Thứ Sáu, tháng 5 30, 2014

Obama Vi Vút Chuyện Vô Vi


Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 140529
 
Chủ Thuyết Đối Ngoại Của Obama: "Làm Cái Không Làm, Ấy Đế Vương"


 * Tổng thống Mỹ tại lễ mãn khóa West Point 2014 *



Được rầm rộ quảng cáo trước, bài diễn văn hôm Thứ Tư 28 vừa qua về chánh sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama là một sự rỗng rang. Rỗng mà rang rảng.

Vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã lãnh giải Nobel Hoà Bình dù chưa làm cái gì cho hòa bình thế giới. Bây giờ, còn 20 tháng nữa ông mới hoàn tất tám năm lãnh đạo, khi nghe bài diễn văn ông đọc tại lễ mãn khóa của Trường Võ Bị Quốc Gia West Point, người ta thấy ra tương lai của Obama... nằm ở sau lưng.

Nhưng người ta có thể lầm, chuyện ấy sẽ nói sau....

Trước hết, bài diễn văn thiếu nội dung thật ra vẫn có mục đích. Đó là phản bác những công kích của đối lập ở nhà về chính sách đối ngoại của Obama sau hơn năm năm cầm quyền. Ta có thể thông cảm với nhu cầu đó khi mức tín nhiệm của dân Mỹ về đối sách ngoại giao của Tổng thống tuột dốc thê thảm, và sắp bắt kịp tỷ lệ thất vọng về nội chính. 

Nhưng dù thông cảm thì cũng thấy ra nét khiếm nhã.

Nội dung của một bài diễn văn về ngoại giao phải nhắm vào đối tượng quốc tế, để thế giới thấy lãnh đạo Hoa Kỳ nghĩ sao và muốn làm gì, chứ không để biện bạch chuyện nội bộ và dành những lời đanh thép nhất cho đối lập! Cho các nước đối thủ của Mỹ thì Obama lại làm thinh.... Tối! 

Hãy nhắc lại bối cảnh đã: thế giới nghĩ sao về những thách đố trước mắt? Những bài toán ấy là gì?


***

Xin mở tấm bản đồ thời sự và xem lại tờ lịch cũ về đối sách của Obama để thấy ra bảy cái không.... Bốn cái có mà cũng là cái khó thì sẽ nói sau.

Liên bang Nga và vụ khủng hoảng tại Ukraine là mối nguy đang đe dọa nhiều nước Đông Âu, từ Moldovia tới Georgia, Ba Lan và vân vân trên vùng Baltic. Trước bài toán ấy, các nước trong Liên hiệp Âu châu lại tê liệt vì phân hóa quan điểm và quyền lợi. Xuất phát từ chủ trương về quyền lợi hay từ giá trị tinh thần của nền dân chủ Mỹ, Hoa Kỳ có giải pháp nào với hoàn cảnh đó? 

Về tờ lịch cũ, Obama nghĩ sao khi đã đòi cải thiện quan hệ với Liên bang Nga từ năm 2009? Thất bại của chuyện "reset the button" là điều không dám nói. Một không.

Vừa liên kết với Liên bang Nga, Trung Quốc đang tạo ra những thách đố mới tại Châu Á. Mối nguy từ Trung Quốc với các nước Đông Á từ Bắc xuống Nam là chuyện có thật. Là cường quốc Á Châu, đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ nghĩ sao và muốn gì trước bài toán đó?

Nói về tờ lịch để nhắc tới chủ trương của Obama thì khi Chính quyền ông vừa nhậm chức năm 2009, Ngoại trưởng Hilary Clinton đã có lời phát biểu lạnh mình vì chửi cha cái giá trị tinh thần mà Hoa Kỳ vẫn đề cao. Đó là "không để chuyện nhân quyền gây trở ngại cho việc làm ăn!" Hơn hai năm sau, cũng Clinton này lại có bài viết và chính quyền Obama có chủ trương mới, về nhu cầu chuyển trục tại Đông Á. Bây giờ, thất bại của ngón "pivot" là điều không dám nói. Hai không!

Nội chiến và nạn tàn sát thường dân tại Syria đã qua năm thứ ba, với số thương vong chất đống. Và sau cuộc đổi đời năm 2011, Libya vẫn chưa ổn định mà sẽ là xuất phát điểm của khủng bố Hồi giáo. Đã thế, lực lượng khủng bố núp dưới phiêu hiệu al-Qaeda lại mở tầm hoạt động từ Trung Đông tới Bắc Phi, từ Đông Phi qua Tây Phi và gieo họa cho xứ Mali, hay Nigeria....

Về tờ lịch của đối sách Obama với những chuyện đó: Tổng thống Mỹ nhiều lần kẻ vạch trên cát những lằn đỏ mà chế độ độc tài hiếu sát của Bashar al-Assad tại Syria không được vượt qua. Kẻ rồi lại xoá, và bán cái cho Liên bang Nga giải quyết mối nguy võ khí hóa học. Không kết quả! Ba không.

Tại Libya, Hoa Kỳ hùng hổ đi vào lật đổ lãnh tụ Muammar Gaddhafi – một kẻ đã biết sợ và đang tìm cách cải thiện quan hệ với Tây phương – rồi để lại vụ tàn sát ở Benghazi hai tháng trước khi dân Mỹ đi bầu, mà Chính quyền Obama cố giấu nhẹm và đánh lạc hướng để lừa cử tri. Vì vậy, bài diễn văn tại West Point không dám nhắc lại. Bốn không!

Tại Trung Đông, mâu thuẫn giữa quốc gia Israel với dân Palestine là ung nhọt lịch sử. Chính quyền Obama coi đây là một ưu tiên của nhiệm kỳ hai. Tiến trình xây dựng hòa bình do Ngoại trưởng John Kerry thi hành đã huy hoàng thất bại. Trong cộng đồng Palestine, mâu thuẫn giữa chính quyền "ôn hoà" của Mahmoud Abbas thuộc cánh Fatah với lực lượng khủng bố Hamas là vấn đề không giải pháp. Vì vậy, bài diễn văn West Point tránh không nhắc tới. Năm không!

Thế giới này bất an vì quá nhiều chế độ hung đồ đang nắm võ khí hạch tâm trong tay để bắt bí thiên hạ. Một trong những chủ trương lớn của Barack Obama từ khi còn đi sách động cộng đồng là giải trừ võ khí hạch tâm cho thế giới. Về tờ lịch thì Obama nhắc lại điều ấy trong bài diễn văn năm 2009 tại thủ đô Praha của Cộng hòa Tiệp, đã tiến hành thỏa ước tài giảm binh bị với Liên bang Nga và đang cố hòa giải với Iran để đạt lời hứa là không tiến hành kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm. 

Thực tế thì Nga đã vi phạm thỏa ước, Iran chưa lùi một bước, Bắc Hàn vẫn tung hứng võ khí tàn sát! Vì vậy, bài diễn văn tại West Point không có đến chữ hạch tâm, atomic. Sáu không!

Trong một chuỗi biến động toàn cầu, từ Âu sang Á, thế giới phân vân trước sự bành trướng của chủ nghĩa dân tộc, của tinh thần quốc gia và quyền lợi kinh tế, với những hậu quả bất lợi cho hòa bình quốc tế. Hiện tượng này được Nga khai thác (Ukraine là thí dụ), gây rối cho Trung Quốc (hồ sơ Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng), biện minh cho khủng hố tại Tây Phi (vụ Boko Haram), đe doạ sự hội nhập của Liên Âu (cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu vừa qua, với sự thắng thế của phe cực hữu và khuynh hướng quốc gia quá khích).... 

Trước loại vấn đề quá phức tạp như vậy, Hoa Kỳ là một nước đa văn đa chủng có chủ trương hay giải đáp gì không? Xuất thân từ cõi đa văn đa chủng ấy, Obama có gì đề nghị không? Bảy không.

Kết cuộc thì Barack Obama đã học thơ Vũ Hoàng Chương trong bài "Tương tư thảo": Làm cái không làm, ấy đế vương! Ông muốn... "vô vi nhi trị"?


***
Một cách khách quan thì ta cũng nên hỏi lại, rằng ông có thể làm được những gì và đề nghị những gì trong bài diễn văn?

Đảo ngược quan điểm truyền thống đã từng trình bày trong hai bài diễn văn năm 2009 tại Cairo và Ankarra, bây giờ Tổng thống Mỹ xác nhận rằng Hoa Kỳ là quốc gia xuất chúng nên có trách nhiệm với thế giới về thiên hạ sự. Đấy là chủ trương tích cực và đổi mới của một người vẫn cứ đi vái tứ phương và còn viết hồi ký phê phán nước Mỹ với quan điểm của các nước nghèo hèn hậm hực thuộc Thế giới thứ ba.

Phải mất năm năm ngồi trên ngai, Obama mới học thấy cái sai và sửa lại điều ấy!

Sau khi đặt lại vấn đề, về sự chọn lựa cần thiết hiện nay là nên lui về chủ nghĩa tự cô lập hay nên bung ra can thiệp vào thế giới, Tổng thống Mỹ chọn giải pháp trung dung đến ba bốn phải. Và nói vào dăm ba chuyện cụ thể.


Obambi huê dạng dưới nét hý họa cũa Micheal Ramirez trên tờ IBD ngày 140530!




















Đây là phần "bốn có" mà cũng là khốn khó. Hãy điểm lại những cái có trong bài diễn văn.

Thứ nhất, Hoa Kỳ của Obama vẫn can thiệp vào thế giới, nhưng cùng với các định chế quốc tế như Minh ước NATO hay Liên hiệp quốc và các nước đối tác. Thật ra, xưa nay các Tổng thống Mỹ đều làm như vậy. Gần đây, Bill Clinton vào Kosovo dưới lá cờ NATO, hay George W. Bush hắc ám cũng mở chiến dịch Afghanistan với NATO, và vào Iraq sau mấy chục Nghị quyết của Liên hiệp quốc lên án chế độ Saddam Hussein. Nghị sĩ Hilary Clinton là người ủng hộ việc này. Sau khi nhậm chức, Obama cũng chẳng làm khác tại Libya, với Nghị quyết Liên hiệp quốc và bình phong của các đối tác Âu châu. Nhưng, khi cùng các nước hay các tổ chức can thiệp vào chuyện quốc tế, Hoa Kỳ vẫn thực tế lãnh đạo, và chi tiền mệt nghỉ. 

Nay Obama núp sau thiên hạ để khỏi lãnh đạo!

Thứ hai, Hoa Kỳ điều chỉnh đối sách chống khủng bố với một khảo hướng (approach) lạ: vừa thu hẹp sự hiện diện tại Afghanistan vừa tăng cường sự can thiệp vào Syria qua các nhóm nổi dậy chống chế độ al-Assad. Với Obama, chuyện chiến lược như Afghanistan hay chiến thuật như Syria, Mali hay Nigeria sẽ trở thành đồng hạng: nặng nhẹ như nhau trong một quỹ chung trị giá năm tỷ bạc.

Thay vì kẻ vạch trên cát, nếu Tổng thống Mỹ sớm yểm trợ các tổ chức chống al-Assad tại Syria từ vài năm trước thì biết đâu đã tránh được chuyện ngày nay! Thôi đành, thà trễ còn hơn không! Và việc Mỹ báo trước là duy trì chưa tới vạn quân tại Afghanistan, mà chỉ đến năm 2016 thôi lại là tin vui cho quân khủng bố Taliban. Thời điểm 2016 còn có ý nghĩa thiêng liêng: đó là năm Obama mãn nhiệm. Ông chuẩn bị thành tích hòa bình cho ngày đó!

Thứ ba, trong nỗ lực diệt trừ khủng bố, Hoa Kỳ tận dụng phương pháp "của đi thay người". Chính quyền Obama triệt để dùng máy bay tự động (drones) để hạ sát quân khủng bố và có tiến trình quyết định khá mờ ám khi chọn mục tiêu và đối tượng. Bây giờ, Tổng thống Mỹ hứa hai chuyện mới: một là sẽ chuyển công tác đó từ cơ quan tình báo CIA qua Ngũ giác đài; và hai là sẽ yêu cầu quân đội công khai hóa một số hồ sơ cho công chúng biết. Phương pháp sạch sẽ này có nhược điểm là đôi khi mù quáng mà sát hại dân lành và mặc nhiên vi phạm nhân quyền của người khác.

Giới trí thức thường sợ bẩn tay, Obama là Tổng thống rất trí thức trong trò chơi đó và làm các đồng chí thiên tả và phản chiến của ông thất vọng. Đành vậy chứ sao!

Sáng kiến thứ tư, Hoa Kỳ của Obama khỏi cần xin phép ai khi phải tự vệ và sẽ cương quyết dùng võ lực để tự vệ. Ngon! Nhưng sẽ chỉ làm như vậy khi quyền lợi cốt lõi và sự an toàn của người dân bị đe dọa. Tức là Obama định ra tiêu chuẩn cao hơn và khó hơn cho việc sử dụng quân đội.

Thật ra, sáng kiến ấy là sao bản của "chủ thuyết Caspar Weinberger" (Tổng trưởng Quốc phòng) thời Reagan-Bush: chỉ dụng binh khi quyền lợi sinh tử bị đe dọa, nhưng khi vào thì phải định rõ mục tiêu, phương tiện và định cả ngày hát khúc khải hoàn. Khác với thời xưa, ngày nay Hoa Kỳ không thể phao phí phương tiện quân sự cho một cuộc phiêu lưu không hẹn ngày về. Bội chi ngân sách vì cải tạo xã hội, nhu cầu giảm chi quốc phòng để khỏi vay tiền quá sức trả và nhất sự mệt mỏi của dân Mỹ khiến Tổng thống Hoa Kỳ phải liệu cơm gắp mắm.

Nhưng khi Obama minh định tiêu chuẩn ra quân quá rõ như vậy, các chế độ hung đồ đều yên tâm: "làm gì cũng được, miễn là đừng bắn vào Mỹ!" Còn các nước Đông Âu dưới tầm đạn của Nga, hay các nước Đông Nam Á trong vòng "hải giám" của Trung Quốc đều được Obama thông báo: đừng trông vào Mỹ!

Xin hãy thông cảm, đầu Tháng Ba vừa qua, Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng Đặc trách Tiếp liệu là Katrina McFarland đã nói chuyện tay hòm chìa khóa: "Bây giờ phải xét lại việc chuyển trục." Bà nói thật, rằng vì nhu cầu cắt giảm quân phí, Mỹ không có tiền mua trục để chuyển!

Thành thử, người ta cứ muốn tìm một "chủ thuyết Obama", bài diễn văn tại West Point chẳng đưa ra chủ thuyết nào có giá trị lịch sử. Và những đối sách lặt vặt mà ông đề nghị đều khó thực hiện.


***


Chúng ta hiểu ra vì sao Barack Obama phải vi vút nói chuyện vô vi khi tương lai nằm ở sau lưng. Nhưng nghĩ như vậy vẫn là đánh giá sai con người siêu hạng này.

Vừa nhậm chức Tổng thống một siêu cường thì đã lãnh giải Nobel Hoà Bình. Nếu vậy, Obama còn có bệ nào cao hơn để leo hay để tranh cử nữa không sau khi làm Tổng thống mà mắc ghiền tranh cử? 

Có chứ! Tranh cử làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc để cầm súng nước đi bình thiên hạ và phát tiền cứu giúp dân nghèo. Đâm ra chẳng khác gì bài diễn văn tại Đại hội đảng Dân Chủ năm 2004, bài diễn văn West Point 2014 cũng là một chương trình tranh cử mới của Obama sau 2016. Để bước lên một đài vinh quang khác tại New York.

Nơi đó, ông sẽ tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ sau tám năm tiêu xài tan hoang! 

2 nhận xét:

  1. Dear bác,
    Bác có nghĩ HK lên núi luyện công? Có câu "tôm cá đánh nhau ngư ông đắc lợi". Xuất hiện đúng lúc, rút lui đúng lúc mới là thượng sách?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết đâu chừng? Xin đón đọc mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" trên Người Việt tuần này!

      Xóa