Nguyễn-Xuân
Nghĩa - Việt Báo Ngày 150129
* Bàn toán Tầu và bạc cắc *
Trong
buổi trà dư tửu hậu cuối năm, người viết bị hỏi một câu oái ăm. Làm sao dung hòa
kiến thức về bộ môn quá vật chất là kinh tế học với những tín điều tâm linh là đạo
Phật của mình? Câu hỏi khiến người viết nhớ đến Giáo sư Tôn Thất Thiện, vừa tạ
thế hồi Tháng 10 năm ngoái. Vài năm về trước, khi thảo luận với nhau, có lần ông
phát biểu là dù yêu thích triết lý Phật giáo, ông vẫn tự nghĩ là "vô thần"
vì hiểu ra tầm quan trọng của kinh tế trong đời sống con người. Hình như có cái
gì đó của đạo Phật không thích hợp với sinh hoạt kinh tế hay kinh tế học.
Bài
này xin mở đầu về điều đó, như chuyện siêu hình mà thực dụng vào một buổi sang
Xuân, sau đó mới là thời sự.
***
Một
cách thông tục, ta có thể hiểu chữ "nghiệp"
như một... bảng kết toán tài sản. Xin có vài chữ về chuyện kế toán đã.
Từ
mấy trăm năm nay, có lẽ lần đầu tiên từ 500 năm trước, Tây phương áp dụng quy tắc
"kế toán đối phần", nôm na là kế toán có hai phần cân đối. Hãy tưởng
tượng đến bảng số hình chữ T (in) gọi là "trương mục", hay account, chữ Hà Nội thời nay gọi là
"tài khoản". Góc bên trái là "tích sản" hay assets, là danh mục các tài sản mình sử
dụng để tạo ra của cải trong tiến trình sản xuất hay kinh doanh. Góc bên phải là
"tiêu sản", hay liabilities cho
biết xuất xứ của các loại tài sản ấy, có thể là vốn riêng hay là đi vay, từ dài
đến ngắn hạn. Mà đã vay là phải trả, trừ phi ta đi vào kinh tế học xã hội chủ
nghĩa.
Trong
tiến trình sản xuất là vận dụng "tích sản" để tạo ra của cải – rồi đem
bán để thu về lợi tức – ta cần nhớ đến cái giá để có được những tài sản ấy, tức
là nhìn qua bên phải, vào phần "tiêu sản", có những khoản đi vay sẽ
phải trả, cả vốn lẫn lời. Nôm na cho dễ nhớ thì nếu tích vào ít mà tiêu ra nhiều,
ta sẽ lỗ vốn - và lỗ mãi thì sẽ xập tiệm.
Xin
độc giả chịu khó theo dõi tiếp chuyện khô khan này, vì sắp gặp chuyện khó khăn
nữa: Từ bản kết toán như tấm ảnh về tình hình tài sản vào một thời điển nhất định,
ta đi xa hơn một bước vào các nghiệp vụ hoạt động được bút ghi trong kế toàn,
khi ấy mới có chuyện "tá" hay credit
là mượn vào và "thải" hay debit
là chi ra.
Khi
nghe nói đến vấn đề tâm linh hay luân lý là "tích đức" thì làm sao ta dung hòa được với môn kế toán lạnh lùng
trên? Thật ra, khái niệm "tích đức" ấy mới là chìa khóa.
Có
những người cả đời không hề nghĩ đến ai khác hơn là chính mình. Họ tận dụng tích
sản và thải tối đa cho bản thân mà khỏi
cần tá cho ai khác. Đến cuối đời, trước
khi nhắm mắt thì "trương mục kế toán cuộc đời" chỉ toàn dấu âm.
Họ
mang nợ tới cõi âm, qua đời sau - hoặc dồn nợ cho con cháu.
Sống
là chia sẻ, và càng tạo lợi ích cho người khác là càng tích tụ công đức cho chính
mình, gia đình và con cháu đời sau. Càng nhận lãnh nhiều của thiên hạ mà không
trả cho ai khác ngay trong kiếp này là càng mang nợ đến đời sau.
Cũng
vì vậy mà người viết hay nói đùa với một
ông bạn Công giáo rằng "Thầy Hai của ông là một Siêu Kế Toán Trưởng".
Là người ngoan đạo, ông lại thường gọi Thiên Chúa rất thiêng liêng ở trên kia là
"Thầy Hai"!
Khi
thấy các doanh gia cự phú Hoa Kỳ phân phối tài sản bạc tỷ cho việc thiện, cho
người khác, ta hiểu ra quy luật kế toán tâm linh: họ tích đức. Cho nên, việc kiếm
tiền không hẳn là đi ngược với giáo lý nhà Phật nếu ta hỏi thêm, là để làm gì,
cho ai?.... Một người tu hành không hề nghĩ đến việc kinh doanh – thành phần này
không phải là hiếm, ai ơi đừng chớ bi quan! - vẫn có thể tích đức để giải nghiệp
- là trả nợ - cho mình và cho người khác, qua lời cầu nguyện hay việc làm hữu ích
cho tha nhân.
Vào
Xuân mà triết lý vụn như vậy về kinh tế học của công đức thì chắc cũng đủ. Xin đi
vào thực tế nợ nần ở ngoài đời....
***
Trong
thế giới ngày nay, hàng ngày thời sự cứ nhắc đến vấn nạn kinh tế là nhiều quốc
gia mắc nợ quá cao, bên tiêu sản chỉ là toàn là nợ, liabilities. Trong hoàn cảnh đó làm sao sử dụng tích sản assets cho hiệu quả để
còn trả nợ?
Đa
số các nhà quản trị kinh tế hay lý luận về kế hoạch đều tập trung vào kỹ thuật
vận dụng tích sản, như đầu tư vào đâu thì có lợi nhất khi tạo ra việc làm và nâng
cao lợi tức cho dân chúng? Người phàm như chúng ta có thể nhớ đến thành ngữ
"cái khó nó bó cái khôn". Vì cái khôn bị bó khi mắc nợ quá nhiều nên
chánh sách cứu nguy của các nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất hiện nay, như Nhật Bản,
Âu Châu và Trung Quốc, cứ loay hoay với cái vế kích thích sản xuất.
Họ
chỉ nhìn vào tích sản và tụt dần trong cách ước đoán tương lai.
Giải
nhất về khả năng đoán trật phải được giành cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF khi định
chế này thường xuyên hạ thấp dự báo về sức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu,
trong đó có ước tính quá lạc quan về sản lượng kinh tế Trung Quốc hay Liên Âu.
Giờ này, chả còn ai nhớ quái truyện năm ngoái là dự báo của IMF rằng kinh tế Tầu
vừa qua đầu kinh tế Mỹ nếu tính theo phương pháp tỷ giá mãi lực của đồng bạc, gọi
là PPP!
Nhưng
nếu để ý đến kinh tế học kiểu Phật giáo – chữ nói bừa của người viết – ta có thể
lật ngược vấn đề mà nhìn qua "tiêu sản". Hãy tìm hiểu về cơ cấu của các
khoản nợ đã tích lũy từ lâu, chính là núi nợ ấy mới cản trở mọi nỗ lực cải cách
hay kích thích kinh tế!
Đầu
đuôi câu chuyện là như thế này: trong nhiều thập niên liên tục, kinh tế Nhật Bản,
Âu Châu và nhất là Trung Quốc vì thuộc phái tân tòng - đến sau nên tưởng bở - đã
dồn sức đầu tư vào xây dựng hạ tầng, kỹ
nghệ chế biến và xuất cảng để đạt mức tăng trưởng cao. Khi thấy tăng trưởng như
rồng cọp và mọi người có vẻ khấm khá thì lại đi vay thêm để đầu tư nhiều hơn nữa,
với niềm xác tín là nhờ biết vận dụng tích sản, họ thừa sức trả nợ bên tiêu sản.
Việc
đi vay cũng như ta dùng đòn bẩy để vận dụng một vật gì đó nặng quá cái sức thật
của mình. Mấy anh xã hội chủ nghĩa thì gọi đó là lấy ngắn nuôi dài - và chuyện
gì cũng là miễn phí!.
Nhưng
chính là sự lạc quan về quy trình sản xuất ấy khiến mọi người cho là tài sản của
mình lên giá. Khi đi vay thì tài sản mang ra thế chấp có trị giá cao hơn nên được
vay nhiều và dễ hơn. Tinh thần hồ hởi sảng đó làm người ta ước lượng sai yếu tố
rủi ro trong các dự án. Cứ vậy mà vay cả tiền mua đòn bẩy và chất lên một núi nợ.
Ở dưới là khối tài sản thế chấp người ta tưởng là có giá trị cao hơn.
Vả
lại, sáng tạo theo kiểu Trung Quốc thì người ta sản xuất dư thừa, bút ghi trong
kế toán quôc gia là "sản lượng", rồi cho nằm chất đống vì ế ẩm khi
cung vượt cầu. Hàng dư mà bán không được, nằm ế trong kho, kế toán gọi là
"tồn kho" – thì vẫn cứ kể là sản lượng. Đấy là hiện tượng nhà ma phố ảo
bên Tầu. Nhưng cái ảo đó vẫn được thế giới ngợi ca là đà tăng trưởng!
Cả
kiến trúc nguy nga đồ xộ ấy nằm trong ảo giác phát triển mà nhà Phật gọi là
"vô minh". Người phàm như
chúng ta có thể dịch là ignorance. Nôm
ra là dốt!
Khốn
nỗi, trị giá price, và giá trị value là hai chuyện khác nhau! Bậc kế toán
trưởng nào đó trên trời hay trong thị trường thẩy đều phân biệt được hai chuyện
ấy. Lãnh đạo Bắc Kinh thì không. Cho tới ngày giá trị của tài sản chỉ là kho hàng
ế hay đống sắt rỉ thì trị giá của tài sản rớt như cục gạch, còn các khoản nợ lại
tăng bên tiêu sản.
Người
ta gọi đó là thời kiểm toán, reckoning,
là khi kinh tế lao xuống vực: cả núi nợ chất ngất đè lên một khối tài sản mất
giá. Đấy là lúc ta nhớ đến lời thánh Tầu: "Bất bình tắc minh". Nghiêng quá thì la thất thanh. Rồi đổ.
Điều
ấy mới giải thích những lúng túng khá ồn ào của giới quản trị kinh tế.
Nếu
không tiếp tục kích thích kinh tế để tạo thêm việc làm và tài sản, mọi người đều
xuống vực. Nhưng biện pháp kích thích bên tích sản không giải quyết được bài toán
trả nợ bên tiêu sản. Ngược lại, nếu nhịn ăn nhịn mặc để trả nợ thì tài hóa chẳng
lưu thông và kinh tế bị giảm phát. Là chuyện đã xảy ra cho Nhật Bản và đang xảy
ra cho Trung Quốc cùng nhiều nước Âu Châu.
Kết
luận ở đây là một chân lý của kinh tế hay vạn vật: đồng tiền nó có hai mặt. Chỉ
nhìn vào mặt bên này thì mình cứ khởi nghiệp và đến ngày phải giải nghiệp. Chẳng
theo Phật giáo thì ta cũng có thể gọi đó là ngày trả nợ!