Thứ Ba, tháng 1 27, 2015

Bao Giờ Hy Lạp Hạ Màn?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150126
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"

Bi Kịch Hy Lạp Trên Sân Khấu Âu Châu  

* Bi kịch Hy Lạp Cổ *




Hy Lạp có nền văn minh thuộc loại cổ xưa nhất, với văn hóa từng tỏa sáng lên toàn cõi Âu Châu. Đã có thời, hơn hai ngàn năm trước, những gì xảy ra tại thủ đô Athens của Hy Lạp là biến cố lớn cho cả Âu Châu. Tuần qua, một biến cố tương tự vừa xảy ra tại Athens, nhưng ngày nay, Hy Lạp là một xứ nghèo, mắc nợ và lâm nạn kinh tế từ sáu năm rồi. Năm thứ bảy có khi ngã ngũ....


Hôm Chủ Nhật 25, dân Hy Lạp đi bầu Quốc hội để chọn đảng lãnh đạo. Kết quả là đảng cực tả Syriza được 36,3% số phiếu và qua hôm sau thì đồng ý liên hiệp với đảng hữu khuynh là Độc Lập (Independent Greeks Party) để cùng 4,7% số phiếu của đảng này nắm được đa số. Lãnh tụ Syriza là Alexis Tsipras, 40 tuổi, sẽ là Thủ tướng Hy Lạp.

Lý do đầu tiên của liên minh trái cựa giữa một đảng cực tả với một đảng hữu khuynh, là đảng Độc Lập gồm các thành phần ly khai từ hai chính đảng truyền thống và mạnh nhất ngày xưa. Họ ly khai vì đòi hạn chế di dân và thêm quyền đối ngoại: họ nghi ngờ việc hội nhập với Âu Châu. Đa số đảng viên Syriza không thoải mái với lập trường bảo thủ đó, nhưng đồng ý hợp tác để cầm quyền vì cả hai đảng cùng chia sẻ một mục tiêu, là triệt để thương thuyết lại với Liên hiệp Âu châu việc giảm nợ cho Hy Lạp.

Lòng dân Hy Lạp đang gây bài toán cho thủ phủ Âu Châu tại Bruxelles. Và làm chấn động các thị trường tài chánh Âu Châu cùng thế giới khi đánh sụt đồng Euro.

"Bi kịch Hy Lạp" vừa mở màn.

***

 Bi kịch Hy Lạp hiện đại 




Theo khái niệm thông thường, bi kịch Hy Lạp có đặc tính thê thảm tất định, như một cái nghiệp, khi các nhân vật đều hành xử theo định mệnh của mình, là thần linh, danh dự, tổ quốc, tình yêu, hay lòng dân, ý trời.... Ngày nay, chuyện ấy vừa xảy ra tại Athens sau sáu năm khủng hoảng kinh tế.

Từ khi thoát khỏi chế độ quân phiệt 40 năm trước, hai chính đảng lớn đã luân phiên cầm quyền. Đó là đảng Xã hội PASOK (Pan-Hellenic Socialist Movement) thuộc xu hướng trung tả, và đảng Tân Dân Chủ New Democracy thuộc xu hướng trung hữu. Vụ khủng hoảng kinh tế và sáu năm khó khăn khiến cử tri bất mãn dồn phiếu cho các đảng nhỏ và cực đoan ở ngoài rìa.

Có chủ trương đại chúng, populist hay mị dân, Syriza thắng lớn với hơn 36% số phiếu. Bên cánh trung dung thì đảng To Potami (Dòng Sông) được 6% số phiếu, còn đảng cực hữu Golden Dawn (Bình Minh Vàng) chiếm tới 6,3%. Đảng Xã hội PASOK chỉ được có 4,7% và đảng trung hữu Tân Dân Chủ vẫn cố cầm cự với 27,8%.

Kết quả bầu cử ấy cho thấy dân chúng Hy Lạp chối bỏ giải pháp kinh tế kham khổ để quân bình lại chi thu, và họ đặt ra cái nghiệp cho liên minh cầm quyền - nhất là cho đảng Syriza.

Trong cuộc tranh cử, lãnh tụ Alexis Tsipras đòi chấm dứt chánh sách giảm chi và kiệm ước để cân bằng ngân sách của chính phủ liên hiệp giữa hai đảng Dân Chủ và Xã hội PASOK của Thủ tướng Antonis Samaras. Tsipras đòi tăng lương tối thiểu, nâng trợ cấp giá điện và chi phí y tế cho dân nghèo và tái lập quy chế lương tháng thứ 13 cho người có lợi tức thấp. Nổi bật hơn cả là chủ trương đàm phán lại với Âu Châu khoản công trái - nợ của công quyền - hiện dẫn đầu Âu Châu, cao bằng 175% Tổng sản lượng GDP. Cử tri rất hài lòng với các đề nghị hấp dẫn ấy.

Nhưng sau đó, vào tháng tới, câu đầu tiên vẫn là tiền đâu?


***





Lãnh tụ Alexis Tsipras rất hoành tráng ngày tuyên bố thắng cử


Vì kinh tế là sự chọn lựa, với hậu quả chính trị, chúng ta cần đếm lại, hay suy ra, cái giá của các đề nghị vừa được dân Hy Lạp chọn lựa.

Đảng Syriza tỏ vẻ biết đếm khi nói kế hoạch "cứu nguy kinh tế" sẽ tốn 12 tỷ Euro (theo thời giá cho độc giả tại Hoa Kỳ thì bằng 13 tỷ 500 triệu Mỹ kim). Và chính quyền mới sẽ gạn ra ngân khoản ấy qua 1) thương thuyết lại với Bruxelles (Liên Âu) khoản công trái của Hy Lạp, 2) tái phân phối nguồn tài trợ của Liên Âu, và 3) giải trừ tham nhũng để kiếm thêm tiền cho công quỹ.

Thắng rồi đã vậy, múa gậy làm sao?

Các khoản tiền ấy không lập tức chảy vào công khố để nhà nước rộng chi như đã hứa hẹn. Ngay trước mắt thì họ không thể vay tiền trên thị trường trái phiếu nếu thiếu sự yểm trợ của Liên Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Hy Lạp cần sự yểm trợ này vì cái giá quá đắt của việc đi vay.

Đã vậy, ngày 22 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB tạm đẩy Hy Lạp ra ngoài biện pháp bơm tiền gọi là "quantitative easing" (Xin độc giả đọc lại Hồ Sơ Người-Việt của tuần trước: "QE, ECB và chủ nghĩa quốc gia Âu Châu", Người Việt ngày 21/01).

Sau lịch bầu cử, dân Hy Lạp mới thấy ra lịch kế toán: Ngày 28 Tháng Hai này, chương trình cứu nguy Hy Lạp sẽ đáo hạn và nếu không đạt một thoả thuận mới thì cũng chẳng lãnh được khoản giải ngân sau cùng trị giá bảy tỷ Euro. Đó là chuyện nhức tim của Tháng Hai. Nhìn ra toàn năm 2015, Hy Lạp sẽ phải thanh toán khoảng 22 tỷ Euro, gồm cả vốn lẫn lời của các khoản nợ trước. Phân giải cho thêm não lòng là Tháng Hai sẽ trả một tỷ sáu, Tháng Ba trả hai tỷ sáu, qua Tháng Sáu thì chuẩn bị một tỷ rưỡi, Tháng Bảy cần bốn tỷ bảy, Tháng Tám thêm ba tỷ sáu, v.v....

Trong khi đó, công quỹ vẫn phải chi ra, kể cả 12 tỷ đã hứa khi tranh cử, mà số thu thì có hạn và thực tế đã giảm từ nhiều tháng qua vì kinh tế suy thoái (tệ hơn suy trầm) và thất nghiệp tới 25% (giới trẻ sẵn sàng biểu tình vì phân nửa, 50%, là thất nghiệp!)


***


Trước khi dân Hy Lạp đi bầu, thế giới bên ngoài đều cảnh báo:

1) Ai cũng muốn Hy Lạp còn ở trong khối Euro cùng 18 xứ khác, nhưng có thể đành lòng để Hy Lạp ra đi, giải pháp gọi là "Grexit", nếu xứ này chối bỏ chánh sách kiệm ước. 2) Hy Lạp đã vay tối đa của khả năng trả nợ, nếu không đạt thỏa thuận với Liên Âu thì Ngân hàng ECB có thể chấm dứt việc tài trợ cho các ngân hàng Hy Lạp, xứ này sẽ bị ách tắc tín dụng, thiếu thanh khoản để hoạt động. 3) Ngân hàng ECB hiện đã cho các ngân hàng Hy Lạp nhiều đặc miễn về tài sản thế chấp, nhưng không thể tiếp tục nữa nếu họ không cải thiện quan hệ với các chủ nợ.

Tức là thị trường có nhiều quy luật khắt khe về việc vay trả mà chính trường Hy Lạp bất cần. Họ bầu lên một chính quyền bị dồn vào góc sân chơi. Câu hỏi then chốt ở đây là lòng dân muốn gì?

Theo các cuộc khảo sát thì đa số dân chúng Hy Lạp vẫn muốn ở trong khối Euro và đảng Syriza thì vừa muốn giảm gánh nặng khắc khổ vừa đòi thương thuyết lại các điều kiện rất khó cho Liên Âu chấp nhận. Nếu xứ này vỡ nợ thì khủng hoảng tài chánh bùng nổ, giới ký thác ùn ùn rút tiền làm các ngân hàng Hy Lạp sụp đổ. Hậu quả là tai họa cho cả khối - và đồng Euro càng rớt giá. Nếu việc thương thuyết không thành trong kỳ họp ngày 12 tới đây, Ngân hàng ECB phải ngưng tài trợ và mặc nhiên đuổi Hy Lạp ra khỏi khối Euro. Đồng Euro sẽ thành đồng sứt và nhiều nước khác cũng rút lui.

Mà ngoài vòm trời Hy Lạp, người dân các nước kia cũng có quyền bỏ phiếu. Họ mệt mỏi với gánh nợ của Hy Lạp và không muốn chính quyền mình tiếp tục gánh vác việc chi tiêu của xứ khác nữa. Như nước Đức hiện vẫn gánh tới 17% các khoản cứu trợ này và rất hoài nghi sự biết điều của Hy Lạp.

Bên trong Hy Lạp, bên trong liên minh cầm quyền và thậm chí trong đảng Syriza cũng có nhiều ước muốn trái ngược nên khó tìm ra sự đồng thuận về chiến lược thương thuyết. Trong khi cái đồng hồ tài chánh vẫn gõ liên hồi!

Tính chất hợp lý khắt khe của Bi kịch Hy Lạp là ai cũng diễn đúng vai đúng vở. Kết cuộc có khi là Hy Lạp hạ màn và bước ra khỏi sân khấu Âu Châu.

Kịch bản "Grexit" cũng là một bi kịch!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét