Thứ Năm, tháng 11 12, 2015

Gian Nan Sau Bầu Cử Tại Miến Điện



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người Việt 151111
 
Hiện Trường Miến Điện Là Một Ác Mộng Của Dân Chủ

















* Thần tượng Aung San Suu Kyi - Được bao lâu? *



Hôm Chủ Nhật mùng tám vừa qua, hơn 30 triệu cử tri Miến Điện đã đi bầu, một biến cố có ý nghĩa lịch sử khi xứ này đang trên đường chuyển hóa sang một chế độ dân chủ kể từ năm 2011. Lưỡng viện Quốc hội Miến có tổng cộng 664 ghế dân biểu nghị sĩ. Các tướng lãnh và đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party - USDP) đề cử 25% số ghế, là 166. Còn lại, 498 ghế được dành cho cử tri chọn lựa.

Muốn tu chính Hiến pháp, Quốc hội phải có trên 75% số ghế, vì vậy giới tướng lãnh vẫn kiểm soát được độ mở lẫn đà chuyển hóa của xã hội. Trước đây, Miến Điện có chế độ độc tài quân phiệt. Ngày nay thì họ gỡ được chữ quân phiệt - Tổng thống đương quyền Thein Sein là một tướng hồi hưu! - đã chấp nhận tự do bầu cử và cho người dân chút quyền chọn lựa.

Hôm Chủ Nhật, người dân đã chọn đại diện của 91 đảng chính trị cho 498 ghế được dành cho dân. Dù kết quả chính thức của ngần ấy quận hạt bầu cử chưa được công bố, đảng đối lập mạnh nhất là Liên minh Quốc gia cho Dân chủ (National League for Democracy – NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã thắng lớn, với tỷ lệ hơn 70% và được các tướng lãnh gửi lời mừng.

Sau đó là gì? Hồ Sơ Người-Việt xin tìm hiểu chuyện ấy.…



Hai Mươi Lăm Năm Trước

Nhìn trong viễn cảnh dài thì chế độ quân phiệt Miến đã chuẩn bị cuộc bầu cử này từ 25 năm trước!

Vì sự bế tắc của quốc gia từ khi các tướng lãnh nắm quyền tuyệt đối từ năm 1962, chế độ bắt đầu buông tay thật nhẹ khi cho phong trào chống đối được quy tụ vào một chính đảng là đảng NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào năm 1988. Sinh năm 1945, bà là con gái Tướng Aung San, vị anh hùng thời đấu tranh giành độc lập từ tay Đế quốc Anh. Hai năm sau, chế độ cho tổ chức bầu cử và hết hồn khi đảng NLD đã chiếm gần 80% số ghế được thả cho dân chọn.

Hậu quả là chế độ hốt hoảng, hủy bỏ kết quả bầu cử năm 1990, giải tán đảng NLD và tống giam cả trăm đảng viên cao cấp, kể cả bà Aung San Suu Kyi. Chính hành động này mới khiến bà Suu Kyi nổi danh thế giới, được Giải Nobel Hòa Bình năm 1991 trong khi Miến Điện bị thế giới cô lập và kinh tế trôi vào khủng hoảng.

Hai chục năm sau, chế độ lại cho bầu cử vào năm 2010 nhưng đảng NLD tẩy chay bầu cử trong khi giới tướng lãnh tìm cách mở cửa lần thứ nhì, kể từ năm 2011. Trong cuộc bầu cử bán phần vào năm 2012 để chọn người cho 44 ghế mà chế độ thả ra cho dân, đảng NLD tham gia bầu cử và chiếm 43 ghế, bà Suu Kyi trở thành Dân biểu từ đó. Việc đảng NLD vào Quốc hội và bà Suu Kyi trở thành một nhân vật lãnh đạo đã cho chế độ một chút chính danh và thoát dần tình trạng cô lập. Miến Điện nhận được đầu tư của quốc tế và chuyển hóa thật chậm, có thể là quá chậm nhìn theo quan điểm của đối lập, nhưng an toàn hơn, nhìn theo qua điểm của các tướng lãnh và tay chân thân tộc trong hệ thống kinh tế…

Mục Tiêu Của Các Tướng


Ngay từ năm 2003, giới tướng lãnh đã vẽ ra lộ trình chuyển hóa đất nước qua chế độ dân chủ có kỷ luật. Đó là “Roadmap to Discipline-Flourishing Democracy”. Muốn hiểu ra động lực ấy, ta cần nhớ rằng Miến Điện là một quốc gia rất khó cai trị.

Về địa dư thì ngoài lưu vực phì nhiêu của sông Irrawaddy chảy dọc từ Bắc xuống Nam ra tới biển Adaman bên Ấn Độ Dương – chiếm hơn phân nửa diện tích quốc gia – thì các rặng núi và cao nguyên vây quanh ba mặt là nơi sinh hoạt của các sắc dân thiểu số, hoặc bàn đạp cho các đợt đổ quân xuống bình nguyên để tranh hùng với dân sắc dân Miến. Cũng từ ba mặt Tây, Bắc, Đông, xứ Miến Điện bị các cường quốc khác tấn công hay khuynh đảo nhờ bàn tay của các sắc dân thiểu số rất thiện chiến. Đã vậy, về lịch sử, Đế quốc Anh đưa dân thiểu số vào nắm quân đội và an ninh, để dân Miến chỉ đảm nhiệm vai trò kinh tế và hành chánh.

Sau khi giành lại được độc lập từ năm 1947, dân Miến đã muốn sửa lại tình trạng thất quân bình ấy và nắm lấy quân đội. Một thế hệ sau, quân đội nắm lấy quyền và xây dựng “xã hội chủ nghĩa” với màu sắc cộng sản làm kinh tế khủng hoảng, mức sống sa sút. Bài toán nghiêm ngặt cho họ là các vùng hiểm trở vây quanh thung lũng Irrawaddy lại có nhiều tài nguyên thiên nhiên làm giàu cho các sắc dân thiểu số và các nước lân bang như Thái Lan và nhất là Trung Quốc.

Từ năm 1962, chế độ quân phiệt tự đề ra nhiệm vụ là đẩy phiến quân thiểu số ra khỏi vùng ngoại vi hiểm trở mà giàu tài nguyên và không cho hình thành những lực lượng đối lập võ trang hay chính trị.

Nhưng chánh sách độc đoán và hà khắc ấy lại khiến Miến Điện bị quốc tế cô lập, kinh tế suy sụp và càng phải dựa vào Trung Quốc! Trong khi Bắc Kinh cũng hết yểm trợ các lực lượng võ trang cộng sản mà tiến vào Miến Điện với các dự án đầu tư.

Vì hoàn cảnh ấy, chế độ độc tài quân phiệt bèn tự chuyển hóa, bớt quân phiệt, giảm độc tài, cho bầu cử để nhận được đầu tư từ các nước Tây phương hầu cân bằng lại với thế lực của Bắc Kinh. Trong khi đó, các vị trí trọng yếu về chính trị và kinh tế vẫn do tay chân của họ kiểm soát qua thành phần hồi hưu, và chiếm thêm quyền lợi khi “tư nhân hóa” hệ thống kinh tế nhà nước.

Ngày nay, lòng dân thì nghiêng về đảng NLD, nhưng thế lực kinh tế chính trị và hành chánh vẫn nằm trong tay các tướng và đảng USDP. Họ là yếu tố ổn định an toàn cho giới đầu tư Tây phương và nhất là doanh gia Mỹ. Giới đầu tư Hoa Kỳ bắt đầu than phiền rằng bà Suu Kyi chẳng biết gì về kinh tế!

Hãy đọc các bài phỏng vấn tuần qua của tờ Wall Street Journal về Aung San Suu Kyi thì rõ.


Bài Toán Của Aung San Suu Kyi


Người dân Miến Điện gọi bà là Daw Aung San Suu Kyi với lòng kính trọng. Chữ “Daw” là một tước hiệu có thể dịch là “Phu Nhân”, Lady, Madame…. Với dân Miến, bà là một biểu tượng dân chủ nhưng nhận lãnh một di sản chết người.

Hãy nhìn vào cách chia ghế trong cuộc bầu cử vừa qua thì ta thấy ra một phần.

Khu vực “trung nguyên” của Miến Điện, từ miền Trung xuống vùng châu thổ của sông Irraway tại miền Nam là nơi tập trung sắc dân Miến thì được chọn 291 ghế (41% của lưỡng viện Quốc hội). Các vùng ngoại vi vây danh, nơi tập trung các sắc dân thiểu số, thì được chọn 207 ghế (31% của Quốc hội. Chỉ có hai đảng NLD của bà Suu Kyi và USDP của tướng lãnh là được đưa người tranh cử trên tòan quốc. Địa dư chính trị quái lạ của Miến Điện khiến dân thiểu số (40% dân số toàn quốc) có gần hai phần ba của 91 chính đảng ra tranh cử lần này và trong bầu cử, họ tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi với nhau với hậu quả là sự trùng lấp các địa hạt và cử tri. Họ là thiểu số nên càng dễ là thiểu số về chính trị.

Đảng USDP và các tướng lãnh biết vậy nên đã dồn tiền cùng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vào những khu vực đó để tranh thủ lá phiếu thiểu số. Và lấy cả lá phiếu của thành phần Phật giáo quốc gia cực đoan nằm ngoài khu vực “trung nguyên” cốt lõi của đất Miến. Tức là trong khi dân Miến đa số nhìn vào hai ngả NLD và USDP để chọn lựa, thành phần thiểu số và cực đoan lại nghĩ khác: bà Aung San Suu Kyi chỉ là anh hùng của người Miến, không là đại diện của họ.

Nếu nhớ lại quan điểm lý tài của “quốc tế” vì trông cậy vào tài ổn định của các tướng lãnh và nhìn vào địa dư chính trị của bầu cử, chúng ta có thể hiểu một phần các bài toán đang chờ đợi Suu Kyi và đảng NLD.

Sau cuộc bầu cử và chiến thắng “long trời lở đất” của đảng NLD, tình hình chính trường Miến Điện lại càng đổi mới theo chiều hướng phân hóa nhưng với đảng USDP và các tướng lãnh vẫn nắm dao đằng chuôi.

Bà Aung San Suu Kyi chỉ có chính nghĩa, trở thành lãnh tụ đối lập sáng giá nhất nhưng chưa thể lên làm Tổng thống vào năm tới vì “Hiến pháp” của các tướng vẫn còn điều khoản có chủ đích gạt bà ra ngoài vì thành hôn với người ngoại quốc và có hai con mang quốc tịch Anh. Còn lại, liệu đảng NLD của bà có quyền chỉ định Tổng thống hay không, người ấy là ai, sẽ giữ niềm chung thủy với lãnh tụ dù sao đã 70 tuổi, hay sẽ tính chuyện khác?

Nếu bà Suu Kyi và các lãnh tụ kia của đảng NLD mà tính xa hơn, để chỉ định một vị tướng “ôn hòa”, như tướng hồi hưu Shwe Mann vừa bị các tướng truất khỏi vị trí chủ tịch đảng USDP, để gây chia rẽ trong hàng ngũ tướng lãnh của chế độ thì sao?

Trong khi đó vấn đề của các lực lượng võ trang thiểu số vẫn còn nguyên vẹn, Hiệp định Ngưng bắn Toàn quốc vẫn chưa được thông qua hay phê chuẩn. Và Bắc Kinh thì theo dõi tình hình rất sát nên vẫn yểm trợ các tướng mà đã nói chuyện với đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi.

_____

Kết luận ở đây là gì?

Lý tưởng dân chủ có khả năng chuyển hóa lòng người không?
Tây phương có thể làm gì cho lý tưởng đó?
Và cho bà Aung San Suu Kyi cùng đảng NLD?
Khi nhiều tổ chức Hoa Kỳ đang kín đáo yểm trợ Hà Nội, họ nghĩ sao, tính gì?



19 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Xin lỗi nếu cháu lại lạc đề. Mấy hôm nay chắc bác biết rồi, là vụ khủng bố Hồi giáo ở Paris. Nhưng có lẽ điều cháu muốn nhắc đến là một mạng lưới truyền thông, tuyên truyền đi gỡ tội cho Hồi giáo cực đoan. Nhân chuyện bác nói về chuyện Tàu Cộng hay Việt Cộng tác động vào chính trường Mỹ thông qua các lò trí tuệ, dường như cháu nghĩ còn có những thế lực nguy hiểm hơn, đó là hệ tư tưởng Hồi giáo với những người theo nó cũng đang tác động mạnh mẽ vào chính trường Mỹ, ý thức người dân Mỹ.
    Họ tuyên truyền rất tinh vi, nào là đổ lỗi cho phương Tây về quá khứ như thời kì hậu đế chế Ottoman hay thời kì Thập Tự Chính, nào là nói ISIS là tổ chức của Mỹ hay tình báo Israel, nào là phủ nhận kinh Koran có đề cập đến bạo lực, phụ nữ Hồi giáo được đối xử đàng hoàng, thậm chí còn né vấn đề Paris mà nói ngày hôm đó bao nhiêu người Hồi chết vì khủng bố. Thực tế thì ngược lại, chuyện lịch sử thì ai chịu khó tìm hiểu sẽ biết đây là "ngậm máu phun người", trò tuyên truyền rẻ tiền nhưng xứ phương Tây ngớ ngẩn vẫn không ít người dốt sử tin thật.
    Cháu thấy dường như các nước Mỹ-Âu và các đồng minh hay nói về mối nguy Nga, Tàu nhưng lại ít nói về mối nguy Hồi giáo, dường như họ bỏ quên đây là một hệ tư tưởng nhằm thiết lập một trật tự thế giới Hồi giáo qua các đội quân đông, hung hãn và dốt nát đang tràn ngập khắp Âu-Mỹ.
    Mong bác chia sẻ thêm về vấn đề phức tạp này và cháu thấy dường như chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh toàn diện, đặc biệt bằng tư tưởng hơn là quân sự với hành động cực đoan nhân danh tôn giáo.

    Trả lờiXóa
  2. Rất đúng, 111 Thinh. Xin đón xem chương trình Bên Kia Màn Khói sắp tới. Chúc an lành. NXN

    Trả lờiXóa
  3. Chương trình Bên Kia Màn Khói đã phát hình vào tối Thứ Bảy 14 tại California:

    https://www.youtube.com/watch?v=JIcV3a1RcZ8

    Trả lờiXóa
  4. bác Nghĩa ơi, cháu có cảm tưởng là cái IS hiện tại cũng như lý tưởng cs thời đầu tk20. liệu nếu IS thành công thì hệ lụy của nó sẽ ra sao ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em quá sáng khi hỏi câu đó. Đầu thế kỷ 20, không ai tin là lý luận dớ dẩn của Marx và Lenin lại làm mấy chục triệu người chết! Chỉ vì hèn. Tôi đã chuẩn bị trả lời tất cả trên show Bên Kia Màn Khói tuần này, nhưng chắc là sẽ chấm dứt show đó luôn, vì không ngờ là cái vô minh của loài người lại đến độ như vậy. Keep in touch

      Xóa
    2. bác Nghĩa ơi, cái video trên nó lại nói là private rồi, tiếc quá, chưa kịp coi. mà thui, cụ kệ mịa chúng nó đi. chó cứ sủa, đoàn người cứ đi

      Xóa
  5. Thưa bác Nghĩa,
    Cháu mong bác đừng chấm dứt show Bên Kia Màn Khói ạ, cháu nghĩ đây là show rất hay.
    Mong bác mạnh khỏe và tiếp tục có nhiều bài viết bổ ích.

    Trả lờiXóa
  6. Bác Nghĩa ơi, thật buồn khi nghe tin show Bên Kia Màn Khói sẽ sắp phải chấm dứt. Từ những bài viết và talk show của bác em tìm hiểu thêm và học được rất nhiều thứ. Mà thậm chí các bài viết của bác trích về dainamaxtribune đều chứa thông tin đáng xem. Chẳng hạn như bài viết này của tác giả Hùng Tâm, trong suốt 2 tuần qua rất nhiều nhà bình luận đều viết bài ngợi ca về tình hình tại Myanmar, nhưng bài viết này của tác giả Hùng Tâm lại đưa những thông tin xác thực tế với bài toán khó khăn tại Myanmar.
    Từ khi xảy ra cuốn phim của cái nhóm truyền thông gian trá đó thì em thấy có 1 chuyện bi mà rất hài là nhiều nhà bình luận đem bài của bác Nghĩa về blog hay facebook của họ hàng tuần, thậm chí chưa kể đến 1 số người còn lấy bài của bác Nghĩa sửa lại thêm thắt và đưa vào 1 số bình luận để tạo thành bài của họ, nhưng giờ nhiều người trong số họ lại chỉ trích bác Nghĩa. Hoá ra họ tự mê và chẳng hiểu gì cả về các bài viết của bác Nghĩa trong nhiều năm qua.
    Cháu xin chúc bác mạnh khoẻ, và những nổi buồn mất mát trong năm nay của bác sớm qua đi. Hy vọng cháu có thể gặp mặt bác ngoài đời thực trong 1 ngày gần đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Kevin,

      Nếu em tìm đọc lại thì từ 2010, tôi đã viết rất sớm ảo tưởng củqa truyền thông về Cách Mạng Dân Chủ trong khối Á Rập Hồi giáo và qua năm 2011 còn dự đoán là Chính quyền Obama sẽ chơi dại mà nhảy vào Libya. Quả nhiên như vậy! Chuyện dùng bài của tôi rồi lại mạt sát tôi theo mấy người Mỹ bất lương cũng chẳng là điều mới lạ!

      Xóa
  7. "... Tôi đã chuẩn bị trả lời tất cả trên show Bên Kia Màn Khói tuần này, nhưng chắc là sẽ chấm dứt show đó luôn..." thật là một tin rất buồn!

    Từ khi được biết chú là người của Mặt Trận, cháu càng khâm phục và kính trọng chú nhiều hơn! Một kinh tế gia mà có tinh thần của võ sĩ Summurai vì tổ quốc!

    Mong chú bình an trong nội tâm và có nhiều sức khỏe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cam on Thanh,

      Tôi quá bận vì còn một tờ báo Xuân phải lo và không còn để ý đến chuyện báo hại nữa!

      Xóa
  8. Thưa bác Nghĩa
    Cháu là một người hâm mộ bác đang tại xứ Lừa. Gần đây cháu thấy có rất nhiều bài báo ác ý ăn theo bộ phim tạp nham của A.C. Cháu không có nhiều điều kiện để tiếp cận những nguồn thông tin đáng tin cậy nên đã phải xem đi xem lại bộ phim ấy gần 10 lần mới thấy rõ ác ý của đoàn làm phim. Từ cách dẫn chuyện cho đến bố cục của những cảnh quay gần và xa từ những nhân vật được phỏng vấn để tạo không khí hoang mang cho người xem. Một kịch bản cải lương kiểu Mỹ hết sức tồi. Đến hôm nay cháu mới biết bộ phim này như là một món hàng được A.C làm dưới sự đôn đốc và đầu tư của một anh tư bản đỏ HN. Một sự bôi nhọ mà phía cs nhằm vào bác
    Chúc bác ngày càng nhiều sức khỏe và mọi sự bình an. Vì cháu tin sự thật thì như mặt trời, họ chỉ có thể trốn nó chứ không sao che được nó.
    Kính gửi bác với tất cả sự kính trọng từ cháu.

    Trả lờiXóa
  9. Thưa bác Nghĩa
    Cháu là một người hâm mộ bác đang tại xứ Lừa. Gần đây cháu thấy có rất nhiều bài báo ác ý ăn theo bộ phim tạp nham của A.C. Cháu không có nhiều điều kiện để tiếp cận những nguồn thông tin đáng tin cậy nên đã phải xem đi xem lại bộ phim ấy gần 10 lần mới thấy rõ ác ý của đoàn làm phim. Từ cách dẫn chuyện cho đến bố cục của những cảnh quay gần và xa từ những nhân vật được phỏng vấn để tạo không khí hoang mang cho người xem. Một kịch bản cải lương kiểu Mỹ hết sức tồi. Đến hôm nay cháu mới biết bộ phim này như là một món hàng được A.C làm dưới sự đôn đốc và đầu tư của một anh tư bản đỏ HN. Một sự bôi nhọ mà phía cs nhằm vào bác
    Chúc bác ngày càng nhiều sức khỏe và mọi sự bình an. Vì cháu tin sự thật thì như mặt trời, họ chỉ có thể trốn nó chứ không sao che được nó.
    Kính gửi bác với tất cả sự kính trọng từ cháu.

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn độc giả Vân Đào đã cẩn thận gửi hai lần, Những kẻ bất lương này còn nhiều thủ đọan lắm mà những người không hiểu có thể là đồng lõa mà không biết! NXN

    Trả lờiXóa
  11. Thầy Nghiã kính mến, có dân chủ pháp trị thì người tài giỏi mới có quyền ra ứng cử và người dân mới có quyền tự do chọn được những người đó. Dù không có cái gì dưới vòm trời này là hoàn hảo, nhưng chắc việc này có lợi cho đất nước cuả họ nên ông Thein Sein và các tướng lãnh cuả Miến Điện mới chấp nhận cải tổ.

    Poorshope chỉ mong sao trong một tương lai không quá xa, Việt Nam sẽ chuyển hoá, xóa bỏ chế độ toàn trị, không còn nạn kỳ thị lý lịch nưã. Con cháu ông Nguyễn Văn Linh hay con cháu ông Nguyễn Văn Thiệu hay ông Nguyễn Tấn Dũng gì gì đều được bình đẳng trước pháp luật.

    Thật là bất ngờ và thú vị khi xem xong mấy buổi phỏng vấn Thầy Nghiã vưà rồi. Ai ngờ Thầy Nghiã lại là "con ông cháu cha" cuả CS, rồi còn là lãnh đạo kháng chiến nưã. Ôi, Tài hoa chi lắm cho đời phát ghen, nhỉ? :-)

    Chỉ khi nào ở trong nước các ông CS bớt ác, tham và mê muội, hải ngoại bớt hận thì hoạ may Việt Nam mới có thể chuyển mình như Miến Điện được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Khi nhiều tổ chức Hoa Kỳ đang kín đáo yểm trợ Hà Nội, họ nghĩ sao, tính gì?" - Thầy Nghiã nói thế, xin Thầy cho độc giả biết thêm là các tổ chức nào ạ? Nếu có, em đoán họ đang cạnh tranh với sự "yểm trợ" toàn quyền cuả Trung Quốc vào Việt Nam đấy.

      Thầy Nghiã hai tay đều cầm kiếm, chính trị, kinh tế, rồi văn, võ song toàn, thì biết rưả tay nào, gói kiếm nào nhỉ? Chi bằng giữ y nguyên thì hay hơn. Nhưng là hiền giả lại là Phật tử học trò cuả một ân sư nổi tiếng, thì dụng ngôn theo Phật pháp sẽ dễ đi vào lòng người. :-)

      Xóa
    2. Poorshope đã đánh giá người viết quá cao.

      Khi Bắc Kinh lập ra một "think tank" (Nanhai Hainan Study Center) ngay tại thủ đô Hoa Kỳ từ Tháng Tư để thuê học giả Mỹ chứng minh chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển Đông Nam Á, hoặc khi một think tank nổi tiếng khác của Hoa Kỳ là Center for Strategic and International Studies mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đọc tham luận vào ngày tám Tháng Bảy, mà cận vệ của Nguyễn Phú Trọng đòi nhân viên CSIS đuổi môt người tham dự ra ngoài vì bà là một bác sĩ có tài nhưng đấu tranh cho nhân quyền thì ta nên gọi là "văn" hay "võ"?

      Trên Chương trình Bên Kia Màn Khói, tôi đã có trình bày hai chuyện này....

      Khi chúng ta mở diễn đàn phổ biến sự hiểu biết về nhiều mặt của nhân loại thì các chế độ độc tài như Bắc Kinh hay Hà Nội coi là ta đã tuyên chiến với họ vì có thể đưa ra những sự thật khác.

      Tất nhiên là họ phản ứng.

      Trong khi đó, cũng có nhiều think tank hay học giả khác đang theo dõi chuyện "phản công" này của bọn xấu và lẳng lặng phản đòn bằng cách khác, ở nơi khác. Trận chiến "Thiện/Ác", hay giữa Phật pháp với Ma vương, thật ra vẫn còn, và vô tận....

      Trên Facebook của tôi, tôi có giới thiệu quan điểm đầy nghịch lý của đức Đạt Lai Lạt Ma về vụ khủng bố tại Paris. Xin gõ tên Ngài và Paris thì có thể tìm ra...

      Còn lại, giữa tình cảm và lý trí, dùng lý luận đi vào tâm hồn hay trí não của con người, cách nào hữu hiệu thì nhiều khi người viết này chưa biết được. Nói theo nhà Phật là "tùy phương tiện" chăng?

      Miễn là làm với lòng chí thành - cho người, không phải cho mình - mà thôi.

      Xóa
  12. Thầy Nghiã kính mến,

    Khi nói về Thầy, "văn" để chỉ văn chương - nghệ thuật, "võ" là kinh tế - chính trị. Đấu tranh nhân quyền cũng là "võ", vì nó thuộc về chính trị", không biết em nghĩ như vậy có đúng không nưã.

    Có phải Thầy Nghiã muốn nói đến bài "Hà Nội đã mua ảnh hưởng ở Washington thế nào" không? http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/08/150805_rushford_how_hanoi_buys_influence_in_washington

    Ở những nhà nước có thể chế đồi bại, người lãnh đạo không dám đương đầu với công luận, không muốn nghe sự phản biện, nên các nghị gật và quan chức sợ hãi là một chứng bệnh nan y. Các lãnh đạo đó không thề hành sự như người Đàn bà Thép cuả nước Anh, khi bà nói thẳng trước nội các, rằng bà muốn nghe ý kiến cuả họ về vấn đề bà đưa ra, chứ không muốn họ đến ngồi đó, vâng dạ, lãnh ý rồi đi, hay "have no idea".

    Trả lờiXóa
  13. Nặc danh13/3/16 3:15 SA

    Mấy câu hỏi để kết luận cuả thầy Nghiã rất đáng để bạn đọc suy gẫm.
    Nếu đọc thông tin từ báo chí chính thống và bloggers trong nước, sẽ hiểu được nhiều điều. Nó cho người muốn tìm hiểu về Việt Nam và con người Việt Nam một cảm thức thất vọng. Bị trói cột lâu năm, dưới một áp lực răn đe quá lớn cuả nhà cầm quyền toàn trị, những người có vẻ tinh anh nhất cũng đã không thoát nổi cái sức hút cuả vòng kim cô và ... chính họ. Là một phần hữu cơ cuả chế độ, là công cụ hay chất liệu cơ bản, bỗng dưng con người đã biến thành làm một với cỗ máy, không biết làm sao thoát ra, và đôi khi cũng không muốn thoát ra. Họ dễ nghi ngờ, dễ bị tổn thương, dễ bị rơi vào những phản ứng cố chấp. Đó là một chứng bịnh khó chưã mà tình thương hay công kích đều không đủ để thay đổi họ.

    Trả lờiXóa