Thứ Ba, tháng 2 16, 2016

Hoa Kỳ, Liên Âu và Minh Ước NATO



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160215
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"


Khi Tấm Khiên Lại Nằm Nghiêng Như Cái Cáng….

* Lãnh đạo Minh ước NATO họp chợ *



“Thế giới có triệu điều không hiểu”… thơ Mai Thảo đã viết như vậy - cứ như chuyện thời sự!

Sau khi ăn Tết, nhiều người chờ đợi hai ngày Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Hiệp hội 10 Quốc gia ASEAN tại Rancho Mirage sẽ nhen nhúm hy vọng hợp tác kinh tế và an ninh trước đà khuynh đảo đáng ngại của Trung Cộng ngoài Đông Hải. Biến cố bất ngờ là việc Thẩm phán Antonin Scalia của Tối cao Pháp viện  đột ngột từ trần với hậu quả lập tức, ngay từ ngày 13, là việc đề cử người thay thế nhân vật bảo thủ cực kỳ xuất sắc này. Ai sẽ đề cử, Tổng thống Barack Obama sắp mãn nhiệm hay Tổng thống tân cử sau ngày mùng tám Tháng 11 tới đây?

Cuộc tranh luận rọi đèn vào bản Hiến pháp và nhất là quyền diễn giải Hiến pháp của chín vị Thẩm phán trong Tối cao Pháp viện. Nó có ảnh hưởng lâu dài hơn quyền lực của Tổng thống, một nhân vật thật ra bị thúc thủ trước Lưỡng viện Quốc hội, trước phán quyết của Tối cao Pháp viện, hay biện pháp tài chành của hệ thống Ngân hàng Trung ương và cả sự cưỡng chống của vài chục Thống đốc Tiểu bang.

Từ thời lập quốc, bậc tổ phụ của nước Mỹ cố tình soạn thảo ra một bản Hiến pháp có nội dung thu hẹp quyền lực của Nhà nước. Họ chia quyền của người lãnh đạo Hành pháp cho nhiều cơ chế khác nhau để không ai tự tung tự tác, như người ta có thể thấy ở bên kia hai đại dương, là cõi Âu-Á.

Vì vậy, trong khi cả thế giới theo dõi cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, nước Mỹ lại treo miễn chiến bài và xoay ra tranh luận về nhiều chuyện mà thiên hạ cho là kỳ cục hay khật khùng. Quan hệ ASEAN-US hay giữa Liên Âu với Hoa Kỳ và NATO bỗng trở thành thứ yếu.

Nhìn từ bên ngoài, kỳ này, người viết xin nói về Liên Âu trong cái cảnh “đắm mà không chìm” như đã trình bày trên cột báo này vào tuần trước khi viết về kinh tế cũng là chính trị. Chỉ vì, ngay trước khi Thẩm phán Scalia tạ thế tại Texas, thì hôm Thứ Sáu 12 Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố rằng Hoa Kỳ rất mong muốn nước Anh tiếp tục là thành viên của Liên hiệp Âu Châu.

Cái chuyện xa lắc làm ta lắc đầu!

***


Từ sáu năm nay, khi Âu Châu chìm đắm vào khủng hoảng tài chánh, rồi nạn dân, rồi khủng bố, Hoa Kỳ cố giữ một lập trường khá đặc biệt là “bất can thiệp”.

Với Hoa Kỳ, Liên-Âu là tổ chức quá lớn với 28 thành viên và nhiều vấn đề nội bộ chưa hẳn là sẽ chi phối quyền lợi của nước Mỹ, kể cả vụ khủng hoảng của Hy Lạp, của đồng Euro hay việc Liên bang Nga uy hiếp Ukraine từ đầu năm 2014. Cũng chính Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama còn mặc nhiên chấp nhận cho chế độ Bashar al-Assad của Syria được tồn tại nhờ nước Nga của Putin tung quân vào bảo vệ từ Tháng Chín năm ngoái.

Nếu các nước Liên Âu quan tâm đến an ninh và kinh tế - và an ninh sau kinh tế - Hoa Kỳ lại quan tâm đến an ninh qua vai trò của lá chắn chiến lược, là Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Cho tới nay thì cái trật tự bất ổn đó vẫn còn một chút trật tự! Vì cột trụ của Liên Âu là nước Đức vẫn phần nào kiểm soát được sự hợp nhất của Ba Lan và Hung Gia Lợi trong đối sách chung với Liên bang Nga của Vladimir Putin. Dàn tiền đạo Đông Âu và Trung Âu vẫn có vẻ vững chãi, và điều ấy phù hợp với quan điểm của Hoa Kỳ là xây dựng được trục Bắc-Nam, từ ba nước Cộng hòa vùng Baltic ở phía Bắc tới các quốc gia Đông Âu tới tận Romania.

Nhưng dường như tình hình Liên Âu lại suy đồi hơn vậy với làn sóng nạn dân từ vùng biển Địa Trung Hải tràn lên các nước miền Bắc, vào tới cốt lõi của Âu Châu.

Cơn chấn động vì di dân tỵ nạn có gây rạn nứt cho 26 nước trong Hiệp ước tự do di chuyển Schengen cũng là một vấn đề mà Hoa Kỳ cho rằng các nước Âu Châu phải cố giải quyết lấy. Tuy nhiên, sự thể bỗng thành đáng ngại cho nước Mỹ, khi tuần qua, Đức, Hy Lạp và Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) yêu cầu Minh ước NATO ra quân để kiểm soát nạn buôn người trong làn sóng di dân! Hôm Thứ Năm 11, NATO đã chấp hành đề nghị ấy….

Là trưởng tràng và nước chủ chi cho Minh ước NATO, Hoa Kỳ không thể không lo ngại là lá chắn chiến lược này lại được Âu Châu hạ xuống thành tấm ván cứu hộ trong một môi trường có quá nhiều bất trắc. Nhồi vào đó, mâu thuẫn giữa Nga và Thổ, một thành viên NATO, có thể kéo Minh ước NATO vào một cuộc phiêu lưu khác mà Chính quyền Obama không kiểm soát nổi, chỉ vì cũng cần Putin tham dự việc hạ hỏa tại Syria và đối phó với tổ chức khủng bố ISIL.

Trong mớ bòng bong rối bời, Liên Âu đang tìm những cái phao bất ngờ nhất và ôm lấy lá chắn NATO khiến Hoa Kỳ bần thần chưa biết tính sao. Đấy là khi đồng minh chí thiết của mình là Anh quốc lại có thể ra khỏi Liên Âu nếu đa số người dân đòi hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới! 


***


Từ bảy chục năm nay, Hoa Kỳ cố theo đuổi một chiến lược là cộng đồng phòng thủ, là không ra quân một mình mả với các đồng minh.

Minh ước phỏng thủ Đông Nam Á SEATO yểu tử - chỉ tồn tại từ 1955 đến 1977 – càng cho thấy giá trị của Minh ước NATO. Với nhiều đổi thay và nhược điểm, NATO vẫn tồn tại, cả thắng Liên minh Warsaw của khối Xô viết và lập ra hệ thống “tiền trạm” cho mỗi lần nước Mỹ tung quân vào khu vực Âu-Á, như tại Kosovo năm 1999 hay tại Afghanistan năm 2001. Vì sự chống đối của Pháp và Đức, Hoa Kỳ ra quân tại Iraq năm 2003 không dưới lá cờ NATO, nhưng ít ra vẫn còn có nước Anh và vài chục thợ vịn khác.

Ngày nay, Liên Âu lại quá rã rời – chuyện riêng của Âu Châu – đến độ xoay NATO ra nhiều hướng khác nhau thì Hoa Kỳ phải chột dạ.

Từ nguyên thủy, NATO là một liên minh quân sự nhưng Âu Châu hiếu hòa lại không ưa chuyện đao binh và đầu tư rất ít cho nhu cầu quốc phòng - và không thể có một quân đội chunh. Tập thể này chưa có một hệ thống lãnh đạo chính trị hợp nhất, nói chi đến một lực lượng quân sự?

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, NATO vẫn còn lý do tồn tại, một lý do mang tính chất bảo an hơn phòng thủ. Ngày nay, 25 năm sau, lý do ấy trở thành mơ hồ hơn khi mối nguy truyền thống của Đế quốc Nga lại tái xuất hiện với vụ Georgia năm 2008 và Ukraine năm 2014. Khi ấy, NATO là tấm khiên bảo vệ các nước Đông Âu và Trung Âu, với sự đồng tình của Hoa Kỳ và các nước miền Bắc Âu Châu, vốn dĩ còn gắn bó với lý tưởng “Bắc Đại Tây Dương”. 

Trong sự mơ hồ về mục tiêu và nhiệm vụ của NATO, sự phân hóa muôn mặt của Liên Âu, của khối Euro, của hệ thống Schengen về khủng hỏang tài chánh và nạn di dân đang lan vào cơ chế quân sự hợp nhất của tập thể Âu-Mỹ. Đồng Euro có thành đồng sứt với kịch bản Grexit, là Hy Lạp ra đi, cũng không làm nước Mỹ giật mình. Nhưng với kịch bản Brexit, nước Anh ra khỏi Liên Âu, và NATO lại là cái cáng tải thương thì Hoa Kỳ phải nhìn lại toàn cục Liên Âu.

Nhưng, ai phải nhìn lại chuyện này khi cả nước Mỹ đang lâm vào một trận đấu khẩu kéo dài gọi là tranh cử Tổng thống? Câu trả lời có thể là các ban tham mưu của ngần ấy ứng cử viên. Họ vẫn phải chuẩn bị bài bản để khi hữu sự, con gà của họ sẽ biết gáy mà không lạc điệu! Chuyện hội nghị tại Rancho Mirage cũng thế mà thôi. Then chốt là chữ “mirage”…. Ảo ảnh?

“Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi!” Mai Thảo viết như vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét