Thứ Năm, tháng 2 05, 2015

Hoa Kỳ và Iran - Những Trở Ngại



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người Việt 150204

Ba Đầu Có Sáu Tay Loạn Đả


* Hoa Kỳ và Iran, Obama muốn kéo lên - mà tuột xuống rốn *



Từ sáu năm nay, Chính quyền Barack Obama cố cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ với Iran, bị gián đoạn từ năm 1979 do cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Tehran. Ngày nay, nỗ lực đó vẫn gặp nhiều trở ngại. Hồ Sơ Người-Việt sẽ tìm hiểu tại sao, từ đó độc giả có thể theo dõi những bình luận của các phe liên hệ mà thấy ra sự thật quá phức tạp bên dưới.



Đôi Dòng Thời Sự


Khuôn khổ đối thoại hay đàm phán với Iran được đặt ra qua các hội nghị của nhóm P-5+1 với Chính quyền Tehran. Nhóm này gồm năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Tầu. Và một cường quốc Âu Châu (ý nghĩa của + 1) là Đức. Nội dung đàm phán là kế hoạch hạch tâm của Iran. Chính quyền Tehran lý luận rằng Iran có quyền giải quyết nhu cầu năng lượng dân sự của mình bằng hạch tâm (nuclear), nhưng thế giới biết kế hoạch ấy bao gồm cả việc chế tạo võ khí hạch tâm sau khi Tehran đã cải tiến kỹ thuật sản xuất hỏa tiễn tầm xa.

Chỉ cần gắn lên đầu hỏa tiễn một quả bom hạch tâm là Iran trở thành một cường quốc có loại võ khí cho đến nay vẫn là tuyệt đối ở trong một khu vực nhiễu nhương nhất địa cầu vì các lý do tôn giáo, ý thức hệ, khủng bố và dầu khí....

Trong sáu nước đàm phán, Mỹ giữ vai then chốt vì có khả năng chế tài bằng biện pháp cấm vận và thực tế thì đã áp dụng theo hai thế cương nhu. Ngoài ra, song song với các hội nghị của nhóm P-5+1 với Iran, Hoa Kỳ vẫn có các cuộc đàm phán tay đôi với Iran, như tại thành phố Genève và Zurich của Thụy Sĩ vào tháng trước. Lập luận của Mỹ là nếu Tehran từ bỏ ý định chế tạo võ khí hạch tâm thì được giải toả cấm vận và tiến dần đến việc bình thường hóa quan hệ với Washington.

Trong nhóm sáu nước, các quốc gia Âu Châu đều đứng chung với Mỹ, mà nhiều khi cũng chẳng biết là Mỹ nói riêng những gì với Iran trong các kỳ họp tay đôi. Trung Quốc thì giữ vị trí trung lập nhập nhằng. Còn Liên bang Nga thì tùy hồ sơ mà ủng hộ lập trường của Iran. Ở bên ngoài, và trong tầm đạn của Iran, Israel lo sợ nhất vì lãnh đạo Tehran không che giấu lập trường chống Do Thái, thậm chí còn hăm dọa đẩy dân Do Thái xuống biển và xoá bản đồ Israel tại Trung Đông.

Cũng theo thời sự thì hạn chót để khai thông bế tắc của vòng đàm phán P-5+1 với Iran là ngày 20 Tháng Bảy vừa qua. Kỳ hạn ấy đã qua mà không đạt kết quả. Và là một thất bại của Chính quyền Obama trong nội tình nước Mỹ.

Bước kế tiếp - lý do Hồ Sơ Người-Việt đề cập đến chuyện này - Thượng viện Mỹ vừa biểu quyết một Đạo luật do hai Nghị sĩ Cộng Hoà (Mark Kirk) và Dân Chủ (Robert Mendenez) của Ủy ban Ngân hàng đồng bảo trợ. Có tên là The Nuclear Free Iran Act (tạm dịch là Đạo luật chống Hạch tâm tại Iran), đề luật yêu cầu tăng cường cấm vận để tác động vào tiến trình đàm phán của P-5+1. Tổng thống Obama dọa sẽ phủ quyết và Thượng viện chỉ có thể vượt qua quyền phủ quyết của Hành pháp nếu đạt đa số hai phần ba, là 67 phiếu tại Thượng viện.

Lý do xuất hiện đạo luật này là đầu Tháng Hai, P-5+1 sẽ tái họp với Iran sau khi đại diện Mỹ và Iran đã hai lần đàm phán tay đôi tại Thụy Sĩ trung tuần tháng trước. Nghị trình thảo luận của P-5+1 có một tiêu chí là phải đạt thoả thuận về khuôn khổ chính trị vào ngày một Tháng Ba.

Giữa bối cảnh ấy, Chủ tịch Hạ viện là Dân biểu Cộng Hoà John Boehner lại mời Thủ tướng Israel là Benjamin Netanyahu sang chính thức phát biểu trước Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ vào mùng ba Tháng Ba. Ba điều đáng chú ý về thời sự là Tổng thống Mỹ không được Hạ viện thông báo hay hỏi ý về việc đó, sẽ không hội kiến với Thủ tướng Israel. Mà chính ông Netanyahu cũng phải tái tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel vào ngày 17 Tháng Ba.

Vì ngần ấy biến cố dồn dập của thời sự, ta thấy hạn kỳ thỏa thuận của nhóm P-5 +1 vào đầu Tháng Bảy 2015 sẽ là chuyện xa xôi diệu vợi. Nhưng đấy vẫn chưa là những trở ngại duy nhất.

Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran gặp nhiều trở ngại bên trong thủ đô của ba nước là Hoa Kỳ, Iran và Israel. Xin gọi Washington, Tehran và Jerusalem là ba cái đầu, và bên dưới lại có sáu phe dàn trận, chưa kể đến Liên bang Nga phá rối ở ngoài. Khi theo dõi nguyên ủy thì người có cảm tưởng là sáu tay đang loạn đả. Vì sao lại như vậy?


Hai Tay Trái Phải Tại Hoa Kỳ


Tại Washington, Quốc hội đã do Cộng Hoà kiểm soát, với chủ trương bảo thủ hơn về an ninh. Nhưng trong đảng Dân Chủ cũng có nhiều dân biểu nghị sĩ nghi ngờ lập trường hòa giải của Tổng thống với các quốc gia xưa nay đã từng chống Mỹ ra mặt và nay đang gặp khó khăn về kinh tế. Thí dụ như Iran, Cuba hay Bắc Hàn.

Vì vậy, trong Ủy ban Ngân hàng tại Thượng viện có trách nhiệm về luật cấm vận, Nghị sĩ Mark Kirk của Illinois (tốt nghiệp các Đại học Cornell, Georgetown và London School of Economics và cựu Trung tá Quân báo của Hải quân) đã cùng Nghị sĩ Bob Mendenez  bảo trợ đạo luật tăng mức cấm vận Iran. Nghị sĩ Mendenez tỵ nạn từ Cuba khi mới lên ba và là tay kỳ cựu trong các lãnh vực tài chính, ngân hàng và ngoại giao bên Dân Chủ. Cả hai nhân vậy này đều hậu thuẫn quan điểm cứng rắn với Iran của Thủ tướng Israel.

Khi Chủ tịch Hạ viện mời Netanyahu qua Mỹ nói chuyện với Quốc hội, hiển nhiên là ông muốn tạo cơ hội cho Thủ tướng Israel thuyết phục giới dân cử Hoa Kỳ.

Không phải tay vừa, Netanyahu là Thủ tướng đầu tiên của Do Thái ra đời tại Israel (năm 1949), từng sống tại Mỹ, tốt nghiệp ưu hạng các Đại học MIT và Harvard, làm việc trong doanh nghiệp Mỹ, về nhập ngũ và tác chiến, rồi làm Đại sứ của Israel tại Liên hiệp quốc, trước khi lên lãnh đạo đảng Likud.

Ông Netanyahu đề nghị ngày qua Mỹ nói chuyện với Quốc hội là trùng với kỳ hội hàng năm của American Israel Public Affairs Committee (AIPAC), một tổ chức vận động có ảnh hưởng của người Mỹ gốc Do Thái. Ông tới phát biểu tại hội nghị này với hy vọng AIPAC sẽ tranh thủ dư luận Mỹ và huy động được đủ phiếu tại Thượng viện để phá vỡ quyền phủ quyết của Obama.

Đã thế, việc lực lượng khủng bố xưng danh Islamic State tàn nhẫn thiêu sống một con tin người Jordan - có thể là từ mùng ba tháng trước mà mùng ba vừa rồi mới tung băng hình tuyên truyền sau khi dụ dỗ Nhật Bản và Jordan trao đổi con tin - càng làm dư luận Mỹ nhớ rằng xứ Jordan Hồi giáo là đồng minh hiếm hoi của Israel trong khu vực chiến lược này. Cùng ngày Thứ Ba, việc một số sinh viên rượt đuổi sinh viên Mỹ gốc Do Thái và hô khẩu hiệu Allahu Akbar của Hồi giáo ngay tại Đại học U.C. Davis ở California càng khiến người Mỹ giật mình. Và Thủ tướng Netanyahu cũng không quên nhắc lại rằng hôm 28 tháng trước, lực lượng khủng bố Hezbollah do Iran bảo trợ đã từ Lebanon bắn hỏa tiễn vào Israel.

Nhưng Chính quyền Obama không quên quạt ngược rằng chính Netanyahu cũng gặp trở ngại ở nhà!


Netanyahu Bị Vỗ Lưng


Hôm 21 tháng trước, khi việc đàm phán song phương giữa Washington và Tehran đang tiến hành, Ngoại trưởng John Kerry của ông Obama tiết lộ rằng một giới chức tình báo cao cấp nhất của Israel, thuộc cơ quan Mossad lừng danh, đã cảnh báo rằng việc Thủ tướng Netanyahu thăm Quốc hội Mỹ cũng chẳng khác gì ném lựu đạn vào cuộc thương thảo.

John Kerry có là phát ngôn viên của Tehran không?

Ngay hôm sau, tại Jerusalem, trùm tình báo Mossad lập tức phủ nhận lời phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, một cách chi tiết. Ông Tamir Pardo này cho biết ông ủng hộ việc gia tăng áp lực cấm vận với Iran. Và ẩn dụ về quả lựu đạn (của ông) không có nghĩa là để làm nổ tung việc hoà đàm mà chỉ để gây thêm căng thẳng hầu có lợi thế cao hơn trong việc thương thuyết với Tehran.

Sau khi người cầm đầu cơ qua Mossad trả lời như vậy, giới chức Jerusalem và báo chí Israel lập tức đả kích John Kerry qua hàng loạt chi tiết giải thích mà báo chí Mỹ và truyền thông thông ngôn của Việt Nam không tường thuật.

Thật ra, người ta thấy trong nội tình Israel cũng có nhiều dị biệt quan điểm về cách ứng phó với Iran và Hoa Kỳ.

Nằm trên tuyến đầu, dưới tầm đạn của Iran, nhiều giới chức quân sự và tình báo của Jerusalem không tin vào thiện chí hòa giải của các Giáo chủ tại Tehran (tháo gỡ kế hoạch hạch tâm) và muốn gây chướng ngại cho đàm phán bằng biện pháp mạnh, như tấn công lực lượng Hezbollah và các đơn vị ưu binh "Cảnh vệ Cách mạng Hồi giáo" (Islamic Revolutionary Corps) của Iran tại Lebanon. Đấy là nguyên ủy của những xung đột vừa qua tại Lebanon.

Ngược lại, nhiều viên chức an ninh và tình báo Israel lại không tin tưởng vào giải pháp mạnh đến độ gây thêm mâu thuẫn với Hoa Kỳ, dù sao vẫn là đồng minh chiến lược nhất và mạnh nhất của Israel. Từ Hoa Kỳ, Chính quyền Obama muốn khai thác dị biệt này.Tức là trong vụ đấu trí với Iran, hai đồng minh là Mỹ và Israel cũng pháo vào sân sau của nước bạn.

Vì vậy truyền thông có thể bị hoa mắt về quan hệ bạn-thù rắc rối ấy. Cũng may là nội bộ Iran cũng chẳng có quan điểm thống nhất.


Ba Tư Có Nhiều "Thánh Hoả Lệnh"


Người ta cứ nghĩ hệ thống lãnh đạo Tehran có sự nhất thống, mọi quyết định chiến lược đều xuất phát từ Đại giáo chủ Ali Hossein Khamenei, Lãnh tụ Tối cao của Iran. và Tổng thống Hassan Rouhani mới được bầu lên vào giữa năm 2013 chỉ là người chấp hành.

Thật ra, Khamenei đã 76 tuổi và có vấn đề về sức khỏe. Trong giai đoạn chuyển tiếp lãnh đạo, trở ngại lớn cho Giáo sĩ kiêm Luật gia Rouhani lại đến từ cánh hữu: lực lượng võ trang Islamic Revolutionary Guard, cơ chế quân chính đặc biệt, có quân đội riêng với quyền hạn rất lớn.

Trong tổ chức IRG này, nhiều phần tử cực đoan khai thác mối hiềm khích giữa Israel và Mỹ để chứng minh rằng hai xứ này đóng kịch với nhau hầu Mỹ giải giới Iran. Nghĩa là không thể tin vào thiện chí đàm phán của Hoa Kỳ. Vì vậy, vừa tiến hành đàm phán với Mỹ, Rouhani vừa phải đấu tranh để giảm bớt quyền hạn kinh tế và chính trị của lực lượng IRG!

Chính là trận đấu bên trong Tehran mới giải thích vì sao Tư lệnh Không quân của IRG lại xác nhận rằng họ đã cung cấp kỹ thuật chế tạo hỏa tiễn cho Hezbollah tại Lebanon và cho cả Iraq lẫn Syria!

Cái kẹt của Rouhani là ngay trong giả thuyết được Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận, kinh tế chỉ khả quan hơn sau nhiều năm chứ không có kết quả lập tức và những khó khăn kéo dài của Iran càng củng cố lập trường bảo thủ và hoài nghi của phe cực hữu. Nếu Quốc hội Mỹ có biện pháp cứng rắn hơn sau khi vượt khỏi quyền phủ quyết của Tổng thống Obama, Rouhani sẽ lâm thế kẹt.

Như chưa đủ rắc rối, đằng sau Tehran còn có Tổng thống Vladimir Putin thọc gậy bánh xe để giải tỏa áp lực của Tây phương trong vụ Ukraine. Moscow và Tehran đang thương thuyết việc Nga bán hỏa tiễn S-300 cho hệ thống phòng không của Iran. Nếu Âu và Mỹ tiếp tục gây sức ép với Nga, Putin sẽ "phóng hoả tiễn" vào cuộc hoà đàm.

_______________________

Kết luận ở đây là gì?

Việc đàm phán tay đôi, tay ba hay tay sáu tay bẩy để bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Hoa Kỳ sẽ khó có kết quả trong năm nay. Qua năm tới, Hoa Kỳ lại có Tổng tuyển cử!

Phải chi ngày xưa chúng ta cũng có cơ hội theo dõi năm năm "hòa đàm" giữa Washington và Hà Nội như ngày nay!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét