Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 150209
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Tái
diễn thi đua Nhật-Hoa
* Truyện hoạt họa Nhật Bản - Khi quái vật vùng lên *
Trong một bài kinh tế cuối năm - kỳ tới
sẽ là mùng bảy Tết - người viết tự nguyện là không làm độc giả nhức đầu mà lại còn
viết chuyện giải trí. Có được... nửa trống canh không?
Mở
tờ lịch Ất Mùi, ta có thể và nên nhớ đến một năm Ất Mùi khác, cách nay 120 cuốn
lịch hoặc hai vòng hoa giáp. Đó là 1895, một dấu mốc đáng nhớ, bị lãng quên mà
vẫn hiện đại. Năm đó, Nhật Bản đại thắng nhà Thanh sau trận thủy chiến năm Ngọ
2014! Đấy là chuyện hiện đại vì 120 năm sau, mâu thuẫn Hoa-Nhật đang tái diễn
ngoài Đông Hải khi cả hai đều gặp vấn đề kinh tế.
***
Người
Nhật có một dân tộc tính là "hùng" và một thú tiêu khiển là
"bi".
Không
hùng sao khi được trời cho hay bị trời hành với một quần đảo thiếu tài nguyên,
lại bị núi đèo sông ngòi chia ngang thành từng mảng và thường rung chuyển vì động
đất nhồi theo sóng thần. Người phàm thì chẳng thể là người Nhật được! Niềm kiêu
hãnh ấy được điểm xuyết bằng tính bi quan, hoặc cái dáng vẻ lầm lỳ bi phẫn trong cuộc sống. Khổ quá ư? Biết rồi,
hiện tại đã tệ, tương lai còn có thể tệ hơn nữa!
Xong
rồi, họ lừng lững đứng dậy.
Học
theo dân Mỹ, ta đọc tin kinh tế như ăn fast-food - mỳ ăn liền của Nhật ngon và đắt
hơn của Tầu – và lõm bõm nhớ là thị trường chứng khoán Nhật đã tuột hơn phân nửa
rồi tuột nữa. Trong 20 năm mới đụng đáy rồi nhích lên thật chậm từ năm 2011. Từ
dưới đáy sâu mà đi lên thì cũng là miên viễn. Vậy mà trong 24 năm qua, nước Nhật
chưa có loạn chính là do tính bi hùng của họ.
Từ
thành ngữ Kishi Kaisei của Nhật chúng
ta có thể ngẫm ra chân lý "ngộ không
kích nộ", trong cái chết thì ngộ ra lẽ sống, và vùng dậy! Đó là chuyện
"Abenomics", kinh tế chính
trị kiểu Shinzo Abe, vị Thủ tướng hiện nay.
Ông
là người đã "chết đi" mà "sống lại".
Tháng
Chín năm 2006, đảng Tự do Dân chủ LDP của ông có cái dạng của manh chiếu rách và
ông lên làm Thủ tướng giữa những vụ tai tiếng về tham nhũng. Đảng LDP mang nhục
và bị thảm bại trong bầu cử Thượng viện. Thuộc dòng dõi quyền thế, thấm mùi chính
trị khi còn ôm bầu sữa, Shinzo Abe là cháu ngoại của Thủ tướng Nobusuke Kishi.
Ông
Kishi cũng từng mang nhục, là viên chức trong chính quyền bại trận của Nhật hoàng
và ngồi tù chờ ngày bị Hoa Kỳ lôi ra xử án. Vậy mà ông lại ra tù, và trở thành
công trình sư, kiến trúc sư, của việc phục hưng nước Nhật bên cạnh Hoa Kỳ, đôi
mắt đăm đăm nhìn vào khối cộng sản trong lục địa, trên thì có Liên bang Xô viết,
dưới là Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Trung Cộng của Mao.
Năm
2007, khi tỷ lệ hậu thuẫn của mình tuột dưới mức 30%, Shinzo Abe có thể như một
võ sĩ đạo bị lột gươm, chẳng khác Kishi vào năm 1945. Người anh hùng bình thường
thì có thể lấy đoản đao rạch bụng theo phép seppuku
mà ra đi. Shinzo Abe chẳng làm được điều ấy vì bỗng bị sưng ruột. Ông đột
ngột từ chức sau đúng một năm cầm ấn Tướng quốc. Và coi như chấm dứt sự nghiệp
chính trị.
Nhưng
Kishi Kaisei!
Năm
2012, Shinzo Abe quay trở lại, tái sinh thành một Thủ tướng mới, với kế hoạch táo
bạo để phục hồi kinh tế Nhật. Chuyện không dễ và năm 2014, kinh tế Nhật lại bị
suy trầm nữa. Nhưng cử tri không nản chí, sau khi đã cho đảng LDP chiếm đa số tại
cả Hạ viện lẫn Thượng viện vào năm 2012 vẫn tín nhiệm Thủ tướng Abe. Ngày nay,
kinh tế Nhật Bản đang từ dưới đáy trồi lên như một con khủng long, trong khi cả
thế giới tự hỏi là liệu kinh tế Âu Châu có mắc bệnh Nhật Bản không, tức là trôi
vào thời kỳ giảm phát....
Nếu
giữ được cái đà này, Shinzo Abe có thể làm Thủ tướng cho đến năm 2018.
***
Nói
cho công bằng về thành tích của Shinzo Abe, thì ông có được thần phong thổi từ
Trung Quốc.
Thái
độ hung hăng của Bắc Kinh với Nhật Bản trong các năm 2010 và 2012 khiến tinh thần
bi hùng của dân Nhật dồn vào ý chí quật khởi của ông Abe. Đảng LDP thắng lớn năm
2012 một phần là nhờ tật phong Trung Quốc. Bây giờ trên đường đi lên, chàng võ
sĩ đạo Nhật Bản lại gặp tay thích khách gãy dao đi xuống: kinh tế Trung Quốc đang
mắc bệnh long đong của Nhật.
Giới
kinh tế gia thường ít đọc truyện võ hiệp cao xa như vậy. Đo lọ dưa mắm đếm củ dưa
hành, họ chú ý đến chuyện tầm thường là đi vay để làm gì và nói hoài về cái tật
đi vay để làm bậy. Trung Quốc vừa bước vào cõi nguy nga và nguy ngập của hiện
tượng làm bậy. Thuật ngữ kinh tế gọi là "Minsky moment", thời bể bát họ, từ cái tên của kinh tế gia Hyman
Minsky.
Đó
là khi tài sản bỗng đột ngột mất giá sau khi đi vay để làm chuyện ảo và thổi lên
bong bóng đầu cơ! Khi bóng bể làm tài sản mất giá thì mọi thứ đều mất theo. Với
đà gia tốc. Từ năm 2008 đến năm ngoái, Trung Quốc đi vay với tốc độ của một Thần
hành Thái bảo. Lẹ chưa từng thấy. Núi nợ chênh vênh nay đã có cái dạng cát chuồi
với tin tức dồn dập về các doanh nghiệp vỡ nợ. Dây chuyền.
Đấy
là lúc ta ngó vào tay đại thích khách Tập Cận Bình.
Lên
cầm quyền sau Đại hội 18, gần như cùng lúc với Shinzo Abe, họ Tập không lặng lẽ
thâu tóm quyền lực về trung ương và từ trung ương về tay mình. Dọc đường, cọp lớn
hay ruồi nhỏ của tham nhũng đều lần lượt sa lưới trong tiếng trống trận.
Khi
Shinzo Abe chật vật kích cầu để vực dầy nền kinh tế nằm ngang, Tập Cận Bình học
phép tiền nhân là xây dựng hệ thống "Đông Xưởng" đã thấy từ đời Minh.
Đó là bộ máy siêu mật thám, không để điều tra đám thần dân ong kiến ở dưới mà để
theo dõi và giăng lưới bắt các quan có ý khác ở chung quanh Thiên tử! Rồi được
ngài phán tội tham nhũng. Chứ ở trong hệ thống kinh tế chính trị ấy, có mấy ai
tồn tại mà không tham nhũng.
Cho
nên, từ thời Mao thời Đặng đến nay quần hào mới thấy Tập Cận Bình một tay có khí
tượng "nhất thống giang hồ". Cả tượng lẫn khí.
Nhưng
thế thì vì sao các thị trường chứng khoán của thiên hạ lại rơi rụng lả tả khi có
tin xấu từ Trung Quốc? Vì "thiên hạ" của Thiên tử ở Bắc Kinh đang rần
rần tẩu tán tài sản qua xứ khác. Đức Thánh Khổng đang được Tập Cận Bình vực dậy,
đã sớm dạy rằng bậc quân tử không nên ở trong xứ có loạn. Theo phép duy vật khôn
ngoan hơn, thần dân và doanh nghiệp Trung Quốc không giữ tiền ở nơi có mầm loạn.
Nghĩa
là thế nào?
Trong
khi dân Nhật thắt lưng buộc bụng, rau cháo có nhau để cho Nhà nước vay tiền cứu
nguy kinh tế trong một quần đảo bị vây hãm tứ bề thì dân Tầu lại ù té bỏ người
chạy lấy của. Đấy là... bối cảnh văn hóa của những tin tức hay phân tích về nỗi
lo của Thiên tử giữa hai bài toán chuyên môn là 1) làm sao cho tài hóa lưu thông để
phục hoạt kinh tế mà 2) không cho tài sản chảy ra ngoài.
Nói
nôm na theo kiểu kinh tế gia là làm sao giữ giá đồng Nhân dân tệ cho hấp dẫn để
giới có tiền khỏi bỏ Tổ quốc mà chạy, trong khi tiền Mỹ cứ lên giá làm cái neo
giàng giá tiền Tầu vào tiền Mỹ cứ căng như dây cung sắp bứt.
***
Bài
này mở đầu với chuyện Hoa-Nhật hoa gươm từ 120 năm trước và kết thúc với tin
kinh tế hàng ngày của năm Ất Mùi đang tới. Cũng là một cách dụ độc giả nhìn xem
lịch sử sẽ tái diễn ra sao, khi kinh tế cũng là chính trị! Có phải là giải trí đầu
năm không nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét