Thứ Ba, tháng 1 20, 2015

Mỹ Giảm Cấm Vận Cuba

 

Lợi ích kinh tế chỉ là thứ yếu


Mỹ giảm cấm vận Cuba : lợi ích kinh tế chỉ là thứ yếu
* TT. Obama và Chủ tịch R. Castro nhân tang lễ cố tổng thống Nam Phi Mandela, ngày 10/12/2013. Ảnh REUTERS *

Washington là La Habana đang sang trang lịch sử. Sau hơn một nửa thế kỷ đoạn tuyệt, Mỹ và Cuba trên đà bình thường hóa quan hệ. Giảm nhẹ các biện pháp cấp vận với Cuba đang mở ra nhiều triển vọng làm ăn cho các doanh nhân Hoa Kỳ. Nhưng chấm dứt chính sách cô lập Cuba trước hết là một bài toán chiến lược của chính quyền Obama.

Ngày 17/12/2014, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong một bài diễn văn lịch sử thông báo sưởi ấm quan hệ với Cuba. Gần như cùng lúc, chủ tịch Raul Castro tuyên bố La Habana « nối lại quân hệ với Mỹ ».

Chính sách cấm vận của Mỹ nhắm vào Cuba đã có hiệu lực từ năm 1961. Mục tiêu chính nhằm phong tỏa kinh tế của hòn đảo để qua đó làm sụp đổ chế độ Fidel Castro lên nắm quyền từ năm 1959.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ sẽ không dễ được thực hiện trong một sớm một chiều. Nhưng trước mắt về mắt, trong địa hạt ngoại giao, đôi bên sẽ cho mở lại tòa Đại sứ. Washington và La Habana dự trù hàng loạt các cuộc thảo luận song phương về những hồ sơ nhậy cảm như nhập cư, các hoạt động buôn lậu ma túy, các đường dây buôn người...  Ngoại trưởng Kerry sẽ phải xét lại việc Mỹ đã xếp Cuba vào danh sách các nước ủng hộ khủng bố.

Trong đời sống thường ngày, chính quyền hai nước tạo điều kiện dễ dàng cho một số thành phần công dân Cuba và Mỹ đi lại. Về giao thương, chỉ Quốc hội Mỹ mới có thẩm quyền xóa bỏ cấm vận nhưng trao đổi song phương trong một số ngành nghề như vật liệu xây dựng, trang thiết bị công nghiệp, máy móc và dụng cụ nông nghiệp được mở rộng hơn. Các biện pháp nới lỏng cũng được áp dụng đối với ngành ngân hàng. Tư nhân được chuyển tiền cho gia đình nhiều hơn trước.

Báo chí kỳ vọng Mỹ và Cuba nhanh chóng xóa bỏ những rào cản trong quan hệ song phương, đặc biệt là kinh tế. Thế nhưng chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California cho rằng tiến trình bình thường hóa quan hệ không dễ để thực hiện trong một sớm một chiều. 


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau nhiều năm vận động của chính quyền Barack Obama, Hoa Kỳ và Cuba đang khởi sự tiến trình thương thảo để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trong đó có chuyện Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế. Thật ra đôi bên còn lắm trở ngại cho nên tôi không tin năm nay sẽ có thay đổi như truyền thông dự đoán. Tôi xin lần lượt giải thích vì sao, nhưng như mọi khi, ta phải hiểu ra bối cảnh của vấn đề từ xa đến gần.

- Trước hết, yếu tố bất di bất dịch ở đây là địa dư. Cuba là quần đảo tại Trung Mỹ chắn ngang đường hàng hải của thương thuyền Hoa Kỳ từ Vịnh Mễ Tây Cơ tiến ra Đại Tây dương qua Âu Châu hoặc xuống Nam Mỹ. Nhìn lại lịch sử, nước Mỹ không thể là siêu cường như ngày nay nếu Napoléon không cần tiền cho chiến tranh mà bán rẻ một khu vực hơn hai triệu cây số vuông và nhân gấp đôi diện tích của nước Mỹ thời ấy.

- Nhờ chuyện "Mua đất Louisiana" mà lưu vực các con sông lớn nhất đã có thể chuyển vận hàng hóa từ biên giới Canada qua nhiều tiểu bang tới Hải cảng New Orleans để bán ra ngoài. Nhưng New Orleans và các hải cảng khác trong Vịnh Mễ Tây Cơ đều có thể bị Cuba chế ngự hay kiểm soát.

Vì thế, Hoa Kỳ có chiến tranh với Đế quốc Tây Ban Nha để kéo Cuba về mình, mà lại để mất vì cuộc cách mạng cộng sản của Fidel Castro. Cũng vì chuyện Cuba, khi đó thuộc quỹ đạo Xô viết, mà Kennedy nháo nhào lao vào Việt Nam.

- Ngày nay, Liên Xô đã tan rã và Liên bang Nga cố tìm lại ảnh hưởng đã mất tại Đông Âu. Cuba chỉ còn nương vào Venezuela, một xứ sắp bị khủng hoảng. Cuba là thầy của Venezuela về ý thức hệ cộng sản và kỹ thuật an ninh để bảo vệ chế độ nhưng lại coi Venezuela là chủ nợ về kinh tế. Bây giờ Cuba phải tìm chủ khác cho nên thời điểm rất thuận tiện cho đôi bên cùng đàm phán để mở ra một thời kỳ mới.

RFI: Đâu là những trở ngại khiến tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba không thể diễn ra nhanh chóng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo xu hướng thiên tả, thậm chí cực tả trong một số đề mục, tổng thống Obama muốn cải thiện quan hệ với Cuba từ lâu và nhờ trung gian của một số quốc gia Nam Mỹ để mở cuộc đối thoại, rồi nhờ đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn cũng theo tả phái, xúc tiến cho việc trao trả tù nhân giữa hai nước để có thể thông báo một quyết định ngoạn mục vào trung tuần tháng 12/2014 và mong đạt thành quả ngoại giao cụ thể trước khi mãn nhiệm.

- Nhưng Hoa Kỳ có lệnh phong toả kinh tế Cuba từ tháng 10/1960. Đến năm 1996, thời tổng thống Bill Clinton, Quốc hội Mỹ còn có đạo luật tăng mức cấm vận với mục tiêu gây sức ép để Cuba chuyển hóa ra chế độ dân chủ và kinh tế thị trường. Theo đạo luật có tên là "Tự do và Dân chủ cho Cuba", tổng thống phải xin phép Quốc hội nếu muốn bỏ lệnh cấm vận, mà Quốc hội khóa 114 vừa khai mạc lại do đảng Cộng Hoà kiểm soát nên sẽ chỉ từng bước tháo gỡ từng chướng ngại căn cứ trên sự thay đổi của Cuba.

- Ngoài ra, bên đảng Dân Chủ cũng có nhiều đại diện dân cử gốc Cuba tỵ nạn và họ rất dè dặt với các biện pháp giải toả mà Obama đã kín đáo tiến hành trong thẩm quyền của Hành pháp. Thành thử trong giai đoạn giao thời, Obama chỉ có thể nới lỏng vài biện pháp về du lịch, tài chính hay ngoại thương còn hạn hẹp. Hoặc Bộ Ngoại giao có thể đề nghị bỏ Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố.

- Ngược lại, ta không quên là sau khi nương vào Liên Xô rồi Venezuela, Cuba cố giao thương với Tây Ban Nha và từ đó buôn bán thêm với Âu Châu và nhiều nước khác. Cho nên mạng lưới cấm vận không chặt như người ta nghĩ, nhưng nếu được bỏ thì Cuba mới có tương lai.

- Nhìn từ Quốc hội Mỹ, tương lai đó tùy vào hai anh em Fidel và Raul Catro. Họ đều lớn tuổi và giới lãnh đạo Quốc hội Mỹ cho là Cuba chỉ có thay đổi nếu anh em Castro hết cầm quyền. Việc đàm phán trong thời gian tới sẽ góp phần định hình xứ "Cuba hậu Castro", là có cải cách chính trị và tháo gỡ bộ máy an ninh mật vụ thì mới thoát lệnh cấm vận và có đầu tư.

RFI: Washington nới lỏng cấm vận Cuba trong những lĩnh vực nào và đâu là triển vọng làm ăn của doanh nhân Mỹ tại Cuba ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi rất hay vì giới doanh nhân Mỹ ủng hộ việc bãi bỏ để trục lợi nên họ vận động mạnh và gián tiếp giúp Obama mặc cả với Quốc hội. Ngày 15/01/2015, khi chính quyền Mỹ xả được vài hạn chế về du lịch, mậu dịch và tài chính thì các công ty hàng không Mỹ đã chuẩn bị mở nhiều tuyến bay nối liền Hoa Kỳ với Cuba.

- Những biện pháp giảm cấm vận trong thẩm quyền của Hành pháp Obama thật ra rất nhỏ và chỉ có gíá trị như quà sính lễ ra mắt thôi. Cụ thể thì dân Mỹ được phép thăm Cuba dễ hơn, dù chưa hẳn là tự do, có ra vào thì đem tiền vào nhiều hơn và mua quà về nhiều hơn. Obama cũng cho mở rộng nghiệp vụ tài chính và ngoại thương với Cuba nhưng chỉ riêng cho tư nhân.

- Nhìn xa hơn vậy thì Cuba là xứ cực nghèo và lạc hậu. Chế độ sở dĩ tồn tại là nhờ viện trợ và có chính nghĩa giả về chính trị là vì bị Mỹ phong toả nên mới nghèo. Ngày nay, khi Cuba mất thầy mất chủ thì đấy là đất mới cho doanh nghiệp Mỹ kiếm tiền. Chuyện này thật ra chẳng khác Trung Quốc hay Việt Nam, với kết quả cũng sẽ tương tự.

RFI:Cuba trông đợi những gì từ việc cải thiện bang giao với Mỹ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Xứ này thừa khẩu hiệu mà thiếu tiền, trước hết là tiền trả nợ, nên cần giao dịch ngân hàng không hạn chế. Sau đó là tiền đầu tư để xây cất hạ tầng và tái thiết xứ sở. Sau khi Raul Castro thay anh lên lãnh đạo thì Cuba có cải thiện luật lệ về đầu tư nước ngoài, nhưng chưa đủ. Nhờ chính quyền Brazil, Cuba xây dựng được cơ sở cho hải cảng Mariel nhìn qua Vịnh Mễ Tây Cơ với tham vọng làm bàn đạp cho nhiều lĩnh vực khác, kể cả công nghệ điện toán.

- Nhưng sức của Brazil hay Venézuela lại có hạn nên dự án Mariel bị khựng lại và Cuba trông cậy nhiều nhất vào đầu tư Mỹ để vừa có tiền vừa có kỹ thuật hiện đại. Nói chung, sau khi hô khẩu hiệu trong hơn nửa thế kỷ, Cuba là xứ lạc hậu nhất và nay đang muốn xoay ra.

RFI:Một số lập luận cho rằng Mỹ rào lại đối sách với Cuba để cản đường giới đầu tư Trung Quốc hay Nga nhòm ngó vào một quốc gia nằm sát cạnh Hoa Kỳ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tổng thống Obama chưa đủ tầm nhìn để thấu tới Trung Quốc. Còn nước Nga hoạn nạn của tổng thống Vladimir Putin thì chỉ cố bám trụ ở Đông Âu là mừng. Trước tiên, Bắc Kinh đã bỏng tay cháy túi sau khi đầu tư vào Venezuela để tìm bệ phóng vào Nam Mỹ. Nga thì còn xoay trở với nạn suy thoái kinh tế và thất thoát tài sản nên không còn xem Cuba là nơi đáng đầu tư để giữ gìn thế giá và bạc tiền.

- Tuy nhiên, trong chính quyền Obama nhiều người có thể nhìn xa hơn Cuba mà nghĩ tới Venezuela. Xứ này đang trôi vào khủng hoảng sau khi tổng thống Hugo Chavez tạ thế năm 2013 và người kế nhiệm là tổng thống Nicolas Maduro thì khó qua khỏi con trăng. Nhìn từ Caracas, nếu đến như Cuba còn xuống giọng nói chuyện hợp tác với Hoa Kỳ thì Venezuela nên học theo và có lập trường chưa thân Mỹ thì cũng bớt chống Mỹ.

- Khi mà cả Cuba và Venezuela cùng đổi qua giọng ôn nhu thì tình hình Trung Nam Mỹ sẽ chuyển. Ta có thể dự đoán chuyện ấy sau Thượng đỉnh ngày 15/04/2015 của Tổ chức các Quốc gia Mỹ Châu là khi các lãnh tụ Nam- Bắc Mỹ gặp nhau. Nói vắn tắt thì chuyện lợi hại về kinh tế giữa Cuba và Mỹ thật ra chí là thứ yếu. Quan trọng hơn vậy là những tính toán chiến lược của Washington.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét