Thứ Năm, tháng 10 29, 2015

Trung Quốc Cải Cách chế độ hộ khẩu

Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 151029
Diễn đàn Kinh tế  

Chế độ bất công của một hệ thống tự xưng thực hiện công bằng xã hội...
 
000_Hkg9188241
* Một công ty chuyển phát nhanh ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 12/11/2013 AFP photo* 
 
 
 


Trong hàng loạt biện pháp nhằm cải cách cấu trúc và chuyển hướng kinh tế qua hình thái phát triển quân bình và bền vững hơn, Trung Quốc phải hoàn tất việc giải phóng chế độ “hộ khẩu”, một tàn dư của hệ thống cai trị lỗi thời. Nguyên Lam trao đổi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa của chương trình Diễn đàn Kinh tế về hồ sơ khá đặc biệt này.


Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Kỳ 5 của Khóa 18 với trọng tâm là cải cách kinh tế và thực hiện Kế hoạch Năm năm thứ 13 cho thời hạn 2016-2020 sắp tới. Biến cố này đang được các thị trường tìm hiểu để thấy ra chiều hướng lãnh đạo kinh tế Trung Quốc trong những năm tới. Theo dõi những tin tức và phát biểu cho tới nay thì ông thấy có những gì là đáng chú ý?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau bốn ngày họp thì đến Thứ Năm 29 Hội nghị Kỳ 5 mới xong và phải tới tháng sau thì những chiều hướng chính của mục tiêu và nhiệm vụ mới được thông báo. Qua Tháng Ba năm tới thì nội dung chi tiết của Kế hoạch Năm năm mới được Quốc hội kỳ 4 của Khóa 12 thông qua. Những gì được tiết lộ đây đó cho ta thấy tham vọng lớn của Tiểu tổ Lãnh đạo Kinh tế Tài chính do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo, đây mới là cơ chế soạn thảo nội dung Kế hoạch Năm năm đưa ra cho 205 Trung ương Ủy viên thảo luận tuần này.

- Tham vọng lớn đến độ mâu thuẫn là vì về lượng họ vẫn cố giữ đà tăng trưởng khoảng 7% một năm trong khi về phẩm thì phải cải sửa rất nhiều, mà đã cải sửa thì khó tăng trưởng với nhịp độ 7%, cho dù con số 7% cũng chẳng là con số thật. Tuy nhiên, chúng ta còn thời gian tìm hiểu thêm về những gì lãnh đạo Bắc Kinh muốn thực hiện cho tới năm 2020 là khi đảng chuẩn bị Đại hội Khóa 20 vào năm 2022. Khi đó ta có thể tổng kết về thành tích của thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, hai người duy nhất còn tại chức sau Đại hội Khóa 19 vào năm 2017 tới đây.


Sau thời mở cửa, lãnh đạo Bắc Kinh từ bỏ mô hình công nghiệp nặng thời Xô viết và ráo riết phát triển công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng cho xuất khẩu, tập trung vào các khu vực địa dư thuận lợi nhất là các tỉnh duyên hải ở miền Đông. Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Ngoài ra, và tôi đề nghị là kỳ này chúng ta sẽ tìm hiểu chuyện đó, sau Hội nghị Kỳ 4 năm ngoái, với trọng tâm là cải cách cơ chế luật pháp thì tuần qua, Bắc Kinh đã hoàn tất chương trình cải cách chế độ “hộ khẩu” và sắp ban hành các văn kiện áp dụng. Từ các năm 2007 trở về trước, họ đã thấy ra yêu cầu cải cách và thử nghiệm tại nhiều thí điểm và nay mới tiến được một bước!


Nguyên Lam: Như vậy, kỳ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hồ sơ “hộ khẩu”. Thưa ông, đấy là cái gì vậy vì với nhiều người Việt mình, nghe đến chữ hộ khẩu là ai cũng rùng mình….

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đã qua Thế kỷ 21, nhiều người quá quen thuộc với chế độ tự do di chuyển và cư trú có thể đã quên phạm trù hộ khẩu hay kiểm soát sinh hoạt của các hộ gia đình.

- Trung Quốc là một trong vài nơi đầu tiên áp đặt chế độ này từ thời cổ đại, hơn 300 năm trước Tây lịch. Sau khi thống nhất xứ sở dưới chế độ Cộng sản vào năm 1949, Mao Trạch Đông thi hành chính sách hộ khẩu vì hai mục tiêu an ninh và kinh tế. Về an ninh, chế độ muốn kiểm soát từng hộ gia đình, bên trong có những ai và người này phải chịu trách nhiệm về người kia nên canh chừng lẫn nhau.

- Về kinh tế thì mục tiêu của Mao lại còn lớn lao hơn. Khi ấy, ông đòi công nghiệp hóa một xã hội có hơn 540 triệu dân trong vòng có một thế hệ. Muốn như vậy, ông cần kiểm soát và vắt sức của 90% dân số đang sống chủ yếu về canh nông ở thôn quê để dồn phương tiện cho công nghiệp ở đô thị. Vì thế, chế độ hộ khẩu là công cụ pháp lý giúp đảng và nhà nước khai thác sức lao động của đa số người dân để đem lại cơm ăn áo mặc cho công nhân và thị dân đang lao vào công nghiệp hóa qua những bước nhảy vọt vĩ đại. Kết quả là vài chục triệu nông dân chết đói còn hệ thống công nghiệp nặng học theo mô thức Xô viết là một vụ phá sản vĩ đại.


Nguyên Lam: Thưa ông, đa số dân chúng ngày nay có thể đã quên hoặc thậm chí không hề biết về chuyện đó, nên một cách khái quát thì nội dung của chính sách hộ khẩu là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mọi xã hội đều phải thay đổi, nhưng người cộng sản thì máy móc và duy ý chí nghĩ rằng họ sẽ chủ động tạo ra sự thay đổi cho xã hội tốt đẹp hơn và gọi đó là “cải tạo”. Họ quy định là từng người dân sinh ra ở nơi nào thì có nhiệm vụ cách mạng gắn liền với nơi sinh đó, và chia ra hai thành phần dân chúng căn cứ trên hai hình thái sản xuất là nông nghiệp và ngoài nông nghiệp. Nông dân hay cư dân ở nông thôn có cuộc sống và nhiệm vụ gắn liền với thôn quê và tạo sức bật cho thành thị đang tiến vào công nghiệp hóa. Vì vậy, sinh ra ở nơi nào là sẽ sống, lao động và phục vụ cách mạng ở nơi đó, phục vụ về cả an ninh lẫn sản xuất.


Nguyên Lam: Thưa ông, thế rồi sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách từ đầu năm 1979 thì tình hình có khả quan hơn chưa mà vì sao ngày nay Bắc Kinh vẫn nói đến việc cải tổ chế độ hộ khẩu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Họ có thay đổi chút đỉnh vì mục tiêu phát triển mới nhưng vẫn đóng khung người dân qua hai ngăn. Thành phần có hộ khẩu ngoài nông nghiệp tại các thành phố thì được bảo đảm một số phúc lợi xã hội tối thiểu như y tế, gia cư, giáo dục và hưu liễm. Thành phần có hộ khẩu thuộc diện nông nghiệp thì không được hưởng những phúc lợi ấy mà phải tự chu cấp hoặc trông cậy vào gia đình thân tộc khi có nhu cầu. Đấy là một chế độ cực kỳ bất công của một hệ thống chính trị tự xưng là thực hiện công bằng xã hội. Nhưng khi kinh tế đổi thay thì hệ thống lạc hậu này bắt đầu rạn nứt.  


Vì sao phải cải cách?   

000_Hkg10206837-400
Một công nhân quét đường ở Bắc Kinh dưới lá cờ Trung Quốc trong một con hẻm nhỏ. AFP photo


Nguyên Lam: Xin đề nghị ông đi từng bước và giải thích là kinh tế đổi thay thế nào và vì sao sự rạn nứt đã xảy ra khiến chế độ đang phải cải cách?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau thời mở cửa, lãnh đạo Bắc Kinh từ bỏ mô hình công nghiệp nặng thời Xô viết và ráo riết phát triển công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng cho xuất khẩu, tập trung vào các khu vực địa dư thuận lợi nhất là các tỉnh duyên hải ở miền Đông. Đấy là một thay đổi kinh tế, nó dẫn tới một thay đổi xã hội là bộ máy sản xuất vùng duyên hải thiếu nhân công nên cần lực lượng lao động dư dôi tại thôn quê, thí dụ như tại các tỉnh hay làng xã nghèo ở Tứ Xuyên, Hà Nam hoặc Giang Tây. Nhu cầu lao động ấy tạo ra sự chuyển dịch dân số hay hiện tượng “di dân nội địa” từ trong ra ngoài, từ các tỉnh nghèo khốn bên trong ra các tỉnh đã mở mang với thế giới bên ngoài.

Khi ấy, thực tế của đời sống bị đóng khung trong chế độ kiểm soát hộ khẩu đưa tới sự hình thành của hai thành phần xã hội là người có hộ khẩu ở tại chỗ và di dân không có hộ khẩu, mà họ cũng gọi là “dân công”. Phạm trù “dân công” này phản ảnh một tàn dư của thời chiến tranh trước đó, nó nói lên tư cách “công dân hạng nhì”, của hơn 300 triệu người xiêu dạt từ nơi chôn nhau cắt rốn tới vùng đất khác để kiếm sống mà không có điều kiện sinh hoạt tối thiểu, như y tế, gia cư, giáo dục hay hưu bổng.

Chế độ không đuổi lực lượng lao động cần thiết mà rẻ mạt ấy về chốn cũ vì nó có lợi cho sản xuất của doanh nghiệp nhà nước lẫn các chính quyền địa phương nên sau nhiều thập niên tạm bợ mà thành thường trực, thành phần di dân nội địa không có hộ khẩu đã lập gia thất, sinh con đẻ cái trong khung cảnh bất công và bất trắc ấy! Đấy là một hình thái bóc lột lao động đã phần nào đưa tới mức tăng trưởng làm thế giới khâm phục.

Nguyên Lam: Thưa ông, Nguyên Lam xin hỏi một câu có thể là lạnh lùng tàn ác. Nếu mà chế độ hộ khẩu có mang tính cách bất công nhưng có lợi cho kinh tế và đem lại một nguồn ngoại tệ lớn cho nhà nước thì tại sao lãnh đạo Bắc Kinh lại phải cải cách?

Đấy là một chế độ cực kỳ bất công của một hệ thống chính trị tự xưng là thực hiện công bằng xã hội. Nhưng khi kinh tế đổi thay thì hệ thống lạc hậu này bắt đầu rạn nứt. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cái chiến lược phát triển độc ác đó đã đi hết sự hữu dụng mà còn tạo ra hai nền kinh tế song hành là nông thôn nghèo khốn ở các tỉnh bị khóa trong lục địa và công nghiệp nhẹ ở các tỉnh duyên hải. Sự khác biệt như một định mệnh là địa dư hình thể trong/ngoài, trong thì héo mà ngoài lại tươi, trở thành mối đe dọa chính trị cho một chế độ thành hình từ đám nông dân nghèo khổ từ trong tiến ra ngoài với cuộc Vạn lý Trường chinh của Mao Trạch Đông.

- Từ mấy chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh có nhiều kế hoạch phát triển nội địa, nôm na là đô thị hóa nông thôn lạc hậu, để tìm sự cân bằng giữa các tỉnh mà không nổi trong khi ấy động loạn xã hội đã xảy ra ngày nhiều hơn, nhất là từ vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009 khiến cả trăm triệu dân công mất việc ngoài tỉnh và trở về quê cũ thì chẳng còn đất sống.

- Lý do là nông dân tại các tỉnh nghèo phải bán quyền sử dụng đất cho chính quyền địa phương làm giàu rồi họ tha phương cầu thực ở nơi khác mà lại không được bảo vệ. Rồi vì dân số đang lão hóa dần, các doanh nghiệp bắt đầu thiếu người nên thành phần dân công cũng không chấp nhận lương rẻ nữa.


Nguyên Lam: Khi nhớ lại các kế hoạch quy mô mà lãnh đạo Bắc Kinh muốn thực hiện thì có lẽ nhu cầu đô thị hóa nông thôn và phát triển các khu vực nghèo khổ lạc hậu là động lực chính của việc cải cách chế độ hộ khẩu để họ khỏi bị khủng hoảng chính trị bên trong. Thưa ông sự thể có phải là như vậy không và họ sẽ cải cách như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng mục tiêu của lãnh đạo là phát triển và đô thị hóa các tỉnh bên trong và vì không có thể dùng biện pháp cưỡng bách như trước nên phải làm sao cải tiến đời sống tại thôn quê, với yêu cầu chu cấp phúc lợi xã hội tối thiểu để có chiều hướng di dân ngược vào trong. Việc cải tổ chế độ hộ khẩu phải tiến hành song song với yêu cầu này. Cho nên, họ sẽ tiến dần tới việc xóa bỏ sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa thành phần có hộ khẩu và không có hộ khẩu.

- Chuyện thứ hai còn rắc rối hơn là ngay tại các tỉnh bị khóa trong nội địa cũng đã bị những thất quân bình giữa nông thôn và thành thị cho nên việc cải cách chế độ hộ khẩu còn có hai đòi hỏi khác là thứ nhất giải quyết nhu cầu công chi thu của các địa phương để chấm dứt tình trạng cướp đất của dân và thứ hai là lập ra mạng lưới phúc lợi xã hội tại địa phương để cư dân có được bảo hiểm y tế, có nhà ở và con cái được giáo dục miễn phí ở những cấp sơ đẳng trong chín mười năm.

- Kết luận ở đây là trong hơn hai chục năm qua, lãnh đạo Trung Quốc đã có bước tăng trưởng mạnh nhưng lại xây dựng lên một hệ thống kinh tế chính trị quá phức tạp bên trong có nhiều sự chòng chéo khó gỡ. Việc họ đã mất cả chục năm thử nghiệm và nay bắt đầu cải cách một trở lực quan trọng nhất là chế độ hộ khẩu là một điều đáng mừng. Nhưng thực hiện được hay không thì có lẽ năm năm tới mình mới biết được.

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.

4 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Mấy hôm nay có lẽ...làm phiền bác hơi nhiều vì hỏi nhiều quá. Nhưng cháu thấy có vấn đề thế này nhân bài về "hộ khẩu", có khi nào bác nghĩ "quốc tịch" cũng là một dạng hộ khẩu tầm cấp quốc gia hay không. Ví dụ khi người ta nghĩ đến chuyện "tự do cư ngụ", tức bỏ hộ khẩu mà quản lý theo diện cư trú hiện tại như một số nước, vậy tại sao lại kiểm soát di dân, đặc vấn đề quốc tịch làm cái gì? Liệu người cư trú, lao động bất hợp pháp tại Mỹ có phải cũng là dạng "dân công" như kiểu Trung Quốc hay không? Như dân Mestizo cũng bị "lợi dụng" kiểu công dân hạng hai để làm những việc nặng nhưng vẫn bị trả lương thấp. Tuy nhiên, con cái họ và bản thân họ-dù là thành phần cư ngụ bất hợp pháp- vẫn được hưởng một số phúc lợi rõ ràng khác Tàu Cộng nhiều.
    Xét cho cùng cháu nghĩ, ngoài ý tưởng hộ khẩu để kiểm soát về vấn đề an ninh của các chính thể toàn trị hay vấn đề kinh tế chính trị ngắn hạn thì nó cũng bắt nguồn từ nơi "đất lành chim đậu" hạn chế những gánh nặng không mong muốn khi người dân xứ khác tràn vào đất mình nhất là khi chuyện dịch chuyển đó thiếu chọn lọc, mang tình thần mị dân dưới biểu ngữ "nhân đạo". Đó có thể ích kỉ nhưng nếu nhìn rộng ra với một thế giới đa tạp thì chưa hẳn.
    Hy vọng bác có thêm nhiều bài viết hay hơn nữa.
    Cháu xin mạn phép bàn luận.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Thịnh,
      Trước khi trả lời câu hỏi của Thịnh, Kevin xin mạn phép đề cập đến câu hỏi của các nhà thống kê hay đặt ra để trả lời cho 1 vấn đề gì đó là "How big is big and how small is small?" Kích cỡ sample khảo sát lớn bao nhiêu là đủ, và errors nhỏ cỡ bao nhiêu là vừa. Hay trong kinh tế học, các nhà kinh tế thường giải quyết các bài toàn về incentive. Incentives khác nhau thì sẽ cho ra những consequences khác nhau. Cho nên nhiều lý luận chỉ đúng trong 1 số trường hợp nhất định. Khi khái quát ra phạm vi lớn hơn sẽ nảy sinh ra 1 bài toàn khác.
      Quay trở lại về vấn đề hộ khẩu, quản lý con người bằng hộ khẫu tạo ra nhiều bất công trong xã hội của Tàu Cộng. Nên bài toàn của Tàu Cộng là cải cách hay xoá bỏ chế độ hộ khẩu để làm giảm đi những bất công đó. Nhưng gôm việc hộ khẩu với quốc tịch để khái quát lên vấn đề tự do cư ngụ trên toàn thế giới thì quá khập khiễng. Ỡ Mỹ các libertarians thường khái quát sự tự do cư ngụ này qua vấn đề biên giới mở (open borders). Nhưng vấn đề biên giới mở chỉ có thể áp dụng khi các nước láng giềng có 1 nền kinh tế, giáo dục, sự tôn trọng luật pháp và giá trị văn hoá tương đối đồng đều với nhau. Khi các nước láng giềng với nhau không đáp ứng được những điều kiện này thì yếu tố welfare sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong vấn đề biên giới mở. Vì vậy vấn đề hộ khẩu hay biên giới mở là 2 bài toán khác nhau, không nên gộp chung lại.
      // Nhân tiện đề cập đến libertarian, Kevin cũng xin nói thêm về Mises Institute. Mises Institute đề cao tự do trong xã hội và kinh tế theo trường phái Austrian, chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng của Ludwig von Mises và Murry N. RothBard. Tuy có nhiều bài hay nói về tác hại của nhà nước vú em hay kinh tế chỉ huy, nhưng cũng có nhiều bài viết hơi xa rời thực tế khi đề cập đến các vấn đề xã hội chằng hạn như chống đối quyền sở hữu trí tuệ hay đôi khi lập dị quá mức khi dùng khái niệm của sự tư hữu để đề cập và giải thích vấn đề liên quan đến quyền trẻ em trong cuốn The Ethics of Liberty của Murray Rothbard.

      Cháu xin chúc bác Nghĩa cuối tuần vui vẻ.

      Xóa
    2. Cảm ơn câu trả lời của bạn Kevin.

      Nhân chuyện Kevin nói về libertarian, mình (xin tạm xưng hô như vậy) cũng xin nói đôi lời. Mình tự nhận mình là một libertarian nhưng không giống kiểu Kevin nêu ở trên, cũng chẳng giống hoàn toàn quan điểm của cha con Ron/Rand Paul.

      Mình tự định nghĩa libertarian khá đơn giản là tự do xã hội, luân lý đồng thời cũng tự do kinh tế, tức vừa thuộc cánh tả mặt xã hội nhưng lại thuộc cánh hữu mặt kinh tế, có thể ví dụ mình ủng hộ hôn nhân đồng tính đồng thời lại ủng hộ giảm thuế và đơn giản hóa chính sách, thủ tục.... Có lẽ mình giống và ủng hộ classical liberal, tức chủ trương nhà nước thế tục, tự do kinh tế, luật lệ rõ ràng-pháp quyền, nhà nước có giới hạn, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do học thuật...
      Mình nghĩ, một số người họ nói họ là "libertarian" nhưng họ tùy thuộc vào nhiều cách định nghĩa khác nhau, tùy một mặt nào đó (kinh tế hay xã hội, thậm chí mặt khác như tinh thần phản chiến cực đoan), tùy thuộc thêm vào mức độ, ôn hòa đến cực đoan.
      Nhìn chung, mình khá cảm tình với đảng CH vì đảng này chủ trương tự do kinh tế, nhưng lại không hề cảm tình về phát ngôn của các chính trị gia mờ ám mặt xã hội dù thông cảm với họ cần lấy lá phiếu cử tri, tuy nhiên Hoa Kỳ là nhà nước thế tục, pháp quyền thì mình vẫn cho rằng vấn đề này không lớn, "không lớn" có nghĩa yếu tố tôn giáo hay "sự bảo thủ xã hội" không hề tác động, chi phối đến tự do ngôn luận, tự do học thuật hay tự do tư tưởng.
      Nhìn chung, mình cho rằng xã hội Âu Mỹ dù có yếu tố "bảo thủ" nhưng khác hẳn với xã hội Hồi giáo thần quyền quá nặng nề, ảnh hưởng cả tự do xã hội cá nhân-tự do tư tưởng lẫn đè bẹp tự do kinh tế.
      Đôi lời chia sẻ với Kevin.

      Cháu cũng xin chúc bác Nghĩa cuối tuần vui vẻ.

      Xóa
  2. Bác Nghĩa ơi, ở VN lại nóng lên tranh luận về tỉ lệ nợ công so với GDP, người bênh thì dẫn ra nước khác có tỉ lệ cao hơn VN, người chỉ trích thì dẫn ra nước có tỉ lệ thấp hơn, rồi một lô các nguy cơ này nọ, chỉ vào Hy Lạp mà dọa. Hôm nào bác giải ảo hoặc xóa tan màng khói giúp cho ạ! Cám ơn bác.

    Trả lờiXóa