Thứ Hai, tháng 1 26, 2015

Đạp Toang Hai Cánh Càn Khôn



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Sống Xuân Ất Mùi 150126
"Vùng Oanh Kích Tự Do"

Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà    


* Ảnh minh diễn của Sống, vừa phát hành hôm nay * 



Sống tại Hoa Kỳ, nói chung là hải ngoại, chúng có hai tấm lịch nên được vui Xuân hai lần... Sau đó, những người còn trí nhớ mới bần thần ngơ ngác.

Ngay sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, ngày "Thứ Sáu Đen" vừa mở mùa mua xắm thì nhà nhà đều giăng đèn mừng Giáng Sinh rồi chuẩn bị Tết Dương Lịch sau đó một tuần. Vì cả nước – không, cả thế giới – đều nói tới. Trừ phi là ở trên một hành tinh nào khác, hay ở Bắc Hàn, chúng ta được thị trường nhắc nhở bằng chiến dịch quảng cáo.

Con trẻ trong nhà vui mừng với viễn ảnh tưng bừng đó mà không để ý là cha mẹ đã ngậm ngùi ngó vào tấm lịch ta. Tết Ta năm nay là mùng mấy nhỉ? Chúng ta ngậm ngùi vì nhớ đến Tết ngày xưa, ở nhà, với cha mẹ vẫn sửa soạn đón Tết như ngày linh thiêng nhất trong năm. Khi ấy - xa xưa rồi - cha mẹ nghĩ đến... cha mẹ mình, là ông bà và tổ tiên của chúng ta. 

Mừng Xuân mới là người xưa nhớ về người cũ, về nguồn gốc xa xôi.

Bây giờ, ngửng nhìn ra ngoài thì thấy người Mỹ hồn nhiên nói về Tết Ta là... Tết Tầu! Mà họ nói không sai. Mấy đứa nhỏ trong nhà cũng nghĩ vậy vì thầy cô dạy thế, hoặc hỏi thế. 

Rồi cứ nghe đến Tầu là ta lại ba máu sáu cơn nghĩ tới Đông hải...

Chúng ta bị kẹt giữa hai tờ lịch. Không, chúng ta bị kẹt giữa hai bờ Đông Tây của biển Thái Bình. Cũng sai luôn! Chúng ta kẹt giữa hai không gian trong ngoài và hai thời gian mới cũ. Vẫn chưa đúng. Chúng ta kẹt giữa hai cõi riêng chung.

Đầu năm, xin pháo thẳng vào đó, để rải ra một chút xác pháo thật thơm.


***


Ngày Tết, chúng ta trước tiên nhớ đến cha mẹ, sau đó mới nghĩ đến con cái. Ở giữa thì mình thông cảm với Tú Xương, "anh em đừng tưởng Tết tôi nghèo".... Dù sao, hơn trăm năm sau ông Tú Vị Xuyên, ta còn hơn ông ở cái thẻ nhựa. Cà vài cái là vui như Tết. May ra, qua Tháng Tư có khi được bồi hoàn tiền thuế mình đã trả trước thì huề. Cái gì chứ về thuế thì nhà nước này khôn tổ mẹ, nắm dao đằng chuôi.

Tết nhất, nhớ đến cha mẹ là chuyện trước nhất. Ai nghĩ như vậy mới là biết ăn Tết. 

Ngày xưa, khăn áo tươi rói, chúng ta mừng tuổi ông bà đã, rồi mới lấy xấp phong bao "lì xì" cho con cái. Lại một chữ Tầu nữa, "lợi thị" - mà cũng chẳng sao.... Vì khi ấy Chú Ba Tầu cần cù ở đầu ngõ với gánh "xực tắc" thơm phức hay xe đu đủ bò khô vừa chua vừa ngọt thì cũng như người nhà thôi. 

Ngày xưa đó, chúng ta đề huề. Chú không biết chứ ta biết "đề huề" là cầm tay dẫn đi: tổ tiên chú tìm đất dung thân giữa chúng ta và được coi như bình đẳng, có khi còn là suôi gia.

Nhưng hãy để Chú Ba ở đó mà trở về với cha mẹ ngày Tết.


***

Trong 10 điều răn của Thiên Chúa giáo - nói chính xác theo lối học giả thì phải gọi là Do-Thái Ky-Tô giáo, Judeo-Christian - thì điều răn thứ năm là dễ hiểu, phổ cập và tự nhiên nhất. "Ngươi phải hiếu kính với cha mẹ!..." [Người viết này thành thật khai báo là mình theo đạo Phật, cho nên nếu có sai thì... sang năm xin lỗi.]

Hiếu thảo với cha mẹ là lẽ tự nhiên vì vừa sinh ra là ta sẽ chết. Không, câu nói đó không hàm ý "sinh lão bệnh tử" của nhà Phật hay "sinh vật nào mà chẳng chết" của khoa học. Xin hiểu theo nghĩa đen.

Sinh ra mà không được mẹ bú bớm và cha nuôi nấng thì trăng chưa tới ngọn tre, đứa hài nhi đã ra người thiên cổ không tên. Đứa bé sống nhờ mẹ cha – mà chẳng biết điều ấy – cho đến khi chập chững biết đi. Cũng phải ba năm kể từ khi được thai nghén, có lẽ vì thế mà mấy ông Tầu mới dạy Ta là phải cư tang ba năm!

Biết đi rồi, đứa bé là chúng ta đây còn phải đi học và biết chạy. Rẻ ra cũng mất mươi năm. Gia đình khá giả thì nghĩ đến 18 năm, 21 năm, chứ đa số lầm than thì đã bắt con tự lập ở tuổi 15: phải kiếm tiền để "nối được nghiệp nhà" - là vặt mũi bỏ mồm. Qua tới bên này và bị thế kỷ 21 ụp lên đầu, thời gian dưỡng dục đó thường là 30 năm.

Khi lũ con bay nhảy rồi thì đôi vợ chồng già bắt đầu dọn nhà, một căn nhà nhỏ đi về có nhau, như trong ca dao. Đấy là lúc lại mở lịch và tấm bản đồ tìm nơi du lịch cho đời bớt tẻ khi bầy chim đã bay khỏi tổ. Chúng bay vào tổ uyên ương. Lập gia đình để mở rộng càn khôn.

Trong suốt giai đoạn bú mớm của đứa trẻ, nơi nương tựa và được đùm bọc là cha mẹ. Khi được dựng vợ gả chồng thì nơi tin cậy là đại gia đình, từ nội ngoại đến thông gia. Ở vòng ngoài mới là họ hàng, chòm xóm, là lũy tre xanh, là khu phố và địa phương. Niềm tin đó rộng mở dần dần một cách tự nhiên, tin vào vòng trong vì e sợ những đe dọa từ vòng ngoài vào.

Nhờ ông bà cha mẹ rồi đến thầy cô, tình yêu rất tự nhiên dành cho phụ mẫu hai thân mới mở ra một tình yêu trừu tượng hơn: lòng yêu nước. Càng gắn bó với chòm xóm chung quanh thì càng dễ yêu nước, chứ khi có cơ hội chen vai hay liếc nhìn vào thế giới bên ngoài thì hình như còn có một thứ tình yêu khác, cho nhân loại và trái địa cầu xanh xanh. Người càng giầu càng ngồi cao ở trên thì tầm nhìn càng xa, cho nên rất dễ yêu rộng ra bàn dân thiên hạ như vậy. Cũng thế, người trí thức có học thì thường nói đến chuyện thiên hạ đó. 

Chứ khi tổ quốc lâm nguy, thành phần ở dưới mới thực tế gánh vác chuyện sơn hà - bằng mồ hôi xương máu của mình. Thống kê của nhân loại có ghi như vậy.


***


Ngẫm thế, chúng ta mới đụng vào ông Mạnh Tử hay sách Lễ Ký linh tinh cùng với Minh Tâm Bửu Giám xám ngoét. 

Sinh ra là con trẻ đều yêu thương cha mẹ vì là nơi nương tựa ban đầu. Hãy nghe cháu bé ré lên khi thấy người lạ thì mình biết. Nhưng chúng ta được giáo dục là phải giáo dục chúng nó về chữ "hiếu". Không nhẹ nhàng như điều răn thứ năm của Thiên chúa qua lời kể của Moise, mà có lớp lang thứ tự đàng hoàng.

"Bất hiếu hữu tam"... lời Mạnh Tử trong thiên Ly Lâu Thượng dạy là phải "thú", để có "hậu".

Nôm na là phải lấy vợ để có con trai nối dõi. Chữ "thú" ở đây là tờ giấy chứ không là cái giường - hay cảm giác dục lạc. Ái ân là để truyền chủng, là nghĩa vụ thiêng liêng để khỏi lãnh tội bất hiếu. Nhờ đó mà con cháu các ông Khổng Mạnh tha hồ ấn ai cho đến khi có kết quả thuộc loại "dương tính". Chữ "positive" là chưa được, nếu sanh con gái thì vẫn là vứt đi, "negative".

Khách có kẻ chầu rìa sau lưng người viết bỗng thở hắt. 

Đểu thật, Thánh hiền ngày xưa chỉ dạy con trai thôi! Con gái khỏi cần và chẳng nên học. Thánh hiền còn gián tiếp chấp nhận chế độ đa thê rồi xăn tay áo đòi gọt đầu bôi vôi những người nữ thiếu đoan chính... 

Người viết này cau mày sửa sai: "nói gì thì nói chứ mấy ngài đó rất được việc cho chế độ". 

Vì cái tội bất hiếu thứ ba mới đáng kể về chính trị: "Bất vi lộc sĩ". 

Không ra làm quan để đem bổng lộc về cho cha mẹ là bất hiếu! Khôn chẳng bằng ngoan, vì chữ hiếu nên ai cũng cố đi học để làm quan. Mà chữ hiếu ở đây tỏa ra cả gia đình, thông gia và họ hàng, cho nên sách mới có chữ "một người làm quan cả họ được nhờ". Rồi thế kỷ 21 này mới gọi hiện tượng kinh tế chính trị học đó là "crony capitalism", tư bản thân tộc.

Người Tầu thời nay vốn có máu Vi Tiểu Bảo của Kim Dung, theo lẽ "con hơn cha là nhà có phúc" còn đểu hơn Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng, nên gọi đó là "đới quần tư bản", tư bản dải quần. Các nhà kinh tế hay luân lý cứ nói "nên cởi hơn nên buộc" mà chẳng thấy ra tác động của phòng the trong kinh doanh chính trị!

Từ đó mới có "Thái tử đảng" tại Trung Quốc. Rặt một lũ con ông cháu cha của thời cách mạng vô sản nay đã thành đại gia tư bản đỏ được bước lên thảm đỏ vào Wall Street.

Thảm chưa khi ta nhớ đến Đông Hải ngày vượt biển – và ngày nay....


***


Con cái chúng ta ngày nay vẫn có cái mối tình tự nhiên ở đầu đời dành cho cha mẹ, mà khỏi thắc mắc gì về mấy chữ hiếu đễ và dăm ba tiêu chuẩn rắc rối như nói ở trên.

Nhưng cái tình yêu trừu tượng mà thiêng liêng không kém, là yêu nước, chúng giành cho "quê hương" là nơi ra đời và khôn lớn. Đấy là Hoa Kỳ hay Âu, Úc, nơi chúng ta gọi là cõi tạm dung.

Hà cớ chi lại bắt chúng ngó về Đông Hải và những mắc mứu nằm trong xương tủy của chúng ta, về Bà Trưng, Phùng Hưng hay Nguyễn Huệ? Cái lẽ sinh tồn ngàn đời giữa hai giống Hán-Việt là chuyện của chúng ta. May mắn lắm thì còn vài nhà mà con cái thấy quan tâm đến chuyện đó. May hay không cũng tùy chúng ta - mà nhiều khi mình không biết.

Vì vậy, trong dịp Tết thì cùng phong bao hồng điều và mấy miếng ăn truyền thống, hãy nhắc nhở con cái về chuyện đó. Và nhắc cả con cái nhà bên cạnh, nhắc cả cộng đồng này.

Như mọi cộng đồng di dân thiểu số, phải chọn một ngày trong năm làm cho người người đều biết đó là "ngày của chúng ta". Xin hãy ăn Tết cho đúng ngày. Có quyền và nên xin nghỉ, kể cả xin cho con cái nghỉ học để cùng gia đình và cộng đồng tưng bừng rầm rộ ăn Tết cho đúng ngày, chứ đừng đợi đến dịp cuối tuần. Nhờ vậy mà ngày Tết mới là tuần Tết và đem lại lợi tức cho chợ búa của chúng ta.

Đấy cũng là cách hay nhất để người Mỹ biết rằng đấy là Tết Ta chứ không phải Tết Tầu.


***


Mở vào bài, người viết lấy chữ của Sào Nam Phan Bội Châu trong bài Chơi Xuân, được cụ viết đúng 110 năm trước. Cụ khổ hơn chúng ta gấp ngàn vì sau một đời bôn ba thì bị tù ngay trên quê hương cho đến chết, chỉ vì mối tình lớn cho đất nước. Nhiều người trong nước cũng đang gặp cảnh ngộ ấy vì hai vai có hai tròng - của Hà Nội, rồi Bắc Kinh.

Bậc uyên bác nhiêu khê thì biết "Càn" là tượng cho cha, cho trời, và "Khôn" là cho mẹ, cho đất. 

Nhưng khỏi nói về Kinh Dịch xa xôi như vậy mà hãy nhớ đến tinh thần của cụ Phan là "sinh thời thế phải xoay nên thời thế". Nôm na là nghĩ đến "phải dám làm càn thì mới là khôn". Đạp toang cánh cửa và nói ngược, làm tới, để thế giới biết được rằng có Ta chứ không chỉ có Tầu.

Lúc ấy, mình sẽ thấy sự lạ: 

Con trẻ trong nước đang nhìn ra ngoài, để xem những kẻ đồng tuổi, đồng văn và đồng chủng sống và suy nghĩ ra sao, chưng diện thế nào hoặc thiết tha đến cái gì nhất? Đấy cũng là cách đem Xuân vẽ lại nước non nhà. Con trẻ trong kia không cô độc và mắc bệnh quên trí nhớ của tập thể, vì ngoài này chúng ta vẫn oanh kích về đó....

Hãy đốt một phong pháo và cáo với tổ tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét