Hùng Tâm - Người-Việt Ngày 161013
"Hồ Sơ Người-Việt"
Ba Tháng Chuyển Hướng Trong Biến Động
* Dưới con mắt hung đồ, lãnh đạo Hoa Kỳ là bọn phường tuồng *
Hoa Kỳ còn chưa đầy một tháng để đề
cử hệ thống lãnh đạo mới, gồm Hành pháp lẫn Lập pháp, với Tổng thống thứ 45 và
Quốc hội khóa 115 được bầu lên vào ngày Thứ Ba mùng tám Tháng 11. Sau gần hai
tháng chuẩn bị, Quốc hội tuyên thệ nhậm chức vào ngày Thứ Ba mùng ba Tháng
Giêng và Tổng thống vào ngày Thứ Sáu 20 Tháng Giêng năm 2017. Đấy là lúc tiệc
tùng và dạ vũ được tưng bừng tổ chức để chào mừng người sẽ lãnh đạo siêu cường
Hoa Kỳ cho tới Tháng Giêng 2021.
Sau đấy sẽ là mùa Đông giá….
Thế giới bên ngoài theo dõi cuộc
tranh cử hào hứng năm nay tại Hoa Kỳ mà chẳng thể quên nhiều vấn đề trước mắt
của mình. Các cường quốc cấp vùng như Nga hay Tầu đều kín đáo lên tiếng hay tác
động vào cuộc bầu cử nhằm xúi giục cử tri Mỹ chọn người lãnh đạo sẽ thi hành
chánh sách có lợi cho họ, hoặc ít bất lợi nhất. Nước Nga của Vladimir Putin thì
ưa Donald Trump hơn, còn nước Tầu của Tập Cận Bình thì chọn Hillary Clinton vì
là mối quen biết lâu năm từ thời Tổng thống Bill Clinton và quyết định cho
Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO.
Nhưng cả hai đều làm như vô can,
thậm chí còn cho truyền thông của mình đưa ra nhận định sai lạc! Thí dụ như báo
chí Bắc Kinh đều bắn tiếng rằng Hillary mà làm Tổng thống thì sẽ có lập trường
cứng rắn hơn với Trung Quốc, chỉ để trấn an cử tri Mỹ. Thật ra, báo chí Hoa Kỳ
mới là loại siêu sao về nghệ thuật tác động vào dư luận. Chuyện ngoắt ngoéo đó
không thuộc phạm vi của bài tổng kết. Hồ Sơ Người-Việt kỳ này xin chỉ nói về
bối cảnh quốc tế khi nước Mỹ có ba tháng chuẩn bị ra mắt một hệ thống lãnh đạo
mới.
KHUNG
CẢNH QUYẾT ĐỊNH
Trong cái trớn say mê của cuộc tranh
cử, dư luận và ngay các ứng cử viên Hoa Kỳ cũng chẳng hiểu rằng không ai, dù là
con người xuất chúng nhất, lại có thể một mình xoay chuyển tình hình quốc nội
và quốc tế. Rất ít khi có chuyện anh hùng tạo thời thế mà thường thì thời thế
mới tạo anh hùng.
Tổng thống thứ 45 phải thỏa hiệp –
mặc cả - với Quốc hội khóa 115 để thi hành một số chủ trương đã đề ra khi tranh
cử. Đấy cũng là lúc “ân đền oán trả” trong thời gian tranh cử, với con mắt của
mọi người đã ngó vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - vào năm 2018. Nhưng từ khi
tranh cử đến ngày nhậm chức, môi trường chung quanh cũng lại có những thay đổi
mà không ai tiên đoán được. Một thay đổi nổi bật nhất là tình hình kinh tế toàn
cầu.
Các trung tâm nghiên cứu quốc tế, từ
Ngân hàng Thế giới tới Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay các ngân hàng đầu tư, v.v…. đều
vừa cập nhật dự báo kinh tế theo chiều hướng suy trầm, với đà tăng trưởng thấp
hơn về sản xuất lẫn ngoại thương, trong khối công nghiệp hóa lẫn các nước “đang
phát triển”. Nơi sớm nhất đánh giá thực tế ấy là các thị trường cổ phiếu, thị
trường hối đoái và thị trường trái phiếu. Các chủ trương quốc kế dân sinh khi
tranh cử, như tăng chi hay giảm thuế, đều bị thực tế đó đào thải. Nội các và
ban tham mưu của Tổng thống hay các Ủy ban hữu trách trong Quốc hội Mỹ đều phải
rà soát lại tình hình, trong khi không quên cuộc bầu cử 2018 khi dân Mỹ lại bầu
ra 435 Dân biểu Hạ viện và một phần ba Nghị sĩ Thượng viện.
Đấy là trong giả thuyết lạc quan là
không có chuyện kiện cáo khiếu nại từ cuộc bầu cử 2016!
Chúng ta không thể quên khung cảnh
quyết định này: Hoa Kỳ là xứ dân chủ nên lãnh tụ phải chiều lòng dân chứ không
thể duy ý chí xây dựng thiên đường hay tập trung thực hiện kế hoạch phát triển
được họ xào nấu và hoàn thành trong các lò thí nghiệm. Mà khung cảnh quyết định
không chỉ có chuyện áo cơm và chợ búa.
Trong cuộc tranh cử năm nay, cả hai
ứng cử viên Tổng thống đều có hai chủ đích như nhau: một là sức mạnh của đệ
nhất siêu cường Hoa Kỳ, hai là quan hệ của nước Mỹ với thế giới. Khác biệt chỉ
là phương thức tiến hành.
Nhưng thế giới lại chẳng ngoan ngoãn
nằm yên chờ ngày lãnh đạo mới của Hoa Kỳ ra chiêu cải tạo. Từ chánh sách mậu
dịch của các hiệp định NAFTA hay TPP hay TTIP, phản ứng của các nước sẽ là bài
toán cho lãnh đạo Hoa Kỳ bên Hành pháp lẫn Lập pháp. Qua lãnh vực an ninh cũng
vậy, các quốc gia thuộc loại bạn hay thù cũng đều tự chuẩn bị với tình huống
mới, khi các ứng cử viên Tổng thống của Mỹ đều nói tới việc phát huy hoặc duy
trì sức mạnh của Hoa Kỳ. Các nước không chỉ chuẩn bị mà tích cực tác động vào
cục diện quốc tế trong khi nước Mỹ còn say đòn tranh cử.
Mà cục diện quốc tế ấy lại có những
thay đổi lớn kể từ năm 2008 trở về sau.
KHUNG
CẢNH QUỐC TẾ
Tháng Tám năm 2008, Liên bang Nga
tấn công Cộng hòa Georgia và gây chấn động cho Liên hiệp Âu châu. Mấy tuần sau,
vụ khủng hoảng tài chánh Lehman Brothers vào Tháng Chín nạn Tổng suy trầm 2008-2009
đưa khối Euro vào khủng hoảng kể từ 2010. Năm sau, ảo giác về Cách mạng Dân chủ
trong khối Á Rập Hồi giáo dẩn tới chuỗi khủng hoảng lan rộng từ Ai Cập qua
Libya, Syria tới Saudi Arabia, v.v…. Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo tại
Afghanistan và Iraq lại không chấm dứt như Tổng thống Barack Obama đã mơ ước mà
phá tác qua xứ khác với sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS ly khai
khỏi lực lượng Al-Qaeda từ năm 2013.
Cũng từ Tháng Tám năm 2008, sau Thế
vận hội Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc giật mình về nạn Tổng suy trầm và lao vào
chánh sách kích thích kinh tế bằng tín dụng, với lượng tiền rất cao và tốc độ
rất nhanh. Kể từ 2010 thì phép lạ kinh tế Trung Quốc coi như cáo chung, sau Đại
hội đảng khóa 18 vào cuối năm 2012 lại biến hóa ra sức mạnh bành trướng dưới
hào quang của “Trung Quốc Mộng”. Về kinh tế thì họ có kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ
của Con Đường Tơ Lụa; về quân sự là việc khiêu khích Nhật Bản trên quần đảo
Senkaku gọi là Điếu Ngư, đưa dàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam rồi xây dựng chuỗi đảo nhân tạo trên các quần đảo đang có tranh chấp với
các nước lân bang.
Trung Quốc có vấn đề kinh tế và rất
e sợ phản ứng trả đũa của Hoa Kỳ, nhưng có
lợi thế quân sự khi chủ trương “chuyển trục” của Chính quyền Barack Obama vào
Đông Á vẫn chỉ là khẩu hiệu. Lợi thế quân sự ấy gây lo ngại cho các đồng minh
của Hoa Kỳ trong khu vực, từ Nhật Bản tới Ấn Độ, Úc và khiến các nước này trông
đợi một thái độ cứng rắn hơn của nước Mỹ.
Chuyện này chưa có, và Hiệp ước TPP
như một chiến lược kinh tế hàm ý chính trị lại bị Hoa Kỳ gạt qua một bên. Vì
vậy, bạn hay thù, các nước Đông Á đều tự dàn trận cho tình huống mới, và sẽ gây
vấn đề cho Tổng thống thứ 45.
Nhưng biến động quan trọng nhất
trong khung cảnh quốc tế nằm tại Âu Châu. Liên hiệp Âu châu đang bị khủng hoảng
về kinh tế với khối Euro, về chính trị với việc Vương quốc Anh triệt thoái khỏi
Liên Âu, về ngoại giao với việc Nga tấn công và khuynh đảo Ukraine, về di dân
với làn sóng tỵ nạn tràn lên từ Trung Đông, về an ninh với trào lưu khủng bố tự
sát đã tung hoành từ Paris tới Bruxelles…. Ngần ấy bài toán sinh tử của Liên Âu
đều liên hệ tới lập trường của Hoa Kỳ, từ Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO tới
chánh sách cấm vận Liên bang Nga vì Ukraine, hay hợp tác hoặc tranh đua với Nga
trên chiến trường Syria….
Ở vòng ngoại vi của khu vực nhiễu
nhương đó, các cường quốc cấp vùng như Iran, Turkey, Saudi Arabia, hay Israel,
đều tích cực tác động để bảo vệ quyền lợi của và gây bài toán ngược cho Hoa Kỳ.
Nhưng mọi bài toán về an ninh hay quân sự - kể cả chiến chinh hay chiêu mộ đồng
minh – đều cần đến tiền bạc. Từ Trung Đông tới Trung Á hay Liên bang Nga,
chuyện bạc tiền liên quan chặt chẽ với giá dầu thô và hoàn cảnh kinh tế. Saudi
Arabia, tổ chức xuất cảng dầu OPEC hay Vladimir Putin đều lệ thuộc vào các yếu
tố đó.
Và còn lệ thuộc nhiều hơn Hoa Kỳ mà
dân Mỹ không biết!
Như vậy, Tổng thống Mỹ không là
người có toàn quyền quyết định bên trong, bên ngoài lại còn phải ứng xử với
động thái của các quốc gia khác. Cục diện quốc tế đã thay đổi quá nhiều, chứ
hết còn như trong thời Chiến tranh lạnh, cho nên khả năng lãnh đạo hay tác động
của nước Mỹ có bị thu hẹp. Điều này, cử tri Hoa Kỳ không biết mà cũng chẳng cần
biết. Họ chỉ muốn giải quyết nhu cầu trước mắt, ở bên trong, và cho rằng nước
Mỹ đã tốn tiền và bị lợi dụng khi lo cho nước khác.
Tâm trạng bất thường ấy chỉ thay đổi
khi có một biến cố bất lường, như một vụ khủng bố 9-11. Giới lãnh đạo Hoa Kỳ
đều đã từng gặp chuyện bất ngờ như vậy mà phải thay đổi đối sách khác hẳn với
những trù tính khi tranh cử. Khi cục diện quốc tế có những đổi thay lớn lao thì
loại biến cố bất lường lại càng dễ xảy ra. Chuyện Bắc Hàn làm ẩu, khiến Nam Hàn
và Nhật Bản cùng phải ứng phó trước sự tê liệt của Bắc Kinh là kịch bản không
thể loại bỏ….
____
Kết
luận ở đây là gì?
Chúng ta đang lặng lẽ bước vào một mùa Đông rất
nóng sau khi Hoa Kỳ bầu lên hệ thống lãnh đạo mới. Yếu tố rủi ro về an ninh và
kinh tế, và cả cách lượng định rủi ro ấy, sẽ có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài
cho từng nước. Khi ấy, nhiễu âm của cuộc bầu cử năm nay đã chìm vào dĩ vãng,
nhưng có khi được lịch sử sau này nhắc lại như một bước ngoặt bất ngờ….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét