu "Vùng Oanh Kích Tự Do" của một nhà bình luận khỏi cần giới thiệu nhiều.... Chỉ biết rằng với SỐNG thì phong cách bình luận như oanh kích của tác giả này đặc biệt là sống động.





Trong nền văn hóa thần bí của ta, có bốn nhân vật thần kỳ được dân mình tôn là "thánh". Đó là "Tứ Bất Tử" gồm có Tản Viên Sơn Thần, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công Chúa. Đấy là thần thoại, chứ chỉ có một nhân vật lịch sử, nghĩa có thật, được dân ta tôn làm "thánh", chính là Đức Thánh Trần: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Trung Hoa thì giàu hơn ta về văn hoá, áng chừng vậy! Cho nên, nếu nói về cái khoản "tứ" này, họ có vô số kể.

Người học võ vẽ - vẽ vời cũng là cái võ - mà thích chơi trội trên đầu phụ nữ thì bày trò "tứ đức". Công, dung, ngôn, hạnh là bốn tiêu chuẩn đánh giá, sau khi đã chốt các bà vào cái tam giác "tam tòng". Người học sâu hơn thì nhớ đến "tứ phối", bốn vị được thờ trong Văn miếu cùng với Vạn thế Sư biểu Khổng Tử, là Nhan Hồi, Tăng Sâm và học trò là Khổng Cấp, cùng học trò về sau của Khổng Cấp là Mạnh Kha.

Cũng luận về cái "tứ", người ưa bi kịch chính trị thì nhớ tình huống "tứ diện Sở ca" của Hạng Võ, theo lời kể của Tư Mã Thiên trong bộ "Sử Ký": vì bốn mặt đều thấy quân địch hát nhạc Sở mà Sở Bá Vương tin rằng nước Sở của mình đã bị khuất phục. Bèn tự vung đao chuyển sang từ trần.

Sợ cái cảnh chém giết đó thì có người tìm vào "tứ thú" để trốn cuộc đời dưới nhãn hiệu ẩn sĩ, là ngư, tiều, canh, độc. Và quên béng "tứ dân" cùng xã hội bốn loại người, sĩ nông công thương. Còn nhiều tứ lắm, mà vì trang báo có hạn nên xin phơn phớt mà thôi.

Đó là chuyện xưa, gần hơn với chúng ta, tác giả Kim Dung trong truyện Thiên Long Bát Bộ cũng vẽ ra "tứ ác", là bốn nhân vật ác nhất giang hồ. Trong khi đó, người mình chỉ có dân "tứ chiếng", những tay giang hồ vặt của bốn trấn quanh Thăng Long, là Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam và Sơn Tây. Yếu quá!

Cho nên ai đó mà có phục Tầu thì... xin bà con thông cảm!

Được cái là nền văn hóa thần bí Trung Hoa cũng đậm chất mê tín, cho nên dân Tầu lại tránh chữ "tứ", số bốn - chỉ vì âm đọc như chữ "tử", là chết. Xui lắm!

Nhưng quý độc giả chờ đợi cột báo này sẽ luận về chính trị hay lịch sử, chứ sao lại nói về văn hóa mông lung và kiêng kỵ như vậy? - Thì đây.

Cách nay 95 năm, một phong trào đấu tranh của tầng lớp trí thức, sinh viên và thợ thuyền Trung Hoa Dân Quốc bùng nổ vào ngày bốn Tháng Năm, năm 1919. Lý do tranh đấu là vì chính quyền nhu nhược khi để các đại cường đã thắng nước Đức trong Thế chiến I quyết định trong Hiệp ước Versailles là lấy tỉnh Sơn Đông đã bị quân Đức chiếm đóng... trả cho nước Nhật. Đấy là cuộc "Vận Động Ngũ Tứ" nổi danh lịch sử cận đại của Trung Hoa.

Với một hậu quả là sự ra đời của đảng Cộng sản! Đã bảo là xui....

Quả nhiên, 70 năm sau cái vụ ngũ tứ mà đứ đừ tứ tử, đảng Cộng sản lại gây biến cố "Lục Tứ": Ngày bốn Tháng Sáu năm 1989, đảng đưa quân vào Bắc Kinh mở cuộc tàn sát tại Quảng trường Thiên an môn khiến sinh viên tranh đấu cho dân chủ bị chết thảm.

Vì thế mà cứ thấy số bốn là ai cũng ớn. Trừ lãnh đạo đảng thì không.

Dưới sự lèo lái sáng suốt ngày nay của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đang kiễng chân đứng ngang tầm Mao Đặng để nhìn xuống thần dân u mê, chuyện mê tín ấy quả là lạc hậu. Chỉ vì sau bốn ngày đóng cửa họp kín, Hội nghị kỳ Bốn (lại bốn!) của Ban chấp hành Trung ương thuộc Khóa 18 mới vừa kết thúc vào ngày 20 Tháng 10 với một quyết định lạ.

Từ khẩu hiệu "y pháp trị quốc" - trị nước bằng pháp luật - Hội nghị Bốn ra nghị quyết về chế độ cai trị bằng Hiến pháp với 38 lần nhắc đến chữ hiến pháp. Giới trí thức lạc quan bên trong và nhiều nhà quan sát bên ngoài vội mừng rằng sau Đại hội 18, quả nhiên là thế hệ lãnh đạo mới lên đã có thể nói về hiến pháp để bước vào một thay đổi lớn về chính trị.

Từ nay, việc trị quốc sẽ do Hiến pháp quy định và Trung Quốc có thể hoàn tất giấc mơ "hiến chính", đi tìm thể chế cai trị bằng pháp quyền của nhà nước trong đó mọi người đều có quyền bình đẳng. Và nhất là đảng quyền phải nằm dưới pháp quyền nhà nước. Vai trò của Quốc hội hay ít nhất là Thường vụ Quốc hội từ nay sẽ được tăng cường.

Như nhiều lần trước, những người lạc quan đã lại lầm. Thực tế thì Hội nghị Bốn có nói như vậy nhưng lại tăng cường quyền hạn của đảng trên cơ chế nhà nước và Quốc hội. Vừa chấm dứt Hội nghị, Ban chấp hành Trung ương đề ra rằng ngày mùng bốn Tháng 12 sẽ là "Ngày Hiến Pháp". Thừa lệnh đảng, Thường vụ của Quốc hội bèn mau mắn thông qua đạo luật thi hành pháp lệnh của đảng: từ nay, và ngay mùng bốn tháng tới, người dân được mừng Ngày Hiến Pháp

Bài viết này xuất hiện vào cái dịp trọng đại ấy!

Nhìn lại đi....

Lần đầu triên trong lịch sử đằng đẵng của xứ này, cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã trao quyền cho người dân sau khi lật đổ chế độ độc tài lạc hậu và suy tàn của "dị tộc" Mãn Thanh trên đầu người Hán. Đầu năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc ra đời, nhưng với một chính quyền còn non yếu mà chưa có dân chủ. Cây dân chủ nào mọc như rau cỏ! Tình trạng loạn lạc và bất lực của chính quyền tân lập trước sức ép của ngoại bang mới dẫn đến phản ứng "Ngũ Tứ" năm 1919.

Đảng Cộng sản ra đời từ biến cố đó. Sau đấy là nhiều thập niên ngoại xâm và nội chiến cho đến khi cộng sản thắng trận - và Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc của Mao xuất hiện năm 1949.

Từ đó, Chính quyền Dân Quốc kia của Tưởng Giới Thạch dạt qua Đài Loan để xây dựng giải pháp khác. Ngày nay, Đài Loan phát triển và hoàn thành nền dân chủ, duy nhất của người Tầu dưới vòm trời này, với việc dân chúng được trực tiếp bầu lên người lãnh đạo từ năm 1996.

Năm đó, dù Chính quyền Bắc Kinh cho phóng hỏa tiễn qua đầu Đài Loan để uy hiếp, người dân Đài Loan vẫn đội bom đi bầu. Họ đã có bản Hiến pháp và pháp quyền thật trên một đảo quốc văn minh, thịnh vượng mà nhỏ xíu. Đấy là một ngoại lệ Trung Hoa.

Còn thông lệ thì vẫn được bảo toàn nguyên vẹn tại Hoa lục.

Cho đến nay, lãnh đạo cộng sản tại Bắc Kinh, và vài nơi khác nữa chú, chưa tìm ra giải pháp mà nhiều nước vào các thời đại khác đã áp dụng và cải tiến cho vấn đề chính trị then chốt của xã hội loài người. Đó là quan hệ giữa người dân với thành phần cai trị ở trên. Hoa lục vẫn theo nếp cũ dù đổi tên mới. Vẫn là đấng Thiên tử ngồi như đảng kín ở trên, nhận cái thiên mệnh mới được gọi là "nhân dân", để toàn quyền cai trị qua một triều đình giấu mặt, là Bộ Chính trị, mà chẳng ai chịu trách nhiệm gì với người dân ở dưới.

Về diễn tiến của pháp lệnh thì sau khi "lập quốc", năm 1954 đảng Cộng sản Trung Hoa mới có bản Hiến pháp đầu tiên, được tu chỉnh hai lần vào các năm 1975 và 1978, để quy định quyền hạn của nhà nước, nhưng dưới sự lãnh đạo tùy tiện mà tuyệt đối của đảng.

Bản hiến pháp hiện hành được soạn từ năm 1982 trong khí thế tưng bừng của cải cách kinh tế "hậu Mao". Năm đó, đảng cũng đã sớm vẽ cho dân một cái bánh khi phát động "Ngày Thi Hành Hiến Pháp". Rồi chuẩn bị cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để hội nhập vào loài người văn minh, năm 2001, đảng tung chiến dịch cải cách pháp luật nữa. Và đổi tên cái ngày tưng bừng thi hành hiến pháp thành "Ngày Tuyên Truyền Về Hệ Thống Luật Pháp".

Ít ra cũng còn có nét gần với thực tế, là tuyên truyền.

Rồi ngần ấy ngày trọng đại đều nghe những tàn phai - đi vào lãng quên. Cho tới ngày nay thì người ta mới thấy ra vở hài kịch "lấy vải thưa che mắt thánh".

Số là sau nhiều tháng tống giam và hăm dọa, hôm mùng bốn Tháng 11 – đúng một tháng trước ngày vẻ vang hiến pháp, đảng phô diễn lẽ thực hư của chữ pháp quyền khi cho truy tố nhà báo Thẩm Dũng Bình tội "kinh doanh phi pháp". Đấy là cái cớ.

Cái lý không tha được là tội thực hiện một bộ phim tài liệu gồm tám phần có tên là "Trung Quốc Bách Niên Hiến Chính Kỷ Lục". Nhà báo này dám kiểm lại giấc mơ hiến chính - và trăm năm bẽ bàng - của dân Trung Hoa, từ đời Mạt Thanh đến ngày nay, khi muốn xây dựng pháp quyền nhà nước bằng hiến pháp.

Trước nhà báo họ Thẩm này, trong các đợt cải tổ luật pháp trước đây, cũng do đảng phát động, nhiều trí thức trong đảng đã hồ hởi nói sớm về giấc mơ hiến chính – xianzheng – và sau đó vào tù, hoặc phải lưu vong để khỏi bị hại! Thành thử, khi nghe đảng nói đến "Ngày Hiến Pháp" vào mùng bốn Tháng 12, chúng ta chỉ nên nghĩ đến số bốn, đến chữ "tứ" nghe như chữ tử.

Dĩ nhiên, bài này cố tình không nói đến điều bốn của bản Hiến pháp Hà Nội. Vì cũng sợ xui!


1 nhận xét:

  1. và tứ nhân bang ở Ba Đình đang đưa nước Việt gần đến chổ tử

    Trả lờiXóa