Thứ Ba, tháng 2 17, 2015

Chiến Tranh và Nghị Quyết À Uôm



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150216
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Khi Tổng Thống Hoa Kỳ Xin Phép Khai Chiến

* Tổng thống Barack Obama: lầm lỳ và khốc liệt! *


Lần đầu tiên sau khi nhậm chức từ sáu năm trước, Tổng thống Barack Obama xin phép Quốc hội cho khai chiến. Đây không là chuyện bất ngờ hay nghịch ngợm theo kiểu "Cá Tháng Tư"


Đúng ngày chúng ta cúng ông Táo với mấy con cá chép, hôm Thứ Tư 11, Tổng thống chính thức yếu cầu Quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết một đạo luật cho dùng quân đội trong cuộc chiến chống lực lượng ISIL. Có tên là Authorisation for the Use of Military Force, đạo luật được viết tắt là AUMF, đọc theo lối từng chữ. Nhưng nghe cứ như là Á Uôm Mệt Phờ.

Sau đó hai ngày, một toán đặc công ISIL tập kích một thị trấn kế cận căn cứ không quân Ain al-Asad tại Iraq, nơi có mấy trăm binh lính Mỹ đang huấn luyện quân đội Iraq và có thể bị tấn công mà chưa biết ứng phó theo thể thức nào, công hay thủ, thì mới đúng luật. Thật ra, sau Tết và qua nhiều tuần nhiều tháng nữa, đạo luật này cũng chưa ra đời. Chẳng hóa là quân nhân Mỹ... vô phép khi lâm chiến?

Nhìn từ bên ngoài, ta nên tìm hiểu chuyện này.

***


Vào tàn cuộc tại Việt Nam, năm 1973, Quốc hội Mỹ ra đạo luật War Powers Resolution theo đó Tổng thống phải thông báo Quốc hội nội 48 giờ sau khi quyết định đưa quân vào một chiến dịch ở nước ngoài. Và chiến dịch đó không thể kéo dài quá 60 ngày nếu Quốc hội chưa có nghị quyết khai chiến chính thức.

Ngày nay, Tổng thống ra lệnh không kích lực lượng ISIL từ ngày tám Tháng Tám, và chiến dịch không tập tại Syria khởi sự từ ngày 22 Tháng Chín. Tính đến tuần qua thì Hoa Kỳ có 1.900 đợt oanh tạc trong tổng số 2.360 vụ, những vụ kia là của liên quân quốc tế. Khi quyết định tấn công lực lượng ISIL, Tổng thống Obama cũng nói rõ là không đổ quân vào trận địa, "no boots on the ground," vì trên nguyên tắc, Mỹ đã triệt thoái khỏi Iraq, như ông hứa hẹn và coi đó là thành tích.

Thế thì vì sao ngày nay lại cần một đạo luật AUMF khác? Chúng ta cần phân tích bối cảnh....

Trước sự giận dữ của dư luận vì lực lượng ISIL lần lượt giết bốn người Mỹ, nạn nhân cuối cùng là Kayla Mueller, chưa kể một phi công Jordan bị thiêu sống, Obama cần bày tỏ quyết tâm diệt trừ một lực lượng khủng bố đầu năm ngoái ông gọi là "tay mơ". Khi ra lệnh không tập ISIL, ông viện dẫn các đạo luật tham chiến AUMF vào năm 2001 và 2002.

Đạo luật AUMF 2001 được Quốc hội cho phép sau vụ khủng bố 9-11, nhờ đó, Hành pháp có thể  sử dụng các phương tiện quân sự thích đáng chống quân khủng bố đã "trù hoạch, quyết định, thực hiện và yểm trợ" vụ tấn công năm 2001. Đây là nền tảng pháp lý cho phép ra quân chống khủng bố al-Qaeda trên toàn cầu.

Còn đạo luật AUMF 2002 được Quốc hội biểu quyết theo yêu cầu của Tổng thống George W. Bush trước khi mở chiến dịch tấn công chế độ Saddam Hussein tại Iraq vào đầu năm. Khi là đại diện dân cử ở địa phương, Obama chống đạo luật này và do nhiều khó khăn của Chính quyền Bush trên chiến trường Iraq mà được dư luận chú ý, đắc cử Nghị sĩ năm 2004 rồi đắc cử Tổng thống năm 2008. Sau khi nhậm chức, ông chủ trương rà lại luật AUMF và nên thu hồi để chấm dứt tinh thần "sứ mạng" của đạo luật nhằm giới hạn việc nước Mỹ dụng binh.

Bây giờ, vì tình hình Iraq-Syria suy đồi khiến Hoa Kỳ phải can thiệp nên cả hai đảng trong Quốc hội đều muốn có một đạo luật cho phép biện pháp quân sự chống ISIL. Nhưng dù Hành pháp Obama viện dẫn AUMF, ông vẫn muốn đánh cầm chừng. Thề rồi vì giải pháp à uôm nửa vời đó của Hành pháp thất bại – như các tướng lãnh báo trước - Tổng thống Mỹ quay lại xin Quốc hội biểu quyết đạo luật mới. Đấy là về bối cảnh.


***

Về nội dung, đề nghị của Tổng thống Obama gồm những gì?

Then chốt nhất là 1) cho sử dụng quân đội chống ISIL, 2) trong hạn kỳ ba năm, 3) nhưng hạn chế việc đổ quân vào các chiến dịch kéo dài, 4) phải báo cáo tình hình chiến sự mỗi sáu tháng, và 5) thu hồi đạo luật AUMF 2002. Nhưng phải chăng hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn lính tại Iraq?

Khi quyết định rút quân, và coi đấy là thắng lợi vì để lại một xứ Iraq "ổn định và dân chủ", Obama cố hạn chế quân số ở lại, chỉ với nhiệm vụ huấn luyện binh lính Iraq và bảo vệ an ninh cho Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad. Vì vậy, Hoa Kỳ hiện có 2.630 chiến binh. Rồi Obama tính nâng quân số tới 3.100, vẫn theo tinh thần "không đổ quân vào trận địa". Một cách cụ thể thì khi hữu sự - bị tấn công - binh lính Mỹ chỉ giữ thế thủ chứ không tham gia các chiến dịch truy lùng rắc rối. Giới chức quân sự Mỹ thì tin là phải cho quân lực phản công và các đơn vị tại chỗ được phép tác chiến có giới hạn. Đề nghị mới của Obama có thể giải quyết yêu cầu đó.

Theo quan điểm của Obama, nhược điểm của đạo luật AUMF 2001 là mở ra cuộc chiến bất tận, open-ended, nên ông mới đề nghị hạn kỳ ba năm, là khoảng thời gian tối thiểu để tái huấn luyện quân đội Iraq và các lực lượng Hồi giáo ôn hòa tại Syria chống chế độ Bashar al-Assad.

Nhưng chính thời hạn ba năm như vậy cũng có thể gây vấn đề.


***


Từ đảng Dân Chủ, nhiều dân biểu nghị sĩ phê phán đề nghị của Tổng thống là bao quát mà mơ hồ. Đành rằng cánh tả phản chiến thì chống đối mọi việc dụng binh, như phe "libertarian" bên đảng Cộng Hoà, nhưng nhiều người cũng sợ tình trạng "vỡ bờ", chiến dịch có thể vượt mục tiêu ban đầu. Ngược lại, từ đảng Cộng Hoà nhiều người cho là đề nghị của Hành pháp có thể cột tay quân đội vì đặt ra những giới hạn, thí dụ như không được đổ quân "vào các chiến dịch tấn công kéo dài".

Tức là một đề nghị muốn thoả mãn hai khuynh hướng trái ngược bị cả hai bác bỏ và đòi viết lại. Chẳng lẽ toà Bạch Cung không biết điều ấy?

Nhưng có lẽ mục tiêu của ban tham mưu Obama chỉ là tìm cơ hội thu hồi đạo luật AUMF 2002. Còn lại, nếu Quốc hội bàn cãi nhiều tuần nhiều tháng mà chưa xong thì đạo luật AUMF 2001 vẫn là cơ sở pháp lý của Obama khi quyết định can thiệp từ Tháng Tám, để khoanh vùng và tiêu diệt ISIL. Đến nay, việc khoanh vùng coi như hão huyền vì ISIL vẫn "mở mang lãnh thổ".

Việc tiêu diệt thì xin nhường cho người kế nhiệm sau 2016!


***

Chúng ta có thể kết luận thế nào về chuyện này?

Ngược với lập luận ở bên ngoài, đệ nhất siêu cường quân sự thật ra không dễ tung quân bắn phá mọi nơi vì có rất nhiều ràng buộc pháp lý bên trong. Nhưng vì quyền lợi, an ninh và cả trách nhiệm quốc tế, Hoa Kỳ cứ phải can thiệp vào thiên hạ sự, dù nhiều khi rất ngần ngại như hiện nay, với Chính quyền Obama.

Bị đả kích là chẳng có một chiến lược rõ rệt với mục tiêu được xác định, Obama dùng chiến lược pháp lý là đề nghị Á Uôm này để bán cái lại cho Quốc hội. Đối thủ của Mỹ vì vậy sẽ yên tâm. Mỹ khó ra quân, mà nếu có thì bị giới hạn về sức tấn công và làm gì thì cũng chỉ ba năm. Tội cho binh lính mệt phờ ở vùng hỏa tuyến - mà không được phép thắng!

________________________________

Chuyện chỉ có tại nước Mỹ

Tối Thứ Năm trước, khi vào khách sạn Fairmont tại San Francisco dự hội nghị kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến an ninh trên mạng (cyber security), Tổng thống Obama gặp trục trặc về chính đề tài này: toàn bộ hệ thống điện toán của khách sạn lừng danh bị tê liệt cho tới khi ông rời miền Bắc California. Theo Sở Bảo vệ Yếu nhân Secret Service của phái đoàn tổng thống thì đây chỉ là ngẫu nhiên. Chưa có gì chứng minh rằng đấy là do phá hoại hay tin tặc trong suốt hội nghị có Tổng thống tham dự. Có lẽ buồn tình, sau đó ông Obama đi Palm Spring vụt golf. Hài!

2 nhận xét:

  1. Cám ơn giáo sư về bài viết ngắn nhưng sâu sắc, vạch rỏ thái độ lừng khừng của Pres. Obama trước tình hình nguy cấp này. Em có đọc nhiều bài opinion tương tự trên WSP và WSJ, nhưng không gọn và rỏ như vậy. Lại nữa, có phải GS dùng chử 'À-uôm' như một analogy của tiếng cọp gầm đe doạ mơ hồ không? Nếu vậy, quả dí dỏm và thâm thuý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ mới vừa giải thích khi được phỏng vấn rằng sở dĩ thanh niên tham gia tổ chức ISIL là vì bị... thất nghiệp.

      Người điên không là bọn khủng bố sát nhân mà là những kẻ có học trong cái chính quyền quái đản này của Hoa Kỳ! Khỏi cần ai chống Mỹ, chỉ cần đám này lãnh đạo là nước Mỹ sẽ tan tành!

      Xóa