Thứ Sáu, tháng 10 21, 2016

Tổng Thống Hillary Clinton



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 161020
 
Đối sách ngoại giao của Clinton II   
 
 * Phụ nữ lắm mầu như cầu vồng phun nước ! *



Cuộc tranh luận thứ ba và cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống của hai chính đảng lớn có thể cho thấy cuộc bầu cử tổng thống đã ngã ngũ.

Ứng cử viên Donald Trump không chỉ rút dao tự sát mà còn đâm thấu phổi đảng Cộng Hòa khi hai lần khẳng định là vì có gian lận bầu cử, ông sẽ không công nhận nếu thất cử mà để chờ xem. Lời phát biếu hàm ý là nạn gian lận nghiêm trọng đến độ chi phối kết quả bầu cử toàn quốc - và nếu vậy thì còn ai trong đảng Cộng Hòa muốn đi bầu? Hậu quả là Cộng Hòa có thể thất cử trên cả hai trận tuyến Hành pháp và Lập pháp….

Hôm sau, Thứ Năm 20, Donald Trump điều chỉnh tác xạ tại Ohio và chuyển bại thành liệt. Không rút dao mà tự bắn vào mồm: “tôi sẽ chấp nhận kết quả bầu cử nếu thắng cử”. Nền dân chủ Hoa Kỳ có nhiều nét lố bịch nhưng không thể có một tổng thống bài bây như vậy!

Xin chào mừng Hillary Clinton, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. 


***


Bây giờ, chúng ta có thể tự hỏi đối sách ngoại giao của Chính quyền Clinton II sẽ là gì?

Người viết không nói về những tỳ vết quá lớn của chính khách này, được truyền thông báo chí Hoa Kỳ bỏ qua vì tư tưởng tả khuynh của họ, nhưng sẽ tìm hiểu về thế giới quan của một người có thể lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm tới.

Đa số dư luận để ý đến Hillary Clinton kể từ năm 1991 – khi Thống đốc Bill Clinton chuẩn bị tranh cử tổng thống – cho tới năm 2008 là khi bà ra tranh cử tổng thống lần đầu. Trong khoảng thời gian ấy, trật tự thế giới có chuyển động lớn với việc Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên bang Xô viết sụp đổ cho tới khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ và kinh tế bị Tổng suy trầm 2008-2009 với hậu quả chưa chấm dứt. Thế giới quan của Clinton II chịu ảnh hưởng của những đổi thay trong mươi năm đó, lại càng rõ nét qua bốn năm Hillary làm Ngoại trưởng, từ đầu năm 2009 tới đầu năm 2013.

Khi Liên Xô tan rã cuối năm 1991, nhiều người lạc quan cho rằng nhân loại vừa bước qua một thời đại hết chiến tranh, lịch sử kết thúc (Francis Fukuyama), một trật tự mới thành hình (George H. W. Bush) và thế giới có thể nói đến hợp tác và phát triển. Quan điểm dễ hiểu ấy thật ra vẫn phiến diện.

Thứ nhất, Hoa Kỳ không đại thắng mà Liên Xô đại bại: chế độ cộng sản tự sụp đổ vì sự bất toàn của nó khi Liên Xô lại bành trướng quá khả năng. Thứ hai, Hoa Kỳ và các đồng minh đã thắng vì sự thất bại của đối thủ trong thời Chiến tranh lạnh, nhưng khi đối thủ chính là Liên Xô tan rã thì quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh cũng thay đổi. Khi yếu tố đoàn kết là mối nguy Xô viết không còn thì đối sách ngoại giao của nước Mỹ cũng thay đổi. Trường hợp Nhật Bản hay Trung Quốc là hai thí dụ. Thứ ba, niềm lạc quan về sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản và thể chế dân chủ khiến các nước Âu-Mỹ cùng “Đông tiến”: lăn tấm khiên NATO vào khu vực Đông Âu và Trung Âu, các nước Tây Âu tái thống nhất nước Đức và tiến hành “cách mạng dân chủ” trong khu vực Balkans trên những mảnh vụn của Liên bang Nam Tư, v.v… Các định chế quốc tế hình thành từ sau Thế chiến II và trong 40 năm Chiến tranh lạnh trở thành trụ cột của trật tự mới: Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân hàng Thế giới, và Minh ước NATO.

Dù sao mặc lòng, Tổng thống Bill Clinton kế thừa di sản màu hồng đó, với niềm lạc quan về “cổ tức hòa bình” - bớt ngân sách quốc phòng dành cho kinh tế - và tinh thần cải tạo kinh tế xã hội, cho tới khi gặp chướng ngại kinh tế khiến đảng Cộng Hòa chiếm lại đa số trong Hạ viện vào năm 1994 sau hơn 40 năm ngồi ghế đối lập. Ông Clinton liền biến báo xoay chiều, hợp tác với đối lập về nội trị và đạt kết quả.

Về đối ngoại, ông khai triển tinh thần lạc quan của Tổng thống Bush 41. Hoa Kỳ bung ra khắp nơi để xây dựng trật tự mới và sẵn sàng can thiệp vào xứ khác vì lý do nhân đạo: Somalia, Haiti, Kosovo, v.v… Niềm lạc quan đó có tên gọi là “Đồng thuận Washington” hàm ý kinh tế thị trường và dân chủ chính trị sẽ có giá trị phổ cập toàn cầu và là nền móng của hòa bình và hợp tác. Hillary chia sẻ quan điểm này và còn khai triển trong những năm làm Ngoại trưởng.

Truyền thông báo chí không thấy một nét chung là chủ trương “tân bảo thủ” của Chính quyền George W. Bush (Bush 43) và “can thiệp quốc tế vì lý do nhân đạo” của Bill Clinton chỉ là hai mặt của một đồng tiền có tên gọi là “sự lạc quan về khả năng can thiệp của Hoa Kỳ” để xây dựng quốc gia và phát huy dân chủ cho thiên hạ. Sự thật thì “trật tự thế giới” của Bush 41 là một hỗn loạn lớn, kéo dài qua tám năm cầm quyền của Clinton và kết tụ vào biến cố đã manh nha từ 1993: thế giới Hồi giáo bị khủng hoảng và nạn khủng bố với cao điểm là vụ 9-11 đã làm đảo lộn trật tự toàn cầu.

Trong khi ấy, Liên bang Nga tạm hồi phục sau tám năm khủng hoảng vì Liên Xô tan rã và nhìn vào tấm khiên của NATO tại Đông Âu với sự lo ngại. Hậu quả là Georgia bị Vladimir Putin tấn công năm 2008 để tái lập vùng trái độn quân sự ở các nước biên vực. Năm đó, Bắc Kinh cũng lên ngôi với Thế vận hội 2008 và Hoa Kỳ bị chấn động vì vụ tổ hợp Lehman Brothers sụp đổ. Thế giới đổi thay rất mạnh từ đó.

Hoa Kỳ vẫn là siêu cường, nhưng hết giữ vị trí độc bá.

“Đồng thuận Washington” không cảm hóa được Trung Quốc mà còn bị “Đồng thuận Bắc Kinh” qua mặt: hợp tác kinh tế bất kể tới thể chế chính trị phi dân chủ có thể là giải pháp cho nhiều nước! Cũng từ 2008, các cường quốc cấp vùng mặc nhiên giành lại quyền tác động để thu hẹp vai trò của Mỹ. Ngoài Nga và Tầu, thì Iran, Turkey và cả Saudi Arabia đã ngầm phá trật tự của Hoa Kỳ và tìm ra hướng đi mới. Chỉ mấy năm sau khi tưởng là “lịch sử cáo chung”, nhiều người cỏn nói đến “Thế giới hậu Hoa Kỳ”, hoặc khủng hoảng của tư bản chủ nghĩa.

Đấy là khung cảnh thời sự và tư duy để chúng ta nhìn lại Hillary Clinton.

Tinh thần lạc quan về trật tự mới khiến Hoa Kỳ lầm tưởng là hợp tác được với Trung Quốc của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào và với Liên bang Nga của Vladimir Putin. Trong chuyến công du đầu tiên ra hải ngoại, Ngoại trưởng Clinton kêu gọi là đừng để hồ sơ nhân quyền chi  phối quan hệ Mỹ-Hoa! Sau đó là chánh sách “reset the button” với Nga do Hillary tiến hành. Kết quả hoàn toàn trái ngược, thất bại từ từ Đông Âu qua Đông Á.

Lý tưởng dân chủ như một động lực tất yếu còn khiến Hoa Kỳ đánh giá sai vụ khủng hoảng trong thế giới Á Rập Hồi giáo là “mùa Xuân dân chủ” vào đầu năm 2011 và góp phần lật đổ chính quyền độc tài của Tổng thống Hosnia Mubarak tại Ai Cập. Chủ trương can thiệp vì lý do nhân đạo còn khiến Ngoại trưởng Clinton và một số cộng sự phái nữ ủng hộ việc Hoa Kỳ nhảy vào cuộc nội chiến tại Libya. Thật ra, Mubarak là lãnh tụ độc tài đồng minh của Mỹ, Muammar Gadhafi là lãnh tụ độc tài đang cố hòa giải với Mỹ, trong khi mối nguy thật là sự thắng thế của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan xưng danh Thánh Chiến với phương pháp khủng bố tự sát.

Sau những sai lầm đó, Quân đội Ai Cập mau mắn đảo chính Mubarak đề cứu lấy chế độ và sau khi thử nghiệm dân chủ với việc phong trào Huynh đệ Hồi giáo đắc cử thì cũng quân đội đã đảo chánh Tổng thống Mohammed Morsi để cứu lấy Ai Cập và trở về chế độ quân phiệt. Libya không may như vậy vì sau Gadhafi là sự hỗn loạn và môi trường màu mỡ - không, máu mê - cho khủng bố Hồi giáo từ Syria và Iraq đã có thể lan ra khắp nơi.

Ngoại trưởng Clinton không thấy sự đổi thay của thế giới sau vụ 9-11 và chế độ độc tài của một lãnh tụ tham ô còn có thể khá hơn những gì xảy ra sau đó. 

Thế giới quan của bà bị ảnh hưởng từ sự lạc quan của Bill Clinton. Chính quyền Clinton I có thể can thiệp vào nơi này nơi khác vì lý do nhân đạo, từ vùng Balkans tới Haiti. Nhưng biến cố 9-11 đã đảo lộn trật tự bấp bênh thời Hậu-Chiến tranh lạnh và vụ khủng hoảng của thế giới Hồi giáo đã lan khắp nơi và đe dọa cả Liên Âu lẫn Trung Đông tới Trung Á khiến mọi sự đều hòa nhập làm một  - và dội ngược về nước Mỹ.

Còn vụ khủng hoảng tài chánh 2008 làm kinh tế thế giới sa sút nên càng gây thêm hỗn loạn, trong đó có phong trào chống toàn cầu hóa.

Khi kiểm lại tình hình từ 1991 tới 2008 và ngày nay, người ta có thể kết luận rằng cái nhìn của lãnh đạo Tây phương, từ Âu qua Mỹ, là cái nhìn cổ điển đã bị thời sự vượt qua. Các chính đảng truyền thống, từ trung tả đến trung hữu, từ Âu Châu qua tới Hoa Kỳ, đều trở thành lạc hậu, bị thực tế thách đố trước sự hoang mang tuyệt vọng của quần chúng. Trầm trọng hơn vậy, trật tự thế giới thành hình từ sau Thế chiến II cũng cáo chung. Hệ thống chính trị cổ điển, của Bush 41-43 và Clinton có thể chắp vá được tình hình từ những năm 1988 tới 2008, nhưng sau đó thì thất bại vì không theo kịp những xoay chuyển mới để có một đối sách khác.

Chính quyền Barack Obama thừa hưởng di sản ấy và để lại một sự hỗn mang toàn cầu, khởi đầu là từ nước Mỹ. Đấy là lúc sự bất tài của đảng Cộng Hòa khiến Donald Trump cướp cờ nói nhảm mà không đề ra một chủ trương nào thích hợp cho tình hình mới. Bản lãnh của Hillary Clinton và sự trợ giúp của truyền thông làm nốt phần vụ còn lại cho tới ngày bầu cử.

Trong suốt một năm tranh cử, Hillary cho thấy là bà vẫn tin rằng Hoa Kỳ sẽ hàn gắn được trật tự Hậu-Chiến tranh lạnh bằng đàm phán và thỏa hiệp. Kinh nghiệm ngoại giao khiến bà tin vào khả năng thỏa hiệp. Nhưng đấy chỉ là phần chiến thuật như đã thấy khi Hoa Kỳ thỏa hiệp với Nga, Tầu hay Iran, Cuba…. Phần chiến lược là tìm ra một viễn kiến khác, một cái nhìn mới về cục diện thế giới sau 70 năm không có đại chiến. Cục diện thế giới ngày nay là sự suy sụp và khủng hoảng trên cả đại lục Âu Á và một cuộc chiến toàn diện giữa khái niệm dân chủ Tây phương với một nỗ lực Hồi giáo là dùng bạo lực vẽ lại bản đồ do các nước Âu Châu để lại từ trăm năm trước.

Chỉ nhìn vào rốn, Donald Trump không hiểu ra điều ấy. Với kinh nghiệm chiến thuật, Hillary Clinton tin là sẽ giải quyết được bài toán chiến lược của Hoa Kỳ với các nước. Nhưng khả năng chiến thuật của bà là nhược điểm chiến lược cho Tổng thống Clinton II.

Chỉ mong là sau khi đắc cử, bà sớm quên thành quả tranh cử và có một ban tham mưu với tầm nhìn xa hơn để tự chuẩn bị cho những thách đố mới. Nếu không, Clinton II chỉ được một nhiệm kỳ và cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 sẽ là một màn hào hứng khác. Đến rợn mình.


6 nhận xét:

  1. Bác ơi, bình luận về tình hình Aleppo, Mosul hay Philippines đi ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ lần lượt, nhưng nhiều độc giả từ nhiều lĩnh vực lại quan tâm đến quá nhiều chuyện mà thời giờ thì có hạn! Trong khi tờ báo Xuân vẫn đang đợi! All the best....

      Xóa
  2. Thưa bác Nghĩa !
    Trong chương trình Giờ giải ảo " Tường thuật tranh cử ở Hoa Kỳ ? Phải biết tiếng lóng và nói trục " . Từ phút thứ thứ 23 bác có nói đến mối quan hệ giữa hai Cố Tổng thống của nước Mỹ là John Adam và Thomas Jefferson thì bác có nhầm năm mất của hai ông. Bác nói là năm 1924 nhưng thực tế hai ông mất năm 1826. Có thể trong lúc nao hứng nên bác đọc nhầm từ trong Ipad ạ !

    Bác cho cháu hỏi chút ạ ! Có phải Tân Tổng thống PHhilippin đã quá thất vọng về chính sách đối ngoại của ông Obama nên mới thay đổi hẳn chính sách đối ngoại với Mỹ không ạ ? Vậy từ năm 2017 khi nước Mỹ có Tổng thống mới thì chính sách đối ngoại của Mỹ có thay đổi với Philippin và với khu vực Châu Á Thái Bình Dương không ạ ?

    Cháu cảm ơn bác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là tôi nói sai về năm qua đời của hai ông đó Về Tổng thống Phi Duterte, ông ta đang trả giá với các cường quốc nhưng đã có cái thế chống lưng là Thỏa ước Tương trợ Mỹ-Phi 1951 mà Quốc hội hai nước không dễ gì thu hồi. Vì lập trường bất nhất của Chính quyền Obama, các nước đều tìn cách khai thác hay tác động, từ Iran tới Á Rập Xaođi, Israel, Turkey, trong khi hai xứ hung đồ kia là Nga và Tầu đều dấn tới. Hillary mà làm Tổng thống thì cũng chẳng khác mà còn tệ hơn vì kinh tế sắp chìm lẫn nữa. Rất không may cho Việt Nam!

      Xóa
    2. Thưa bác Nghĩa !
      Như bác nói ở trên thì ông Tổng thống Duterte có cái thế là Thỏa ước Tương trọ Mỹ- Phi 1951. Nhưng theo cháu biết trong lịch sử ngoại giao của Mỹ và Phi thì từ sau Chiến tranh Lạnh, Chính quyền Philippin có quan điểm tự cường, hạn chế sự ảnh hưởng của người Mỹ nên quyết định không cho Mỹ tiếp tục thuê các căn cứ quân sự ở Phi nữa. Rồi đến sự kiện năm 2008 khi Trung Quốc tấn công các bãi cạn của Phi. Vậy bác cho cháu hỏi là trong Điều 5 Thỏa ước Tương trợ Mỹ và Phi thì nếu một trong hai nước bị nước khác tấn công ở đất liền và hải đảo thì nước kia buộc phải hành động để bảo vệ. Vậy tại sao sự kiện năm 2008, nước Mỹ không hành động gì ? Có phải từ sau năm 1991 khi nước Phí có chính sách đối ngoại xa rời với Mỹ nên Mỹ không hành động gì ?

      Cháu cảm ơn bác ạ !

      Xóa
    3. Tôi sẽ soạn một bài riêng về trường hợp Phi Luật Tân thì mới đủ chi tiết thẩm định lập trường của hai nước và thái độ của Duterte.

      Xóa