Thứ Năm, tháng 2 04, 2016

Bầu Cử Tổng Thống Mỹ: Kinh Tế Bị Lãng Quên?



Thanh Hà, Nguyễn Xuân Nghĩa RFI Ngày 160202
Tạp Chí Kinh Tế

* Sanders & Clinton, một đồng một cốt tiến lên xã hội chủ nghĩa - Hý họa của Michael Ramirez *

Phải chăng vì kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi 7 năm sau cuộc đại khủng hoảng tài chính 2008-2009 cho nên trong các chương trình vận động của các ứng viên ra tranh cử tổng thống, cả hai phía Dân Chủ và Cộng Hòa, đều đẩy hồ sơ này vào hàng thứ yếu ? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California, tìm cách trả lời câu hỏi này.


Nước Mỹ sau gần hết hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Barack Obama tạm thời được xem như một ốc đảo bình yên, với tỷ lệ tăng trưởng 2,4 % trong năm 2015; tạo thêm được 2,7 triệu công việc trong năm qua. Do vậy cho đến ngày 01/02/2016, trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên được tổ chức ở bang Iowa, các ứng cử viên tổng thống muốn kế nhiệm ông Barack Obama vẫn chưa trình làng chính sách kinh tế cho nhiệm kỳ 4 năm sắp tới.
Năm 2008 nước Mỹ bầu lại tổng thống vài tháng sau vụ ngân hàng Lehman Brothers bị phá sản, thua lỗ hơn 600 tỷ đô la. Kèm theo đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hoa Kỳ phải đối mặt với suy thoái kinh tế được coi à nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1929.
Trong bối cảnh đó, ứng cử viên của đảng Dân Chủ, Barack Obama được cử tri tín nhiệm và đã bước vào Nhà Trắng. Trước khi nhậm chức vào tháng Giêng 2009, tổng thống tân cử đã theo dõi chặt chẽ kế hoạch cứu nguy kinh tế 700 tỷ đô la được chính quyền mãn nhiệm trong tay tổng thống George W.Bush ban hành.
Vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ lên cầm quyền vào lúc tỷ lệ thất nghiệp nhảy từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, để đến tháng 10/2009 vượt qua ngưỡng tâm lý 10 %. Tháng Giêng 2016, một năm trước khi rời Nhà Trắng, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ nay chỉ còn có 5%.

Nhìn đến chỉ số tăng trưởng, ngay từ năm 2010 GDP của Mỹ tăng lên trở lại, đạt tỷ lệ 3,2 % để rồi rơi xuống còn 2,4 % trong năm 2015. Đối với Hoa Kỳ, 2,4 % tăng trưởng là một thành tích không mấy xuất sắc, nhưng đó là giấc mơ mà châu Âu vẫn chưa với tới.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là siêu cường số 1 thế giới này đã bỏ lại phía sau tất cả những lo âu về kinh tế.

Hoa Kỳ đang đứng trước nhiều thách thức. Mô hình phát triển thời hậu công nghiệp với vai trò ngày càng lớn của khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghệ số tạo nhiều xáo trộn đối với người lao động. Kèm theo đó là những hậu quả về lâu dài, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội.
Vậy mà dường như các ứng viên muốn trở thành chủ nhân Nhà Trắng lại chưa xem kinh tế là một ưu tiên, hay thậm chí tránh né đề cập đến những vấn đề cốt lõi với bản thân nước Mỹ, như bội chi ngân sách hay nợ công chồng chất, tình trạng dư thừa tư bản có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính khác …

Phân tích sau đây của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California về toàn cảnh kinh tế Hoa Kỳ. Trước tiên ông thận trọng trước bức tranh màu hồng về những thành tích của chính quyền Obama sắp mãn nhiệm.

Xã hội Mỹ có triệu chứng bất công

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ là cơ hội bằng vàng cho truyền thông vì ly kỳ tới bất ngờ nhưng cũng là cơn ác mộng cho giới bình luận vì không ai dự đoán được diễn biến từ sáu tháng qua và có lẽ phải dăm tháng nữa thì mới thấy ra vài tia sáng đáng tin.
Người ta thường cho là tình hình kinh tế vào năm tranh cử sẽ có ảnh hưởng mạnh nhất đến kết quả bầu cử vào cuối năm, nhưng ngay cách đánh giá tình hình kinh tế cũng là chuyện lạ. Trong khối hậu công nghiệp Âu-Mỹ-Nhật, kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu tăng trưởng khá nhất là  2% và ngân hàng trung ương Mỹ đã lần đầu nâng lãi suất vào tháng 12/2015. Ngân hàng Trung ương Âu châu và vài nước như Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển và mới nhất là Nhật Bản vào tuần qua đã phải hạ lãi suất xuống số âm để kích thích kinh tế. Đấy là về mặt tích cực, được coi như thành tích của chính quyền Barack Obama và có lợi cho ứng cử viên Dân Chủ sau tám năm đảng này lãnh đạo Hành pháp.

Nhưng thật ra, kinh tế Mỹ có đà phục hồi yếu nhất nhất sau nạn tổng suy trầm 2008-2009. Dù thất nghiệp giảm tới 5%, số người tham gia lực lượng lao động lại ở mức thấp nhất từ hơn 30 năm nay vì nhiều người hết muốn kiếm việc làm và nhiều người phải nhận việc bán thời nên cứ được tính như đã có việc.

Đó là về lượng, về phẩm thì tình hình cũng kém khả quan vì lợi tức của thành phần lao động không tăng cùng năng suất kể từ năm 2008. Ngược lại, lợi tức của giới đầu tư cổ phiếu và doanh nghiệp lại tăng vọt vì biện pháp bơm tiền, nên người ta nói đến nạn bất công trong kinh tế Mỹ. Đã vậy, tình hình kinh tế từ quý ba năm ngoái tới đầu năm nay còn có dấu hiệu trì trệ đáng ngại nên người ta dự đoán năm nay kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nữa. Tức là tình hình kinh tế vẫn còn nhiều bất trắc, chưa nói tới một nhược điểm nghiêm trọng khác trong cơ cấu xã hội mà ít ai nhìn ra.

RFI: Nhược điểm ấy là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đầu tháng 12/2015, trung tâm khảo sát Pew Research Center cho biết là từ năm 1970 đến 2014, lợi tức của giới trung lưu Hoa Kỳ có tăng 34%, dù chậm hơn đà gia tăng của thành phần thượng lưu là 47% thì vẫn khá hơn thành phần nghèo chỉ tăng có 28%. Chi tiết ấy giải thích cảm tưởng phổ biến là xã hội Mỹ đang có triệu chứng bất công, người giàu làm giàu nhanh hơn và người nghèo thì thua sút vì “làm giàu không kịp”. Trong một năm tranh cử, hiện tượng sa sút của thành phần trung lưu mới là đề mục tranh cãi giữa các ứng cử viên.

Thật ra từ đã lâu, Hoa Kỳ chậm rãi trôi vào cuộc khủng hoảng của thành phần trung lưu mà ít ai chú ý. Vào thời “hậu chiến”, 60-70 năm trước, một gia đình có thể thấy thoải mái khi chỉ một người đi làm cũng đủ nuôi cả nhà. Ngày nay, thời “hậu công nghiệp”, hai vợ chồng đều đi làm mà vẫn thấy chật vật, dù mức sống có cao hơn một hai thế hệ trước - xe hơi, máy giặt hay máy tính có rẻ và tốt hơn hơn so với thời gian lao động cần thiết để thụ đắc các sản phẩm ấy. Họ thấy chật vật vì phải tiết kiệm nhiều mà vẫn khó tiến lên mức thịnh vượng cao hơn.

Với nhiều người, số này càng ngày càng đông, hình như ngày càng khó vươn tới “Giấc mơ Hoa Kỳ”. Một trong nhiều yếu tố giải thích là Hoa Kỳ đã đi vào một hình thái phát triển mới, với vai trò của khoa học kỹ thuật và khu vực dịch vụ đang thay thế khu vực chế biến công nghiệp. Điều ấy giải thích phản ứng bất mãn rất lạ của dân Mỹ trong cuộc tranh cử năm nay, họ thiên về các giải pháp cực đoan như xã hội chủ nghĩa bên cánh tả và thậm chí bảo hộ mậu dịch bên cánh hữu.

RFI: Sau tám năm đảng Dân Chủ cầm quyền, liệu đảng Cộng Hòa có hy vọng nhiều hơn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thông thường thì như vậy, nhưng nay tình hình đã khác. Thứ nhất, sự chuyển dịch chậm rãi của dân số khiến các thành phần gọi là thiểu số về màu da hay giới tính nay có thế lực hơn và họ thường bỏ phiếu bên đảng Dân Chủ. Thứ hai, ngoài sự kiện thành phần cử tri da trắng, ngoan đạo và trọng kỷ cương giảm sút nên thành đồng của bên Cộng Hòa có sa sút thì nội bộ bên trong lại bị phân hóa nặng.

Đa số hết tin tưởng vào các chính khách chuyên nghiệp, dù đã từng có kinh nghiệm và thành tích khi làm Thống đốc Tiểu bang, mà lại tìm về các nhân vật mới có vẻ thiếu chuyên nghiệp về chính trị nhưng lại đưa ra khẩu hiệu hấp dẫn. Đảng Cộng Hòa còn có đặc tính chung là đã thiếu tinh tế trong cách diễn giải chương trình hành động mà còn tranh luận gay gắt về các lập trường cục bộ nên đưa ra một hình ảnh không đáng tin. Vì vậy, đảng Cộng Hòa đang mất cơ hội thắng cử và nếu thất cử thì cũng đáng. Nhưng sau đó, Hoa Kỳ sẽ càng sa sút sau tám năm khốn đốn vừa qua.

RFI: Còn bên phía Dân Chủ thì sao? Khác biệt giữa hai ứng cử viên đang dẫn đầu là bà Hillary Clinton và thượng nghị sĩ Bernie Sanders?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây cũng là yếu tố bất ngờ của cuộc tranh cử vì Bernie Sanders là người không có thành tích gì ngoài lập trường cực tả, xưa kia còn gần với tư tưởng cộng sản Xô Viết, mà nay vẫn được hơn 40% thành phần đảng viên Dân Chủ ủng hộ. Trái lại, giữ ưu thế tự nhiên vì nổi tiếng từ hơn 20 năm nay và có hậu thuẫn của đa số truyền thông dòng chính, bà Clinton lại bị quá nhiều tỳ vết trong lý lịch. Bà đang bị cơ quan FBI điều tra và còn phạm nhiều sai lầm trong bốn năm làm Ngoại trưởng vì vậy mới bị ông Sanders theo sát nút.

Nói chung, cả hai đều có chủ trương kinh tế thiên tả là tăng chi, tăng thuế nhà giàu, nâng mức lương tối thiểu pháp định và đả kích tài phiệt Wall Street. Về chuyện Wall Street thì đây là hài kịch chính trị vì giới có tiền vẫn bỏ tiền ủng hộ cả hai đảng và Wall Street chi cho phe Clinton tới sáu triệu đô la, nhiều gấp ba số tiền chi cho các ứng cử viên bên đảng Cộng Hòa.

Khác biệt nhỏ giữa Bernie Sanders và Hillary Clinton là ông Sanders kịch liệt bảo hộ mậu dịch và chống Hiệp ước TPP tới cùng, còn bà Clinton thì thay đổi lập trường là từ ủng hộ qua phê phán nên đi ngược với nỗ lực phát huy tự do ngoại thương của chính quyền Obama và cả chính quyền Bill Clinton cách nay hơn hai chục năm.

Trong bối cảnh đầy bất trắc của kinh tế toàn cầu và xứ nào cũng trông mong vào xuất cảng để cứu nguy kinh tế, phản ứng chống tự do mậu dịch và còn chống toàn cầu hóa để bảo vệ kỹ nghệ nội địa là bước tụt hậu của Hoa Kỳ.
Trường hợp của tỷ phú Donald Trump cũng có tính chất tiêu biểu. Từng có nhiều chủ trương thiên tả, nay ông Trump được cánh hữu bên đảng Cộng Hòa ủng hộ vì lập trường mị dân và phản động, đầy tính chất kỳ thị, nhưng cũng đề cao tinh thần bảo hộ mậu dịch nên rất dễ gây chiến tranh về ngoại thương hay hối đoái. Vì vậy, cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ đem lại rủi ro phụ trội cho kinh tế thế giới.

RFI: Ngoài các dị biệt hay mâu thuẫn đang được phơi bày trước mắt mọi người thì về dài vị trí của nước Mỹ sẽ ra sao trên trường quốc tế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin có vài ý kiến thô thiển mà khác biệt sau đây. Thứ nhất, xưa nay, trong cuộc tranh cử tổng thống, từ các bậc “quốc phụ” trở đi, người Mỹ ưa dùng thậm từ để thóa mạ nhau rất nặng mà ngoài các sử gia, quần chúng lại ít để ý nên cứ tưởng lần này gay gắt hơn trước. Đấy là một nét văn hóa rất Mỹ nhưng chẳng vì vậy mà họ coi nhau như kẻ thù cần truy lùng tiêu diệt.

Thứ hai, khi tranh cử thì ứng viên nào cũng có chương trình hành động này nọ, tới khi đắc cử thì tổng thống mới thấy sự thật lại chẳng như vậy và phải tương nhượng lưỡng viện Quốc hội, với Tối cao Pháp viện và Ngân hàng Trung ương cùng các Thống đốc Tiểu bang nên dù không khí tranh cử có náo nhiệt thì sự thể lại khác hẳn sau ngày tuyên thệ nhậm chức là 20 Tháng Giêng năm tới.

Thứ ba là tổng thống Mỹ tương đối có nhiều quyền hạn hơn trong lãnh vực đối ngoại nhưng lập trường đối ngoại lại ít được cử tri chú ý. Lần này lại khác vì quá nhiều bất trắc về an ninh trên thế giới, tại cả đại lục địa Âu-Á, từ Âu Châu qua Trung Đông tới tận Đông Á, cho nên một biến cố lớn từ bên ngoài, như môtt vụ khủg bố nữa, có thể chi phối kết quả bầu cử một cách bất ngờ.

Thứ tư, trở lại chuyện kinh tế, một hồ sơ nghiêm trọng ít được chú ý là nạn bội chi ngân sách và vay mượn quá nhiều. Nó sẽ tiếp tục gia tăng trong cả chục năm tới và sẽ làm suy yếu khả năng hành động của nước Mỹ trên thế giới. Trước ba mặt khủng hoảng chính trị của Âu Châu, về tài chính, di dân và khủng bố, sự suy yếu của Hoa Kỳ là một vấn đề đáng ngại, nhưng dường như là các ứng cử viên đang tranh cử hiện nay chưa nhìn ra hoặc tránh nói đến các vấn đề ấy.

Kết quả thì chính nước Mỹ rất dân chủ lại làm thiên hạ thất vọng về nền dân chủ. May là các nước độc tài kia lại còn tệ hơn trong việc giải quyết hồ sơ quốc kế dân sinh và nạn bao cấp, như ta đang thấy tại Trung Quốc hay Liên bang Nga. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét