Thứ Bảy, tháng 4 09, 2016

Từ Mao Đến Đặng – Những Bước Ngập Ngừng



Nguyễn-Xuân Nghĩa Việt Báo Ngày 160409

Và Té Ngửa Ngã Xấp Vì Kinh Tế Trị Trường   


* Nhà máy luyện kim ngoài đồng: chỉ tiêu là vượt Mỹ *


Trước hai mối nguy xuất phát từ Trung Quốc ngày nay – nền kinh tế bên trong trôi vào chu kỳ suy trầm với hậu quả lan rộng ra ngoài, và bộ máy quân sự ngang ngược đang uy hiếp các lân bang tại Đông Hải – người khó dự đoán được chuyện cát hung của tương lai. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, thật xa, có lẽ ta thấy ra chuyện sau cũng là chuyện xưa, là đã từng thấy. Vì vậy mới có bài kinh tế sử, khi lịch sử và kinh tế nhồi làm một…. Sau bài hôm qua, đây là phần thứ hai.

Sau bài “Kinh Tế Sử Của Trung Quốc - Lẽ cường nhược của các Đấng Con Trời”, ta có thể kết luận khái quát rằng kinh tế thị trường đã xuất hiện rất sớm và mọi quốc gia đều có nhu cầu tích lũy một số vốn, là “tư bản”, làm lực đẩy cho kinh tế. Từ các xã hội lấy nông nghiệp làm nền tảng, là hoàn cảnh chung của mọi nước ở mọi nơi, nguồn tư bản ấy chỉ xuất phát từ canh nông, từ sức lao động của nông dân. Tìm ra nguồn vốn ấy qua buôn bán trong ổn định xã hội là một bài toán kinh tế chính trị học. Mục tiêu vẫn là kỹ nghệ hóa hay công nghiệp hóa.

Thiết lập một nhà máy thường lâu hơn là canh tác một vụ mùa và đòi hỏi phương tiện và thời gian đầu tư. Đầu tư chính là việc sử dụng nguồn vốn tư bản ấy để có sản lượng trị giá cao hơn

Bên cạnh đó, việc giao thương cũng đem lại hai nguồn lợi khác. Một là tài nguyên vật chất, như bạc trong lịch sử Trung Quốc khi giao dịch với Âu Châu và có bạc thỏi xuất phát từ Mỹ Châu. Hai là kiến năng về tổ chức và sản xuất, gồm có kiến thức là biết và khả năng là biết làm. So với Âu Châu và Nhật Bản, Trung Quốc chậm học kiến năng và bị các nước khuất phục dù trước đó không lâu, kinh tế xứ này vào đời Minh Thanh đã trù phú hơn Âu Châu và dĩ nhiên là hơn Nhật Bản, một quốc gia quần đảo có rất ít tài nguyên.

Bây giờ, sau khi chiến thắng tại Hoa lục và lập ra Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, từ nay xin gọi là Trung Cộng cho đúng nghĩa, Mao Trạch Đông cũng muốn “gây vốn” để công nghiệp hóa mà khiến cả nước hóa dại….


Mao Trạch Đông Công Nghiệp Hóa Dại


Ngay sau khi chiếm được Hoa lục, Mao Trạch Đông lại hùa với Liên Xô lao vào Chiến tranh Cao Ly tử năm 1950 đến 1953. Đấy là khía cạnh Đông Á của Chiến tranh lạnh sau khi Liên Xô thôn tính Đông Âu. Hoa Kỳ miễn cưỡng nhập cuộc để bảo vệ Nam Hàn và cùng các đồng minh ban hành lệnh cấm vận là phong tỏa kinh tế Trung Cộng.

Trong hơn hai thập niên, Mao giải quyết lấy bài toán kinh tế và đề xướng việc “Xây dựng Xã hội Chủ nghĩa” theo hai hướng là 1/ quốc hữu hóa các doanh nghiệp tập trung ở đô thị và 2/ đoàn ngũ hóa nông dân qua chế độ hợp tác xã sau khi đã “cải cách ruộng đất” qua đấu tố và tàn sát. Mục đích vẫn là trưng thu nông nghiệp làm vốn để tiến hành công nghiệp hóa. Song song, ở khía cạnh chính trị, ông phát động nhiều chiến dịch liên tục để loại trừ mọi tư tưởng hay giải pháp khác nhằm tập trung quyền lực vào trong tay mình.

Sau thảm kịch cải cách ruộng đất, hiện tượng hóa dại đầu tiên của Mao trong ước mơ xây dựng tư bản là “Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại” (Đại Dược Tiến) kéo dài hơn ba năm với các Công xã Nhân dân là tổ chức kinh tế xã hội duy nhất được tồn tại trên cả nước. Mục tiêu kinh tế vẫn là vắt sức nông dân để gây vốn công nghiệp hóa: mọi làng xã đều thi đua lập ra các lò luyện kim bỏ túi. Kim loại ấy có phẩm chất tồi và không thể là nền tảng của hình thái kỹ nghệ nặng mà ông duy ý chí mơ tưởng qua kinh nghiệm Xô viết bên Nga. Hậu quả là nạn lãng phí tài nguyên và nhất là tiêu diệt mạng sống.

Từ cuối 1958 đến 1961 đã có khoảng 36 triệu người chết đói dù không bị mất mùa. Chữ “cơ hoang” diễn tả tình trạng bi thảm này.

Trong khi ấy, cũng vì là người có tham vọng, Mao Trạch Đông còn muốn tranh hùng với Liên Xô để xây dựng một cường quốc độc lập không lệ thuộc Moscow như xưa. Vì vậy, quan hệ Nga-Hoa đã suy đồi dần từ những năm 1966 trở về sau mà bên ngoài ít biết vì cả hai chế độ cộng sản độc tài đều kiểm soát thông tin và tư tưởng.

Ở bên trong, thất bại của tiến trình công nghiệp hóa bằng bao tử của nông dân khiến quyền lực của Mao bị các đồng chí nêu thành vấn đề.

Gác chuyện kinh tế qua một bên, từ năm 1967, Mao phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Đại (Đại Văn Cách) để dùng quần chúng ngoài đảng tấn công vào thượng tầng đảng và loại bỏ mọi đối thủ trong đảng. Năm 1969 là cao điểm của cuộc vận động khi Hồng Vệ Binh phá tan cơ sở đảng và mọi phần tử chống Mao đều bị tiêu diệt, có khi bị bỏ đói đến chết như nhân vật số hai bên cạnh Mao là Lưu Thiếu Kỳ.

Sau khi mượn tay con nít giết kẻ thù trong đảng, Mao giải tán lực lượng Hồng Vệ Binh, cho về nông thôn để được nông dân “cải tạo”!

Nhưng cao điểm 1969 cũng là khi quan hệ Nga-Hoa tan vỡ và xung đột bùng nổ giữa Liên Xô và Trung Cộng. Đấy là khi Hoa Kỳ nghĩ cách nhập cuộc để khai thác mâu thuẫn Nga-Hoa hầu kết thúc cuộc chiến dai dẳng và tốn kém tại Việt Nam và gây tổn thất cho Liên Xô. Thật ra, nhu cầu thoát khỏi tình trạng bị cô lập và kiệt quệ kinh tế khiến chính là Mao đã mở ra hy vọng đó cho Chính quyền Richard Nixon.

Năm 1972, Nixon qua Tầu và lật qua một thời kỳ mới: quan hệ Mỹ-Hoa được cải tiến và giao dịch thương mại Hoa-Mỹ bắt đầu. Trung Cộng mon men trở lại với kinh tế thị trường!


Đặng Tiểu Bình Cải Cách Thị Trường Và Khai Phóng Tư Bản


Sau khi Mao tạ thế năm 1976, Đặng Tiểu Bình mất hai năm đấu tranh để củng cố quyền lực chính trị bên trong, chống cả phe thân Mao lẫn các phần tử bảo thủ trong đảng, rồi từ đầu năm 1979 mới tiến hành cải cách để áp dụng quy luật thị trường. Ông đưa ra chủ trương “cải cách và khai phóng”, với mục tiêu khiêm nhường là “tiểu khang”, chữ của Kinh Thi có nghĩa là đủ sống.

Từ đó, chế độ Công xã Nhân dân bị hủy và dù đất đai vẫn “thuộc quyền sở hữu toàn dân mà do nhà nước quản lý”, các hộ gia đình nông dân được ban cho “quyền sử dụng đất” để có phương tiện canh tác và được bán nông sản ra ngoài để kiếm sống. Kinh tế thị trường tái xuất hiện từ cơ sở, từ nông thôn lên, và đời sống có cải thiện so với thời Mao.

Bước kế tiếp là Đặng cho cơ quan địa phương thành lập “doanh nghiệp hương trấn”, tại các làng xã và thị trấn. Sau đó, trên một cấp cao hơn thì từ 1980, Đặng cho lập Đặc Khu Kinh Tế để… gây vốn, là thu hút đầu tư ngoại quốc, trước hết là từ Hong Kong và từ cộng đồng Hoa Kiều hải ngoại. Như một lon xăng, số vốn ban đầu ấy nhồi cho bộ máy sản xuất bắt đầu chạy rồi hút thêm tư bản từ bên ngoài vào.

Sau khi chậm rãi thử nghiệm từng bước cải cách theo phương châm “mò chân xuống nước lần đá qua sông”, từ năm 1984, Đặng Tiểu Bình mới từ nông thôn cải cách tới thành thị, với việc giải tỏa chế độ kiểm soát giá cả (thả nổi theo quy luật cung cầu) và cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước, là công nghiệp ở thành thị.

Năm năm sau thì Trung Cộng mới lại thấy kinh tế thị trường cũng có quy luật vận hành của nó. Là tình hình giá cả. Và chính trị tập quyền cũng có hậu quả, là tham nhũng. Lạm phát (chuyện kinh tế) và tham nhũng (hậu quả chính trị) dẫn tới biến cố Thiên an môn 1989.

Lạm phát và tham nhũng là hai động lực chủ yếu gây phản ứng bất mãn trong thành phần thị dân vì mức sống hao hụt, dị biệt lợi tức bị đào sâu, và nạn bất công xã hội được quy vào một thủ phạm là hệ thống chính trị. Từ Bắc Kinh, sự bất mãn ấy lan rộng ra ngoài, trong giới sinh viên phong trào phản kháng mới bén lửa vào thành phần công nhân thợ thuyền. Sự ngây dại của truyền thông Tây phương được mời vào vì chuyến thăm viếng của Mikhail Gorbachev làm nốt phần vụ: sự hình thành của một “phong trào dân chủ” – là chuyện không hề có ở bên ngoài quảng trường Thiên an môn.

Hậu quả là Giải phóng quân từ nơi khác được đưa vào “dẹp loạn” tại thủ đô.

Mấy ngàn người tử thương, ta không biết. Chỉ biết Tổng bí thư Triệu Tử Dương bị cách chức và quản thúc tại gia cho đến chết vào năm 2005. Giang Trạch Dân được họ Đặng đưa lên thay. Khi ấy, bài toán của Đặng Tiểu Bình là làm sao trấn an thành phần bảo thủ mà ông vừa huy động để dẹp loạn, nhưng vẫn áp dụng quy luật thị trường mà không bị hậu quả chính trị. Và làm sao tiếp tục huy động tư bản cho phát triển mà không bị tư bản quật ngã.

Chuyến “Nam tuần”, thăm các tỉnh miền Nam, vào năm 1992 là sự biến báo của Đặng.

Ông ca tụng thành quả cải cách và nhấn mạnh là vẫn phải giải tỏa kinh tế theo quy luật thị trường và đẩy mạnh sinh hoạt giao thương, và trấn an bên ngoài về ý chí cải cách để huy động thêm đầu tư. Sau vụ Thiên an môn 1989 và sự tan rã của Liên bang Xô viết năm 1991, quyết định ấy của Đặng Tiểu Bình là sự liều lĩnh chính trị, có thể được giải thích ở nhu cầu khách quan là tư bản. Giết người xong mà vẫn đòi huy động vốn quốc tế thì họ Đặng hiểu ra quy luật của tư bản chủ nghĩa!

Và quả nhiên là ông thành công vì sau những phàn nàn lấy lệ, các nước dân chủ Tây phương vẫn đổ vốn vào thị trường Hoa lục. Họ còn cố kéo Trung Cộng đi theo tư bản chủ nghĩa.

Nhưng sự thành công chính trị của Đặng từ năm 1992 vẫn bị thị trường cho ngã ngửa lần nữa, với nạn lạm phát, bội chi ngân sách và thiếu hụt chi phó, nôm na là cán cân ngoại tệ thiếu tư bản. Vì vậy mới có một đợt cải cách khác vào các năm 1993-1994.

--

Vẫn vì số trang số chữ có hạn (!), xin hẹn kỳ sau để viết về ba thế hệ Giang Hồ Tập và sự mạnh yếu của Trung Cộng giữa hai ngả thị trường và tư bản.

4 nhận xét:

  1. Nặc danh10/4/16 6:38 CH

    Dear thầy Nghĩa, "Giang Hồ Tập" là một cái tên ngẫu nhiên hay đã được người CSTQ "cơ cấu" cho lịch sử đương đại cuả mình?
    Cũng may là người Hoa không có cái họ "Tễnh" :-)
    Nói vui vậy thôi chứ trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ khá lên, chuyển mình và trở thành đồng minh cuả Mỹ. Nhưng anh Tập đang... run; dám chơi trội với các đại ca G7 là điên rồ, muốn kèn cưạ với người hùng nhỏ con Nhật bản cũng sai nốt, muốn bá chủ chiếm Việt Nam và Biển Đông là còn sai bạo nưã.
    Thầy Nghiã "bấm độn" nhiều nhưng chưa muốn "lộ thiên cơ" phải không nào?
    Ở châu Á, Hoa-Hàn-Nhật-Việt là những điểm hưá hẹn dễ thương...

    Trả lờiXóa
  2. Em mong thầy Nghiã dành chút thời gian bình luận, giải ảo về chính trị Việt Nam và con đường nào khả dĩ chấn hưng đất nước. Mặc dù những bài viết cuả thầy Nghiã về Trung Hoa, Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Đông là những bài học bổ ích cho bạn đọc, nhưng liên tục và thường trực "nhìn ra" thế giới bên ngoài, con người Việt Nam sẽ lãng quên thực trạng và mục tiêu cuả chữ S rất nhỏ trên bản đồ thế giới.

    Trả lờiXóa
  3. Dear Poorshope,
    Thầy Nghĩa đã thường tránh né nói về cái bản sao "tồi" của "Ba Đình + Bắc Bộ phủ". Thực tình mà nói bản thân tôi cũng chỉ theo dõi các bản tin liên quan đến những người dân oan và các nhà đấu tranh cho dân chủ bị đàn áp mà thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin cám ơn Poorshope và Hai Pham.

      Từ 20 năm nay, nói chuyện Ba Đình ba đá mãi thì tựa cái đĩa rè, cứ ca một điệp khúc nhàm tai, hay giống cái đồng hồ chết (12 giờ thì đúng được trong một giây!) nên tôi cười buồn nhìn qua chuyện nước khác, để dân mình tự hiểu ra. Poorshope còn ngây thơ lắm.

      Xóa