Thứ Năm, tháng 1 22, 2015

Kinh Té Học



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 150121
"Vùng Oanh Kích Tự Do"


Lý và số của kinh tế chính trị học  

* Hình minh diễn của Sống, trên songnews.net *


Người viết được Sống yêu cầu mở ra một mục mới dưới tiêu đề ác liệt là "Vùng Oanh Kích Tự Do", lại còn được trang trọng giới thiệu là chuyên gia kinh tế, có lẽ để khỏi bị lầm bị lấm với người khác! 

Cũng vì vậy, khi nã đạn giấy từ vùng oanh kích ra ngoài, người viết không muốn pháo vào vườn nhà, là nói chuyện về kinh tế. Nhưng đang vui Xuân và say men Tết, có khi mình lại bắn sảng. 

Để tránh chuyện bom đạn vô tình ấy, hôm nay xin xoay ngược cán bút mà nói về kinh tế. Không hữu ý thì cũng là có tình!

***

Viết về kinh tế, khó nhất là phải nêu vài con số. Vì sao?

Để ra cái điều là ta không viết sằng mà có nghiên cứu đàng hoàng. Ta nói chuyện trên cơ sở khoa học. Đứng giữa hai chân của ông thần hay bà thánh khoa học là yên tâm, vì mình chứng tỏ sự hiểu biết về một lãnh vực vốn hay làm thiên hạ kinh hãi. Nôm na là ta đã có bùa!

Khốn nỗi, giới học giả và học thật về kinh tế đều tránh nói đến một sự thật là "mọi con số đều chỉ là tương đối" - thường thì chỉ là những ước lượng.

Một thí dụ sát sườn là khi ta trả tiền vay vội qua thẻ tín dụng. Ngân hàng Trung ương thì báo rằng lãi suất căn bản là ngần này, giả dụ như 2%. Nhưng tới nhà tiêu thụ là nhà ta thì lãi suất ấy có thể là gấp chín lần. Họ đắp lãi hay thật! Và lãi đơn dồn lãi kép, không trả nổi thì có ngày vỡ nợ. Hoặc vỗ nợ nếu ta là doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa anh minh, kiểu Vinashin.

Một thí dụ gần gũi mà xa xăm: cả nước Mỹ nói đến vụ giá dầu hạ làm giảm giá xăng. Vậy mà giới tiểu thương kinh doanh về thực phẩm, như một tiệm phở thân yêu của mình, đều cho biết là từ năm ngoái, giá nông sản và thực phẩm cứ tăng đều! Thế là thế nào khi giới kinh tế nói ta không bị lạm phát, có khi bị giảm phát? Con số về lạm phát, hay chỉ số giá tiêu dùng CPI có đáng tin hay không?

Một thí dụ khác, xa xăm mà gần gũi, là cứ Thứ Sáu đầu tháng Bộ Lao động Hoa Kỳ lại cho biết tình hình nhân dụng hay thất nghiệp của tháng trước. Đại đa số truyền thông đều phang lên trang nhất tỷ lệ thất nghiệp, dù đấy chỉ là con số tào lao: mức thất nghiệp thật không là chỉ số U3 mà là U6. Ai hơi đâu là lách qua U Ba để tìm U Sáu?

Đã thế, ngần ấy con số đều chỉ là ước lượng sơ khởi và còn được điều chỉnh – nhiều lần.

Nhưng khi có hàng loạt số liệu kinh tế được phóng ra như vậy, trên thị trường có một loại khách hàng đã vội chụp lấy - và đi buôn. Đó là các chính trị gia. Trước sự thờ ơ hay ngu ngơ của thiên hạ, các chính khách lập tức suy diễn những con số trừu tượng thành một lý luận ra dáng vững chãi về chủ trương của họ.

Vì vậy, giới kinh tế chính trị học mới có một ngạn ngữ: "Con số không biết dối trá, nhưng bọn dối trá lại biết xài con số." Nói theo một ông Thánh Tầu, "tận tín thư bất như vô thư", cứ tin vào sách hay vào số thì thà đừng có sách, có số! Đấy là trường hợp của "kinh té học" - không lộn dấu.

Cho nên viết về kinh tế khó nhất không là phải nêu con số. Khó nhất là khỏi dùng đến con số hay hù doạ thiên hạ bằng những đồ biểu với đường tuyến xanh đỏ. Viết thế này thì các thầy bói lại giật mình đầu năm: khó nhất là nói về lý mà khỏi cần số!

Khách có kẻ chầu rìa bên bàn gõ – khó chịu thật – bỗng nhảy nhổm: Các hạ vừa gõ rằng viết về kinh tế, khó nhất là phải nêu ra con số. Bây giờ lại nói ngược, rằng khó nhất là không xài con số mà tìm ra cái lý. Thế là thế nào?

- Dễ hiểu lắm, vì kinh tế cũng là chính trị!

Xin giải thích bằng chuyện thật ngoài đời, do ông thầy kể lại khi mình còn đi học đếm.

***
Sau khi tốt nghiệp trường Bách khoa Polytechnique, sinh viên Valéry được trúng tuyển vào một trường thuộc loại đại gia khác vì rất khó vào. Đó là ENA, dịch nôm na là Quốc gia Hành chánh. Trong kỳ vấn đáp, ông được vị giáo sư ngồi ghế giám khảo yêu cầu về cuối phòng sửa soạn để nói về nhà kinh tế người Anh nổi danh thế giới. John Maynard Keynes.

Chốc sau, đến lượt mình, cậu Valéry lên thao thao trình bày về nhà kinh tế này và nêu một số kết luận có tính chất phê phán học thuyết của ông. Rất hùng hồn! Thuộc hạng giáo sư thế giá, vị giám khảo cứ lặng thinh, vẻ nghiêm và buồn như một quan tòa mặt sắt. Cái đầu lắc lắc về kết luận của thí sinh.

Cậu sinh viên Valéry bèn hiểu. Ông thầy này thuộc trường phái kinh tế khác! Vì vậy cậu xin một đặc ân. Là cho về cuối phòng vài phút rồi lên trình bày lại. Vị giám khảo tò mò, mà sau cùng lại đồng ý.

Khi trở lại, Valéry cũng uyên bác nói về Keynes nhưng đi ngay tới kết luận là từng bước ngợi ca từng lý luận của Keynes. Nghĩa là nói ngược với tất cả những gì vừa phát biểu trước đó.

Kết quả, ông thầy chấm điểm thật cao, với câu nói giật mình: "tôi vốn đồng ý với phần trình bày đầu tiên của anh. Nhưng muốn biết là anh có thể nhìn ra hai mặt của một vấn đề chăng!"

Kết quả, Valéry Giscard d'Estaing về sau làm Tổng trưởng Tài chánh rồi Tổng thống Pháp từ 1974 đến 1981! Tức là ông là chính khách có tài, thừa khả năng đùa cợt với lý luận hay con số!


*** 


Trở lại chuyện kinh tế mà khỏi cần các thống kê thống khổ và mấy đồ biểu linh tinh.

Chuyện kinh tế mà vào đến toà báo hay ban tham mưu của chính khách thì đã thành trừu tượng. Đấy là cái màn the, hay màn khói, phủ lên đời sống thật và trùm lên hàng triệu quyết định của những người có khi chẳng biết gì về kinh tế học. Nhưng dù không biết, họ vẫn làm kinh tế trong thực tế qua những tính toán có khi chi li vụn vặt của đời thường.

Một bà mẹ đi chợ tính làm món thịt cho chồng con, nhưng khi thấy cá đang hạ giá thì bà tính lại, sao cho vẫn có bữa ngon mà dư tiền thì mua thêm tấm bánh. Hàng thịt, hàng cá và hàng bánh đều bị ảnh hưởng từ những quyết định nhỏ nhặt và thực tế ấy.

Từ cả vạn năm nay, con người đều có loại tính toán kinh tế như vậy, trước khi chữ "kinh tế" được phát minh, về sau còn bị dán nhãn, như kinh tế tư bản hay kinh tế cộng sản, kinh tế tự do hay kinh tế kế hoạch, v.v.... Rồi khi người ta muốn chứng tỏ tính chất khả tín của luận thuyết chính trị thì mới làm tình làm tội các con số!

Sự tính toán ấy của đời thường xuất phát từ một thực tế: con người có khả năng hữu hạn nhưng lại ham quá sức mình. Cho nên khi nào cũng thấy thiếu. Và trong từng việc hàng ngày đều phải chọn lựa cách nào có thể thoả mãn nhu cầu mà ít tốn kém nhất. Khan hiếm và chọn lựa là cốt tủy của kinh tế, chuyện này, nào phải có con số mới sáng?

Thế rồi loài người cũng có những thành phần muốn chi phối sự chọn lựa đó. 


*** 

Nếu có quyền thì chỉ một nghị quyết là xong. Gọn bâng như gói cái bành chưng bằng gạo tráng nhựa. 

Nếu tinh ma ác ôn thì ngay trên tờ lịch, những ngày lễ lớn của đảng đều in đỏ chói. Hôm đó cả nước mở hội. Con trẻ được nghỉ học quàng khăn đỏ đi đánh trống ếch, người lớn thì có thêm tí thịt hoặc chút mì chính bột ngọt để đầy con tem. Chế độ chi phối và điều kiện hóa người dân như Pavlov dạy chó. Chuyện ấy mới giải thích sự sụp đổ của các chế độ cộng sản!

Chẳng cần con số gì ráo ta cũng hiểu ra cái hoạn nạn của Việt Nam ngày nay. Bị điều kiện hóa quá lâu rồi.

Trong các chế độ có ít nhiều dân chủ, cái thành phần muốn chi phối kiểu đó thật ra vẫn còn. Họ có đạo luật này hay văn kiện kia để, thí dụ, dùng thuế khóa làm đòn bẩy. Họ tác động vào quyết định kinh tế của cả nước bằng nhiều mỹ từ, như phải cứu giúp thành phần trung lưu hay bần cùng bằng cách đánh thuế nhà giàu.

Ở bên dưới làn khói hồng của mỹ từ, với những thống kê có chọn lọc theo gian ý, giới sản xuất hay người tiêu thụ đều phải tính lại, một cách tự động, về sự chọn lựa. Những tính toán ấy thường dẫn đến kết quả kinh tế trái ngược với dự kiến ban đầu của kẻ làm luật hay người ban bố chánh sách. Kinh tế học gọi đó là "hậu quả bất lường" – unintended consequences. Người viết này thì nói đến "liều thuốc đổ bệnh".

Một thí dụ xa xôi để khỏi gây động chạm: từ phong trào đấu tranh cho dân quyền của người thiểu số da đen tại Mỹ vào thập niên 60 của thế kỷ trước, nối tiếp là chương trình "Xã hội Đại đồng" – The Great Society - của Tổng thống Lyndon B. Johnson, số phận người da đen lại suy sụp hơn! Đấy là liều thuốc đổ bệnh từ cái từ tâm của Johnson và mỹ từ của chính khách.

Thế là làm sao? 

***


Nghĩa là từ ngàn xưa tới nghìn sau, kinh tế là một chuỗi nhân quả, cái nhân là thế này thì sẽ có cái quả là thế kia. Hiểu ra chuỗi nhân quả thì sẽ bớt tính sai, hay bớt làm bậy! Ếch cần con số, cái lý vẫn sẽ sáng tỏ.

Hóa ra là từ khi Quản Trọng còn đi kiếm việc, Ninh Thích chăn trâu và Khổng Khâu mặc quần thủng đít, từ khi Homer chưa làm thơ hay từ thời Lenin làm cách mạng, hoặc đảng ta thi hành chánh sách giá lương tiền làm vật giá bay vọt tựa pháo thăng thiên... cho tới ngày nay, quy luật kinh tế đơn giản ấy vẫn không thay đổi.

Khách ngồi bên tần ngần nghĩ ngợi như một triết gia thứ thiệt. Rồi ỷ là đầu năm bèn chơi khó tay xạ thủ này: Bác cứ hay diễu cợt rót pháo vào văn hóa Trung Hoa, chứ bác có thấy một ý gì của họ là phù hợp với cái quy luật ngàn đời ấy chăng?

Có chứ! Ta nào kỳ thị người Hoa.

Từ xửa từ xưa, trong tập Thái Công Binh Pháp tương truyền là của nhân vật Lã Thái Công tức là  Khương Tử Nha – hay Lã Vọng cho những ai mê món chả cá – đã thấy nói đến phép trị nước là: "Chớ cướp đoạt thời giờ cầy cấy trồng dâu nuôi tầm của dân; thâu thuế ít thì dân không thiếu tiền của; ít việc lao dịch cho nhà nước thì dân khỏi nhọc nhằn, ắt nước giàu mà nhà nhà vui vẻ!..."

Phải chi Obama biết tiếng Tầu. Hay là học phép Reagan!


11 nhận xét:

  1. Bác Nghĩa !
    Bác cho cháu hỏi là thời của Cố Tổng thống Regan đã thực hiện chương trình cải cách kinh tế tầm cỡ là giảm thuế để thúc đầy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát nguồn cung tiền để giảm lạm phát, hạn chế kiểm soát kinh tế, và đặc biệt là giảm chi tiêu của Chính phủ......Bác cho cháu hỏi là những biện pháp như vậy tại sao nó lại làm tăng thâm hụt ngân sách và tăng nợ công của nước Mỹ vào thời kỳ đó ạ ? ( cháu nghĩ biện pháp giảm chi tiêu của Chính phủ thì giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công chứ ạ )

    Bác cho cháu hỏi câu hỏi nữa ạ . Trong thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Obama có nhắc tới chuyện tăng thuế thu nhập với tầng lớp thượng lưu. Bác có thể giải thích thêm cho cháu tại sao việc tăng thuế này thì Đảng Cộng hòa lại phản đối không ạ ? Vì như bác từng nói Đảng Dân chủ mới là Đảng nhận được nhiều tiền nhất từ những nhà đại tư sản như hai người giàu nhất và nhì nước Mỹ hiện nay. Đúng ra thì nếu tăng thuế này thì Đảng Dân chủ mới là đảng đứng lên phản đối chứ ạ ?

    Cháu chúc bác nhiều sức khỏe !

    Trả lờiXóa
  2. Làm sao tuần báo Sống lại có thể lo bâng quơ thế nhỉ. Bạn đọc gần xa hẳn phải biết
    Nguyễn-Xuân không một mà ba
    Nội-Ngoại xa cách, một là Trung Dung
    Không Phe Phiếu mới Anh Hùng
    Không Phò không Phản ung dung người Hiền

    Trả lờiXóa
  3. Đọc cụ nghĩa thấy sáng dạ ra hẳn, xin đa tạ cụ ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Nặc danh26/1/15 2:26 CH

    Thật là buồn, trong tận cùng thâm tâm vẫn hằng mơ về một "Great Society" vì ngày còn thơ thường nghe Thái Thanh hát tha thiết não nùng "Vì yêu thế giới đại đồng..." - bà này hát nhiều khi uốn éo cường điệu quá nghe cũng mệt, không trong trẻo thanh thoát như cô Quỳnh Giao - và các người lớn uống rượu vỗ vai "tứ hải giai huynh đệ". Ước chi đừng có lớn lên, khôn ra thì thú vị biết mấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh". Phạm Duy dixit!

      Sống là lo và buồn. Nhưng còn hơn là để nhà nước lo cho mình. Mọi chính trị gia đều muốn ta trở về ấu thơ như vậy, để họ múa!

      "Con hãy tự đốt đuốc soi đường mà đi." Thích Ca dixit....

      Xóa
  5. Nhà nước mà cứ giành lấy quyền lo cho mọi người thì cũng tốt, vì nhân dân mà nỗi cơn giận dỗi lên lại nhắm vào các ngày thứ Năm - Thurdsday - không đi làm, không đi học, không đi chợ, không nói năng gì hết, nằm riết ở nhà dưỡng sức. Để mọi việc Nhà nước lo, cho mình khoẻ thân. :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý kiến rất sáng, nhưng dân quá tối - nên mới có nhà nước này - và vì vậy nhiều kè còn rình rình đi làm Thứ Năm để được điểm tốt, có khi còn mơ lãnh lương OT! Lại nhớ lời than của Phan Bội Châu từ trăm năm trước: "cũng bởi dân ngu quá lợn".

      Nên mới bị đè đầu.

      Hãy nhìn vào sự thản nhiên của họ khi những người trẻ bị cầm tù vì tranh đấu cho họ!

      Xóa
  6. Nặc danh27/1/15 9:36 CH

    Hình như đó là một câu thơ cuả Tản Đà, Thầy Nghiã ạ.
    "Chỉ bởi thằng dân ngu quá lợn
    Cho nên quân nó dễ làm quan"
    Khổ nỗi, với khẩu khí như vậy cụ hẳn không được dân ưa, bảo nhau "Hừm, cụ Tản hỗn lắm, cụ cũng là dân chứ bộ, sao nỡ làm chúng mình tủi thân chứ?"
    Cho nên kỹ thuật đắc nhân tâm cuả thời hiện đại đã khác đi, Thầy Nghiã có tấm lòng trượng phu lại có tài cao, cũng nên cần "cập nhật" khẩu khí. Theo cụ Tản nhũng nhiễu, kiêu bạc ấy không tốt đâu.
    Em vưà mới đọc bài cuả tác giả Vũ Linh bên Việt Báo. Đấy đấy khẩu khí cuả bạn Thầy như thế là hay. Lành thay. :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn độc giả này nhắc hai chuyện. Câu thơ đó là củaTản Đà. Chuyện kia là đừng làm dân tủi thân mà thất nhân tâm. Khổ nỗi, nếu biết tủi thân thì đã khá!

      Xóa
  7. Nặc danh30/1/15 6:24 CH

    Thầy cũng là một người làm công việc cuả nhắc nhở mà, nhắc nhở Tổng Thống, nhắc nhở các Nghị Sĩ, Đại Biểu, Cử Tri, etc. Trong cuốn Selling The Invisible, tác giả kể lại câu chuyện Tổng Thống Bill Clinton vào giờ phút cuối cuả cuộc vận động tranh cử có vẻ vì lý do gì đó đã mất tập trung trong thuyết trình cuả mình. Ông Campaign Manager ở trong cánh gà cứ phải gào lên nắc nhở "Economy, Stupid!" Làm sao người ta có thể thù ghét, hay cho người len lén thanh toán những kẻ gào to, chửi toẹt, chỉ vì muốn cho mình trở thành Tổng Thống, hay sau đó là một Tổng Thống giỏi cơ chứ.
    Dẫu sao, chúng ta nên biết ơn nền dân chủ với tự do ngôn luận, học thuật và sinh hoạt chính trị chuyên nghiệp. Ở mấy nước chính trị lạc hậu, sau khi lên ngai rồi, lãnh tụ hoặc các cha già dân tộc sẽ trả thù cái tội "Mi dám chửi ông".

    Trả lờiXóa