Thứ Năm, tháng 11 19, 2015

Hậu Quả Của Khủng Bố Tại Paris



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 151118

Lan từ Pháp ra ngoài, nhưng củng cố tinh thần quốc gia Pháp  


* Ngón tay lên trời - Nicolas Sarkozy và Angela Merkel tái ngộ trong thế khác *


Chúng ta đều có thể biết các nguyên nhân xa gần nặng nhẹ của vụ khủng bố tối Thứ Sáu 13 tại Paris, và cuộc bố ráp hôm 18 tại thị xã Saint Denis thuộc tỉnh Seine-Saint Denis là ngoại ô Đông-Bắc của thủ đô Paris. Về mặt an ninh, việc điều tra, truy lùng và tiêu diệt các tổ đặc công của khủng bố đang tiếp tục, với tin tức dồn dập hàng ngày hàng giờ. Tuy nhiên, từ biến cố quá trầm trọng này, người ta đã có thể nhìn ra những hậu quả xa gần của vụ khủng bố, từ nay được gọi là Paris 13/6 cho gọn…. Đây là mục tiêu của Hồ Sơ Người-Việt kỳ này.


Nước Pháp Đứng Dậy


Khác với lần trước, khi tòa soạn báo Charlie Hebdo và một ngôi chợ Do Thái bị khủng bố tấn công vào Tháng Giêng, sau vụ Paris 13/6, lãnh đạo Pháp có phản ứng mạnh mẽ dữ dội hơn và nói đến chiến tranh với việc trả đũa không thương tiếc (impitoyable). Tổng thống François Hollande đã đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội, gặp lãnh tụ đối lập và đề nghị tu chính Hiến pháp của nền Đệ ngũ Cộng hòa, ra đời từ năm 1958, để có cơ sở pháp lý tiến hành một cuộc chiến đa diện, thể hiện từ trong ra ngoài.

Nói chung, các nước đều ít tu chỉnh Hiến pháp, nền tảng luật lệ căn bản của quốc gia, nếu không có lý do thực sự nghiêm trọng và cần thiết. Nước Pháp cần sửa đổi nền tảng pháp lý để đối phó với một cuộc chiến còn nguy hiểm hơn thời 1960, khi tổ chức võ trang OAS ra đời để đòi tiến hành đảo chính vì chống lại việc trao trả độc lập cho Algérie, một thuộc địa vùng Bắc Phi Maghreb.

Trong nội tình nước Pháp, khuynh hướng ái quốc, chống Âu Châu, nghi ngờ việc hội nhập và quyền tự do lưu thông lẫn cư trú sẽ càng thắng. Việc đảng Xã Hội đang cầm quyền có phản ứng mạnh hơn lần trước cho thấy mối lo của Chính quyền Hollande. Chúng ta sẽ thấy ra hậu quả này trong cuộc bầu cử Hội đồng Hàng tỉnh vào tháng tới, và nhất là cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2017.

Dư luận chú ý nhất đến đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (Front National –FN) của bà (cô) Marine Le Pen, xưa nay đã có chủ trương quốc gia dân tộc, chống Âu Châu và hạn chế di dân gốc Hồi giáo. Thật ra, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc đảng Cộng Hòa (Les Républicains - LR) mới có nhiều triển vọng nhất trong cuộc bầu cử năm 2017. Theo cánh trung-hữu, là ôn hòa hơn đảng cực hữu FN, ông Sarkozy từng là Tổng trưởng Nội vụ và có nỗ lực nội an khá mạnh trước khi đắc cử Tổng thống. Ông chỉ là Tổng thống một nhiệm kỳ (2007-2012) và thất cử năm 2012 vì khủng hoảng kinh tế Âu Châu. Ngày nay, khi an ninh trở thành ưu tiên hàng đầu, ông có lợi thế hơn đối thủ trong đảng LR, là cựu Thủ tướng Alain Jupé, để thắng vòng sơ bộ và trở thành giải pháp ít tệ hơn đảng cực hữu FN cho đa số cử tri Pháp.

Một hậu quả có thể bất ngờ từ phản ứng ái quốc của dân Pháp khi xứ sở lâm nguy là lãnh đạo Pháp sẽ tiến lên vị trí lãnh đạo Âu Châu. Xưa nay, chính trường và chính sách Âu Châu dựa trên trục Đức-Pháp, với nước Đức là đầu máy kinh tế mạnh nhất, Pháp chỉ giữ vai hỗ trợ có tính chất biểu kiến. Nhưng lý tưởng tự do lưu thông và cư trú của Âu Châu cùng tinh thần hội nhập bằng mọi giá của Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa bị quân khủng bắn thủng.

Sau vụ khủng bố của đồng Euro với vị trí bấp bênh của Hy Lạp (ra hay không) vào mùa Hè, rồi vụ khủng hoảng về di dân vào đầu Thu, uy tín của bà Merkel bị sa sút ngay trong liên minh cầm quyền vì bà cố bảo vệ lý tưởng Âu Châu. Bị đợt này thì dù đã thay đổi chánh sách đón dân tỵ nạn và thiết lập chế độ thanh lọc khắt khe hơn, chưa chắc Merkel đã tồn tại đến năm 2017 là năm có tổng tuyển cử. Mà dù còn lãnh đạo, bà không thể là thế lực ngăn nổi sự tỏa sáng của Nicolas Sarkozy, một Charles de Gaulle có vóc dáng thấp bé của Bonaparte, hai vị anh hùng của Pháp.

Hiển nhiên ông Sarkozy sẽ nhấn mạnh rằng huy hiệu của thủ đô Paris có con thuyền Caravelle và khẩu hiệu tiếng Latinh là Fluctuat nec Mergitur – Nổi trôi mà không chìm. Sarkozy sẽ giữ vai thuyền trưởng vì con tầu vừa gặp bão lửa!

Vì vậy, tiếng nói Âu Châu sau này, ít ra là dăm ba năm, sẽ là tiếng nói của nước Pháp, dù sao cũng gần Địa Trung Hải hơn nước Đức!


Phù hiệu của Paris: Fluctuat Nec Mergitur



Hậu Quả Cho Âu Châu


Trước hết, sự kiện một số đặc công của vụ Paris 13/6 lại chuẩn bị công tác hắc ám này tại thị xã Molenbeek-Saint-Jean là một yếu tố tai hại cho Liên hiệp Âu châu.

Đấy là ngoại thành của Bruxelles thuộc Vương quốc Bỉ, mà Bruxelles là thủ đô hành chính của Liên Âu. Ở bên cạnh thủ đô, từ nhiều năm nay rồi, đất Molenbeek từng chứng kiến nhiều vụ bạo động liên quan đến khủng bố. Chả hóa các công chức quốc tế, phần tử ưu tú Âu Châu, có thể bình thản làm chánh sách cho 27 quốc gia hội viên chấp hành mà không thấy gì về thực tế ngay dưới chân thang, ở đầu ngõ?

Từ 20 năm trước, 26 nước Âu Châu ở trong và ngoài Liên Âu đã ký Hiệp ước Schengen (tên một thị xã của Luxembourg) để bãi bỏ chế độ kiểm soát biên giới hầu mở ra một không gian tự do vận chuyển người và vật. Đấy là mặt pháp luật của lý tưởng Âu Châu, là tự do và hội nhập. Nó hàm chứa một quy tắc phân công về an ninh: các nước ở vòng ngoài sẽ kiểm soát biên cương cho các nước ở trong.

Sau vụ Paris 13/6, dù các nước chưa tiến hành thủ tục xét lại hoặc bãi bỏ Hiệp ước Schengen, thực tế thì nhiều nước đã tái lập chế độ kiểm soát biên giới vì lý do an ninh dễ hiểu và dễ chấp nhận. Riêng nước Pháp còn ban bố tình trạng khẩn cấp trong ba tháng và khóa hết biên giới. Lý tưởng Âu Châu vừa bị một đòn nặng và việc hội nhập càng trở thành xa vời.

Năm 2017 nước Anh cũng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định là sẽ còn ở trong Liên Âu hay không. Từng bị khủng bố tấn công quá nhiều lần, dân Anh chưa chắc đã muốn thống nhất với các nước trong lục địa bị quá nhiều khủng bố xâm nhập. Thiếu nước Anh, một cột trụ khác của Âu Châu, nước Pháp càng tỏa sáng!

Cùng với chế độ kiểm soát biên giới, Hội đồng Âu châu rất khó quyết định về việc phân phối nạn dân cho các nước theo một hạn ngạch nào đó. Cho đến nay mới chỉ có vài trăm đàn bà và con nít tìm ra nơi định cư trong số 120 ngàn nạn dân. Ba Lan đã chối từ, các nước Đông Âu và Trung Âu khác cũng sẽ như vậy mà Bruxelles không thể ra lệnh trừng phạt!

Ở vòng ngoại vi của Âu Châu, xứ Turkey lại được Âu Châu trọng vọng. Quốc gia Hồi giáo này từng bị chối từ vào Liên Âu mà nay đang là vùng hỏa tuyến vì tiếp cận với Syria và Iraq nên cũng là cửa ngõ của di dân, nạn dân và quân khủng bố. Âu Châu cần Turkey canh cửa, đã viện trợ thêm ba tỷ Euro (ba tỷ 200 triệu Mỹ kim) để giải quyết vụ khủng hoảng di dân và sẽ đồng ý với đề nghị của Ankara là thiết lập một “vùng cấm bay” trên phía Bắc lãnh thổ Syria.

Liên bang Nga cũng có lợi vì vừa xác nhận rằng chuyến bay Mertrojet của mình bị khủng bố đặt bom hôm 31 Tháng 10 khiến 244 người thiệt mạng. Tổng thống Hollande đã mời Nga gia nhập liên minh chống khủng bố và yêu cầu phối hợp tác chiến lẫn không tập chống lực lượng Daesh, tên Á Rập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIL. Việc trừng phạt Nga vì vụ Ukraine cũng mất giá trị và khó tái tục khi tới hạn kỳ tái xét vào Tháng Giêng năm tới. Sau cùng, lãnh tụ độc tài Bashar al Assad của Syria bỗng dưng bớt tội diệt chủng vì có thể tiếp tay cho việc diệt trừ khủng bố!

Trận chiến chống khủng bố vì vậy đã lan từ Âu Châu ra vòng ngoại vi và sẽ còn gây hậu quả bất lợi lâu dài cho lý tưởng hội nhập và tự do của Âu Châu.

Hậu Quả Kinh Tế

Vì giới hạn của một bài báo, Hồ Sơ Người-Việt chỉ có thể điểm sơ về sáu hậu quả kinh tế.

Vì lý tưởng tự do lưu thông và di trú bị đẩy lui, nhân công sẽ chẳng dễ tìm đến nơi có việc làm. Thị trường lao động bị khoanh vùng, đóng băng và về dài thì sẽ khoanh vùng luôn sinh hoạt kinh tế trong từng nước. Ngay trước mắt, nhân công khan hiếm hơn sẽ làm lương lậu gia tăng, lợi nhuận doanh nghiệp sút giảm trong khi lạm phát có thể tái xuất hiện. Vì vậy, đồng Euro cũng vừa lãnh đạn của quân khủng bố. Và ngược lại, đô la lên giá! Cũng về kinh tế thì các nước Đông-Trung Âu như Ba Lan, Hung, Tiệp lại có lợi hơn cả, nếu vụ Paris 13/6 không lan vào vùng Balkan. Chỉ vì xưa nay, các nước này mất lao động khi nhân công trẻ, khỏe và có tay nghề cứ lũ lượt “Tây tiến” để tìm việc có lương cao hơn ở bên trong. Nay thị trường lao động bị khoanh vùng, tài nguyên nhân lực sẽ… ở nhà và làm giàu cho kinh tế quốc gia!

Nhưng về dài thì cả nền kinh tế Âu Châu sẽ càng thêm sa sút, mặc dù các đại tổ hợp kinh doanh đều vận động tự do lưu thông hàng hóa và nhân công. Họ cũng vừa bị quân khủng bố móc túi!

Từ năm năm nay, người ta đã thấy ra sự rạn nứt của Âu Châu chìm trong vụ khủng hoảng của đồng Euro. Vụ Paris 13/6 càng đẩy mạnh hơn những sức ly tâm bên trong Âu Châu và chi phối cả đối sách và kinh tế Âu Châu trong quan hệ với Liên bang Nga…. Dù ở rất xa, Ukraine cũng là nước bị nạn.

---

Kết luận ở đây là gì?

Cục diện Âu Châu vừa có thay đổi lớn. Lý tưởng tự do của Âu Châu bị triệt phá.

Nền văn minh Thiên Chúa giáo vừa bị khủng bố tấn công, theo đúng chủ trương của những kẻ cuồng tín giương cờ Thánh Chiến, Jihad.

Sau Âu Châu, sẽ đến lượt Hoa Kỳ. Người Mỹ dần dần nhận ra và trở lại tinh thần của đạo luật Patriot mà họ muốn xóa bỏ vì tưởng rằng địa ngục là kẻ khác.

3 nhận xét:

  1. Xin hỏi ông Nguyễn Xuân Nghĩa:
    1) nước Đức đang có tiếng nói lớn ở Âu châu vì sức mạnh kinh tế, còn nước Pháp sẽ tỏa sáng dựa vào cái gì? ( vào lịch sử huy hoàng chăng? hay tự ái dân tộc?)
    2) xin ông đưa ra 1 nhận định nếu trong trường hợp đảng FN của nhà Le Pen thắng ở bầu cử cấp tỉnh vào tháng 12 tới, cùng với đó là các chuỗi chiến thắng của các đảng cự hữu ở Âu châu như ở Ba Lan, Đan Mạch, Anh còn đòi tách, thì tương lai Âu châu sẽ đi về đâu? và trong trường hợp đó, hành động trục xuất những người gốc Hồi giáo không chịu hội nhập lại còn là gánh nặng kinh tế có khả thi không?

    Trả lờiXóa
  2. Chắc là độc giả này mê đá banh lắm nên mới lấy bút danh như vây. Dễ thương thật.

    Nước Đức ở trung tâm Âu Châu, có nền kinh tế mạnh nhất nên có ảnh hưởng nhất trong tập thể Âu Châu. Nhưng khi tập thể đó có tiếng nói quốc tế thì thường thường Pháp là đại diện, có lãnh tụ Đức đứng bên cạnh. Nhưng từ năm năm nay, khủng hoảng Euro đã làm suy yếu vị trí của nước Đức, quốc gia hưởng lợi nhiều nhất nhờ đồng bạc này. Đức cũng có sinh suất (tỷ lệ sinh đẻ) thấp nhất nên cần nhập cảng lao động là di dân. Vụ khủng hoảng di dân rồi khủng bố Paris đẩy bả Merkel vào thế kẹt.

    Đừng quên rằng trước khi Đức có Hitler gieo rắc chiến tranh khắp Âu Châu thì Pháp đã có Napoléon Bonaparte, anh hùng của dân Pháp mà quái vật của nhiều nước khác! Về quân sự, nước Pháp ngày nay cũng có sức mạnh hơn Đức vì đầu tư nhiều hơn, và can thiệp nhiều hơn vào các chiến trường Phi Châu...

    Sau loạt khủng bố, phản ứng hoài nghi Âu Châu và tinh thần quốc gia sẽ gia tăng tại nhiều nước, nhưng mạnh nhất là tại Pháp. Vì vậy, dân Pháp khơi dạy tinh thần dân tộc và muốn Pháp mới là tiếng nói của Âu Châu. Lập trường đó sẽ gây khó khăn cho nước Đức.

    Tôi đã dự đoán và hình như có trình bày trên Bên Kia Màn Khói và Giờ Giải Aảo, rằng trong tương lai, Âu Châu có thể vỡ làm bốn mảnh nhìn về bốn hướng vì khác biệt kinh tế, dân số, an ninh. Vụ khủng bố tại Paris và phản ứng quốc gia của các nước càng dẫn tới điều ấy. Tuần qua, Chính quyền Hòa Lan vừa đề nghị thành lập một Schegen thu hẹp, gồm có Đức, Hòa Lan, Bỉ, Luxembourg và Ao (mà không có Pháp), tức là mặc nhiên đề nghi khai tử Hiệp ước Schengen hiện hành. Đấy là bước đầu của tiến trình chia tay... đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ... Chuyện còn dài, cả chục năm nữa cơ!


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo dõi ông Nghĩa đã lâu hôm nay cháu mới mạn phép tương tác. Chẳng là cả hai nước Đức và Pháp cháu đều có một mối thâm tình nên sau khi đóng cửa biên giới cháu có chút buồn, ở Đức người ta nói đùa: người Đức mà sang Áo thì có Mozart, người Áo sang Đức thì lại có Hitler. Nhìn vào lịch sử 2 nước Đức và Pháp ( đặc biệt là thế chiến 1 và 2) cũng có thể đùa thế này được chẳng : hễ Đức và Pháp mà đấu đầu nhau thì thế giới loạn?

      Về Maradona, làng bóng đá xưa nay không thiếu siêu sao, nhưng hãy để ý sự hồn nhiên như một đứa trẻ của Maradona khi chơi bống, khi làm xiếc với trái bóng và khi ăn mừng bàn thắng, đó mới chính là sự khác biệt và là cái truyền cảm hứng cho các thế hệ cầu thủ sau. Khi nghe xem ông Nghĩa bình luận thời sự, kinh tế, cháu thấy cũng có sự hồn nhiên và truyền cảm hứng như vậy.

      Xóa