Thứ Bảy, tháng 2 14, 2015

Đời Bất Công



Nguyễn-Xuân Nghĩa Việt Báo 150213

Đểu Thật! Thượng Đế Chia Bài Không Đều!    

* Hernán Cortés chinh phục Mexico vào năm 1519 *



Mỗi lần ăn Tết, ta lại nhớ đến một biến cố hào hùng của dân tộc. 

Không! Không phải trận Mậu Thân điếm nhục năm 1968 đâu. Chiến thắng Đống Đa vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 mới làm dân ta sảng khoái. Trong có năm ngày, Quang Trung Nguyễn Huệ đã đại phá quân Thanh qua những trận đánh long trời lở đất.

Nhưng vì sao đúng 70 năm sau, nước ta không thể cưỡng lại áp lực quân sự của thực dân, khi pháo hạm Pháp nã đạn vào Đà Nẵng? Sau đó, trong 24 năm, Pháp đánh đâu được đấy, với lực lượng vỏn vẹn có vài trăm binh lính? Vì hỏa lực, nhờ võ khí? Thế thì vì sao hỏa lực và võ khi của ta lại không được cải tiến trong 70 năm từ 1789 đến 1859?

Vì cái đầu!

Chuyện lịch sử ấy dẫn ta về địa dư. Diện tích Việt Nam chỉ thua diện tích lãnh thổ Nhật có gần 50 ngàn cây số vuông mà trù phú hơn nhiều. Và nay lại còn có dầu hỏa! Thế thì vì sao Việt Nam lại thua Nhật Bản đến cả thế kỷ dù đã "anh hùng đánh thắng mọi đế quốc đầu xỏ" như lời của những kẻ tự mã nông cạn? Cũng vì cái đầu.

Chuyện dân trí ấy dẫn ta về kinh tế. Những nhà kinh tế có từ tâm mà thiếu trí thường than phiền tình trạng bất công trong sự khác biệt về tài sản và lợi tức. Tài sản là những gì ta có – sau khi trừ bớt nợ nần. Lợi tức là những gì ta kiếm ra trong một thời khoảng nhất định – sau khi trừ bớt chi phí cho sản xuất.

Các nhà kinh tế này thiếu trí vì quên lịch sử  - mà cũng chẳng nhìn vào địa dư.

Trong lịch sử, có nhiều quốc gia từng là giàu có nhờ tài sản trời cho mà rồi tự biến ra lụn bại. Argentina là một thí dụ, vì mới trăm năm trước thôi còn là một trong 10 nước giàu nhất thế giới, hơn Đức rất xa. Ngày nay thì mấp mé vỡ nợ. Trong lịch sử xa xôi hơn, Trung Quốc từng là cường quốc làm Âu Châu thèm thuồng theo lời tường thuật đầy thán phục của Marco Polo và nhất là các giáo sĩ Dòng Tên sau đó, những bậc thông thái mà ngốc nghếch về thuật "quỷ biện" của văn hóa Trung Hoa. 

Vậy mà về sau Trung Quốc cứ lụn bại dần khi Âu Châu đã trải qua nhiều cuộc cách mạng về văn hóa, tôn giáo, chính trị và kỹ thuật. Lụn bại đến độ bị Âu Châu chinh phục. Rồi bị Nhật Bản khuất phục đúng 120 năm về trước, vào một năm Ất Mùi.

Nếu nhìn vào địa dư, các nhà kinh tế cũng nên tự hỏi là vì sao Singapore chỉ là một hải cảng đang phải nhập cảng nước ngọt để sống mà người dân lại có tài sản trung bình thuộc loại cao nhất thế giới? Và họ lại không nhổ bậy như người Tầu! Vì cái đầu?

Thật ra, thế giới này có rất nhiều bất công.

Cũng về địa dư, trên đại lục Âu-Á, trải từ miền Tây nước Pháp qua đến Viễn Đông, Liên bang Nga có lãnh thổ rộng lớn nhất và thuộc loại giàu tài nguyên nhất. Nhưng mức sống người dân vẫn thua các nước ở miền Tây, là những quốc gia bán đảo hay quần đảo từ Bắc Âu xuống Tây Âu đến Địa Trung Hải.

Khu vực tạm gọi là miền Tây của đại lục Âu-Á có bờ biển dài hơn cả lục địa Phi Châu, là hòn đảo vĩ đại rộng gấp đôi lãnh thổ Âu Châu! Hơn 500 năm trước, từ bán đảo Iberian, hai nước Âu Châu là Bồ Đào Nha rồi Tây Ban Nha đã dong buồm thám hiểm và tìm tới Châu Phi rồi Trung Nam Mỹ. Và đem về rất nhiều của cải! Bất công thật....

Nhưng ngần ấy khu vực Âu Châu hay Phi Châu, hoặc cả Châu Á bát ngát, chẳng xứ nào có lãnh thổ vuông vức và hệ thống sông ngòi liền lạc như Hoa Kỳ tại Bắc Mỹ. Thượng đế chia bài không đều tay nên có nước hay sắc dân được hưởng những điều kiện thiên nhiên - trước tiên là địa dư hình thể - thuận tiện hơn người khác.

Gặp điều kiện bất lợi, như quần đảo Nhật Bản với bốn đảo lớn và trăm ngàn chướng ngại bên trong, chưa kể tới núi lửa, động đất hay sóng thần, thì người dân mới sử dụng đến cái đầu.

Nó khởi đi từ ý chí cả thắng thiên nhiên bằng khoa học và tổ chức, hơn là nhờ tài ăn vạ. Người Nhật không hề ăn vạ Thượng đế hay Thái dương Thần nữ, họ coi đó là một thử thách của đấng siêu hình và nhìn thiên nhiên hay vật chất hữu hình là bài toán của khoa học mà thần dân phải giải quyết lấy! Bên cạnh đó, Đại Hàn còn xác xơ hơn cũng có ý chí tương tự.

Nếu người dân của hai xứ này lại có lãnh thổ trù phú như miền Nam Trung Hoa, hay châu thổ sông Cửu Long, có khi họ lại... lè phè như người Lào?

Các nhà kinh tế có từ tâm mà cứ nói đến chuyện bất công về tài sản hay lợi tức cần châm thêm một yếu tố bất công khác, là cái đầu. Hoặc nói theo thuật ngữ kinh tế là "tư bản nhân lực" – human capital. Và phải gia giảm bằng yếu tố tinh thần là tính ăn vạ và ỷ lại.

Một quốc gia ăn vạ thì thường quốc hữu hóa doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn trong lãnh thổ của mình, rồi biến nhà máy thành thép rỉ. Hãy hỏi lãnh đạo xứ Venezuela thì biết. Ngay trong nước Mỹ, nơi mà cuộc tranh luận về bất công đang là thời thượng, chương trình xoá đói giảm nghèo cho người da đen từ thời Lyndon Johnson lại khiến thành phần thiểu số này càng sa sút nếu so với các thành phần khác. Mà dù có sa sút thì vẫn còn hơn người da đen tại Châu Phi.


***

Trở lại chuyện Đống Đa 1789 hay Đà Nẵng 1859 của ta, thì ngoài cái nạn bất công về hỏa lực, võ khí, hay kỹ thuật, có một yếu tố khác cũng cần được xét đến khi ta nhớ đến vài hiện tượng tương tự của xứ khác: sự bất công đã có từ trước khi ta bị nã đạn!

Năm 1519, Hầu tước Hernán Cortés của xứ Tây Ban Nha cầm đầu một hải đội có 500 binh lính chinh phục cả xứ Mễ Tây Cơ khi đánh bại Đế quốc Aztec rất hùng mạnh tại đó. Tay Conquistador này thành công không vì có loại võ khí sát thương tối tân hơn cung tên dáo mác của người bản xứ tại kinh đô Tecnochtilán – nay thuộc khu vực Thủ đô Mexico City của Mễ.

Mấy trăm tay súng không thể diệt nổi vạn quân Aztec trong vùng đất lạ lần đầu tiên dân Âu Châu đặt chân tới. Ông ta sử dụng cái đầu.

Tại đây, dân Aztec mới chỉ làm chủ được có gần trăm năm sau khi đàn áp và lấn át khu vực sinh sống của dân Maya cùng nhiều thị tộc khác. Nạn bất công đã có từ trước và chính quyền Aztec tại Tecnochtilán không hoàn toàn kiểm soát được lãnh thổ. Cortés bèn áp dụng giải pháp ngoại giao: huy động các sắc tộc nạn nhân của dân Aztec làm đồng minh!

Thời Tự Đức của nước ta hình như cũng có bất công, khiến giặc giã nổi như ong.

Nhiều thành phần bị ngược đãi, kể cả người Công giáo, đã chẳng gia nhập các phong trào Văn Thân hay Cần Vương. Bậc anh hùng như Phan Đình Phùng có thể đã thất bại chính vì khẩu hiệu "Bình Tây Sát Tả": đẩy người Việt về phía bên kia. Nhà luân lý có kết án nạn "bồi Tây" hay "phản quốc" thì chẳng giải quyết được một vấn đề, là vì sao dân ta không sát cánh cùng nhau? Vì sao triều đình không sớm nghe lời một bậc đại trí Công giáo là Nguyễn Trường Tộ mà cải cách cái đầu?

Chẳng thể đơn giản nói rằng dân ta không yêu nước mà nên tự hỏi là vì sao triều đình không làm toàn dân đồng lòng dốc trí chống giặc?

Thiên hà ngôn tai, Trời có nói gì đâu. Chúng ta có quyền tự do tìm ra câu hỏi đúng, may ra thì có giải pháp thích hợp cho một hiện tại đầy bất công của Việt Nam. Cận Tết rồi, xin chỉ mạn đàm đến đó thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét