Thứ Năm, tháng 1 15, 2015

Quản Kiến Xuân Thu



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống 150114
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Từ đáy giếng xoay ống lên trời để nhìn ra thế giới năm dê



* Nhìn ngược ống thấy đời xa xăm *


Người xưa ý thức được giới hạn về tầm nhìn của mình nên mới có chữ "ếch ngồi đáy giếng" để răn nhau. Nhưng có chi tiết ít ai chú ý: đấy là cái giếng khô! Chứ nếu giếng nước thì con ếch đã bơi và.. nhảy ra ngoài - dại gì ngồi dưới đáy nước, không chết đuối thì cũng bị đời quở quang.

Nói chuyện ếch thì trước khi oanh kích vào đề tài làm độc giả té ngửa - mục tiêu của cái cột mục oái oăm này - người viết xin cung cấp hai chuyện cho vui cảnh chờ Xuân.

***

Chuyện thứ nhất thì nay ai ai cũng đã biết, chỉ có trong nước là chậm hiểu mà chóng quên.

Thả con ếch vào nồi nước nóng là nó vọt ra ngoài. Khi ấy đã chẳng có chuyện người có tâm như bà Cát Hanh Long hay có trí như Trần Đức Thảo bị chết thảm hay sống nhục trong cõi đó. Vì vậy, nghệ thuật lột da ếch là cho lửa lên chầm chậm. Con ếch ngu dại thấy đời ấm áp sẽ chết dần - nhảy ra không kịp.

Chuyện thứ hai là tâm sự của hai con ếch.

Nghiệp chướng làm sao, có hai con ếch bị rớt vào thùng sữa. Chắc là ếch ở Tây phương!

Một con nhìn lên cái vách thùng thăm thẳm, thở dài nói chuyện số kiếp. Nó khoanh tay chìm xuống đáy và chịu chết. Con kia, không di tản thì cũng là thuyền nhân tỵ nạn hay HO đã kinh qua kinh nghiệm luộc ếch ở trên. Nó không chịu chết như người Hà Nội.

Con ếch cứ nhảy lên hoài trước sự ngao ngán của con ếch chịu trận dưới đáy như triết gia bạc nhược. Nó nhảy bòm bọp nhưng chẳng thể vọt ra ngoài mà chỉ làm sữa nổi sóng. Hẳn là có tinh thần nhẫn nhục, nó vẫn nhảy, nhảy hoài, trong khi con kia đã đầy một bụng sữa và âm thầm khoác áo ra đi.

Thế rồi có phép lạ.

Thượng đế trên kia có lý gì đến nhân sinh khốn khổ ở dưới này nên Ngài có thèm để ý đến loài ếch? Phép lạ là của khoa học: thùng sữa bị quậy tối ngày đã quánh thành kem. Rồi đặc thành bơ. Và con ếch anh hùng kia đã vọt khỏi thùng bơ trong nông trại mà nhảy ra cõi tự do.

Cách ngôn đầu Xuân: Sống Là Phải Có Ý Chí. Xin đừng nản chí mà cứ phải quậy. Đấy là cách làm môi trường chung quanh dần dần thay đổi.

Ngụ ngôn rồi, xin trở lại cái giếng sâu...

***

Người xưa ý thức được không gian vô tận và cái tầm hữu hạn của con người nên mới thực tiễn dạy phép nhún nhường: ta lấy ống trúc mà nhòm lên trời thì thấy trời chỉ là một cục tròn vo. Ta có lấy bầu nước mà đo bể rộng thì đo đến ngàn ngàn kiếp sau vẫn chưa đi hết biển.

Nói cho văn hoa, bậc đại trí của dân tộc là Ngô Thời Nhiệm đã viết bộ luận sử với cái tựa khiêm cung là "Quản kiến Xuân Thu", nhìn lịch sử qua ống bút! Đời sau, là chúng ta đây ở hải ngoại, có thể xoay ngược ống bút và vuốt thời gian cho phẳng mà nhìn về tương lai. Nhìn quá khứ càng sâu thì may ra sẽ thấy tương lai càng xa. Nếu không, ta chỉ là con ếch tự sát trong thùng bơ sữa.

Vì thế, bài này sẽ không nói về 1975 của mình và những thành tích của 40 năm qua mà viết về những gì sắp thấy sau khi nhắc lại năm tháng đã qua....

Gần đây nhất, năm tháng đã qua là từ vụ khủng hoảng tài chánh rồi suy trầm kinh tế năm 2008. Không khủng hoảng thì một tay xí xoọng dớ dẩn như Barack Hussein Obama đã chẳng lên làm Tổng thống Mỹ từ năm đó. Những gì sắp thấy trong dăm năm tới chỉ là chuyển động nối tiếp của mấy năm qua.

Trước nhất, Nhật Bản đã bị 25 năm suy sụp nên năm nay còn quậy trong thùng sữa đậu nành với những biện pháp tiền tệ sẽ làm Á châu nổi sóng. Người Nhật vốn có trí nhớ và ý thức cao về địa dư nên nhớ rằng hơn trăm năm trước, cũng vào một năm Ất Mùi, mà là 1895, họ đẩy nhà Đại Thanh vào cảnh tan tành manh giáp. Bây giờ, không chỉ quậy về kinh tế, về an ninh Nhật cũng sẽ tự chuẩn bị cho một trận thư hùng sống mái sau này.

Thứ hai, Âu Châu già lão chưa ra khỏi vụ khủng hoảng từ 2010 nên qua năm tới sẽ tự hỏi trong khối Euro 19 nước thì có còn Hy Lạp chăng? Hy Lạp mà rũ áo ra đi và xài đồng Drachma thì đồng Euro sẽ thành đồng sứt. Kinh hãi hơn vậy, Ất Mùi năm xưa là khi Thực dân Pháp thanh toán xong phong trào Cần Vương với cái chết của Phan Đình Phùng vào năm 1895. Qua năm nay, Âu Châu sẽ đối đầu với mối nguy khủng bố Hồi giáo. Vụ tàn sát tại Paris mới chỉ là bốn tiếng nện trên sân khấu trước khi mở màn cho một bi kịch kéo dài.

Thứ ba là Tầu Cộng của ta!

Cũng từ năm 2008, các đấng Thiên tử đỏ ráo riết bơm tiền để ra khỏi suy trầm. Kết quả năm tới vẫn là nạn suy trầm, với hai nguy cơ như núi Thái Sơn: giảm phát và vỡ nợ. Vì bơm tiền nên chất nợ như núi. Vì cơ chế kinh tế phi cầm phi thú, chẳng còn kế hoạch mà chưa ra thị trường nên càng dễ bị giảm phát. Tí ti định nghĩa: hàng họ sản xuất ra mà vẫn bán không được dù đã hạ giá và càng hạ giá thì dân càng đợi - để sẽ mua với giá rẻ hơn. Thế là tài hóa hết lưu thông mà mấy ông quốc doanh sẽ vỡ nợ!

Chính là vì vậy mà Thiên triều đỏ càng chỉ ra Đông Hải, cho dân đói được ăn bánh vẽ: Chúng ta sẽ chinh phục thế giới với Giấc Mơ Trung Quốc, và trả thù cho tiên tổ. Nghĩa là thi đua võ trang. Và giúp cho nước Nhật cùng các quốc gia khác có lý do chuẩn bị nghênh chiến. Hoa Kỳ cũng sẽ như vậy sau khi tống táng nốt hai năm cuối của kỷ nguyên Obama.

Cho nên, trong năm năm tới, cái nơi ly kỳ nhất để theo dõi thời sự ngả nghiêng sẽ là Đông Á. Không phải Trung Đông mà là Đông Á.


***


Khách có kẻ đang lom khom ủ đậu để gói bánh chưng cho nội tướng mà chưa dứt được tò mò nên bày đặt nói khích: "Các hạ nhìn ra bốn phương mà không xoáy ống nhòm vào nước Mỹ thì chưa phải là tinh!"

Khỉ thật, ai tinh gì với bạn? Tinh với thù thì mới là quái!

Khi mà cả ba anh Âu-Tầu-Nhật, đứng hạng nhất nhì ba về kinh tế sau Hoa Kỳ, đều bơm tiền như nước để chữa cháy ở nhà thì năm nay và vài ba năm tới đồng bạc xanh của Mỹ càng bay lên trời. Tiền Mỹ càng đắt thì những anh vay đồng green backs để làm ăn sẽ càng xanh xao nhợt nhạt. Trong đó có đảng nó mà nhiều anh Việt kiều mắc bệnh tham sân si vẫn cứ gọi là đảng ta!

Xin khỏi luận về phụ thân của mấy anh đó - nôm na là kệ cha nó – mà nhìn ra thiên hạ đại thế.

Mỹ kim càng lên thì giá dầu thô càng sụt. Đấy là lúc ta thấy chuyện Nga Thấy Bù. Tư bản Nga càng tẩu tán ra ngoài và Putin rơi vào cảnh Quan Công ngồi ghế đẩu... ba chân. Nói theo chuyên gia kinh tế thì từ năm nay thế giới sẽ bị chấn động hối đoái – như đã từng bị vào một năm Đinh Sửu. Vuốt lại ống thời gian thì đấy là năm 1997: Đông Á khủng hoảng, một năm sau là Nga ta vỡ nợ. Lần này, khủng hoảng sẽ như bom nổ chụp. Mãn thiên hoa vũ!

Xin quý khách cày dây lưng an toàn và giữ vàng cho chặt.

Khi tiền Mỹ lên giá thì nhiều sản phẩm khác càng xuống giá, kể cả dầu thô và nhiều loại thương phẩm khác, từ quặng sắt tới ngô bắp hay bauxite. Đảng nó với các dự án bốc xít sẽ lại bốc kít. Mà nếu lại nghe lời đường mật của kẻ thù mà xài đồng Nhân dân rất tệ làm ngoại tệ giao dịch thì trao đổi mậu biên sẽ là mậu lúi. Dân ta lại bị con trời móc túi sau khi chúng đã cho lãnh đạo vào túi từ một năm 1990 tại Thành Đô. Mười lăm năm đó mà chẳng đáng kỷ niệm sao!

Nói chuyện bốn phương rồi thì xin kết vào chúng ta....


***


Kể từ năm 1975 đến nay, hai thế hệ đã qua trên đất Mỹ.

Để tự nhiên thì những người tỵ nạn và con cháu đều đã thành công. Và phải thành công, nhất là con cháu của thế hệ HO. Đấy là thế hệ của những người đã trực tiếp nếm mùi cộng sản và ra đi để tìm một tương lai khác cho con cái, dù qua tới đây có phải nói tiếng Anh bằng tay và đi làm những nghề xưa kia gọi là bất xứng. Như thế hệ thuyền nhân, họ bất chấp ba đào sóng gió và vượt qua những trở ngại của mọi thành phần di dân khác mà đem lại ánh mặt trời cho gia đình.

Họ tự đem lại ánh mặt trời và thực hiện lấy Giấc Mơ Hoa Kỳ, chứ không sống bám vào wellfare và trông chờ nhà nước....

Bên cạnh sự thành công chói lọi ấy, còn có một sự thành công khác mà ít ai nhìn ra.

Bốn mươi năm sau cuộc chiến Việt Nam - khởi đi từ 1945 chứ không phải năm 1965 và kết thúc vào năm 1975 trong ô nhục - người Mỹ đã nhìn lại và thấy ra sự thật. Họ lặng lẽ viết lại lịch sử cho sách giáo khoa để con em Hoa Kỳ hiểu ra mục tiêu của cuộc chiến và cũng thấy ra cái bản chất tồi tệ của miền Bắc lẫn những thành tựu muôn mặt của miền Nam đã bị bức tử.

Năm 2015 này sẽ thấy ra điều ấy.

Xin nhường độc giả quyền tò mò theo dõi để kiểm chứng từ năm nay mà trở lại chuyện con ếch trong thùng bơ.

Xã hội đầy bơ sữa này khiến nhiều người như thấy... đầu thai vào kiếp khác. Từ phận thuyền nhân hay tỵ nạn rách rưới của một xứ lạc hậu bị chiến tranh tàn phá, bỗng dưng người ta thành công dân của đệ nhất siêu cường cổ kim thì làm gì chẳng có người điên? Hoặc cứ khật khùng bày ra chuyện lố...

Nhưng điên nhất vẫn là những người không quên được quê hương đất nước. Như những con ếch cứ quậy trong thùng sữa, họ vẫn kiên trì nhắc nhở mọi người – và nhất là người Mỹ - về chuyện ngày xưa. Dù con cháu đã thành đạt, những người này vẫn nhoài mình về quá khứ và giải thích cho mọi người về những gì đã thật sự xảy ra tại Việt Nam.

Họ chẳng mơ ước gì chuyện đỉnh chung, nếu không thì đã là Việt kiều trong đất nước lầm than ấy. Họ chỉ muốn thế giới thấy ra sự thật.

Và dư luận Mỹ đã dần dần thấy ra điều ấy. Nên sẽ có nhận thức chính xác về quá khứ và đúng đắn hơn cho tương lai. Chúc mừng năm mới và kỷ nguyên Giác Ngộ Năm Mùi. Nói theo các cụ ưa bói Dịch đầu năm thì điều ấy ứng vào quẻ Vị, nằm sau cùng của 64 quẻ. Hỏa Thủy Vị Tế.

Chưa xong đâu mà sẽ sang trang mới!

2 nhận xét:

  1. Nặc danh16/1/15 3:16 CH

    "Con Cóc là cậu ông Trời..." với thần thoại mà dân gian hiện đại có thể mượn từ nhạc cuả TCS "Em đứng lên gọi mưa vào hạ". Gọi cái này không được, gọi cái kia cũng không được, "rồi buồn ngất ngây". Bởi vì ông Trời công chính, không phải Tư bản Thân tộc, hễ cứ người nhà gọi là nghe, là cho.

    Con Ếch, có thể không là cậu ông Trời, nhưng lại là cơ-sờn cuả con Cóc và là anh cùng cha khác mẹ với con Nhái mà Basho/Vĩnh Sính đã trầm u trong một Haiku

    "Ao xưa bóng rũ trưa hè
    Nhái khua
    nước động
    bốn bề tịch liêu..."

    Theo ngụ ngôn, mấy anh em nhà Cóc Ếch Nhái quậy dữ dội trong cái "Vũng lầy cuả chúng ta" với sức bật kinh hồn :-)

    Nhưng ở nơi cái giếng mà người Việt Nam nào cũng biết ấy, có một đồng chí Ếch đang được tín nhiệm cao. Miệng giếng thì cố định mà Ếch thì không có lenses viễn vọng, nên tự nhiên khoảng trời kia chỉ còn là một cõi đi về cuả mây gió, trăng sao và vô số thiên hạ nhòm vào. Đồng chí Ếch giật mình tỉnh giấc. Cái giếng kia, có phải là thành Cổ Loa không? Đồng chí Ếch nhìn quanh, không có Biển, không còn là Biển cuả mình nưã, cái giếng này có thể chôn mình, hủ hoá mình cho tới chết. Câu chuyện cổ tích ấy còn dài... Thầy Nghiã nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh19/1/15 2:19 SA

    Sau nhiều năm làm Ếch Chúa trong cái giếng Loa ấy, đ/c Ếch đã học ra được một bài học cuả quyền lực, không phải lúc nảo người được trao quyền lại có thể sử dụng được nó. Phần vì không đủ khả năng. Phần vì cái đám "thiết kế" đồng chí Ếch ấy ngoài mặt thì tiền hô hậu ủng nhưng lắm khi lại cố tình hủ hóa hoặc vấn tồi, lại chẳng nghe lời chủ mà mỗi đứa cứ muốn làm gì thì làm, vì luật pháp không có kỷ cương và không được tôn trọng, một mình Ếch Chủ làm sao đủ ba đầu sáu tay chưa kể có biết thì cũng chẳng làm gì được, vì "cơ cấu cuả xứ Ếch mình nó vậy"? Đồng chí Ếch đã thấm mầm tuyệt vọng, mỏi mong một cuộc đổi thay, một kỷ cương một bộ luật mới, bèn đi tìm Thầy Cóc dự báo thời tiết để học. Cóc tuy không có quyền lực gì ráo, nhưng rất oai, vì tinh thông địa lý, muà màng, thời tiết.

    Em đố Thầy Nghiã viết tiếp được chuyện này, đọan Ếch và Cóc ấy. Xin cảm ơn Thầy nhiều vì oanh kích thật là vui.

    Trả lờiXóa