Thứ Sáu, tháng 10 18, 2013

Văng Miểng Vào... Mắt Kiếng


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 131017

Một trong những tổn thất của trận đấu về ngân sách là viễn kiến của nước Mỹ

 * Người sáng mắt Andrew Marshall - Giám đốc ONA * 


Sau khi Thượng rồi Hạ viện Hoa Kỳ nhồi banh đến ngày cuối, vào phút chót thì đôi bên cùng đá trái banh ngân sách ra biên, cho tới đầu năm sau: Chính quyền liên bang có ngân sách tới giữa Tháng Giêng và định mức đi vay được nâng cho tới mùng bảy Tháng Hai. Tức là sau Giáng Sinh, hai phe sẽ lại cù cưa đá tiếp. Cho đến cú đá phạt, penalty, vào cuộc bầu cử 2014.

Từ nay đến đó, các nhà bình luận lại điểm quân đếm phiếu và luận về lẽ thắng bại của hai đảng để tác động vào bầu cử theo quan điểm của họ. Truyền thông của ta thì hồn nhiên dịch lại và đưa lên trang nhất như tin tức, như chân lý. Người viết xin đi qua chuyện khác.

Chuyện xưa và chuyện sau....


***

Chuyện xưa là 60 năm trước, vào năm 1942.

Trong Thế chiến II, quân Nhật tiến vào Đông Nam Á và từ Thái Lan Miến Điện cắt đường tiếp vận của quân Đồng minh cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Khi ấy, có người trình lên lãnh đạo Mỹ một ngả khác đi vào Trung Quốc. Đó là qua Tây Tạng.

Khốn nỗi, sự hiểu biết của nước Mỹ về đỉnh tuyết này chỉ là kiến thức từ hồi đấu thế kỷ của Đế quốc Anh. Và trong bộ máy quân sự của Mỹ, bản đồ Tây Tạng cũng trắng như tuyết.

Đấy là lúc cơ quan OSS, tiền thân của CIA, mới có sáng kiến đưa người vào tiếp xúc với lãnh đạo Tây Tạng, một cậu bé được coi như "Phật Sống", để xin mượn đường tiếp vận. Cậu bé đó là đức Đạt Lai Lạt Ma ngày nay. Hai người được gửi vào là một học giả tốt nghiệp Princeton và một sĩ quan uyên bác, cháu nội của văn hào Lev Tolstoy.
Họ vượt núi tuyết tới thủ đô Lhasa, gặp đức Đạt Lai Lạt Ma và được Hội đồng Nội các gọi là Kashag đón tiếp tử tế. Nhưng vì họ chẳng có tư cách ngoại giao nên chưa thể đạt thoả thuận gì. Cũng lại chuyện Bùi Viện cầu viện của ta. Khi trở về, phúc trình của phái bộ phiêu lưu này được thượng cấp đưa lên Tổng thống F. D. Roosevelt.

Và bị xối nước còn lạnh hơn tuyết giá Hy Mã Lạp Sơn.

Với giọng trịch thượng của kẻ không hiểu biết gì về các nền văn hóa khác, Rossevelt châm biếm chữ lạ, sánh Kashag với một truyện thời thượng khi đó tại Mỹ là bài thơ về con bò tím. Và phất tay cho nước lã ra sông. Chuyện buồn không đoạn kết.

Hoặc đoạn kết còn tục hơn vậy. Sau này cơ quan CIA có yểm trợ Tây Tạng, nhưng từ "chiến khu" lập ra ở đỉnh tuyết Colorado, bên Mỹ. Kết cuộc là Tây Tạng không thoát vòng Hán hóa mà lãnh đạo còn bị Bắc Kinh gán tội là tay sai của CIA. Chuyện đã nhàm vì còn thấy ở Việt Nam. Người viết đã kể lại chuyện này trong một số Xuân Việt Báo năm xưa, khi nhắc đến Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma.

Từ chuyện xa xôi đó, sau này, chúng ta mới thông cảm với lời than của một viên tướng Hoa Kỳ: "Mỗi khi ra quân, chúng ta luôn luôn lầm bản đồ và ngôn ngữ". Nôm na là thiếu hiểu biết về nhiều yếu tố chi phối quyết định của lãnh đạo xứ khác, như địa dư, lịch sử và văn hoá.... Vì thế mới dễ quàng xiên.

Ba chục năm sau trò ngu của Roosevelt và việc Hoa Kỳ hy sinh nhiều đồng minh Âu-Á vì thiếu viễn kiến và hiểu biết mà lại thừa mưu lược, Tổng thống Richard Nixon có một quyết định lạ vào năm 1973. Khi chuyện Việt Nam đã thành nước lã ra sông và tiền đồn sắp trôi xuống biển, mà người Việt mình chưa biết, Nixon muốn có một cơ quan khả dĩ gọi là "Viễn vọng đài", để đẩy tầm nhìn tới thật xa.

Nixon cho Ngũ Giác Đài lập ra Văn phòng Thẩm lượng Office of Net Assessment với nhiệm vụ tự bịt tai để khỏi bị nhiễu âm của thời sự trước mắt mà nhìn vào tương lai. Người phụ trách việc thành lập là Tổng trưởng Quốc phòng James Schlesinger, một tiến sĩ kinh tế, sau là học giả, rồi phụ trách về ngân sách, làm Tổng trưởng Quốc phòng cho hai đời tổng thống Nixon và Gerald Ford rồi Tổng trưởng Năng lượng cho Jimmy Carter.

Một học giả khác - bạn đồng viện của James Schesinger và nhà vị lai học khét tiếng Herman Kahn - là Andrew Marshall được chỉ định làm Giám đốc văn phòng ONA, với trách nhiệm khi ấy là vận dụng trí tuệ của các chuyên gia để lượng định về hồ sơ hạch tâm với Liên Xô và vạch ra chiến lược quân sự cho tương lai.

Từ 1973 cho đến nay, bảy đời Tổng thống đều tái bổ nhiệm ông Marshall vào chức vụ này.

Andrew Marshall sinh năm 1921, tốt nghiệp Kinh tế học từ Đại học Chicago, là chiến lược gia của nhiều thế hệ. Ông cũng là thượng cấp đã cất nhắc những người sau này sẽ phụ trách an ninh và đối ngoại của Hoa Kỳ trong mấy thập niên, như Nguyên Tổng trưởng Quốc phòng (rồi Phó Tổng thống) Dick Cheney, hay Tổng trưởng và Thứ tưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Paul Wolfowitz....

Về công việc, văn phòng lượng định và Andrew Marshall chỉ có nhiệm vụ tham mưu bên Tổng trưởng Quốc phòng. Họ không có thẩm quyền về chính sách, chẳng bận tâm về tranh cử, ai lên ai xuống, về giá cổ phiếu thăng giáng, hay nghị quyết Liên hiệp quốc, Thượng đỉnh Liên Âu hoặc Đại hội đảng Trung Quốc. Họ cũng không phải hàng ngày trình lên lãnh đạo về an ninh, tình báo.

Tinh thần chỉ đạo của đơn vị thầm lặng này trong Ngũ Giác Đài là kỷ luật: lọc cho sạch tiếng ồn của thời sự mà tìm hiểu và dự báo về những gì sau này có thể đe dọa quyền lợi của Mỹ.

Thời đó, Hoa Kỳ vừa giải vây Trung Quốc mà Chiến tranh lạnh vẫn còn. Lượng định của ONA nói ngược với sự thẩm định của CIA. Rằng Lợi tức Quốc gia của Liên Xô chẳng cao như vậy, nhưng mối đe dọa quân sự từ Moscow thì trầm trọng hơn, nên Hoa Kỳ phải đối phó cách khác. Cũng thế, ONA ước lượng ngân sách quân sự của Trung Quốc là 140 tỷ, thực tế cao gấp đôi các con số phổ biến và nếu đi vào trận địa chiến với Trung Quốc tại Đông Á, Mỹ có thể bị đánh bại!

Cơ quan rất nhỏ bé và rất lạ này chẳng cần lấy lòng Tổng thống, Tổng trưởng hay Nội các Cộng Hoà hoặc Dân Chủ, chẳng đi theo nhận thức của đám đông mà lạnh lùng tìm hiểu về địa dư, lịch sử, văn hóa, kinh tế và kỹ thuật của thiên hạ để thấy ra những động lực thâm sâu của các nước hay các khối và đoán trước những rủi ro xung đột với Hoa Kỳ trong một tương lai rất xa....

Những lượng định của ONA đều được trình bày công khai, có đúng có sai, và vẫn được nhiều giới hữu trách trên thế giới quan tâm. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, một chủ biên chính của bốn Bạch thư về Quốc phòng của Bắc Kinh là Tướng Trần Châu cho biết ông chẳng hụt một báo cáo nào của Marshall, một người anh hùng của ông, và là nhà tư tưởng quan trọng và có ảnh hưởng nhất đến sự thay đổi tư duy về quốc phòng của Trung Quốc trong mấy thập niên từ 1990 đến sau này!

Ngẫm lại thì cũng phải.

Khi tìm hiểu địa dư hình thể và lịch sử Trung Quốc, người ta có thể biết vì sao Bắc Kinh phát triển lực lượng Hải quân từ hai chục năm trước và bây giờ uy hiếp lân bang. Khi nghiên cứu địa dư hình thể của đại lục địa Âu-Á, hay quan hệ lâu dài giữa Đế quốc Nga và Âu Châu, ta dễ thấy trước động thái của tập đoàn năng lượng Gazprom, hoặc việc Putin tấn công Georgia năm 2008 và ngày nay đang gây phân hóa cho Liên Âu. Không biết gì về địa dư và lịch sử Ba Tư thì khó hiểu ra trận đánh Iran-Iraq ngày xưa hay những toan tính đàm phán ngày nay vớ Hoa Kỳ....

Đơn vị nhỏ nhít và kín đáo này nhìn thật xa vào lịch sử, thật sâu vào địa dư để dự đoán chuyện vị lai trong nhiều thập niên tới. Khi hữu sự thì ít ra các tướng lãnh còn có bản đồ và không tung quân vào một trận chiến đã qua, với hình thái quân sự đã lạc hậu.

Ngày nay, ở tuổi 92, ông Marshall vẫn tiếp tục làm việc trong cơ quan lửng lơ đó. Nhưng nhiều phần thì ông sẽ về hưu sớm khi trận đánh về ngân sách sẽ cắt cánh Ngũ Giác Đài và cưa chân Viễn vọng đài: vì... thiếu ngân sách, cơ quan Office of Net Assessment có thể bị đóng cửa! Một thành tích khác của Obama...


***


Tổng thống Barack Obama có thể xúc phạm một đồng minh chiến lược là Nhật Bản khi chỉ định Caroline Kennedy làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Tokyo. Cô bé bất tài vô tướng và nói năng ngập ngọng này chỉ có cái danh hão là con gái của John Kennedy, nhưng được Obama đền công trả nợ bằng ghế đại sứ. Nhiều đời Tổng thống Mỹ cũng đã chỉ định các ân nhân về tiền bạc hay thế lực chính trị làm đại sứ cho Hoa Kỳ thay vì bổ nhiệm những nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã học bài ở nhà. Cũng vậy, việc Tổng thống Mỹ hủy bỏ nhiều hội nghị với Châu Á để đấu võ ngân sách ở nhà đã làm các đồng minh ngao ngán... Nhìn trong lâu dài thì những vụng về đó rồi cũng sẽ qua, sai lầm được gỡ ra, rồi cột lại với một tổng thống khác. 

Nhưng sự bất biến vẫn là địa dư hình thể và lịch sử của Trung Hoa và Nhật Bản tại Đông Á, với tác động mới của kinh tế, của khoa học kỹ thuật, để dẫn tới những rủi ro mới. Khi đó, nước Mỹ có thể bị văng miểng ra sao? 

Chuyện văng miểng đó chưa xảy ra. Chúng ta chỉ thấy rằng Bộ Quốc phòng Mỹ bị văng một mắt kiếng. Chẳng có bản đồ mà người cận thị lại đòi cầm súng bóp cò thì chúng ta nên sợ.... 

4 nhận xét:

  1. Nuoc My dau phai chi co ONA, ma con co nhieu co quan cong va tu khac nua de lo chuyen tuong lai nuoc My.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc kỹ lại đi, Bích Uyên! Không ai nói rằng Hoa Kỳ chỉ có cơ quan ONA. Cả ngàn bộ phận khác ở trong hay ngoài chính quyền cũng có chức năng nghiên cứu và dự báo về tương lai. Đặc tính của ONA là nghiên cứu để... mà chơi, không để tìm lợi lộc trước mắt cho mình nên không bị chi phối bởi yếu tố ngắn hạn. May ra thì nhìn xa hơn một chút.

      Ngân sách cho cơ quan nhỏ xíu này không bằng một cái hỏa tiễn hay một chuyện bay Air Force One cho Tổng thống đi vận động tiền tranh cử, nhưng kết quả có thể vẽ ra bản đồ hay chấm tọa độ để sau nay khỏi... bắn xuống ruộng!

      NXN

      Xóa
  2. Cảm ơn bác Nghĩa. Bài viết nào của bác cũng rất hay, có chiều sâu và dzí dzỏm.

    Trả lờiXóa