Thứ Năm, tháng 5 21, 2015

Trong TPP Có TPA



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150521

Trong TPA có TAA – và nhiều thứ lẩm cẩm khác

* Hai vòng cương tỏa TPP và RCEP - Đài Loan ngồi ngoài * 


Hoa Kỳ đang thương thuyết với 11 quốc gia Thái bình dương Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình dương (gọi tắt là TPP) và với 28 nước của Liên hiệp Âu châu Hiệp ước Xuyên Đại Tây dương về Thương mại và Đầu tư (gọi tắt là T-TIP).

Vì Liên Âu đã là một khối tự do mậu dịch và Hoa Kỳ đã có thỏa ước song phương với nhiều nước trong khối, việc đàm phán hiệp ước T-TIP không gặp nhiều trở ngại và ít được chú ý bằng hiệp ước TPP.

Về kinh tế thì hai hiệp ước có tầm quan trọng gần tương tự, với sản lượng tổng cộng của nhóm T-TIP là 40% sản lượng toàn cầu và của nhóm TPP là khoảng 37%. Về chính trị và an ninh, là hai yếu tố chiến lược khác ngoài kinh tế, hiệp ước TPP lại quan trọng hơn vì bao gồm Nhật Bản mà không có Trung Quốc. Một yếu tố cũng đáng kể là từ năm 2011, Trung Quốc đàm phán với 16 nước Á Châu hiệp ước Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) là 10 nước của Hiệp hội ASEAN và Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan (New Zealand), một khối kinh tế không có Hoa Kỳ.

Kỳ này, Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu riêng về những ngoắt ngoéo bên trong Hiệp ước TPP.


Bối Cảnh Toàn Cầu


Hoa Kỳ đang đàm phán về TPP với 11 quốc gia trong vành cung Thái Bình dương và Trung Quốc đang đàm phán về RCEP với 15 nước châu Á. Các yếu tố kinh tế lẫn chiến lược cho thấy tầm quan trọng của cuộc đua. Đã vậy, Trung Quốc lại đang chiêu dụ các nước với nhiều sáng kiến khác như 1) Tân Ngân hàng Phát triển của nhóm BRICS với 100 tỷ đô la, 2) Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu AIIB với sự tham gia của 57 nước (không có Hoa Kỳ và Nhật Bản) cũng với 100 tỷ và 3) Con đường Tơ lụa mới, trên biển và trong đất liền, với rất nhiều quốc gia từ Á sang Âu và dự trù nhiều trăm tỷ đô la…

Đấy là bối cảnh toàn cầu và toàn diện của các hiệp ước, sáng kiến hay dự án đang được đàm phán.
Trong khung cảnh đó, tầm quan trọng của hiệp ước TPP là hiển nhiên, và Hoa Kỳ ở vào chặng cuối để có thể hoàn thành hiệp ước sau 20 vòng đàm phán đa quốc và những cuộc đàm phán song phương với từng nước.

Vì sức nặng kinh tế của mình, nước Mỹ giữ vai chủ yếu trong việc đàm phán với các nước. Nhưng vì những lắt léo về luật lệ bên trong, nước Mỹ chỉ hoàn tất việc thương thuyết nếu Hành pháp được Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh (gọi là “fast track”) qua đạo luật Trade Promotion Authority, viết tắt là TPA. Trở ngại xảy ra khi đạo luật đó không được phe Dân Chủ trong Quốc hội tái tục từ năm 2012. Trong Tháng Tư và mấy tháng tới, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại lưỡng viện Quốc hội phải khai thông trở ngại để biểu quyết dự luật TPA, hầu dự án TPP có thể thành hình năm nay, như Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu và thúc đẩy từ năm 2012.


Những Ngón Võ Nghị Trường


Chuyện rắc rối là các dân biểu nghị sĩ lại gài vào dự luật TPA nhiều điều kiện khác để thỏa mãn những đòi hỏi trái ngược khiến cho nếu được thông qua, đạo luật TPA lại gây ra trở ngại khác vì có thể xóa bỏ những cam kết của nước Mỹ với các nước qua nhiều vòng đàm phán trước đây.

Các dân biểu nghị sĩ đều phải thỏa mãn đòi hỏi của cử tri đế có thể tái đắc cử nên mới cài đặt các điều kiện trong từng bước làm luật. Đây là những ngón võ nghị trường rất lắt léo khó hiểu.

Về thủ tục làm luật bên Lập pháp, xin được trình bày ngắn gọn rằng một sáng kiến được đề nghị để biểu quyết thì nên gọi là đề luật (proposition). Qua được chặng đó rồi thì người ta mới có một dự luật (truyền thông hay viết là Bill), rồi nếu dự luật được đa số thông qua thì mới thành một đạo luật (Act) - có giá trị cưỡng hành hay không và có được Tổng thống ban hành hay không thì còn tùy.

Dự luật TPA đã trải qua tiến trình đàm phán hay mặc cả tại Thượng viện qua nhiều đề luật và dự luật rắc rối đi kèm dự luật TPA. Trong tuần này, người ta hy vọng là Thượng viện sẽ thông qua dự luật với đa số là 51 phiếu của 100 nghị sĩ rồi mới đến lượt Hạ viện. Tại viện dưới có 435 dân biểu, người ta sẽ còn nhiều chặng đàm phán hay trả giá khác để thống nhất dự luật của hai viện và đưa ra biểu quyết với đa số là 218 phiếu. Trận đánh sắp tới tại Hạ viện sẽ còn khó khăn hơn trận đánh vừa qua tại Thượng viện.

Nhưng Tổng thống vẫn có quyền phủ quyết nếu Đạo luật thành hình lại có những khoản mà ông cho là không chấp nhận được. Gặp trường hợp đó, Quốc hội phải biểu quyết lại và hội đủ hai phần ba số phiếu thì mới vượt qua rào cản của Hành pháp và Đạo luật TPA mới có giá trị. Khi ấy, nó là cơ sở cho Hành pháp xúc tiến việc thương thuyết với các nước đối tác, nhiều khi là thương thuyết lại những gì đã được đồng ý qua các vòng đàm phán trước.

Sau khi đạt được sự thống nhất quan điểm và cam kết của ngần ấy quốc qua, Hiệp ước TPP mới thành hình và đưa qua Quốc hội biểu quyết. Nếu được sự phê chuẩn của đa số trên 50% thì văn kiện này mới được Tổng thống chính thức ban hành. Từ nay đến đó, ngón võ nghị trường vẫn tiếp  tục. Song song, 11 quốc gia còn lại trong nhóm TPP cũng phải được Quốc hội của mình phê chuẩn thì thế giới mới có khối TPP với những quy định chi tiết về việc giao dịch trong tương lai.

Sau phần bối cảnh đó, Hồ Sơ Người-Việt xin nói riêng về một điều kiện mới được cài trong dự luật TPA để tiến tới TPP. Trong một kỳ sau, ta sẽ xét đến một vụ cài đặt khác, là đạo luận trợ cấp cho các công nhân Mỹ bị thiệt hại khi cạnh tranh trong một hiệp ước tự do thương mại. Luật TAA hay Trade Adjustment Assistance cũng là một điều kiện chính trị mị dân, mà vô hiệu, nhưng vẫn được đưa vào dự luật TPA.


Lũng Đoạn Hối Đoái


Tuần qua, tại Thượng viện, Nghị sĩ Dân Chủ Charles Shummer của New York đã đưa ra đề luật về lũng đoạn hối đoái (currency manipulation) được thông qua với tỷ số 78-20. Tổng thống Obama nói trước rằng nếu đề luật này được cài vào dự luật TPA thì ông sẽ phủ quyết.

Chuyện này là gì?

Từ đã lâu, đa số dân cử bên Dân Chủ và vài người bên Cộng Hòa vẫn kết án Bắc Kinh lũng đoạn hối đoái để xuất cảng cho rẻ bằng cách ấn định hối suất đồng bạc quá thấp so với Mỹ kim. Đồng bạc Trung Quốc, là đồng Nguyên, Yuan (cũng gọi là Nhân dân tệ Renminbi với ký hiệu RMB) được Bắc Kinh giàng giá vào Mỹ kim theo tỷ giá thời ấy là tám đồng mới ăn một đô la, và cho giao dịch buôn bán trong biên độ 1% cao hay thấp hơn giá chính thức mà họ ấn định.

Vì vậy Quốc hội Mỹ mới ra luật lệ về nạn lũng đoạn đối đoái theo đó nếu có doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại vì hàng Trung Quốc (hay bất kỳ xứ nào khác) nhập vào quá rẻ thì có quyền khiếu nại lên Bộ Thương Mại để điều tra xem quốc gia đó có hay không can thiệp vào hối đoái nhằm nâng đỡ hàng xuất cảng của mình và gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ. Nếu việc điều tra xác nhận là có thì Mỹ sẽ có biện pháp trừng phạt, như tăng hối suất nhập nội đánh trên các món hàng đó.

Sự thật kinh tế bên dưới chuyện này là những gì?

Hoa Kỳ có nền kinh tế mạnh, với thị trường tiêu thụ lớn, trong đó chỉ có 13% hàng tiêu thụ là nhập cảng mà có khi là nhập cảng hàng hóa do các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào xứ khác mà bán ngược về Mỹ. Tác động của việc trợ giá xuất cảng hàng nhập vào Mỹ chỉ giới hạn trong tỷ lệ 13% này, và thực tế còn thấp hơn.

Những người chủ trương việc trừng phạt tội lũng đoạn cho rằng hàng Trung Quốc làm nước Mỹ mất hai triệu việc làm kể từ năm 2000. Số dân lao động tại Hoa Kỳ là 150 triệu người, nếu quả thật là vì hàng Trung Quốc mà mất hai triệu việc làm, chủ yếu là trong khu vực chế biến, thì tỷ lệ thiệt hại ấy là 1,3% trong 10 năm. Trong khi đó, nhờ tự do thương mại và sức cạnh tranh của nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm khác trong khu vực siêu kỹ thuật và dịch vụ. Tỷ lệ “thêm” và “bớt” này không được các chính trị gia để ý tới mà chỉ tung ra lập luận là vì Trung Quốc mà ta mất hai triệu việc làm.

Đấy là điều cần cứu xét lại!

Thứ hai, trong bảy năm liền, Hoa Kỳ ồ ạt bơm tiền vào kinh tế qua biện pháp quantitative easing khiến tiền nhiều và rẻ đã đánh sụt hối suất Mỹ kim cho tới năm ngoái. Khi đó, nhiều quốc gia kết án Hoa Kỳ là cố tính phá giá và mở ra cuộc chiến về ngoại tệ, tức là cũng bơm tiền để đồng bạc của mình giảm giá. Nghĩa là nhìn từ quan điểm của nhiều xứ khác, Mỹ cũng gián tiếp lũng đoạn hối đoái!

Nhưng từ năm ngoái, Mỹ kim lại lên giá vì kinh tế Hoa Kỳ vẫn có triển vọng cao nhất trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật. Khi đó chẳng còn ai than là Mỹ lũng đoạn hối đoái nữa.

Chuyện thứ ba, từ năm năm nay, Bắc Kinh đã thay đổi chính sách hối đoái và lặng lẽ nâng tỷ giá đồng Nguyên từ tám đồng lên sáu đồng một Mỹ kim – chỉ cần sáu đồng là đổi được một đô la. Nếu đồng nguyên lên giá gần một phần ba như vậy thì ta khó nói đến nạn lũng đoạn. Huống chi là tuần qua, đúng ngày Nghị sĩ Schummer cài thêm dự luật trừng phạt tội lũng đoạn ngoại tệ, Bắc Kinh lại còn nâng hối suất đồng bạc và mở rộng biên độ giao dịch từ 1% lên 2%.

Nói các khác, gán cho Bắc Kinh tội lũng đoạn hối đoái là chuyện lỗi thời!

Trong khi ấy, Nhật Bản mới đang ráo riết bơm tiền theo phương pháp quantitative easing để kích thích kinh tế nên đồng Yen tuột giá mạnh và có thể bị Quốc hội Hoa Kỳ kết tội là lũng đoạn hối đoái, trong khi Mỹ với Nhật mới là hai trụ cột của TPP đối diện với Trung Quốc!

___

Kết luận ở đây là gì?

Chính trường Mỹ có dấu hiệu bảo thủ và lỗi thời khi tạo khó khăn cho hiệp ước TPP.

Mà dân Mỹ không biết!

15 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa !

    Trong đoạn văn này " Trong tuần này, người ta hy vọng là Thượng viện sẽ thông qua dự luật với đa số là 51 phiếu của 100 nghị sĩ rồi mới đến lượt Hạ viện " cháu có điểm không hiểu mong bác giải thích thêm ạ ?

    Cháu nhớ là vào ngày 12 vừa qua Thượng viện tuy với số phiếu ủng hộ là 52 nhưng vẫn không đạt được số phiếu cần thiết là 60 nên không thể thông qua được TPA cho Tổng thống OBama. Vậy tại sao trong cuộc bỏ phiếu sắp tới ( 24/5 ) ở Thượng viện thì chỉ cần 51 nghị sĩ ủng hộ thì Đạo luật TPA lại được chấp thuận ạ ?
    Cháu cảm ơn bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong mấy ngày 12-15 Tháng Năm, các đề luật điều chỉnh trong Thượg viện được cài thêm vào dự luật TPA phải được 60 phiếu thì mới vượt qua thủ tục filibuster. Đấy là tiến trình mặc cả đổi trác rất rặc rối. Sau khi được rồi thì dự luật TPA sẽ đưa ra khoáng đại biểu quyết, bên trong có kèm theo những điều chỉnh đã được thông qua khi ấy thì chỉ cần đa số trên 50.

      Nhân đây cũng phải nói thêm rằng các doanh nghiệp xe hơi và siêu kỹ thuật của Mỹ cũng ráo riết chống TPP vì sợ bị cạnh tranh. Lý luận rằng tư bản hay các các đại doanh nghiệp Mỹ đều ủng hộ TPP là không đúng.... Chuyện này quá rắc rối nên có lẽ tác giả Hùng Tâm sẽ còn phải giải thích thêm.

      Xóa
    2. Filibuster là một thể thức rất lạ. Muốn đem hồ sơ ra thảo luận và biểu quyết thì phải hội đủ 60 phiếu. Khi cài thêm các điều kiện trong nội dung của dự luật TPA đã được hai Ủy ban (Tài chính tại Thượng viện và Chuẩn chi tại Hạ viện) đề nghị từ Tháng Tư, các Nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa đều phải mặc cả để có đủ 60 phiếu trở lên.

      Còn một trở ngại nữa là phe bảo thủ bên Cộng Hòa muốn nêu vấn đề về Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ex-Im Bank mà họ cho là một hình thức trợ cấp cho doanh nghiệp. Trong các cuộc mặc cả, họ cũng có những ngón võ nghị trường như vậy.

      Xóa
  2. Sáng Thứ Năm 21, giờ thủ đô Hoa Kỳ, TPA đã tiến thêm được một bước về thủ tục, là đạt 62 phiếu (trên cái ngưỡng 60) để là dự luật sẽ được khoáng đại biểu quyết trong những ngày tới, có thể là trước khi quốc hội nghỉ trong dịp lễ Chiến sĩ Trận vong ngày 25, với đa số là trên 50. Bên trong dự luật đã có nhồi thêm những điều kiện của phe này và phe kia để có đủ người ủng hộ. Nếu được thông qua, đạo luật TPA được chuyển qua Hạ viện và sẽ lại có nhiều ngón võ nghị trường để thảo luận hay điều chỉnh, v.v...

    Trả lờiXóa
  3. Thưa giáo sư
    Xin giáo sư cho em góp it ý kiến vì em thấy bài này lập luận kinh tế sơ sài quá, không đủ sức thuyết phục độc giã diễn đàn này.
    1) Tác giả lựa chọn cách giải thích ảnh hưởng không đáng kể của đồng Yuen trên hàng nhập cãng là hướng dẩn sai lầm vì giảm giá đồng Yuen làm giãm yếu sức cạnh tranh của hàng Mỹ xuất cảng buộc các hảng trong nước phải giãm sản xuất và lao động. Chính offshore and Yuen depreciation làm tăng thất nghiệp ỡ Mỹ (ai cũng biết, nhưng Obama doesn't care).
    2) Đễ kết luận Yuen depreciation có ãnh hưỡng gì đến hàng nhập cãng vào Mỹ không thì cần dựa trên nhiều nghiên cứu đáng tin cậy, không thể lấy 13% chia 10 năm rồi phán 'no problem'
    3) "Trong khi đó, nhờ tự do thương mại và sức cạnh tranh của nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm nhiều việc làm khác trong khu vực siêu kỹ thuật và dịch vụ. Tỷ lệ “thêm” và “bớt” này ..." Lập luận này nghe rất có lý và được ghi trong nhiều sách giáo khoa college nhiều năm trước, nhưng sau đó ai cũng sáng mắt ra hết và sách cũng sửa lại rồi. Thí dụ, kỹ nghệ quần Jean áo pull biến mất trong vài tiểu bang và đồng thời cloud computing ra đời mạnh mẽ. Mấy công nhân may áo quần có viết program hay operate servers được không? Hơn nữa, tác giả có biết là các dịch vụ của Amazon.com và Salesforce ỡ Mỹ là được thưc hiện ỡ Brasil va Ấn Độ không?
    Tóm lại, bài này không đủ mạnh và chắc như bài của giáo sư. Cám ơn.

    Trả lờiXóa
  4. Bác Lê Minh !
    Em nghĩ bác mới đọc các bài viết của bác Nghĩa vì nếu đọc các bài viết của bác Nghĩa thì thấy về kiến thức và cách hành văn có nhiều điểm giống với tác giả Hùng Tâm.

    Thứ hai, về hai câu hỏi đầu của bác, em xin phép được trả lời bác.
    Về con số thì như bài viết đã nói hiện nay hàng hóa tiêu thụ tại thị trường Mỹ chỉ có 13% là hàng đến từ nước khác ( tức là nước Mỹ tự cung ứng tới 87% hàng hóa tiêu thụ trong nước. Con số đó nói lên khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới xuất khẩu cho Mỹ chỉ chiếm 13% hàng hóa ở Mỹ thôi.

    Và em có cảm giác bác đang nhầm lẫn con số 13% kia là con số nói lên hàng hoa của Trung Quốc ở thị trường Mỹ ( đây là sai lầm cơ bản của bác ). Em nghĩ con số thật thì hàng Trung Quốc chỉ chiếm 2-3% hàng hoa tiêu thụ ở Mỹ

    Chính vì con số 2-3% quá nhỏ so với hàng hóa đang được tiêu thụ tại nước Mỹ nên tác giả mới có nói đến việc đồng Nhân dân tệ tuy mất giá nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Mỹ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Thành,
      Cám ơn ý kiến của bạn, nhưng tôi không biết sao bạn có "cảm giác" tôi bị nhầm lẫn ý nghỉa của số 13% rồi phán "đây là sai lầm cơ bản"!
      Xin thưa,(1) tôi không quan tâm nhiều đến con số, tôi chỉ nhấn mạnh lập luận của tác giả. (2) Tôi cho là Yuen depeciation ảnh hưỡng nhiều đến xuất cảng, không phải nhập cảng. (3) Tôi nghi ngờ con số 13% của tác giả và tự cung ứng 87% của bạn vì hàng nhập (nói chung) và hàng Tàu (nói riêng) đã tràn ngập Mỹ lâu nay (xem các economic indicators & researches và vô các siêu thị là biết, không cần bàn nhiều). (4) Tôi đồng ý với nội dung chính trị, nhưng không đồng ý lập luận kinh tế của bài viết, vì "Kinh tế cũng là chính trị" (Gs. N.X. Nghĩa). Cuối cùng, tôi mong là trong giao tế, Thành đừng bao giờ nói "đây là sai lầm cơ bản của bạn..." với những người không phải hoc trò của Thành. Cám ơn.

      Xóa
    2. Xin phép cho tôi gọi là Minh nếu tôi nhỏ hơn bạn/bác.
      (1) Minh không quan tâm đến con số, nhưng Minh nghi ngờ con số 13% không nói lên được điều gì. Theo comment trước của Minh, Minh nói 13% chia 10 năm. Bác Nghĩa đề cập về số việc làm bị mất đi vì sự cạnh tranh của hàng China với hàng nội địa, nhưng bác Nghĩa đưa ra con số là 1.3% cho 10 năm, không phải là 13%.(13% ở đây như thành đã nói, trong tổng số tiêu thụ của US thì chỉ có 13% xuất phát từ hàng ở nước ngoài, trong đó China chiếm chưa tới 2.6%).
      (2) Lập luận của Minh là Yuan depreciation sẽ ảnh hưỡng đến xuất khẩu. Cái Minh nhìn thấy là trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu ra bên ngoài ở nước Mỹ bị ảnh hưỡng, nhưng đặt ngược lại vấn đề khi không chỉ có China mà cũng có nhiều nước khác làm yếu đi đồng tiền của họ để làm lợi cho xuất khẩu. Làm sao bạn có thể cấm điều này xảy ra, ví dụ như làm sao bạn có thể cấm Úc, New Zealand, Mã Lai, Philipine ..v.v mua hàng của Trung Quốc vì Trung Quốc hạ giá đồng tiền để làm cho hàng hóa họ rẻ hơn. Nếu là Minh, Minh sẽ giải quyết thế nào? Cấm vận tất cả các nước hạ giá đồng tiền???? ( Nghe rất không hợp lý)
      Hơn nữa, nếu tính toán kĩ lưỡng thì Trung Quốc hạ giá đồng tiến làm lợi xuất khẩu chỉ là hành hạ sức dân của mình, nhưng lợi ích mang lại thì không được bao nhiêu mà thậm chí còn làm lợi cho lĩnh vực dịch vụ của US. Minh có biết là tính trên bình quân thì 1 đồng dollar trên mổi sản phẩm có dán nhãn "Made in China" thì có hết 55 cent là bay vào túi người Mỹ qua lĩnh vực dịch vụ không?
      (3) Khi Minh nói đến economic indicators và researches, xin Minh cho biế t là indicators nào, researches nào, vì ít ra cũng phải có cái gì đó chung để chúng ta có thể bàn ở đây. Chứ nói chay như vậy, không giải quyết được gì. Còn số liệu của bác Nghĩa, nếu bạn thích bạn có thể search xem có chính xác hay không? Dĩ nhiên Thành và Kevin đọc thường xuyên của bác Nghĩa đều có search lại hết xem có thực sự đúng hay sai? Còn việc Minh nói vào siêu thị là biết, không cần bàn nhiều thì tôi xin tặng Minh câu này : " The Plural of Anecdote is not data". Tức là những gì Minh thấy chỉ miêu tả được 1 phần, Giống như người ta hay bảo blonde girl is dumb, dĩ nhiên 1 số người phát biểu câu này thì xung wanh họ các cô gái blonde hair mà họ biết cô nào cũng ngớ ngẩn, nhưng tính trên diện rông hơn như tất cả các cô gái blonde hair trên 1 city hay toàn nước Mỹ thì lại không phải vậy. Nên việc Minh nhìn thấy hàng tàu tràn ngập khắp nơi trong những supermarket Minh đến không có nghĩa là ở đâu cũng vậy trên toàn nước Mỹ. Đó là lý do tại sao người ta lại có thống kê để đánh giá chính xác là hàng tàu chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng tiêu thụ của người Mỹ thì hóa ra chỉ có khoảng 2.7%. Còn về nhập khẩu thì chỉ có 13.9% trên tổng tiêu thụ là hàng nước ngoài, và chỉ có 1.9% là đến từ Trung Quốc. Nói cho dể hiểu thì nếu phát cho 100 người Mỹ mỗi người 1 đồng đi mua hàng, thì chỉ chừng xấp xỉ 2 người là sẽ mua hàng Trung Quốc. Nếu Minh muốn kiểm chứng thì link ở dưới đây:
      http://www.frbsf.org/economic-research/files/el2011-25-3.png

      Xóa
    3. Để phân tích sâu hơn về vai trò hàng hóa của Trung Quốc tại thị trường Mỹ thì phân tích con số 2,7% hàng hóa của Trung Quốc. 2,7% tổng số hàng hoa đó gồm hai phần chính là hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất rồi xuất khẩu sang Mỹ và hàng hóa của doanh nghiệp Mỹ đầu tư gia công, lắp ráp, sản xuất tại thị trường Trung Quốc rồi xuất khẩu về Mỹ.
      Khi nhìn rõ bản chất của vấn đề thì thấy sức mạnh thật sự của kinh tế Trung Quốc so với nền kinh tế Mỹ là không có ảnh hưởng nhiều ( dù Nhân dân tệ đang bị phá giá ) .

      Xóa
  5. Không ngờ là bài backgrounder của Hùng Tâm lại được độc giả bình nghị nhiều như vậy. Cám ơn Kevin Võ đã chỉ thêm sự thật cho rõ hơn. Bản thân tôi đã viết nhiều bài về đề tài này từ mấy năm trước nhưng có lẽ sẽ phải viết thêm cho rõ. Bạn Minh cần đọc thêm để hiểu kỹ hơn. Gấn nhất, có tài liệu của Council of Economic Advisers có thể tìm trên web của Phủ Tổng thống Mỹ. NXN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa Giáo sư,
      Em thành thật xin lỗi nếu tác giả HT chính là giáo sư, một học giả khả kính. Nhưng em rất buồn khi giáo sư đồng tình với Kevin. Bạn ấy vẩn tin là hàng Tàu chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong nước Mỹ, dù K. đã xem kỹ bảng thống kê 2008 bạn ấy đã nêu. Bạn ấy cũng không phân biệt được thế nào là chơi dơ và chơi đàng hoàng trong international trade. Mà thôi, chỉ mong giáo sư thứ lổi cho những lời nghịch nhĩ của em, em hứa sẽ đọc thôi, không xía vào diễn đàn này nửa.

      Xóa
    2. Nặc danh24/5/15 8:40 CH

      Bạn Le Minh cũng phải thông cảm cho Thầy Nghiã. Thầy chỉ có thể dưạ vào số liệu từ những nguồn được cho là đáng tin cậy. Dù Thầy có hồ nghi rằng nó đã được "dàn dựng" thì cũng phải đành chịu vì đâu có chứng cứ gì. Làm sao Thầy có thể hô hoán lên như bạn, rằng thì là có những trò "chơi dơ và chơi đàng hoàng trong international trade", cũng đâu thể đi khảo sát hết cả thị trường toàn quốc để xem thật giả thế nào được, phải không? Bạn có thể bất mãn, vì bài viết đã không trình bày như ý bạn, nhưng xin đừng nặng lời, như "xiá", gây phản cảm. Cũng như bạn Thành, lúc nảo cũng gọi "Bác Nghiã!", không thưa gởi gì ráo, mà bài nào Thầy Nghiã viết không đúng theo ý bạn ấy, không có lợi cho "bên ấy", thì bạn ấy có những câu hỏi gây gắt và khích bác Thầy Nghiã, các bạn đọc sẽ thấy rất rõ.
      Vào blog người ta để đọc, học hỏi, hay chỉ muốn người ta hoàn toàn viết theo xu hướng cuả mình? Kỳ vọng vào thế hệ trẻ cuả Thầy Nghiã coi bộ hơi lãng phí. :-)

      Xóa
    3. Khi Le Minh viet rằng "Obama doesn't care" thì tôi đã biết trình độ chuyên môn ra sao rồi. Sẽ còn phải học nhiều. Có bao nhiêu người chỉ thêm cũng vô ích. Cần thời gian. NXN

      Xóa
  6. Xin trả lời Lê Minh,
    Thật sự Kevin cũng không thể trả lời được là liệu làm yếu đi đồng tiền để làm lợi cho xuất khẩu là chơi dơ hay chơi đàng hoàng. Nhưng cái Kevin nêu ra là liệu có cần thiết để trả lời câu hỏi đó. Vì nếu xem việc đó làTrung Quốc chơi không đàng hoàng, thì Mỹ cũng không thể cấm Úc, Anh, Việt Nam,..v.v tiếp tục mua hàng Trung Quốc, và bắt họ phải mua hàng Mỹ. Vả lại Trung Quốc không phải là nước duy nhất làm yếu đi đồng tiền của họ. Chẳng hạn như Nhật Bản gần đây cũng liên tục làm yếu đi đồng Yen của họ. Vậy Nhật Bản có chơi không đàng hoàng không? Mình không biết, nhưng với 1 nền kinh tế chính trị khá minh bạch như Nhật Bản thì khi các kinh tế gia nhìn vào sự việc đó họ sẽ hỏi về incentive để Nhật Bản làm như vậy (rationality question), và Nhật Bản sẽ làm yếu đồng tiền trong bao lâu, và hạ đồng tiền thấp đến bao nhiêu thì có thể giúp phục hồi kinh tế Nhật Bản ( câu hỏi thống kê).
    Xin chào Poorshope,
    Dĩ nhiên việc có đầy đủ dữ liệu của cả thị trường là điều không thể, nhưng khảo sát trên nhiều nhóm nhỏ khác nhau( có nhiều cách) rồi đưa ra dự đoán và estimate cho cả thị trường là điều khả thi. Dĩ nhiên đã là dự đoán sẽ có sai số. Nhưng một khi đã tính toán kĩ lưỡng kích thước của các mẫu khảo sát và cách khảo sát thì sai số là rất nhỏ. Có nhiều chi tiết liên quan đến kỉ thuật thống kê, nhưng các thống kê về GDP hay như thống kê về tiêu thụ hàng năm từ chính phủ.... thì đều có tính chính xác rất cao. Thật ra cũng có những trường hợp làm láo dữ liệu(fabricating data), nhưng theo Kevin thấy thì việc cố tình diển giải, giải thích sai thống kê thì xuất hiện nhiều hơn. Chẳng hạn như gần đây nhiều báo kể cả New York Times cũng có đăng bài là Missing Black Father is a myth, họ kết luận rằng những ông bố da đen không sống cùng con cái nhưng vẫn gặp con và dạy con làm homework thường xuyên có tỉ lệ nhiều hơn các ông bố sắc tộc khác không ở cùng con. Nhưng vấn đề chính là đối tượng khảo sát chỉ ở phạm vi gia đình của các em nhỏ dưới 5 tuổi thì ít được đề cập đến. Hay nhiều kinh tế gia cũng than phiền về việc Paul Krugman thường xuyên đưa ra những biểu đồ, đồ thị để chứng minh cho lời mình nói, nhưng lại cắt xén đi gần 20 đến 30 năm data trên biểu đồ đó.
    Kevin cũng hay xem những comment của Thành. Những bài viết về lịch sử, Thành hỏi xoáy về details hơi nhiều. Nhưng Poorshope thông cảm, Kevin nghĩ Kevin và Thành là những người tầm 20 đến 30, học lịch sử từ VN nên lịch sử biết được rất mập mờ. Khi qua Mỹ thì học vài lớp lịch sử Mỹ thì họ bảo rằng chiến tranh của Mỹ tại VN là vô nghĩa, cho đến khi Kevin đọc bài viết của 1 giáo sư lịch sử mà bác Nghĩa có post lên đây mới vỡ lẽ ra là họ dạy mình nhiều thứ không chính xác. Nên khi đọc comment của Thành và bác Nghĩa, bác Nghĩa chỉ thêm những sách cần đọc thì Kevin thấy cần thiết lắm. (Xin nói thêm ngoài lịch sử không chính xác ra, trong các lớp English và political science, họ toàn cho mình xem phim của Michael Moore-1 kẻ làm documentary film chuyên bóp méo sự thật)

    Trả lờiXóa
  7. Thưa bác Nghĩa !

    Bác có thể phân tích sâu hơn cho cháu về vấn đề này với ạ :

    Trong một số bái bác có viết về vấn đề cải cách doanh nghiệp Nhà nước ở Trung Quốc hay Việt Nam thì bác có nêu ra biện pháp phải tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và bác khuyến khích việc tư nhân hóa hoàn toàn chứ không phải là kiểu " góp tiền tậu voi với phú ông " .

    Cháu mong bác phân tích sâu hơn một chút cho cháu về việc những biện pháp hay cách thức như thế nào để tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước đạt được hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế ạ ? Vì cháu nhớ nước Nga những năm 199x đã tiến hành mạnh mẽ việc tư nhân hóa hay bán các doanh nghiệp nhà nước cho tư bản, nhưng giá bán quá thấp so với giá trị thật dẫn tới việc thất thoát ngân sách và tài sản đất nước bị bán giá quá bèo.....

    Cháu chúc bác nhiều sức khỏe !

    Trả lờiXóa