Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 161017
"Kinh Tế cũng là Chính
Trị"
Nhân tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ,
hãy nhìn vào các hiệp ước thương mại với Mỹ
* Ai có lợi ai không có lợi - mà lợi cho ai, các chính trị gia cũng chẳng biết *
Tổng tuyển cử năm nay tại Hoa Kỳ - trong đó có cuộc tranh cử tổng thống đầy
sóng gió – đặc biệt chú ý đến hồ sơ ngoại thương với quá nhiều nhiễu âm được
tung ra khiến người ta hết biết vì sao Hoa Kỳ phát huy tinh thần tự do thương mại
từ bảy thập niên và mở ra hiện tượng toàn cầu hóa. Nhiều chính trị gia hay ứng
cử viên còn mạnh miệng kết án toàn cầu hóa, đả phá chủ trương tự do mậu dịch và
gián tiếp thoái lui về chánh sách bảo hộ.
Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề kinh tế này, nhưng từ giác độ chính trị, để
thấy ra lẽ lợi hại của tự do mậu dịch và tình trạng mắc dịch của chính trường Mỹ.
Bài kinh tế vỡ lòng, kể từ Ricardo vào thế kỷ 19 tới ngày nay, vẫn dạy
là sinh hoạt ngoại thương có đem lại lợi ích cho kinh tế quốc dân. Các công
trình nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng xác nhận điều ấy. Khi các nước buôn bán với
nhau, quy luật cạnh tranh sẽ vận hành khiến nhà sản xuất phải thường xuyên cải
tiến năng suất và tìm ra lợi thế tương đối của mình – sản xuất gì với nguyên vật
liệu và kỹ thuật nào là tối hảo - để có thể xuất cảng ra ngoài với giá rẻ nhất.
Nếu ngần ấy nhà sản suất và quốc gia đều tính toán và hợp tác như vậy
theo quy luật tự do, thì kết quả chung cuộc là người dân xứ nào cũng có cơ hội
mua được hàng rẻ nhất và nhờ đó dư tiền để mua các sản phẩm hay dịch vụ khác. Và
nếu các nhà sản xuất đều cải thiện năng suất thì sinh hoạt ngoại thương sẽ tăng
sản lượng kinh tế lẫn lương bổng của công nhân.
Kết quả tổng thể là mọi người đều có lợi.
Nhưng kết quả tổng thể ấy chỉ thấy trong lâu dài, ít ra là vài ba năm,
và che khuất một thực tế kinh tế. Nhiều nhà sản xuất không cạnh tranh nổi và
phá sản hoặc phải đổi ngành. Nhiều công nhân chẳng thể cải tiến tay nghề, có
khi tạm mất việc, hoặc bị thất nghiệp vĩnh viễn. Vì vậy, kết quả chung là mức sống
có gia tăng lại phủ lên nhiều vấn đề xã hội tức là chính trị. Cuộc tổng tuyển cử
năm nay tại Hoa Kỳ - và nhiều nước tiên tiến khác - chú ý đến hồ sơ kinh tế và
các vấn đề xã hội đó. Đấy là mối lo chính đáng của một số thành phần dân chúng
được các chính khách đưa lên thành vấn đề chính. Từ đấy mà xoay ngược về trào
lưu ngăn sông cấm chợ để bảo vệ công ăn việc làm của một số thành phần xã hội
thì chưa chắc là người ta đã tìm ra giải pháp tối hảo.
Khi đó, ta nên trở lại với chiến lược kinh tế của Hoa Kỳ.
Rút kinh nhiệm từ vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933 và Thế chiến II
1939-1945, Hoa Kỳ phát huy chủ trương tự do mậu dịch và năm 1948 đã cùng 22 quốc
gia lập ra Hiệp ước Tổng quát về Quan thuế và Thương mại (General Agreement on
Tariffs and Trade, gọi tắt là GATT). Một mục tiêu của GATT là hạ thấp hàng rào
quan thuế: thuế suất trên hàng nhập cảng đã giảm từ khoảng 20-30% xuống 10% và
được sự hưởng ứng của nhiều nước. Năm 1994, GATT quy tụ 128 thành viên, đa số
là các nước công nghiệp hóa, rồi được mở rộng thành Tổ chức Thương mại Thế giới
WTO, cách nay 30 năm.
Đặc tính của hệ thống mậu dịch ấy là đa phương, bao gồm tất cả các nước
thành viên. Hệ thống quốc tế ấy thu hút sự tham dự của nhiều nước khác và phát
triển cho tới năm 2001 là bị khựng, với Vòng đàm phán Doha đề ra từ Tháng 10
năm 2001 đã lâm vào bế tắc.
Nhưng ngoài khuôn khổ mậu dịch đa phương, Hoa Kỳ còn mở ra hệ thống hợp
tác song phương với một số quốc gia hay nhóm quốc gia qua các Hiệp định Ưu đãi Thương
mại, hay Preferential Trade Agreements (PTA). Thay vì tìm sự thỏa thuận bình đẳng
của một tập thể đông đảo hơn trăm nước, Hoa Kỳ mở cuộc đàm phán riêng với từng
nước hay từng nhóm quốc gia. Và thay vì chỉ đàm phán về thuế suất hay hạn ngạch
xuất nhập cảng, Hoa Kỳ muốn có nền tảng hợp tác mở rộng từ ngoại thương qua đầu
tư và nhiều lãnh vực khác như quyền lợi của giới lao động, nhu cầu bảo vệ môi
sinh hay quyền sở hữu trí tuệ.
Tính tới nay, kinh tế Hoa Kỳ đã hợp tác với khoảng 20 quốc gia theo
khuôn khổ riêng tư ấy, kể cả Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA với Canada
và Mexico hoặc Hiệp ước CAFTA-DR với sáu nước Trung Mỹ. Cũng theo khuôn khổ đó,
Hoa Kỳ đang cố hoàn tất Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP và Xuyên Đại Tây
Dương TTIP.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, cả NAFTA, TPP và TTIP đều bị các chính
trị đưa lên bàn mổ, để đòi cải thiện hay hủy bỏ.
Nhìn từ giác độ kinh tế và căn cứ trên công trình nghiên cứu của cơ quan
độc lập trong Quốc hội Hoa Kỳ là Congressional Budget Office CBO, lợi ích của
các Hiệp ước Ưu đãi Thương mại PTA là có thật vì nâng lượng ngoại thương (xuất
và nhập cảng), cán cân thương mại (xuất cảng trừ nhập cảng) và lượng đầu tư ngoại
quốc. Nhưng lợi ích đó không lớn như dư luận thường nghĩ. Lý do căn bản nhất là
kinh tế Hoa Kỳ sản xuất lấy tới 88% của nhu cầu tiêu thụ nội địa và lệ thuộc rất
ít vào xuất cảng.
Tuy nhiên, lợi ích không nhiều đó lại chẳng được phân bố đồng đều – và
gây thiệt hại cho một số thành phần kinh tế (doanh nghiệp và công nhân) không
thể cạnh tranh với ngoại quốc. Vẫn biết là về dài thì ai cũng có lợi trong cái
thế trao đổi tự do và cởi mở với tối thiểu hạn chế, nhưng về dài thì ai cũng chết
và bị thất nghiệp trong sáu tháng thì thấy đằng đẵng bằng cả năm!
Đấy là bối cảnh chính trị của vụ tranh luận hiện nay.
Nhưng vì kinh tế cũng là chính trị, ta cần tìm hiểu thêm vì sao Hoa Kỳ lại
có các hiệp ước song phương hay cấp vùng với một số quốc gia, như Israel, Nam
Hàn, Úc, Singapore, Jordan, Peru, Colombia… hay các nước trong vành cung Thái
Bình Dương của Hiệp ước TPP?
Theo chủ trương tự do thương mại, việc hợp tác có đem lại lợi ích kinh tế.
Hoa Kỳ còn muốn tiến xa hơn khuôn khổ đa phương để tìm lợi ích kinh tế song
phương hay cấp vùng qua các Hiệp ước Ưu đãi PTA vì khiến các nước đối tác mở rộng
việc giao dịch và cải thiện cơ chế kinh tế và luật pháp của họ như Hoa Kỳ - và
như Hoa Kỳ mong muốn.
Nhờ vậy, nhiều quốc gia muốn dễ làm ăn với Mỹ cũng phải cải cách để làm
ăn như Mỹ. Vì thế, lợi ích chung là điều có lợi cho mọi người mà cũng là bài
toán của các quốc gia đang phát triển chưa có cùng trình độ và tiêu chuẩn sinh
hoạt như Hoa Kỳ. Bài toán này gây khó khăn cho chính quyền của các nước đối
tác. Nhưng chính khách Mỹ không biết mà cũng chẳng cần biết! Tạm quên chính quyền
Hà Nội lạc hậu với thảm họa môi sinh mà chỉ nghĩ tới Nam Hàn, Peru hay Maroc hoặc
Jordan thì ta hiểu ra sự thể éo le này.
Huống hồ, Hoa Kỳ cũng có nhiều mục tiêu phi kinh tế - là chính trị - khi
bày ra cuộc chơi tự do qua các Hiệp ước PTA. Nước Mỹ muốn dùng khả năng tiêu thụ
của thị trường nội địa rộng lớn cho một số đối tác để đạt mục tiêu ngoại giao
là có thêm đồng minh. Khi đã là đồng minh, Chính quyền của các quốc gia đó sẽ
sát cánh hơn với Chính quyền Washington. Và nếu còn do dự cân nhắc về chính trị
thì họ lại lâm vào thế kẹt về kinh tế vì những cam kết của PTA.
Cụ thể là Hoa Kỳ dùng các hiệp ước PTA để yêu cầu các nước cải thiện hệ
thống lao động hay bảo vệ môi sinh theo chuẩn mực của mình và ủng hộ quan điểm
của nước Mỹ trong nhiều vấn đề ngoại giao. Nếu các quốc gia này tuân thủ và có
lợi, Hoa Kỳ còn dùng Hiệp ước PTA mồi chài xứ khác…. Nước Mỹ nối vòng tay lớn để
các nước ôm nhau cho chặt.
Nào ngờ các chính khách Mỹ lại chỉ nhìn vào trong mà bất kể nhiều lợi
ích bên ngoài. Họ tự ôm nhau tới nghẹt thở khiến các nước khác phải chửi thề.
trang youtube nay co fai fake cua bac ko?
Trả lờiXóahttps://www.youtube.com/playlist?list=PLb_8siWVqUp4H0v4ivv82KA5bh_kCbewA
Không phải của tôi! Quá nhiều người mượn tên tôi phóng lên nhiều thứ thật giả lẫn lộn! Tôi chẳng hãnh diện gì về chuyện đó và từ Tháng Năm đã bỏ luôn chương trình "Bên Kia Màn Khói". Chán thật!
XóaThầy Nghiã không phân trần thì độc giả cũng biết, xem qua là thấy nghi liền.
Trả lờiXóaKhông biết họ muốn nương nhờ tên tuổi nổi tiếng cuả thầy để phát tin, lôi cuốn các fan cuả thầy, hay như các "lỗ đen" muốn "ngốn" hết các vì sao sáng?
Dù sao thì cũng quá funny, vì họ cứ tỉnh bơ, tự nhiên như... người Hà Nội. ;-)
"Nguyễn Xuân Nghiã Official" toàn cầu đấy nhé lol ;-p
Trả lờiXóaThầy Nghiã mà làm Tổng Thống Việt Nam thì hay biết mấy nhỉ.
Trả lờiXóaCố vấn Kinh tế VNCH, cháu TBT CS có thể hoà giải dân tộc. Hay lắm.
O No! Đất nước này chưa đủ hoạn nạn hay sao, Trời ơi!
XóaXem lại cái blog thì thấy họ post những hình bậy bạ, thì ra đây là một hình thức đe dọa, khủng bố. Chủ blog thật bất lương.
Trả lờiXóaTuy nhiên, chủ blog và chủ youtube có thể không có liên quan với nhau?
Thầy Nghĩa bảo trọng.
Cũng có thể là cái blog đó đã bị hacked.
Xóa