Thứ Bảy, tháng 10 29, 2016

Tập Khang-Càn và Trung Tâm Hư Vô



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 161027


Giấc mơ của Tập Cận Bình là hào quang Khang-Càn, hiện thực là ác mộng Gia Khánh  


* Tập Cận Bình - Siêu nhân diệt tham nhũng * 



Hội nghị Kỳ sáu thuộc Khóa 18 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vừa hoàn tất tại Bắc Kinh hôm Thứ Năm 27 với một từ mới: “Tập Quyền Tâm”. Từ nay, Đồng chí Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh tụ của quyền lực trung tâm, nhân vật có thể sánh ngang tầm hai “tối cao lãnh đạo nhân” của đảng là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Như trung tâm của một bánh xe có nhiều nan hoa tỏa ra ngoài, họ Tập giữ vị trí cốt lõi. Thế giới dịch theo Anh ngữ là “Core Leader”…

Nhìn từ bên ngoài, tức là phiến diện, thì Tháng 10 là tháng được mùa cho Trung Quốc.

Ngày đầu tháng, đồng Nguyên được chính thức đưa vào rổ ngoại tệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMG, gọi là “Quyền Đặc Trích SDR” ngang tầm bốn ngoại tệ thế giá có sẵn là Mỹ kim, đồng Euro, Anh kim và đồng Yen của Nhật. Biến cố ấy đánh dấu uy tín tượng trưng của Trung Quốc, là điều lãnh đạo Bắc Kinh rất cần cho thần dân ở nhà. Ngày chín Tháng 10, Trung Quốc xuất hiện tại Syria và Iraq, đứng ngang tầm Liên bang Nga khi Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Kinh tuyên bố là hai nước sẽ cùng sát cánh với nhau để giải quyết vấn đề của hai quốc gia Trung Đông này. Hàm ý bên trong: Hoa Kỳ hết tự tung tự tác!

Mười ngày sau, hôm 19, chỉ mới e ngại trận lôi đình của Bắc Kinh về việc đức Đạt Lai Lat Ma thăm viếng Cộng hòa Tiệp, Văn phòng Tổng thống Tiệp ra thông cáo xác nhận “chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”. Hôm sau, ngày 20, Bắc Kinh tưng bừng đón tiếp Tổng thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân, hứa hẹn nâng cấp hợp tác giữa hai nước và tạo cơ hội cho ông Duterte ồn ào đả kích Hoa Kỳ khiến các nước trong vùng càng hoài nghi chánh sách “chuyển trục” của Tổng thống Barack Obama do cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố từ năm 2011! 

Cũng hôm 27, khi Hội nghị Trung ương kỳ sáu hoàn tất, Trung Quốc tuyên bố chấm dứt một tuần thao dượt chống khủng bố với quân đội của Cộng hòa Tajikistan tại biên giới Tajik với Afghanistan. Cùng ngày đó, Quân đội Giải phóng của Trung Quốc cũng kết thúc một cuộc thao dượt chống khủng bố với Vương quốc Saudi Arabia!

Tháng 10 là tháng tỏa sáng của thế lực ngoại giao Bắc Kinh, sau nhiều năm bành trướng ra ngoài và đến tận chốn thâm sơn cùng cốc là Phi Châu, nơi Trung Quốc là bạn hàng số một, tiếp nhận đến 12% lượng xuất cảng của lục địa và đầu tư nhiều nhất vào mấy chục nước giàu tài nguyên của lục địa đen. Đánh dấu chiến lược chuyển trục thật của Bắc Kinh là việc Trung Quốc xây dựng quân cảng cho xứ Djibouti để sẽ đồn trú “vài ngàn quân” tại đây.

Điểm qua một vòng như vậy, những người lơ đãng nhất cũng thấy ra “Thế lực Ngoại giao của Bắc Kinh” – là một hiện tượng khá mới lạ.

Nổi bật nhất và nhức nhối nhất cho người Việt là chuyện Đông Á.

Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc tạo ra nhiều giải trình trường xuyên về quan hệ với Nhật Bản và Nam Hàn và về quan hệ của hai nước này với nhau. Tại đây, thái độ khật khùng mà tinh ma của Chính quyền Bắc Hàn với các cuộc thử nhiệm võ khí hạch tâm khiến dư luận lại nhìn vào Bắc Kinh. Liệu Bắc Kinh có muốn và có thể cùm mồm con chó điên này được chăng? Tại Đông Nam Á, Bắc Kinh không hề lúng túng về phán quyết của Tòa án Thường trực Quốc tế mà còn cho Hà Nội vào túi, trong khi đưa người hùng Duterte lên võ đài chửi Mỹ và còn khiến Chính quyền Malaysia vừa quyết định mua chiến hạm của Trung Quốc.

Nhìn trên bề mặt, bất chấp rất nhiều khó khăn kinh tế xã hội trong nội bộ, Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh đã lặng lẽ… đổi mới đảng Cộng sản. Nếu đảng không đem lại áo cơm và phúc lợi cho mọi người dân như đã hứa hẹn thì đảng lại giương cờ ái quốc để rửa cái nhục mấy trăm năm trong lịch sử.

Đã hết rồi, cái thời của “Quốc tế ca”. Cũng hết rồi, cái thời mà Bắc Kinh chủ trương không xen lấn nội bộ xứ khác. Ngày nay, đảng là Chủ nghĩa Ái quốc của Hán tộc - và đang đẩy lui ảnh hưởng của Hoa Kỳ, từ Đông Á qua nhiều vùng khác.

Đấy là bối cảnh của việc Ban Chấp hành Trung ương long trọng tuyên bố nâng cao khả năng của đảng, với các đảng viên “nhất trí ủng hộ Đồng chí Tập Cận Bình ở vị trí cốt lõi”. Báo chí của đảng giải thêm cho rõ: “Với một quốc gia và một chính đảng, vị trí quyền tâm có tầm quan trọng sinh tử”….

Từ Hội nghị kỳ sáu này, chúng ta còn khoảng một năm để thấy ra chiều hướng củng cố quyền lực của Tập Cận Bình cho tới Đại hội đảng của Khóa 19. Ông sẽ loại bỏ những ai trong năm người đang là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và sẽ đưa những ai vào vị trí lãnh đạo trong năm năm sau đó, để là thế hệ lãnh đạo thứ sáu sau các thế hệ Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập? Ông có thể còn tiến xa hơn vậy và sửa lại đảng quy để tiếp tục lãnh đạo sau hai nhiệm kỳ 2012-2017 và 2017-2022. Nhưng để làm gì?

Chúng ta phải trở lại lịch sử Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh thời nay không thể quên trăm năm ô nhục của xứ sở kể từ giữa Thế kỷ 19 khi nội loạn rồi ngoại xâm khiến Trung Quốc bị coi là con bệnh của Đông Á. Tình trạng lầm than đó kéo dài gần trăm năm, cho tới khi Mao Trạch Đông thống nhất đất nước dưới lá cờ Cộng sản vào năm 1949, sau rất nhiều gian nan và thất bại. Gian nan hơn cả là 30 năm khủng hoảng dưới thời Mao cho tới 1979 mới chớm nở hy vọng phục hưng nhờ Đặng Tiểu Bình. Ngày nay, giấc mơ của Tập Cận Bình, hay “Trung Quốc Mộng”, là kỷ niệm trăm năm lãnh đạo của đảng – 1949-2049 – với Trung Quốc lại trở thành cường quốc trung tâm của thế giới như trong lịch sử.

Vẫn lại chuyện “trung tâm”!

Tập Cận Bình là người có ý thức về lịch sử khi nuôi nấng giấc mộng đó – mộng và thực chỉ là hai mặt của cùng một khái niệm quyền lực. Làm sao để người dân theo đuổi giấc mơ do chính mình vẽ ra với muôn màu ảo diệu? Then chốt là nghệ thuật vẽ vời. Điều ấy mới giải thích chiến dịch đả hổ đập ruồi để diệt trừ tham nhũng và thanh trừng chính trị dưới lá cờ thanh lọc hàng ngũ đảng viên.

Vì địa dư bát ngát và tổ chức phức tạp của hệ thống công quyền, mọi thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc đều gặp bài toán này. Nó có biểu hiện là tham nhũng, nhưng thực chất là phân chia quyền lợi, quyền và lợi, chính trị và kinh tế.

Trong lịch sử, Trung Quốc từng có thời kỳ vàng son từ năm 1684 tới 1799, dưới ba triều Hoàng đế là Khang Hy, Ung Chính và Càn Long, người ta gọi đó là “Kỷ nguyên Khang-Càn”, kéo dài được 115 năm. Đến đời Gia Khánh từ năm 1799 thì hệ thống quyền lực của trung ương bắt đầu suy yếu và kho lẫm hao hụt vì nạn chia chác quyền lợi, với quan đại thần Hòa Khôn (Hòa Thân) của tiên đế Càn Long là đại gia có quá nhiều phương tiện lũng đoạn. Người ta đồn rằng tài sản của Hòa Khôn trị giá gấp năm công khố của triều đình, có nơi khác thì cho rằng quốc khố phải mất 15 năm thì mới trưng thu được một khối tài sản vĩ đại như vậy.

Do đó, Gia Khánh phải tiến hành cải cách hành chánh, thuế khóa và quân sự với quyết định đầu tiên là triệt hạ thế lực của Hòa Khôn cùng vây cánh ngay sau khi Càn Long tạ thế vào năm 1799. 

Nhưng vấn đề không chỉ có Hòa Khôn.

Vấn đề là mạng lưới cấu kết của hệ thống quan lại và cả tướng lãnh cứ lặng lẽ cưỡng chống mọi quyết định của triều đình trung ương. Việc cải cách khó thành mà nạn đục khoét của các quan và lãnh chúa khiến thần dân ở dưới bất mãn. Khi tuyệt vọng thì họ nổi loạn. Các vụ khởi nghĩa của dân đen, có khi nhuốm mùi tôn giáo như phong trào Bạch Liên Giáo và Thái Bình Thiên Quốc sau này, đưa Trung Quốc vào nội loạn.

Trong 22 năm cai trị của Gia Khánh, việc cải cách tập trung vào chiến dịch diệt trừ tham nhũng và giữ gìn ổn định nhưng không đề ra phương án xây dựng quyền lực tỏa rộng từ trung ương tới các địa phương và nhất là tìm ra một đối sách hợp lý với thế giới bên ngoài, khi các cường quốc Âu Châu đã quay trở lại với những phương tiện hiện đại hơn. Hậu quả bất lường là Trung Quốc dưới thời Gia Khánh lại đóng cửa với bên ngoài, và kinh tế càng thêm kiệt quệ, dân tình càng đói khổ, loạn lạc nổi lên khắp nơi.

Sự suy sụp của Đế quốc Trung Hoa dưới nhà Đại Thanh khởi đi từ đó nên mới bị các cường quốc khuất phục sau này.

Khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Hán tộc giành được chủ quyền trên danh nghĩa mà vẫn chưa giải quyết được bài toán cai trị đã nổi bật từ thời Gia Khánh 1799. Các quốc gia khác, trước tiên là Tây phương, cũng mất nhiều thế kỷ và chiến tranh cùng cách mạng để tìm ra giải pháp dân chủ và áp dụng thể chế liên bang cho các nước quá rộng hay có quá nhiều dị biệt

So với thời Gia Khánh, đảng Cộng sản Trung Hoa lên nắm quyền cũng đã có lúc quay lưng với thế giới bên ngoài rồi cải cách để mở cửa thị trường với thành tích ngoại giao như chúng ta vừa thấy. Nhưng việc tổ chức chế độ chính trị và hệ thống công quyền thì vẫn chưa có giải pháp.

Tập Cận Bình không thể quên điều ấy và nuôi giấc mộng Khang-Càn khi Trung Quốc được các nước kinh nể. Thật ra, ông rơi vào cái bẫy của Gia Khánh và chiến dịch diệt trừ tham nhũng chỉ là bề mặt của việc tập trung lại quyền lực. Ông đã nắm lấy cốt lõi, là tâm điểm giữa các nan hoa của một bánh xe.

Nhưng, vật lý học thì bảo rằng tâm điểm của nan hoa phải là khoảng trống hư vô, chẳng khác gì khái niệm “vô vi” trong chính trị!

Y như tự ái kiêu hùng của Hán tộc đang được vuốt ve, thế lực của họ Tập chỉ có sức mạnh hình thức. Chẳng cường quốc nào đời nay lại muốn xâm lăng hoặc chiếm đóng Trung Quốc, trong khi bài toán thật của ông vẫn là nội tình rối loạn, là sự cưỡng chống của đảng viên địa phương, các đại gia của hệ thống kinh tế nhà nước và tình trạng môi sinh bị hủy hoại không thuốc chữa, trong khi nợ nần tiếp tục chất cao như núi….

Người dân có thể nhớ đến chuyện Khang-Càn, họ Tập đang ôn lại bài học Gia Khánh khi nằm giữa các nan hoa đang quay như chong chóng! 


3 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa,
    Cháu xin đá lộn sân vì có chuyện cần hỏi bác, bác có ý kiến thế nào về nhân vật Charles Koch và về đoạn phát biểu sau của ông ta:
    "It’s like Lee Trevino used to say, somebody asked him how are you winning all these golf tournaments, and he said, “Well somebody has got to win them and it might as well be me.” That’s the way I am on this. There doesn’t seem to be any other large company trying to do this so it might as well be us. Somebody has got to work to save the country and preserve a system of opportunity. I think one of the biggest problems we have in the country is this rampant cronyism where all these large companies are into smash and grab, short-term profits, (saying) how do I get a regulation, we don’t want to export natural gas because of my raw materials … well, you say you believe in free markets, but by your actions you obviously don’t. You believe in cronyism. And that’s true even at the local level. I mean, how does somebody get started if you have to pay $100,000 or $300,000 to get a medallion to drive a taxi cab? You have to go to school for two years to be a hairdresser. You name it, in every industry we have this. The successful companies try to keep the new entrants down. Now that’s great for a company like ours. We make more money that way because we have less competition and less innovation. But for the country as a whole, it’s horrible. And for disadvantaged people trying to get started, it’s unconscionable in my view. I think it’s in our long-term interest, in every American’s long-term interest, to fight against this cronyism. As you all have heard me say, the role of business is to create products that make peoples’ lives better while using less resources to do it and making more resources available to satisfy other needs. When a company is not being guided by the products they make and what the customers need, but by how they can manipulate the system — get regulations on their competitors, or mandates on using their products, or eliminating foreign competition — it just lowers the overall standard of living and hurts the disadvantaged the most. We end up with a two-tier system. Those that have, have welfare for the rich. The poor, OK, you have welfare, but you’ve condemned them to a lifetime of dependency and hopelessness. Yeah, we want hope and change, but we want people to have the hope that they can advance on their own merits, rather than the hope that somebody gives them something. That’s better than starving to death, but that, I think, is going to wreck the country. Is it in our business interest? I think it’s in all our long-term interests. It’s not in our short-term interest. And it’s about making money honorably. People should only profit to the extent they make other peoples lives better. You should profit because you created a better restaurant and people enjoyed going to it. You didn’t force them to go, you don’t have a mandate that you have to go to my restaurant on Tuesdays and Wednesdays or you go to prison. I mean, come on. You feel good about that?"
    http://www.againstcronycapitalism.org/2014/03/david-koch-on-cronyism-from-a-recent-interview-with-the-wichita-business-journal/
    Thú thật, đọc xong đoạn này và tự tìm hiểu cháu cực kì có cảm tình với ông ta, và có lẽ truyền thông cánh tả đang "quỷ hóa" một trong số ít đại gia có lương tâm thực sự. Hay có một âm mưu mờ ám nào đó?
    Mong bác chỉ bảo.
    Cháu xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Koch này lý luận rất đúng và cũng vì vậy mà bị truyền thông và các tay lý luận cánh tả tấn công - ma chẳng làm gì được! Em nhìn nền kinh tế Mỹ còn èo uột sau bảy năm, các tiểu doanh thương mới rất khó ra đời - đấy mới là cơ sở tạo ra sản phẩm và việc làm - trong khi các tập đoàn lớn có lời rất cao, lâu lâu lại sa thải nhân viên và cổ phiếu lên giá khi lãi suất được ngân hàng trung ương giữ nguyên ở dưới đáy. Chủ nghĩa tư bản thân tộc là đấy. Nhưng nhiều người không thấy là sai và bỏ phiếu cho hệ thống tham nhũng này vì nó chủ trương bảo vệ... quyền phá thai hay hôn nhân đồng tính, là chuyện văn hóa xã hội, nằm ngoài kinh tế!

      Xóa
  2. Hãy vào trong này xem một chút "hàng mẫu" của hệ thống tham nhũng đó!
    http://www.mostdamagingwikileaks.com/

    Trả lờiXóa