Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160224
"Diễn đàn Kinh tế"
Trong 20 năm kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng 7% một năm - rất khó nếu còn bị bó vì đảng
Hôm Thứ Ba, Ngân hàng Thế giới vừa công bố bản phúc trình soạn
thảo cùng Chính phủ Việt Nam về lộ trình cải cách để nâng Việt Nam lên
tầng lớp quốc gia có lợi tức trung bình cao vào năm 2035. Diễn đàn Kinh
tế tìm hiểu về những khuyến nghị cải cách qua phần phân tích sau đây của
chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Phải tăng trưởng 7% một năm
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông,
hôm Thứ Ba 23, Ngân hàng Thế giới vừa phổ biến một tập sách có tiêu đề
là “Việt Nam 2035 – Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân
chủ”. Đây là kết quả nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới cùng Chính phủ
Việt Nam thực hiện từ giữa năm 2014 với sự tham gia của các chuyên viên
quốc tế và Việt Nam nhằm đưa ra những khuyến cáo về đường hướng cải cách
cho Việt Nam. Đã tham khảo báo cáo này cùng nhiều phúc trình trước đó
của các định chế quốc té, ông nghĩ sao về những hướng cải cách đã được
chính Chủ tịch Ngân hàng Thế giới là ông Jim Yong Kim nhấn mạnh khi cho
công bố tập sách này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là về bối cảnh thì Ngân hàng Thế giới
và Chính phủ Việt Nam thỏa thuận tiến hành dự án nghiên cứu hỗn hợp này
từ Tháng Bảy năm 2014 do nguồn viện trợ của Chính phủ Úc, Cơ quan Hợp
tác Quốc tế Hàn Quốc và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, với phần
đóng góp kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế, cán bộ Việt Nam cùng nhiều
nhà tư vấn độc lập. Mục tiêu của công trình nghiên cứu này là giúp Việt
Nam thực hiện một lộ trình cải cách để trong 20 năm nữa sẽ đưa Việt Nam
vào tầng lớp quốc gia có lợi tức trung bình.
Một cách ngắn gọn cho dễ nhớ thì nếu cải cách, từ lợi tức bình quân của một người dân hiện ở khoảng hai nghìn đô la một năm đến năm 2035 sẽ được bảy nghìn đồng. Nếu không thì chỉ được tối đa là bốn nghìn rưởi. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Một cách ngắn gọn cho dễ nhớ thì nếu cải cách, từ lợi tức bình quân
của một người dân hiện ở khoảng hai nghìn đô la một năm đến năm 2035 sẽ
được bảy nghìn đồng. Nếu không thì chỉ được tối đa là bốn nghìn rưỡi.
Một cách chuyên môn hơn thì trong 20 năm tới kinh tế Việt Nam phải tăng
trưởng 7% một năm với phẩm chất cao hơn hiện tại mặc dù đà tăng trưởng
chỉ có thể ở khoảng 3,5% đến 4% một năm thôi nếu tính theo mức tăng của
năng suất lao động và nếu căn cứ trên ước lượng năm ngoái của Bộ Kế
Hoạch và Đầu tư của Hà Nội, đà trưởng của Việt Nam chỉ được có 5,88%
trong giai đoạn của kế hoạch năm năm 2011-2015. Vài con số đơn giản ấy
cho thấy yêu cầu 7% có phẩm chất thật ra là khá cao, được các chuyên gia
phân giải vào ba lĩnh vực gọi là trụ cột với 12 hướng cải cách cụ thể.
Nguyên Lam: Thưa ông, đã đọc các khuyến nghị về đường hướng
cải cách thì ông thấy điểm nào là đáng chú ý nhất cho một lộ trình phải
tiến hành trong vòng 20 năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bản phúc trình khéo mở đầu với Điều 3 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Nhà
nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn
trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có
cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc có điều kiện phát triển toàn diện”.
- Tức là cả trăm chuyên gia muốn giúp dân Việt thực hiện một khát vọng
ghi trong Hiến pháp, mà muốn vậy thì trước tiên Việt Nam phải nâng cao
năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước, qua ba hướng là 1) phân
định rõ vai trò và trách nhiệm trong hệ thống nhà nước và xây dựng bộ
máy hành chính có thực tài - mà tôi còn nghĩ là thực quyền; 2) phân biệt
rõ ràng vai trò của khu vực công và khu vực tư trong nền kinh tế, và
nhà nước phải đóng vai trò hoạch định và xây dựng khung chính sách chứ
không tham gia sản xuất; và 3) tăng cường sự tham gia của người dân và
sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nguyên Lam: Hiểu như vậy thì nếu muốn hướng tới thịnh
vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, là những khát vọng ghi trong Hiến
pháp mà chưa có trong thực tế của kinh tế và đời sống, chính là nhà
nước Việt Nam phải cải cách để nâng cao năng lực và nhất là nâng cao trách nhiệm giải trình của mình. Thưa ông,
phải chăng bài toán kinh tế của Việt Nam để bước vào tầng lớp quốc gia
có thu nhập trung bình lại nằm trong lĩnh vực chính trị?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các chuyên gia quốc tế và cả Việt Nam cũng
đều biết kinh tế của các nước nghèo chỉ phát triển, chứ không chỉ gia
tăng sản xuất là tăng trưởng, nếu vượt được nhiều trở ngại. Trở ngại lớn
nhất không thuộc về chuyên môn, kể cả trong các địa hạt xã hội như giáo
dục, đào tạo và sáng tạo, mà nằm trong hệ thống chính trị.
- Một vài quốc gia đã từ trình độ lợi tức thấp hay trung bình mà tiến
vào tầng lớp giàu có thịnh vượng nhất chính là nhờ quyết tâm chính trị
để có một bộ máy nhà nước tinh giản và hữu hiệu. Bộ máy ấy chỉ đạt tiêu
chuẩn tiên tiến khi chịu trách nhiệm trước quốc dân, tức là phải tôn
trọng quyền dân, phải giải trình công tác của mình và tôn trọng dân chủ.
- Trong một tài liệu chuyên môn dù sao cũng mang đặc tính ngoại giao để
khỏi làm quốc gia cầu viện phật ý, người ta chỉ nhắc khẽ là Việt Nam
cần “tăng cường sự tham gia của người dân và sự kiểm soát và cân bằng
giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Còn mọi người trong
cuộc, kể cả trong đảng Cộng sản độc quyền, đều hiểu thực thi dân chủ là
một điều kiện. Còn lại, các khuyến cáo chuyên môn hay kỹ thuật khác thì
vẫn như thông lệ mà thôi.
Những thách thức
Nguyên Lam: Nhưng khi nêu ra khuyến cáo ấy thì công trình
nghiên cứu hỗn hợp này cũng mặc nhiên cho thấy nhiều yếu kém hay bất cập
của Việt Nam khiến xứ này khó tiến lên trình độ lợi tức trung bình nếu
không chuyển đổi. Thưa ông, theo Ngân hàng Thế giới thì những yếu kém ấy
là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi ngợi ca thành tựu của “30 năm đổi
mới”, phúc trình cho biết Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải
cách và phát triển. Việt Nam có thời cơ và thuận lợi rất lớn trong quá
trình hội nhập sâu rộng hơn, như việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN
và Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhưng thách thức và khó
khăn cũng rất lớn.
- Thách thức đầu tiên là Việt Nam ít kinh nghiệm quốc tế về cải thiện
năng suất vì vấn đề lại tùy thuộc vào cải cách chính trị. Thứ hai, các
chương trình cải cách quy mô cần phương tiện tài chính, mà ngân sách nhà
nước còn hạn hẹp nên phải có sự tham gia đầu tư nhiều hơn của tư nhân,
cùng các biện pháp chuyên môn để nâng cao hiệu quả đầu tư của công quyền
và mở rộng việc huy động thị trường vốn ở trong và ngoài nước. Thứ ba,
thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với môi trường sinh sống lành mạnh và
bền vững là điều Việt Nam chưa có mà lại bị ô nhiễm nặng và không thể
ứng phó với nạn biến đổi khí hậu. Thứ tư, Việt Nam cũng chưa thể tìm ra
thịnh vượng nhờ năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội
địa thì nên trước tiên phát huy các thể chế thị trường thiết yếu, đặc
biệt là quyền sở hữu tư nhân, và đẩy mạnh việc cải cách để tư nhân hóa
hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Thứ năm, Việt Nam cần thúc đẩy công bằng
và hội nhập các thành phần xã hội trong viễn ảnh lão hóa dân số, đô thị
hóa hỗn độn và trong tình trạng bất công của các sắc tộc thiểu số và
theo hướng này, Việt Nam còn phải cải thiện chế độ hộ khẩu cho khoảng
năm triệu người hiện không có hộ khẩu ở nơi thường trú.
Do sự lãnh đạo của một đảng độc quyền, các định chế công lập đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân nên dẫn tới nhiều tệ đoan như tham nhũng và sự hoành hành của các nhóm lợi ích. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Sau cùng, quan trọng nhất vẫn là khả năng quá yếu mà quyền hạn quá
cao của một nhà nước không có trách nhiệm giải trình. Năng suất trì trệ
hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do nhà
nước còn thiếu hiệu quả. Do sự lãnh đạo của một đảng độc quyền, các định
chế công lập đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám
sát của người dân nên dẫn tới nhiều tệ đoan như tham nhũng và sự hoành
hành của các nhóm lợi ích.
Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi lượng định như vậy rồi thì bản báo cáo này khuyến nghị những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ngân hàng Thế giới vạch ra ba cột trụ cần
xây dựng cho Việt Nam trong 20 năm tới, từ nay đến 2035. Đó là 1) phải
tìm sự thịnh vượng kinh tế trong môi trường bền vững; 2) thúc đẩy công
bằng và kết hợp xã hội để không loại bỏ thành phần nào; 3) tăng cường
khả năng của nhà nước, với ngụ ý là nâng pháp quyền nhà nước trước sức
mạnh của đảng, và nâng trách nhiệm giải trình của nhà nước với quốc dân,
tức là phải thực thi dân chủ.
- Nhằm xây dựng ba cột trụ ấy, các chuyên gia nêu ra 12 hướng cải cách
cụ thể như sau. Cho yêu cầu thịnh vượng kinh tế thì phải 1) tạo dựng môi
trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam; 2) đẩy mạnh việc học
hỏi và cải tiến sáng tạo để xã hội có nhiều sáng kiến; 3) cải tổ cơ chế
và chính sách đô thị hóa để phát triển các thành phố năng động. Cho mục
tiêu công bằng và hòa nhập xã hội thì phải 1) phá bỏ rào cản và gia tăng
cơ hội hòa nhập đồng bào thiếu số; 2) tạo điều kiện cho người bị khuyết
tật dễ dàng tham gia vào sinh hoạt của xã hội; 3) tháo gỡ những ràng
buộc vì chế độ hộ khẩu để mở ra cho mọi người cơ hội tiếp cận các dịch
vụ xã hội; 4) giảm thiểu những phân biệt vẫn còn về giới tính nam nữ.
- Quan trọng nhất, cho mục tiêu cải tiến bộ máy nhà nước thì 1) phải phân
định vai trò và trách nhiệm của viên chức nhà nước và xây dựng bộ máy
hành chính công quyền có thực tài; 2) phân biệt rõ ràng hai khu vực công
và tư và nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo khung chính sách chứ không
tham gia hoạt động sản xuất và tay chân nhà nước lấn lướt tư doanh; 3)
tăng cường sự tham gia và giám sát của người dân trong một hệ thống tam
quyền phân lập là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
- Then chốt ở đây là cột trụ thứ ba nằm tạo ra một cấu trúc nhà nước
mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp có thực tài. Và khỏi nhắc đến
phạm trù “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì các
chuyên gia nhấn mạnh rằng nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ
hơn trong việc hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định hai
lĩnh vực công cộng và tư nhân, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo
vệ quyền tài sản, đặc biệt là về đất đai, thực thi cạnh tranh thị trường
và hợp lý hoá sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế.
Nguyên Lam: Là một chuyên gia đã từng giữ chức vụ Thứ
trưởng Tài chính của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, lại cũng
được Ngân hàng Thế giới huấn luyện cách nay hơn 40 năm, ông kết luận thế
nào về bản phúc trình cho Việt Nam trong 20 năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là do yếu tố lịch sử bi thảm, một
định chế quốc tế đang phải khuyến cáo Việt Nam là nên hợp lý hóa sự tham
gia của nhà nước trong nền kinh tế. Nghĩa là phải đi từ tắc nghẽn căn
bản là minh định lại vai trò của nhà nước trước một đảng độc quyền. Sự
mỉa mai ở đây là Việt Nam được ba nước Úc, Nhật và Nam Hàn viện trợ để
thi hành điều mà các lân bang đã cố làm từ nhiều thập niên trước. Trong
khi nhà nước đang xin viện trợ thì cán bộ của đảng là viên chức của nhà
nước thì lại có cuộc sống xa hoa hoang phí trước sự bần cùng của đa số
người dân. Mấy chục năm trước, tôi học được bài học cần kiệm và liêm
chính của giới chức Nam Hàn và Đài Loan nên hiểu được vì sao hai nền
kinh tế ấy trở thành loại giàu có tiên tiến trên một nền móng dân chủ và
xã hội công bằng. Ngày nay, các chuyên gia Việt Nam cũng ý thức được
điều ấy sau khi hợp tác nghiên cứu với quốc tế, nhưng lãnh đạo có thấy
không và người dân có muốn thay đổi hay chăng thì chúng ta chưa biết
được.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn này.
Cái hệ thống quái đản "double government" - ngoài chủ tịch lại còn thêm bí thư.
Trả lờiXóaCái đảng muốn thống trị toàn bộ hoạt động chính trị, kinh tế lẫn văn hoá.
Cái xã hội công an trị, với muôn vàn tay sai đàn áp lẫn mị dân.
Tất cả những "cái" nói trên sẽ được hoá giải không, với cẩm nang cuả phúc trình này? Hy vọng một chút, rất thấp, nhưng có còn hơn không. WorldBank ở đây, thực ra chỉ là những người Việt Nam làm cho cơ quan này muốn góp ý cải cách kinh tế với đảng CSVN? Thế đấy, muốn tâu trình cái gì thì các trí thức cũng phải nhờ cậy đến một cơ quan nào đó cho có vẻ bọc quốc tế vô tư, học thuật blah blah... rồi trả tiền nghiên cứu cho họ, chứ cá nhân một người Việt Nam nào mà lên tiếng thì sẽ bị gán cho cái tội phản kháng, bất đồng chính kiến. Haha... đảng ta ngu thật.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaNhận xét lý thú của TH!
XóaTiếng Việt ta cũng có phân biệt giữa "dốt" (ignorant) và "ngu" (stupide). Những người lãnh đạo đảng CS không ngu, họ có sự khôn ngoan của kẻ dốt và rất kỵ thành phần trí thức, vốn không dốt (theo định nghĩa), nhưng có khi ngu hơn người ta tưởng tượng. Vì vậy, họ mới nắm đầu và bóp não thành phần trí thức, theo đúng phép côn đồ của đạo tặc, là chuyện xưa (1954-1975) mà hình như vẫn còn cho đến ngày nay. Những người chưa hiểu họ mà vẫn mơ chuyện viển vông thì chẳng những ngu mà còn dốt nữa! Sự thật có thể mất lòng, nhưng không làm mất nước....
Thưa chú Xuân Nghĩa,
Trả lờiXóaChú cho cháu hỏi trong bản phúc trình đó, họ có đề cập đến nguồn lực Vốn Xã Hội không (social capital)? Cháu nghĩ vội vàng và ngô nghê, thật khó để dậy đạo đức và niềm tin cho Đảng, Chính Phủ và Nhà Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giá mà được World Bank cho phép mở mồm, cháu xin nói đúng một câu là : "Đảng, Nhà Nước và Chính Phủ đừng có ăn cắp, và chiếm đoạt tiền đóng thuế của người dân nữa."
Xin phép bác Nghĩa cho cháu viết mấy dòng cám nghĩ cá nhân;
Trả lờiXóa- Nói chung, Bản phúc trình này rất hay và chuẩn mực về lý thuyết, từ đặt vấn đề, phương pháp nghiên cứu đến các khuyến nghị cho từng vấn đề và đưa ra chiến lược trụ này hướng nọ.
- Thực tế muôn hình vạn trạng, áp dụng được lý thuyết vào được "muôn hình vạn trạng kia" mới là vấn đề, chỉ nhưng Chuyên gia kiến thức am tường và trải nghiệm thực tế mới nhìn ra vấn đề và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề cũng những hướng đạt được mục tiêu của nó, ở Việt nam có rất nhiều Chuyên gia ngồi phòng lạnh chém gió mà sâu xa để phục vụ các Nghị quyết đảng hô khẩu hiệu, xa rời thực tế thì dù có học thuật cao, phương pháp đúng nhưng sô liệu lếu láo thì sự phân tích và khuyến nghị cũng chỉ là lý thuyết đã áp dung cho các nước khác như Phi, Bangladet.....
- Bản thân cháu đang làm trong ngành viện trợ và phát triển tại Việt nam (tấc nhiên là hạng tép riêu) và có chút biết tí về kinh tế. Bởi vậy, bản thân cháu không đánh giá cao các Phúc trình của tổ chức quốc tế như World Bank, UNDP...các cơ quan pháp hợp tác phát triển song phương có lẽ là khá hơn mấy anh WB, UNDP... các tổ chức này được cái viết hay còn nói chung xa rời thức tế, chắc họ "nhập gia tùy tục" cũng nên, cá nhân thiễn nghĩ các công ty đa quốc gia như Mc Kiney..Housecooper sẽ tốt và thực tế hơn.... mà nói thật trong một xã hôi "vô pháp' thì có mời hết các người đoạt giải nobel kinh tế về giúp VN chắc cũng bó tay, cải với tái làm thế nào được khi vẫn con người cũ (của đảng), vẫn tư duy cũ, cho dù tất cả mọi thứ rất hay rất tốt...
- Cái cần là "Luật pháp" phải đi trước một bước, luật pháp có khoa học và nghiêm minh thì mọi thứ sẽ trở về đúng chổ của nó!.
- Bản thân cháu vấn đánh giá cao bác Nghĩa và Alan Phan hơn hàng trăm chuyên gia kia, bác có lối tiếp cận vấn đề dựa trên "văn hóa, địa dự và lịch sự" mà cháu cho là logic, và tin là đúng cho bối cảnh Việt Nam, mà bác đã nói cách đây cả gần chục năm nay, xin trích lại mấy ý mà nhớ loáng thoáng trong các chương trình RFA; "Tiệm tiên trên nét văn hóa mà hiện đại dần nên kinh tế từ hỗ trợ nông thôn/vùng sâu và nông thôn sẽ là hậu phương vững chắc để dần đến hiện đại đất nước..", "chiến lược cào sạch nông thôn dồn về thành thị.." đến bây giớ như mọi người đã thấy ở Việt Nam tắc đủ thứ đủ mọi cấp độ, từ giao thông đi lại cho đến tư duy, hành động... Hà Nội, Sai gòn ...v.v.. đang trở thành nhưng cái "làng rất to - mang văn hóa lũy tre làng ra TP", mới thấy cái sự uyên thâm, từng trải và dự đoán đúng của bác ...và nhiều thứ nữa, cám ơn bác có bài giới thiệu này và một lấn nữa chúc bác khỏe!!!
Kinh nghiệm bản thân: viện trợ song phương khá hơn đa phương vì có sự theo dõi của quốc gia cấp viện. Trong các tổ chức viện trợ đa phương, có lẽ UNDP là ít lãng phí nhất và ít yếu tố ngoại giao nhất. Theo dõi việc quốc tế viện trợ cho Việt Nam từ 1992 thì chỉ thấy một thất vọng lớn! Hơn 40 năm trước, tôi đi xin viện trợ, sau 1975 thì làm chuyên viên tư vấn về viện trợ kinh tế cho các nước nghèo, là nhìn từ hai giác độ trái ngược, và hiểu ra khó khăn kỹ thuật. Khó khăn nhất là tại các nước độc tài, chuyên gia tư vấn phải "sống với tham nhũng và bất tài" chứ chẳng lẽ báo cáo rằng "viện trợ vô ích" và mất hợp đồng, bị thất nghiệp? Chưa kể là còn bị quốc gia cầu viện - trường hợp Việt Nam - trì hoãn và phá hoại dự án vì đảng không muốn mất ảnh hưởng!
XóaThực hiện khuyến cáo của phúc trình này giống như làm cách mạng vậy. Quy luật kinh tế cơ bản của CNXH là kiểm soát tư liệu sản xuất, tùy tiện thu thuế và giành lấy đặc quyền kinh doanh.
Trả lờiXóaTách kinh tế khỏi kinh doanh thì thà bị treo cổ còn hơn.
Kết luận ở đây là: kinh tế XHCN cần phải đi hết sự vận hành của nó.
Và cuối đoạn đường vận hành ấy là... Venezuela 2016. Đành đợi thôi!
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaTH ơi! Phản ứng của em rất hay! Khác biệt không phải chỉ có 12-14 tỷ hàng năm gửi về, mà là Venezuela vẫn có đảng đối lập và... không nằm dưới Trung Quốc! Vì vậy, trường hợp Việt Nam mới nguy kich hơn....
XóaSẵn tiện, xin bác Nghĩa cho cháu chút ý kiến về kiều hồi vì có ý kiến cho rằng người Việt ở hải ngoại gởi về tầm 2 3 tỷ usd là cao, và phần lớn số đó là rửa tiền từ quan chức trong nước tương tự bên Tầu. Cho cháu cảm ơn trước
XóaXin VN theo mạch dẫn dưới đây tìm lại chương trình Bên Kia Màn Khói của Bích Trâm từ năm ngoái, tôi có trình bày vấn đề "kiều hối" (remittance) này.
Xóahttps://www.youtube.com/watch?v=9A1HtfSLiik
Chữ "kiều hối" cũng là nhập nhằng nữa: đa số người Việt ở hải ngoại không là "Việt kiều" (công dân của nước Việt Nam sống tại nước ngoài) mà là người tỵ nạn.
dạ con cảm ơn bác Nghĩa, hóa ra bác từng đề cập rồi, lại làm phiền bác
XóaTH,
Trả lờiXóaTổng trưởng Ngoại giao = Thư ký Liên bang, có gì sai.
Việt Nam có đặc thù riêng mà không xứ nào có được. Đó là:
Trả lờiXóa- Làn sóng tỵ nạn không vì chiến tranh
- CNXH là phương tiện để cai trị là làm lợi thế trong cạnh tranh kinh doanh.
Venezuela dùng lợi tức bán dầu hỏa để tài trợ cho đời sống dân chúng, đổi lấy sự ủng hộ của dân chúng. Ngược lại, VN tăng thuế xăng để tài trợ cho ngân sách nhà nước vốn dược đảng cầm quyền lũng đoạn.
Trong 12 hướng cải cách, cháu nghĩ có thể quy chung lại về con đường de soto mà bác Nghĩa đã từng đề cập đến trong 1 bài phỏng vấn vào năm 2004 mà cháu chỉ mới được đọc gần đây. Con đường ước mớ về quyền tư hữu (property right) sẽ phóng thích các tiềm năng vốn có của Việt Nam. Xin phép thay bác Nghĩa giới thiệu về bài viết này:
Trả lờiXóahttps://vietbao.com/a911/con-duong-sang-cua-de-soto
Và có 1 đoạn video debate giữa Hernando De Soto với 1 kinh tế gia "nổi đình nổi đám" tại Mỹ là Joseph Stieglit,1 giáo sư địa lý David Harvey (1 Marxist) và 1 cô nhà báo tên Naomi Klein để thấy rõ rằng 3 người cho là chuyên gia của US thì cứ nói vòng vo lấy 1 vài ví dụ nhỏ về derivative và inequality, bankers để quy đổ cho free market ko được regulated là nơi dấy lên lòng tham của các nhà tư bản...Trong khi ông Hernando kiên nhẫn khiêm tốn tự nhận mình đến từ thế giới thứ ba, đã chỉ thằng vào vấn đề của việc derivatives are poorly recorded and untethered to real values hơn là vấn đề của free market:
https://www.youtube.com/watch?v=LUc-tijSU4s
Xin cám ơn Kevin Võ. Nói hoài thì thành người lẩn thẩn nhưng không nói không viết thì ai làm cho thế hệ trẻ hơn đây! Khi Hà Nội còn chặn Dainamax hay chương trình Bên Kia Màn Khói thì qủa là hết thuốc chữa!
Xóa