Thứ Bảy, tháng 3 31, 2012

Chấn Động Dầu Khí

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune 120330

Một cuộc cách mạng âm thầm về năng lượng....




Trải mấy chục năm sau "Chiến tranh Việt Nam" – cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam – chúng ta đã đọc hoặc thậm chí viết khá nhiều về những lý do dẫn tới kết quả mà người Mỹ và nhiều người Việt cho là bi thảm.... Trong cả vạn tài liệu, dường như có một biến cố lại bị lãng quên....

Đó là "Cú Sốc Nixon".

Ngày 15 Tháng Tám năm 1971, Tổng thống Richard Nixon đơn phương quyết định thả nổi đồng Mỹ kim thay vì giàng vào giá vàng. Ông mặc nhiên xoá bỏ hệ thống tiền tệ quốc tế được quy định sau Thế chiến II mà ta quen gọi là hệ thống Bretton Woods. Lồng trong một kế hoạch cải cách - thực tế là can thiệp vào kinh tế khá tiêu biểu của cánh tả bên đảng Dân Chủ - biện pháp tiền tệ này gây chấn động toàn cầu nên mới được gọi là cú sốc – Nixon Shock.

Lý do chính yếu và ngắn hạn là nạn lạm phát.

Lý do thực tế và lâu dài là Hoa Kỳ đã căng mỏng phương tiện để phát triển và bảo vệ kinh tế thế giới lồng trong quân phí quá đắt của cuộc chiến Việt Nam và chế độ bao cấp quá tốn kém của kế hoạch Đại đồng (Great Society) do Chính quyền Lyndon Johnson và đảng Dân Chủ ban hành từ những năm 1965 trở về sau. Kết quả là lần đầu tiên trong Thế kỷ 20, Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách và khiếm hụt ngoại thương, chi nhiều hơn thu, mua nhiều hơn bán. 

Nước Mỹ mắc nợ và các chủ nợ đòi thanh toán nợ nần bằng đồng Mỹ kim, nhưng tính theo giá vàng, và phải được bảo đảm bằng khối trữ kim là vàng. Quyết định của Tổng thống Nixon thực tế là một vụ quịt nợ bằng cách phá giá đồng bạc, khi đó là một ngoại tệ dự trữ của cả thế giới.

Nếu suy từ đó thì người ta đã có thể thấy trước là nước Mỹ sẽ phải thu vén chi tiêu và chấm dứt nạn xuất huyết vì cuộc chiến Việt Nam!

Ngay sau đó, năm 1973 còn có cơn chấn động dầu hỏa vì các nước Á Rập xuất cảng phong tỏa dầu như một võ khí để gây áp lực với Hoa Kỳ sau trận chiến Yom Kippur giữa Israel với hai xứ Egypt và Syria. Khi nhìn lại trên toàn cảnh - và ra khỏi những suy luận hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam - người ta đã phải đoán ra là miền Nam sẽ bị hy sinh.

Bốn chục năm sau - là ngày nay – chúng ta đang chứng kiến một chuyện tương tự. Nhưng với kết quả khác!


***


Chưa nói đến trận chiến bị định nghĩa sai là "chống khủng bố Hồi giáo toàn cầu" - với hai chiến trường A Phú Hãn và Iraq đã kéo dài quá 10 năm và bảy năm - Hoa Kỳ tốn kém quá nhiều vì cục diện Trung Đông: mỗi năm mất 50 tỷ Mỹ kim để tuần tiễu và bảo vệ Vịnh Ba Tư hầu bảo đảm nguồn cung cấp dầu khí cho nước Mỹ và các đồng minh Âu Châu.

Nhu cầu bảo vệ đó còn khiến nước Mỹ mắc kẹt vì thế liên kết với một quốc gia dân chủ là Israel cùng nhiều chế độ Á Rập Hồi giáo độc tài. Mâu thuẫn giữa lý tưởng dân chủ của một nước cộng hoà liên bang với nhu cầu kinh tế và chiến lược của một đế quốc toàn cầu khiến Hoa Kỳ khó tranh thủ được hậu thuẫn của thế giới và người dân Hồi giáo.

Vì vậy, huyền thoại Mỹ bị dân Do Thái sai khiến, hoặc tham chiến vì dầu hỏa, cứ được lưu truyền và được nhiều người tin. Những âu lo về tình hình dầu khí tại Trung Đông - với rủi ro chiến tranh bùng nổ vì Iran - đã đẩy giá dầu lên cái ngưỡng đáng lo của năm 2008, khiến giá xăng tăng vọt khi kinh tế chưa hồi phục, thất nghiệp vẫn còn cao.

Trong khi đó, thật ra hai nguồn cung cấp chủ yếu về năng lượng cho Hoa Kỳ lại nằm ở lục địa Bắc Mỹ, Canada và Mexico, và dầu khí Trung Đông chỉ chiếm khoảng 12% số tiêu thụ của nước Mỹ mà thôi.

Và từ bốn năm qua những ưu lo về năng lượng đã khiến người Mỹ phải đi tìm giải pháp khác.


***


Chúng ta có mặt nổi ở trên là tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống về giá xăng dầu, nguồn cung cấp năng lượng lồng trong nhu cầu bảo vệ môi sinh. Nhưng chìm sâu bên dưới là nỗ lực truy tìm các nguồn năng lượng khác - ở rất xa vùng hỏa tuyến Trung Đông. Xin tạm gọi đó là "góp nhặt cát đá... để gạn ra dầu thô và khí đốt".

Hiện nay, nước Mỹ đứng hạng thứ ba thế giới về sản lượng dầu thô, với nhật lượng là bảy triệu rưởi thùng một ngày. Tháng Sáu vừa qua, tổ hợp Exxon-Mobil thông báo là đã tìm thấy một trữ lượng mới, chừng 700 triệu thùng nằm dưới Vịnh Mexico.

Người ta còn có thể tìm ra năng lượng từ cát nhuốm than tại Canada, hoặc gạn dầu từ ven biển miền Đông và miền Tây nước Mỹ, thậm chí ngay tại các tiểu bang Montana, North Dakota hay từ Alaska, nơi có trữ lượng khoảng 30 tỷ thùng.... Khi giá dầu còn rẻ, quãng 10 Mỹ kim một thùng như mấy chục năm trước thì loại năng lượng quá đắt này không có lời. Nhưng khi quân bình giữa cung và cầu về dầu khí đang căng thẳng như ngày nay vì sự xuất hiện của các nền kinh tế khát dầu, như Trung Quốc, giá dầu sẽ khó giảm và những giải pháp tốn kém trên lục địa Bắc Mỹ bỗng thành hấp dẫn hơn.

Thật ra, từ năm 2005 rồi, Hoa Kỳ đã ráo riết gia tăng sản lượng khí đốt dưới dạng "hóa lỏng", liquefied natural gas hay LNG. Tính trung bình thì tăng 50% trong giai đoạn 2006-2011.

Là quốc gia số một thế giới về sản lượng và mức tiêu thụ khí đốt, năm ngoái Mỹ vẫn nhập thêm gần 100 tỷ thước khối để bổ sung cho sản lượng 600 tỷ. Nhưng với những tiến bộ kỹ thuật vượt bực và một trữ lượng khổng lồ các loại nham thạch, Hoa Kỳ sẽ sản xuất khí lỏng ngày một  nhiều hơn, là điều đã khởi sự, với giá ngày một rẻ hơn.

Trong vòng năm ba năm nữa Hoa Kỳ sẽ là một đại gia xuất cảng trên thế giới.

Vì khí lỏng là nguồn năng lượng chiến lược cho Âu Châu, vốn dĩ tùy thuộc vào khí đốt của Liên bang Nga nên thường hay bị bắt bí, khí lỏng của Mỹ sẽ giải vây Âu Châu là góp phần làm thay đổi cục diện Âu-Nga trong thập niên tới. Nếu kể thêm sự kiện Nhật Bản đang giã từ năng lượng hạch tâm sau vụ thiên tai 3-11 vào ngày 11 Tháng Ba năm ngoái, nhu cầu điện năng từ khí lỏng của Nhật càng khiến doanh nghiệp Hoa Kỳ chú ý đến tiềm năng khí đốt của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ có cải tiến về kỹ thuật để nôm na là gạn cát ra dầu thô và khí đốt. Khi sản lượng khí đốt tăng đều từ năm năm nay, giá khí đốt giảm dần và hết là một động lực kích thích đầu tư và sản xuất. Nhưng bây giờ tình hình đang đổi khác trên thế giới nên ảnh hưởng ngược vào tính toán đầu tư của doanh nghiệp Mỹ.

Trên toàn cảnh đó, bây giờ mình xét đến những trở ngại. Hoa Kỳ có thể sản xuất thêm khí đốt ở dạng lỏng và sau này bán ra ngoài, nhưng chỉ bán cho những nước có khả năng chế biến từ dạng lỏng qua dạng khí và thổi qua một mạng lưới dẫn khí. Tức là khách hàng cũng phải là một xứ công nghiệp tiên tiến, thí dụ như Âu Châu hay Nhật Bản, Nam Hàn hoặc thậm chí Ấn Độ hay Trung Quốc là hai nước còn đi sau.

Doanh giới quốc tế thì đã nhìn ra chuỗi tương quan đó nên khởi sự đầu tư khá mạnh vào thị trường khí đốt của Mỹ. Nhưng khi gạn cát ra dầu và khí đốt, người ta có vấn đề ô nhiễm môi sinh và sức ép rất mạnh của các tổ chức bảo vệ môi trường, đó là một đề mục đang gây tranh luận tại Hoa Kỳ trong vụ bầu cử năm nay.

Bây giờ, nếu xét thêm các yếu tố thuộc về chiến lược của Nhật Bản, Âu Châu và Nga hay Nam Hàn, Ấn Độ và Trung Quốc, trong bài toán khí đốt thì ta có thể suy đoán ra nhiều vấn đề thời sự trước mắt và những hậu quả lâu dài về địa dư chiến lược.


***


Nói về Trung Quốc, hôm mùng bảy Tháng Ba, Tập đoàn Hóa-Dầu Sinopec của Bắc Kinh thông báo việc khởi công dự án khai thác trong lòng chảo Nguyên Bá (Yuanba) thuộc tỉnh Tứ Xuyên, với tiềm năng 507 triệu thước khối một ngày và chỉ tiêu là 3,4 tỷ thước khối một năm vào năm 2015 này.

Trung Quốc có trữ lượng khí đốt được tính ra là lớn nhất thế giới, nhiều nhất là ở hai lòng chảo Tháp Lý Mộc (Tarim) tại Tân Cương và Nguyên Bá tại Tứ Xuyên. Ngoài ra, xứ này còn các lòng chảo – "bồn địa" – với trữ lượng rất kém, tại Chuẩn Cát Nhĩ (Junggar), bên kia rặng Thiên Sơn và lòng chảo Tarim, tại Thổ Lỗ Phiên (Turpan) phía Bắc Tân Cương, tại Ngạc Nhĩ Đa Tư (Ordos) ở Nội Mông và ba lòng chảo ở miền Đông-Bắc.

Việc khai thác khí đốt cho có lợi cần một số điều kiện là trữ lượng tập trung, là tư bản và kỹ thuật, là mạng lưới dẫn khí và... rất nhiều nước.

Lãnh đạo Bắc Kinh có thể nắm một khu dự trữ ngoại tệ dồi dào, nhưng kỹ thuật hiện đại thì chưa có nên cần học hỏi, ăn cắp hoặc... ăn cướp từ các doanh nghiệp quốc tế. Với sức người, sỏi đá cũng thành... hơi. Đúng như vậy, nhất là những con người duy ý chí khi đòi gạn ra khí đốt để đạt chỉ tiêu là 6,5 tỷ thước khối vào năm 2015 rồi 80 tỷ vào năm 2020. So với sản lượng của Mỹ hiện nay là 136 tỷ thước khối một năm thì chưa đáng kể.

Đã thế, người ta chưa thể vắt đất ra nước thay trời làm mưa như khẩu hiệu của Hà Nội năm xưa.

Trung Quốc không có đủ nước cho nhu cầu tiêu dùng và tiêu tưới. Vì vậy Bắc Kinh mới quyết liệt khống chế Tây Tạng và tháp nước Hy Mạ Lạp Sơn. Lấy nước đâu ra cho các dự án khí đốt vĩ đại ngẫu nhiên sao lại tập trung trong vùng phiên trấn của các dị tộc Mông, Hồi, Tạng và nằm giữa những vùng hoang vu, kho cằn và hiểm trở của lãnh thổ?

Kết quả thì Trung Quốc còn mất cả chục năm và gây ra nhiều tai họa môi sinh trước khi trở thành một đại gia đáng kể trên một thị trường sau này đã có mặt Hoa Kỳ.


***


Chúng ta sẽ còn nghe thấy các chính khách Mỹ tranh luận về những nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo, như quang năng, phong năng, hoặc chất cồn cất từ nông sản, v.v.... Và các nhóm bảo vệ môi sinh sẽ còn cản trở nhiều dự án gạn cát lấy dầu khí hoặc lập ống dẫn khí xuyên bang, v.v... Nhưng thực tế kinh tế và kỹ thuật đang làm thay đổi nhiều tính toán về năng lượng trong các thập niên tới. Hoa Kỳ sẽ tiến dần đến ngày tự túc, chẳng những hết lệ thuộc vào cục diện Trung Đông mà có ngày còn xuất cảng năng lượng ra ngoài. 

Nỗi ưu lo thường nhật của thường dân về giá xăng dầu có góp phần tích cực cho sự chuyển hóa này mà đôi khi mình không biết. Đấy là một niềm an ủi!


4 nhận xét:

  1. Câu cuối Nỗi ưu lo thường nhật của thường dân về giá xăng dầu có góp phần tích cực cho sự chuyển hóa này mà đôi khi mình không biết. Đấy là một niềm an ủi! này của bác Nghĩa cháu chưa hiểu rõ dụng ý. Mong bác phân tích thêm. Cảm ơn bác nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Người dân một xứ dân chủ mà ưu lo về các vấn đề kinh tế thì chính quyền và thị trường sẽ phải quan tâm giải quyết. Sự quan tâm đó là bước cần thiết có thể dẫn tới những giải pháp sau này. Thành thử, cơn sốt xăng dầu hiện nay có những động lực thúc đẩy sự chuyển hóa... NXN

    Trả lờiXóa
  3. Xin hỏi bác, gas process tại sao lại cần nước (H2O)??

    Trả lờiXóa
  4. Trong các ngành kỹ nghệ, kể cả năng lượng hay khí đốt, người ta đều cần nước, rất nhiều. Thí dụ như để hâm nóng rồi làm nguội máy trong suốt tiến trình đãi lọc và biến chế thành khí lỏng. NXN

    Trả lờiXóa