Thứ Sáu, tháng 11 27, 2015

Quân Khủng Bố Yêu Nước



Nguyễn-Xuân Nghĩa Việt Tribune 151127

Máu đầu sông thẫm tóc người cuối sông


 * Địa dư hình thể hay bản đồ hành quân *



Từ ngàn xưa, con người tụ tập và sinh hoạt ở quanh nguồn nước ngọt, nhiều nền văn minh được thành hình là trên lưu vực của các dòng sông. Sông Hồng sông Cả và Cửu Long của ta hay Hoàng Hà, Dương Tử, Châu Giang của Tầu, sông Nile của Ai Cập hay Lưỡng hà (hai con sông) Tigris và Eurphrate của Iraq, v.v… là những thí dụ. Cũng vì vậy mà trong sự thành hình của các quốc gia (một khái niệm thật ra còn mới tại Âu Châu) đã có bao cuộc giao tranh cục bộ giữa các thị tộc hay lực lượng địa phương để chiếm được nguồn nước. Thế kỷ 21 tái diễn chuyện xưa, với lực lượng “yêu nước” là “Nhà nước Hồi giáo” Daesh, IS, ISIS hay ISIL….

Như mọi khi, người viết sẽ miên man về chuyện khác.

Không giống lực lượng Al-Qaeda đang quảng bá tư tưởng Thánh Chiến bằng hành động khủng bố, tổ chức xưng danh Nhà nước Hồi giáo (Daesh theo tiếng Á Rập) lại muốn tái lập một Đế chế Hồi giáo Caliphate, có lãnh thổ và cư dân dưới sự lãnh đạo của một trưởng giáo kiêm quốc trưởng, một Caliph tự coi như bậc truyền thừa của đấng Tiên tri Muhammad. Khác biệt nhỏ là tư tưởng và lãnh thổ, mà trong thổ thì có… thủy.

Xuất phát từ một số nhân sự của Al-Qaeda tại Iraq, giới lãnh đạo ISIL đã ly khai, nhiều khi còn tấn công các nhóm Al-Qaeda tự phát, để chiếm một khu vực của Syria làm hậu cứ. Từ đó, ISIL gây dựng được một số phương tiện kinh tế và bành trướng rất mạnh ra nơi khác, chủ yếu vẫn là một vùng rộng lớn vắt ngang Syria và Iraq. Phải gần hai năm sau, các cường quốc chống ISIL mới thấy ra yếu tố kinh tế trong sức mạnh của tổ chức này, là dầu khí, nên mở chiến dịch oanh kích xe chở dầu trong mạng lưới bán dầu, kể cả bán lậu, của ISIL.

Chiến dịch này tốn kém và dại dột.

Nó tái diễn sai lầm của Hoa Kỳ năm xưa khi tấn công “Đường mòn Hồ Chí Minh” trong cuộc chiến tại Việt Nam. Tốn kém vì cần nhiều phi vụ và võ khí đắt tiền mới bắn được một đoàn xe chở dầu. Dại dột vì “quy luật giao tranh” (rules of engagement) đòi hỏi là oanh kích mà tránh bắn vào thường dân nên nhiều phi vụ trở thành phi lý: trở về tay không, với đạn dược nguyên vẹn vì sợ bắn vào dân. Để giải quyết, Hoa Kỳ có giải pháp “báo trước”: tung truyền đơn tiên báo mọi người ở dưới rồi mới nã đạn vào các đoàn xe chở dầu.

Nhờ vậy, đặc công ISIL biết trước mà tránh tổn thất!

Trong khi ấy, người ta quên rằng trong cuộc chiến, ngoài dầu khí còn có nước ngọt: lực lượng ISIL dùng nước như một võ khí! Họ kiểm soát giếng nước như giếng dầu để kiểm soát cuộc sống người dân trong lãnh thổ của Đế chế Hồi giáo…

***


Bây giờ mới đi vào đề.

Trong vụ khủng hoảng kéo dài của nền văn minh Hồi giáo ngày nay, nhiều thế lực cát cứ tại Trung Đông cũng kiểm soát nguồn nước, và y như Trung Quốc tại đầu nguồn của Việt Nam, họ còn muốn “cải tạo thiên nhiên” là điều hướng nguồn nước về phía ta cho phe địch chết cạn rồi chết đói. Việc điều hướng hay vét nước ấy có khi là mục tiêu chiến thuật ngắn hạn, hay chiến lược dài hạn.

Chuyện “Thất thủ Hạ Bì” thời Tam Quốc hay Cạn Dòng Cửu Long thời hiện đại là thí dụ gần gũi….

Ngược với nhận thức của nhiều người, dù lực lượng ISIL có hành động cuồng sát của người điên, lãnh đạo của tổ chức là những kẻ lạnh lùng tính toán. Người ta chỉ thấy ISIL có nhắm vào các giếng dầu thô và khí đốt sau khi lấn chiếm miền Đông của Syria mà ít chú ý đến viễn kiến của họ: ISIL biết dùng thủy lợi làm thủy chiến trên sa mạc!

Trong sự rối loạn của bạo quyền Bashar al-Assad tại Syria từ năm 2011, nhiều nhóm võ trang đã nổi lên chống chế độ cầm quyền ở thủ đô Damascus. Riêng ISIL thì có mục tiêu dài hạn hơn: chọn vùng đất loạn đó làm hậu cứ xây dựng Đế chế Hồi giáo và từ 2012 đã thực hiện chiến lược với việc chiếm đóng khu vực Aleppo ở phía Tây-Bắc Syria làm bàn đạp. Họ thuộc lịch sử và không quên kỳ công của đấng Tiên Tri Muhammad: tiến về vùng Lưỡng hà Tigris và Eurphrate, trên lãnh thổ Iraq ngày nay.

Trên đường tiến, ISIL lần lượt kiểm soát được các thị trấn Maskana, Raqqa (đại bản doanh ngày nay), Deil el-Zour rồi al-Bukamal, những trung tâm sinh hoạt trên lưu vực của dòng Eurphrate. Qua lãnh thổ Iraq, ISIL cũng có chiến lược tương tự: chiếm sông hồ và nguồn nước là các thị trấn Qaim, Rawah, Ramadi và Fallujah để làm chủ hai mặt hồ lớn là Hathida và Thartar. Song song, họ nhắm vào Mosul và Tikrit, hai cứ điểm chiến lược vì nằm trên lưu vực của dòng Tigris.

Mục tiêu sau cùng là Baghdad, kinh đô tương lai của Đế chế Hồi giáo, nằm bên dòng Tigris mà cũng là trung tâm của thung lũng Lưỡng hà: sông tức là nước, nước là quốc gia. ISIL không chỉ có bọn khủng bố cuồng sát ưa chặt đầu người hay tự nổ cùng bom. Vệt máu chảy từ Tây sang Đông, đường tiến quân của họ, cũng là dòng chảy của các con sông lớn.

Từ tấm bản đồ mà nhìn lại cuốn lịch thì trong lịch sử Trung Đông, việc tranh đoạt Lưỡng hà là nguồn gốc xung đột giữa bốn cường quốc là Turkey, Syria, Iraq và cả Iran. Họ không thể điều phối và hợp tác để giải quyết việc chia chác nguồn nước nên kẻ ở thượng nguồn có thể gieo họa cho người cuối sông. Lại chuyện Mekong nữa!

Với ISIL cũng vậy, nước là mục tiêu và phương tiện vì nước là võ khí. Họ phá vỡ hạ tầng cung cấp nước - từ tháp nước đến nhà máy lọc, cầu, kinh - để vét dân về những nơi có nước mà họ đã chiếm đóng. Họ gây ô nhiễm ở đầu nguồn để phá hoại kinh tế ở hạ nguồn. Lối tính toán hiểm ác này mới giải thích hơn ba chục đợt tấn công từ 2013: nhằm tiêu hủy hạ tầng thủy lợi của Syria và Iraq. Họ đòi trấn nước từng làng, đầu độc cả một dòng sông, khóa đập tại Fallujah và Ramadi, chặn nước cho Mosul chết cạn trước khi khai pháo…. Kẻ thù phải tiêu diệt bằng nước là chế độ al-Assad lẫn các lực lượng võ trang chống al-Assad do Tây phương yểm trợ. Đối tượng cần tranh thủ và kết nạp bằng nước là dân Sunni chết khát và chết đói vì ruộng đồng cạn hết nước.

Nhìn rộng ra ngoài, nước còn là gạo và điện.

Năm 2014, khi khóa và mở đập nước Nuaimiyah tại Fallujah, ISIL đã trấn nước một diện tích kinh hồn là 200 ngàn cây số vuông, bên dưới là ruộng nương làng xã. Khi làm chủ đập Mosul, ISIL chiếm được 75% nguồn cung cấp thủy điện cho Iraq, làm phương tiện sản xuất của mình. Tháng Sáu năm 2014, ISIL khóa đập Ramadi trong tỉnh Anbar của Iraq, làm đầm lầy bên dưới cạn kiệt khiến cư dân phải di tản. Muốn đối phó, chế độ al Assad mà có dùng nước làm võ khí thì nạn nhân trước tiên vẫn là thần dân Syria của họ. Tức là xua dân về phía địch.


***


Từ chuyện khủng bố ISIL, chúng ta có thể nhìn ra nội dung và định nghĩa khác của “thủy lợi” và “thủy chiến”. Thủy lợi không chỉ là tiêu tưới và canh tác hay đập nước phát điện, đó là lẽ sinh tử của kinh tế. Thủy chiến không chỉ là giao tranh trên mặt nước, trên sông biển, mà là giao tranh bằng nước!

Dăm năm về trước, vào cuối năm 2010, lãnh tụ Turkey, Jordan, Syria và Lebanon có nhìn ra tổng thể mà đàm phán việc hợp tác và hội nhập kinh tế để phát triển du lịch, canh nông, ngân hàng và thương mại rồi từ đó giải quyết luôn việc khai thác và phân phối nước với nhau. Đây là một kế hoạch trường kỳ, có mục tiêu tích cực. Nhưng chưa đầy một năm sau là mọi sự tan tành vì chính trị cục bộ giữa Turkey, Iraq và Syria, làm sáng kiến này mất trớn rồi bị tiêu hủy trong bom đạn.

Đấy là lúc ISIL thành hình và đề ra chiến lược cướp nước! Nếu nhìn lại lịch sử lâu dài, chiến lược ấy không thu hẹp vào lãnh thổ Syria và Iraq. Nó theo dòng nước bao trùm lên Bắc Phi và lan qua Trung Á.

Dường như chuyện Việt Nam cũng vậy, Mekong hay Đông Hải cũng là nước….


___

Chúng ta sắp mất một sử gia lỗi lạc là Tạ Chí Đại Trường. Ông đã hôn mê trong nhà thương tại Việt Nam. Xin quý vcầu nguyện cho ông ra đi nhẹ nhàng và sớm được siêu thoát. NXN

7 nhận xét:

  1. Xin moi xem cau hoi cua doc gia, phan comment

    https://exodusforvietnam.wordpress.com/2015/09/10/tong-hop-tin-tuc-ngay-09-thang-9-2015/?preview_id=23456&preview_nonce=ecb5c49fda&preview=true

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giờ Giải Ảo đã nói chuyện này từ mấy tháng trước, phỏng vấn trên RFI cũng vậy. Nhưng vẫn có ngày nói lại từ nay cho đến khi đồng Nguyên vào rổ, năm tới...

      Xóa
  2. Thưa bác Nghĩa,
    Hôm nào xin bác viết bài giải ảo về Hội nghị Paris gần đây được không ạ?
    Cháu thấy vài năm trở lại đây, tự nhiên Obama khá sung sức trong chuyện đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt lái qua nguyên nhân do con người (dù mọi chuyện khá phức tạp chưa rõ ràng, tranh cãi khoa học nảy lửa, gồm lobby chính trị, kinh tế, tuyên truyền...), chắc là ông ta muốn có sự đầu tư và hỗ trợ lớn cho ngành năng lượng tái tạo được?
    Liệu trong tương lai, chính sách năng lượng của Mỹ sẽ biến động theo chiều hướng nào? Và có thể nó...sẽ gây ra hậu quả bất lường thế nào?
    Mong chờ bài viết từ bác, cháu xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  3. bác Nghĩa cho cháu lạc đề cái, vừa có 1 ngư dân VN bị tàu của Tàu bắn chết. bác bình luận sao về việc này. cháu có cảm tưởng tụi nó( Tàu và US) bắt tay nhau đẩy VN vào tuyệt lộ á. đại khái Tàu làm j cũng đc, miễn sao đừng đụng chạm đến tự do lưu thông hàng hải của US.

    Tương lai nào cho VN?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngẫu nhiên sao, tôi vừa viết một bài cho Tuần báo Sống về Thổ Nhĩ Kỳ Turkey. Mai sẽ đưa lên Dainamax về chuyện này. Thời loạn, đảng hèn, Tầu giết dân....

      Xóa
    2. Theo ý kiến cá nhân thì Mỹ chẳng cần và cũng chẳng có lợi gì để bắt tay TQ đẩy VN vào tuyệt lộ cả. Có chăng hoặc là TQ hiếp đáp mình Mỹ ngồi coi, hoặc là tự người VN giúp TQ đẩy dân VN vào tuyệt lộ thôi.

      Xóa