Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 150107
Diễn đàn Kinh tế
Khủng hoảng từ 2010, nay vẫn chưa hết và có thể tan
Ngay trong mấy ngày đầu năm mới thì đồng bạc Âu châu tuột giá mạnh
so với nhiều ngoại tệ đến độ làm các thị trường chứng khoán đều bị chấn
động. Nguyên nhân lại là nhiều tin tức bất lợi về tình hình chính trị
của cả khối Liên hiệp Âu châu. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này
qua phần phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng
thực hiện sau đây.
Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong
loạt tổng kết về kinh tế thế giới năm 2014 và dự báo về viễn ảnh 2015,
ông nhiều lần nói đến những biến động đột ngột mà không bất ngờ của các
thị trường toàn cầu kể từ năm nay. Thế rồi hàng loạt tin tức vừa kinh tế
vừa chính trị tại nhiều nơi đã khiến các thị trường chứng khoán quốc tế
sụt giá mạnh ngay trong ngày đầu tuần. Trong số những tin này, có vụ
đồng Euro bị tuộc giá. Kỳ này, chúng ta đặc biệt tìm hiểu về Âu châu vì
dù sao đây cũng là khối kinh tế có sản lượng cao nhất địa cầu vì quy tụ
28 quốc gia trong một khu vực trọng yếu của thế giới. Như mọi khi, xin
đề nghị ông trình bày cho bối cảnh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Liên hiệp Âu châu là tổ chức có 28 quốc
gia thành viên tại miền Tây của cả đại lục địa Âu-Á, bên trong có 19
nước dùng một đồng tiền thống nhất là đồng Euro, quốc gia sau cùng vừa
gia nhập khối Euro hôm đầu năm là Lithuania, ở ven biển Baltic. Từ năm
2010, khối Euro bị khủng hoảng và cho tới nay vẫn chưa ra khỏi những khó
khăn chồng chất khiến người ta lo ngại cho tương lai kinh tế của Liên
Âu. Chính là sự trì trệ của kinh tế Âu châu cũng góp phần làm sụt giá
dầu thô vì người ta dự đoán là năm nay số cầu ở nơi đây sẽ giảm. Thế rồi
ngay từ đầu năm, một số tin tức thật ra chính trị chứ không phải là
kinh tế xuất phát từ Âu châu mới khiến thế giới càng hoài nghi tương lai
của đồng Euro lẫn khả năng hồi phục của Liên Âu.
Việt Long: Thưa ông, những tin tức đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Những tin tức đó liên hệ đến bốn nước là
Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Anh. Chúng ta lần lượt tóm lược ở đây rồi
mới tìm hiểu về các vấn đề kinh tế chính trị Âu châu. Tôi cũng xin nói
thêm rằng diễn đàn kinh tế của chúng ta chỉ gián tiếp chứ ít trực tiếp
đề cập đến khu vực kinh tế này, lần cuối cùng thì đúng 10 năm trước khi
ta thấy tính chất thiếu thống nhất của Liên Âu, vốn dĩ cũng là vấn đề
đang làm thế giới quan ngại.
- Trước hết, từ nước Đức thì hôm Thứ Bảy mùng ba, tạp chí Der Spiegel
có bài báo ám chỉ là Chính quyền Cộng hoà Liên bang Đức đành lòng cho
Hy Lạp ra khỏi khối Euro nếu đảng Syriza thuộc cánh tả của xứ này mà
thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 25 tới rồi đòi đám phán lại về số nợ
của Hy Lạp. Hồ sơ nợ nần của Hy Lạp là vấn đề từ năm 2010 mà chưa giải
quyết nổi sau bốn đợt cấp cứu. Bây giờ Berlin ra tín hiệu mang tính chất
tối hậu thư để tác động vào cuộc bầu cử tại Hy Lạp với hàm ý là nếu Hy
Lạp mà không cải cách và người dân lại bầu lên một chính đảng có chủ
trương xét lại chuyện nợ nần thì khối Euro đành mất một thành viên.
Chuyện Hy Lạp làm Tây Ban Nha ưu lo vì năm nay sẽ có bầu cử và cũng có
một đảng bên cánh tả là Podemos với cùng chủ trương của đảng Syriza là
không chấp nhận chính sách giảm chi để thanh toán nợ nần.
- Loại tin tức chính trị ấy có hậu quả kinh tế vì làm mọi người lo sợ
là sau Hy Lạp còn nhiều xứ khác cũng có thể ra khỏi khối Euro với tương
lai sẽ là một sự bất trắc lớn cho toàn khối.
Việt Long: Bên trong tổ chức Liên Âu có 28 quốc gia
thì Anh quốc tương đối có nền kinh tế khả quan hơn cả và không là thành
viên của khối Euro mà vẫn dùng đồng bạc riêng của mình. Thế thì tin tức
gì từ nước Anh lại làm các thị trường chấn động?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hôm Chủ Nhật mùng bốn, Thủ tướng Anh là
David Cameron tuyên bố răng ông có thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý sớm
hơn dự tính nếu đảng của ông thắng cử vào Tháng Năm này. Số là Chính phủ
liên hiệp đang cầm quyền tại Anh quốc dự định tổ chức một cuộc trưng
cầu ý kiến người dân vào năm 2017 để xem dân chúng có muốn nước Anh tiếp
tục là thành viên của Liên Âu nữa hay không. Bây giờ, chính quyền đó
lung lay vì ảnh hưởng lớn mạnh của đảng Độc lập UK Independent Party,
vốn có chủ trương gọi là "chống Âu châu" vì hoài nghị lợi ích cho nước
Anh khi gia nhập Liên Âu. Trước kỳ bầu cử Tháng Năm mà Thủ tướng Anh lại
nói như vậy thì điều ấy cho thấy đảng cầm quyền đang lùi trước sức ép
của đối lập và cấu trúc của Liên Âu bị lung lay. Cũng vì thế mà người ta
cần theo dõi cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Anh với Thủ tướng Đức vào ngày
hôm nay, Thứ Tư mùng bảy.
Việt Long: Thưa ông, nếu có thể tóm lược thì loại
tin tức chính trị nói trên có nội dung tác động vào các cuộc bầu cử và
đồng thời trả giá hoặc hăm dọa lẫn nhau để ngần ấy quốc gia cùng thấy sợ
viễn ảnh tan rã của khối Euro hoặc sự rạn nứt của tổ chức Liên Âu? Có
phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy vì ta thấy mâu
thuẫn khó hàn gắn giữa các nước chủ nợ và các nước khách nợ bên trong
một tập thể đã thống nhất về quan thuế mà thiếu thống nhất về chính sách
kinh tế, tài chính. Quốc gia chủ nợ lớn nhất là nước Đức khó đòi người
dân tiếp tục cứu xứ khác để bảo vệ sự vẹn toàn của khối Euro nếu các
nước lâm nạn không tiết giảm chi tiêu để chấn chỉnh kinh tế. Nhưng các
nước lâm nạn càng đòi dân thắt lưng buộc bụng thì bất mãn càng làm xu
hướng chống Âu châu gia tăng, kết tụ vào các đảng cực tả hay cực hữu.
- Nhìn rộng ra ngoài, ta thấy cái trào lưu đáng ngại đã từng xảy ra
tại Âu châu là khi kinh tế suy thoái thì các đảng cực đoan nhất lại có
cơ hội cầm quyền như tại Nga năm 1917 hay tại Đức năm 1933. Không chỉ có
nước Anh với đảng UKIP, ngay tại Pháp, cái đảng cực hữu xưa kia bị coi
thường là Mặt trận Quốc gia nay là một chính đảng có ảnh hưởng lớn, với
chủ trương đòi xét lại quy chế hội nhập vào Liên Âu, nếu không thì cũng
bước ra khỏi tập thể....
Việt Long: Sau khi nhắc lại những tin tức thời sự,
xin đề nghị ông trở ngược về hoàn cảnh đã dẫn tới vụ khủng hoảng kinh tế
với hậu quả đang là nguy cơ tan rã về chính trị tại Âu châu.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin tóm lược như sau để thính giả của chúng ta mường tượng ra kích thước của vấn đề.
- Trong cái trớn của nạn Tổng suy trầm toàn cầu năm 2008-2009, với
gánh nợ rất lớn của kinh tế Âu châu, thì Tháng Năm năm 2010, Hy Lạp bị
nguy cơ vỡ nợ và được Liên Âu cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế tung tiền cấp cứu
với điều kiện là áp dụng chính sách kinh tế khắc khổ và đến năm 2012
thì tái cấu trúc lại hệ thống công chi thu để ra khỏi tình trạng nợ nần
quá nặng. Một tháng sau thì Liên Âu lập ra hệ thống bình ổn tài chính
với ngân khoản trị giá 100 tỷ Euro, tương đương với 130 tỷ đô la, để cấp
cứu ba nước lâm nạn là Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Hai năm sau, họ
lập thêm một quỹ ổn định khác và Tây Ban Nha cùng Cyprus hay Cộng hòa
Síp được quỹ này tài trợ cho 50 tỷ Euro để thoát cơn khủng hoảng ngân
hàng. Ta thấy vụ khủng hoảng lan rộng từ Hy Lạp qua nhiều xứ khác, đa số
ở miền Nam Âu châu. Năm 2013, đến lượt "tam trụ" là Quỹ IMF, Liên Âu và
Ngân hàng Trung ương Âu châu cùng bơm tiền cấp cứu các nước nảy....
Trong ngần ấy đợt tung tiền cấp cứu thì nước Đức đóng góp nhiều nhất vì
kinh tế Đức cần xuất khẩu qua xứ khác, nhưng đóng góp nhiều quá thì
người dân lại không đồng ý.
Việt Long: Mà thưa ông hình như là không kết quả nên ngày nay ta mới có rủi ro khủng hoảng chính tri ngày nay, có đúng như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Quả thật như vậy nếu ta điểm ra một số thống kê u ám sau đây.
- Thất nghiệp tại Âu châu hiện là 11,5%. Con số bình quân này khỏa
lấp một sự thật còn đáng sợ hơn, đó là nhiều nước bị thất nghiệp tới
25%, mà bên trong là số thất nghiệp của giới trẻ lại lên tới 30% như tại
Ý và thậm chí 50% như tại Hy Lạp và Tây Ban Nha. Giới trẻ mà thất
nghiệp là xuống đường biểu tình, như ta đã thấy tại Bắc Phi và Trung
Đông trong trào lưu cứ gọi là Mùa Xuân Á Rập cách đây vài năm.
- Đáng ngại hơn thế là toàn khối Âu châu còn bị nguy cơ giảm phát như
diễn đàn này trình bày cuối năm ngoái, với mức lạm phát chỉ có 0,3%.
Khi kinh tế giảm phát thì hàng họ ế ẩm dù đã hạ giá và sản xuất suy sụp
như trong vòng luẩn quẩn và thất nghiệp sẽ tăng vọt. Ngay nước Đức cường
thịnh nhất khu vực và là trung tâm cứu vãn ở giữa cũng đã có chỉ dấu
suy trầm kinh tế rất đáng ngại.
- Sau cùng, ta không quên Âu châu cũng bị nạn lão hóa dân số, với tỷ
trọng ngày càng lớn của những người cao niên. Khi sản lượng không tăng,
tuổi trẻ thất nghiệp mà thành phần ít sản xuất và chủ yếu sống nhờ hưu
bổng lại tăng thì tương lai quả thật là u ám đáng ngại.
Việt Long: Sau khi phác họa bức tranh toàn cảnh có
quá nhiều màu xám như vậy, xin ông tóm lược cho các nguyên nhân sâu xa
và những hậu quả đáng ngại của tình trạng này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Liên Âu thật ra chỉ là một cơ chế liên
hiệp về ngoại thương để các nước tự do buôn bán với nhau mà không bị cản
trở về hàng rào quan thuế hay hạn ngạch nhập khẩu chứ không thống nhất
về chính trị. Bên trong tổ chức siêu quốc gia này, một số nước lại dùng
chung một đồng tiền mà vẫn có chính sách kinh tế tài chính riêng. Khi
kinh tế suy trầm thì họ khó đồng ý về phương thức và về phí tổn ứng phó.
Tựu trung là thống nhất đồng bạc mà không thống nhất về kinh tế, thuế
khóa hay ngân sách và ngân hàng. Mà nếu cố tiến tới thống nhất thì vẫn
thiếu một cơ chế có thẩm quyền thi hành, hay cưỡng hành, là bắt các nước
cùng chấp nhận kỷ luật chung.
- Tôi xin tóm tắt bằng vài hình ảnh sau đây để ra thấy ra nghịch lý
đó của Âu châu. Người ta lập ra một cơ chế siêu quốc gia nằm rất xa đời
sống thường nhật của dân chúng. Cơ chế đó lại có quá nhiều thể thức làm
việc phân tán. Nơi làm luật cho cả Âu châu là Quốc hội thì nằm ở
Strasbourg bên Pháp; nơi lấy quyết định hành động có vẻ như Hành pháp là
Hội đồng Âu châu thì nằm tại Bruxelles của Bỉ. Nơi có quyết định về tư
pháp là Toà án Âu châu thì ở Luxembourg. Còn cơ quan có thẩm quyền về
chính sách tiền tệ là Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB lại nằm ở
Frankfurt của Đức. Trong khi đó, ngần ấy quốc gia đều có chế độ dân chủ,
và quyền dân được thể hiện qua tuyển cử để bầu lên chính quyền sẽ bảo
vệ quyền lợi của mình. Khi kinh tế khó khăn thì người dân thắc mắc là vì
sao đời sống của họ bị chi phối bởi các công chức quốc tế chẳng ai bầu
lên và âm thầm làm việc ở những nơi xa xăm khó hiểu như vậy?
Việt Long: Thế rồi hậu quả sẽ ra sao thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi người dân hoang mang bất định thì đấy
là thời của các chính khách mị dân, họ ru ngủ quần chúng bằng cách chỉ
ra thủ phạm ở nơi khác và khơi dậy những phản ứng cực đoan từ cực tả đến
cực hữu. Âu châu đã từng bị chiến tranh liên miên cũng vì lẽ đó.
- Nếu tránh được viễn ảnh tan rã và xung đột thì họ còn bị một vấn đề
văn hóa lâu dài. Lục địa già nua này thích hưởng nhàn, gọi đó là "phẩm
chất của cuộc sống" có văn hóa cao, mà thiếu sự cần cù trong lao động
như Á châu và chẳng dám nhìn vào sự thật để lấy những quyết định táo bạo
như ta đã nhìn thấy tại Hoa Kỳ. Tôi không mấy lạc quan về khu vực này
trừ phi có một cuộc cách mạng, là điều mà ai cũng sợ!
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về chương trình hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét