Thứ Sáu, tháng 2 06, 2015

Khủng Bố Không Là Mối Nguy Sinh Tử



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150106

Nhưng là vấn đề chiến lược của Hoa Kỳ   

* Hiệp sĩ Obama cưỡi lừa và con tim lang bang - Hý họa của Michael Ramirez trên tờ IBD  *



Mấy tuần qua, Chính quyền Barack Obama bị áp lực từ nhiều phía là phải đề ra chiến lược an ninh quốc gia chống lại phong trào Hồi giáo quá khích đang bành trướng khắp nơi.

Bên trong chính trường Hoa Kỳ, cuộc điều trần trước Thượng viện của một số tướng lãnh hồi hưu rồi của ba cựu Ngoại trưởng (Henry Kissinger, George Shultz và Madeleine Albright) cho thấy nhiều nhược điểm của Chính quyền về chiến lược an ninh. Từ bên ngoài, việc lực lượng ISIL (Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria) tung băng hình thiêu sống một phi công Jordan khiến Chính quyền tại Aman của vua Abdullah có phản ứng dữ dội và đơn phương ra lệnh oanh kích các mục tiêu của ISIL tại Syria lẫn Iraq khiến người ta càng thấy Hoa Kỳ thiếu phối hợp với các đồng minh thiết yếu tại Trung Đông trong chiến dịch đối phó với ISIL.

Giữa những biến động dồn dập ấy, hôm Chủ Nhật mùng một, đài CNN phát hình cuộc phỏng vấn Tổng thống Mỹ với Fareed Zacaria và sau đó ông Obama nhiều lần trình bày ý kiến về vấn đề chiến lược an ninh, lần cuối là hôm Thứ Năm mùng năm. Một cách khái quát, Obama nêu ra lý luận sau đây:

Nạn khủng bố không là mối đe dọa sinh tử cho Hoa Kỳ, ta cần có viễn kiến thích hợp chứ không nên có phản ứng quá đà. Vả lại, trong lịch sử, các cuộc Thập tự chinh (của Thiên Chúa giáo chống Hồi giáo) cũng cho thấy tính chất bạo lực của tôn giáo. Ngoài ra, từ đầu đến cuối, Obama và ban tham mưu tránh dùng chữ "khủng bố" hay "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan" (Radical Islam) mà tìm ra nhiều chữ khác để nói về hiện tượng này.

Chúng ta nghĩ sao về lập trường hay chủ trương đó của Chính quyền Obama?


***

Tổng thống Mỹ rất có lý khi nói rằng khủng bố không là mối nguy sinh tử (existential threat) cho Hoa Kỳ.

Nước Mỹ là một "hải đảo" trù phú vững mạnh giữa hai đại dương và hai láng giềng vừa yếu vừa là thân hữu nên không thể bị khủng bố đánh gục. Sau vụ khủng bố 9-11 năm 2001, phản ứng dữ dội của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush với hai chiến trường Afghanistan và Iraq trong một trận chiến chống khủng bố toàn cầu (global terrorism) đã đi quá đà với nhiều tốn kém và nhất là hậu quá chính trị bất lợi cho nước Mỹ. Quả thật như vậy cho nên Hoa Kỳ cần một viễn kiến lâu dài và cân nhắc nhiều khía cạnh khác nhau cho một chiến lược về an ninh.

Độc giả có thể ngạc nhiên khi thấy người viết đồng ý với Barack Obama về những điểm trên.

Nhưng chỉ đồng ý tới ngần đó mà thôi.

Obama là tay mơ ấu trĩ khi nhắc đến chuyện Thập Tự chinh như một cái tội của Thiên Chúa giáo và các nước Tây phương.

Tay mơ vì quên hẳn cả ngàn năm xung đột giữa hai nền văn minh hay tôn giáo ở hai bờ Địa Trung hải, trong đó, Hồi giáo cũng từng tấn công Âu Châu và có nhiều tội bạo hành nổi tiếng lịch sử. Ấu trĩ vì còn mặc cảm có tội của cánh tả Tây phương và luôn luôn so sánh tính chất vô đạo của hai bên mà quên rằng Tây phương đã có thay đổi.

Chế độ thần quyền và ảnh hưởng của tôn giáo tại Âu Châu đã thoái lui từ cuộc Cải cách tôn giáo, nguyên tắc dân chủ được tôn trọng từ cuộc Cách mạng Chính trị và sau này Giáo hội La Mã đã nhiều lần xác nhận những sai lầm cũ với tinh thần sám hối. Ngày nay, dù những người theo Thiên Chúa giáo bị bách hại khắp nơi, không một lãnh tụ tôn giáo nào - từ Công giáo, Tin lành, Anh giáo hay Chính thống giáo, và cả Do Thái giáo ở bên cạnh - kêu gọi giáo dân của mình mở cuộc Thánh chiến bằng máu để bảo vệ đạo pháp.

Những đổi thay ấy không hề có trong thế giới Hồi giáo.

Khi nhiều lần đánh đồng hai chuyện, theo kiểu "đôi bên cùng có tội", Obama đánh tráo lịch sử và cho thấy nếu không phải là tính chất ngây thơ thì cũng sự gian manh của lý luận. Người viết này thiên về cách giải thích thứ nhì. Đấy là một sự gian manh của lý luận, thường thấy trong khuynh hướng cực tả. Jimmy Carter có thể ngây thơ khí nói rằng nạn khủng bố Hồi giáo xuất phát từ mâu thuẫn giữa Israel với khối Á Rập về hồ sơ Palestine. Chính quyền Obama thì chẳng ngây thơ. Họ có dụng ý.

Nhưng thật ra chuyện ấy cũng chưa là nghiêm trọng nhất.

Chuyện nghiêm trọng là nếu phong trào Hồi giáo cực đoan không là mối nguy sinh tử thì cũng là vấn đề chiến lược cho nước Mỹ. Sau đây là những lý do...


***


Trong lịch sử nhân loại, hành vi khủng bố chỉ là phương pháp đấu tranh ban đầu của một lực lượng yếu thế. Vì yếu thế nên mới đánh lén. Họ dùng bạo lực mù quáng nhắm vào mục tiêu dễ tấn công để giết một người làm cả vạn người sợ hãi - và nhờ đó kết nạp được ngàn người. Những lực lượng cộng sản Mác-xít hay Mao-ít đều khởi sự như vậy. Các nhóm khủng bố của người Á Rập tại Palestine cũng thế cho đến khi hết được Liên banh Xô viết yểm trợ.

Ngoài phương pháp khủng bố, các lực lượng đấu tranh còn có nhiều phương pháp khác.

Đánh du kích, phá hoại, gây chiến tranh khuynh đảo và tuyên truyền để tiến dần tới nổi dậy hay tổng nổi dậy. Và có khi là trận địa chiến bằng lực lượng quân sự ở cấp sư đoàn trở lên. Việt Nam từng là chiến trường của ngần ấy hình thái đấu tranh cho tới cao điểm là 1975, khi Hoa Kỳ nản chí mà tháo chạy khiến các đơn vị chính quy của miền Bắc được đẩy vào miền Nam đánh gục một chế độ bị Hoa Kỳ trói tay từ năm 1973.

Các lực lượng Hồi giáo cực đoan quá khích, kể từ al-Qaeda và thủ lãnh Osama bin Laden, đã từng lý luận và công khai xác nhận điều ấy. Đây là một cuộc chiến lâu dài nhắm vào ý chí của đối phương. Nạn nhân vô tội mà có bị tàn sát theo đủ kiểu man rợ nhất thì cũng chỉ là phương tiện.

Nhưng phương pháp của phong trào Hồi giáo cực đoan xưng danh Thánh Chiến Jihad cũng đã có thay đổi.

Lực lượng al-Qaeda nguyên thủy nay đã bị tê liệt mà vẫn sản sinh ra nhiều nhóm al-Qaeda tự phát, nội hóa hay địa phương trải rộng từ Bắc Phi qua Trung Đông, Châu Phi và đến tận Châu Á. Trong các nhóm này, có Boko Haram đang ra tay tàn sát tại Phi Châu. Còn lực lượng Taliban đã từng chứa chấp al-Qaeda tại Afghanistan nay đang chuẩn bị trở về Kabul và đã bành trướng hoạt động khủng bố sang Pakistan.

Thoát thai từ nhóm al-Qaeda tại Iraq (AQI), một lực lương khác đã xuất hiện, còn hiếu sát hơn thầy cũ. Đó là lực lượng xưng danh Nhà nước Hồi giáo IS, là ISIL – Islamic State in Iraq and the Levant. Họ chính thức tuyên bố thành lập một Đế chế Hồi giáo với một Giáo chủ có cái tên lạ hoắc là Abu Bakr al-Baghdadi. Ngoài những thành tích khủng bố đến rợn người, lực lượng ISIL còn chiếm lĩnh một khu vực rộng lớn và nhiều giếng dầu trong lãnh thổ của Syria và Iraq.

Khi nhóm ISIL xuất hiện từ đầu năm ngoái, Tổng thống Obama gọi họ là bọn tay mơ, như một đội banh học sinh. Một năm sau là ngày nay, ta thấy Obama mới là tay mơ. Vì muốn rút khỏi Iraq và Afghanistan - bất kể tới hậu quả - Obama muốn giảm thấp tầm quan trọng của ISIL trong khi lực lượng này đã gửi đặc công vào tới Afghanistan. Nhưng khi ISIL bêu đầu hai thường dân Hoa Kỳ, ông không thể lùi trước sức ép của dư luận nên mới phải tuyên chiến – mà hẹn trước là chỉ oanh kích chứ không thả quân vào trận địa.

Ngày nay, chiến lược đánh cầm chừng và tránh leo thang chiến tranh như vậy mới bị các tướng lãnh và chiến lược gia Mỹ phê phán là rời rạc, thiếu phối hợp - mà cũng chẳng là chiến lược.


***

Vấn đề ở đây không chỉ là ngôn từ - chữ nghĩa sử dụng để minh định đối phương về mặt lý luận và tuyên truyền - như khủng bố hay khủng bố Hồi giáo hoặc dân quân ISIL hay chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Vấn đề ở đây là địa dư chiến lược cực kỳ nguy hiểm cho quyền lợi Hoa Kỳ khi hàng loạt quốc gia Hồi giáo bị các lực lượng Hồi giáo quá khích đe dọa bằng phương pháp khủng bố, nổi dậy và cả trận địa chiến.

Chưa kể lãnh thổ của Libya, Syria và Iraq, từ Somalia tại Đông Phi qua Yemen trong bán đảo Á Rập tới Mali hay Nigeria tại Tây Phi và thậm chí vào tới Philippines và Indonesia, hàng ngày vẫn có nhiều thanh niên bị lung lạc để tham gia "Thánh Chiến". Và phong trào nổi dậy để xây dựng Đế chế Hồi giáo đang có cả ngàn tay súng lẫn chiến xa để gây chiến ở nhiều nơi.

Đây là một cuộc chiến thật sự, sẽ kéo dài nhiều thập niên, và có thể làm thay đổi cục diện của ba lục địa Âu Châu, Phi Châu và Á Châu. Tại Mỹ Châu, Hoa Kỳ có thể an toan và chỉ phải đối phó với hành vi khủng bố tự sát của một vài cá nhân. Nhưng Hoa Kỳ không thể an toàn khi các lục địa kia có loạn.

Ngày xưa, tại Việt Nam, Hoa Kỳ đã lầm về ngôn từ khi gọi người cộng sản ở trong Nam là "Việt cộng", khác với Cộng sản ở miền Bắc. Vô hình chung, Mỹ chỉ nhìn thấy cái ngọn nhỏ nhít bị coi thường ở trong Nam mà quên cái gốc là miền Bắc và hậu phương của Hà Nội là Liên Xô và Trung Cộng. 

Ngày nay, Hoa Kỳ cũng sẽ lầm khi chỉ coi các lực lượng này là khủng bố mà phe lờ bản chất là "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan", mục tiêu là "Đế chế Hồi giáo", duy nhất lãnh đạo các nước Hồi giáo và thế giới. Và quên thực lực của họ là những sư đoàn đang làm rung chuyển thế giới Hồi giáo - và gợi hứng cho hoạt động khủng bố tự sát trong xương tủy của các nước dân chủ.

______________

Bài này được viết trước khi Chính quyền Obama công bố chiến lược an ninh mới, vào chiều Thứ Sáu, giờ thủ đô Washington.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét