Thứ Sáu, tháng 2 20, 2015

Một Đế Quốc Xuất Hiện



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150218

Từ Quốc Nhục Đến Phục Hưng, Giấc Mơ Của Trung Quốc  

* Khi con rồng sắp lộn với tay lái rồng Tập Cận Bình *



Cứ vào Xuân mới, chúng ta lại nói đến một vận hội mới, có khi còn đi xin xâm hay đọc sấm để đoán về chuyện cáy hung. Nhưng hãy thử nhìn vào "vận hội mới" của gã láng giềng xem sao.

Sau đó thì ta hãy tính...

Dân Á Châu thường nhìn thời gian theo hình tròn. Cứ hết một chu kỳ lại quay về chốn cũ. Lãnh đạo Trung Quốc cũng vậy. Với họ vòng thời gian đó khởi đi từ nỗi thảm nhục khi xã hội sâu xé, quốc gia bị xâm lược và mất trăm năm mới đến ngày phục hưng.

Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh điểm ra và giảng lại bốn chu kỳ ấy như sau, mỗi chữ được coi là mật hiệu sáng trưng – cách bảo vệ bí mật hay nhất là bầy ra giữa chợ:

1) Thời Quốc nhục kéo dài 110 năm, từ khi Trung Quốc bị liệt cường tấn công năm 1839 và chỉ chấm dứt vào năm 1949 khi đảng Cộng sản giành chính quyền và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 2) Thời Tái thiết kéo dài mất 62 năm, từ cuối 1949 cho đến Đại hội 18 vào cuối năm 2012. 3) Nhưng nhờ có đảng mà thời gian bỗng thành gia tốc, đến năm 2020 thì hoàn tất thời Thịnh vượng. Sau cùng, 4) thời Phục hưng sẽ trở lại vào năm 2049, đúng trăm năm sau khi Cộng hoà Nhân dân xuất hiện.

Đấy là quẻ "Quang diện Trung Hoa", quẻ thứ 14 của Mã Tiền khóa, nghe nói là 14 quẻ bói do Khổng Minh gieo trước đầu ngựa!

Trở lại chuyện hiện tại và hiện đại, ngần ấy cách đếm của gã láng giềng thu gọn vào một mục tiêu cho thế hệ ngày nay là: Phục hưng.

Muốn tiến tới đó thì đảng và toàn dân phải xây dựng được một xã hội tương đối thịnh vượng vào năm 2020 - trong năm năm tới. Để từ đấy, Trung Quốc sẽ thành phú cường, giàu và mạnh, vào năm 1949. Và đứng ngang tầm Hoa Kỳ để giải quyết thiên hạ sự. Lãnh đạo mới nổi của Bắc Kinh là Tập Cận Bình tóm lược ngần ấy giấc mơ vào một chữ: Trung Quốc Mộng". Ở nhà bên cạnh, chúng ta gọi đó là sự xuất hiện của một Đế quốc.

Chuyện mới mà cũ đối với những người Việt còn nhớ lịch sử của quan hệ Việt-Hoa, Ta-Tầu.


***


Chúng ta không quên một số từ có vẻ như là khẩu hiệu kể trên (vì vậy mới in nghiêng) khi nghe lãnh đạo Bắc Kinh phát ngôn. Đấy là cẩm nang, thần chú - hoặc nghị quyết - tùy theo tầm nhìn của từng người.

Sau đây là lộ trình mà Tập Cận Bình đã đề ra.

Sau thời Quốc nhục, trong giai đoạn Tái thiết, Trung Quốc phải nuốt nhục tỏ vẻ ôn nhu với thiên hạ - để còn lừa thiên hạ. Đấy là chủ trương "thao quang - dưỡng hối" của Đặng Tiểu Bình, nhằm lặng lẽ xây dựng nội lực dưới cái vẻ quang minh ở trên, với bên ngoài. Ngày nay, khi tiến lên Thời Thịnh vượng kể từ năm 2012 thì Trung Quốc bắt đầu phương pháp ngoại giao "hữu vi": từng bước tích cực can thiệp vào thiên hạ sự với tư thế cường quốc.

Gã láng giềng này can thiệp theo hai hướng âm dương hay vương bá.

Phần tích cực và tử tế là "phóng tài hóa thu nhân tâm", cụ thể là đầu tư và giao thương để tranh thủ bạn hàng và đồng minh trong tinh thần "vương đạo", nhằm xây dựng một thế giới ổn định, thịnh vượng và hòa bình.

Phần âm nhu mờ ám đầy chất bá đạo là sử dụng sức mạnh kinh tế lẫn quân sự, để cái gì Trung Quốc chưa có thì Bắc Kinh đàm phán thương thảo. Cái gì đã lấy được - ăn cắp hay cướp được – thì sẽ không trả. Trong từng bước chinh phục ấy, quy tắc hành xử là "mềm nắn, rắn buông".

Một cách rất phàm tục là nếu bị thiên hạ phản đối thì gã láng giềng cười cười rút về đánh câu xính xái.


***


Bây giờ, ta hãy kiểm điểm cách vận trù phương pháp hữu vi ấy của gã tập sự bá quyền, trước khi gã chiếm lại tư thế Đế quốc.

Trong 10 năm tới, Bắc Kinh trù tính tuôn ra một ngàn 250 tỷ đô la để quang minh chính đại thu phục nhân tâm bằng cái bao tử. Hai vòi bơm chính thức là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập cảng Exim Bank. Bơm vào các dự án phát triển hạ tầng hoặc khai thác nguyên nhiên vật liệu để bảo đảm nguồn cung cấp cho kinh tế ở nhà, và tranh thủ các chế độ hữu nghị theo kiểu "bốn tốt". Tứ hảo là biểu hiện của "tứ hải giai huynh đệ" mà!

Không chỉ dùng vòi bơm của mình, gã láng giềng còn muốn tung tiền vào các định chế tài chánh quốc tế để nâng ảnh hưởng. Khi thấy Hoa Kỳ và Nhật Bản chòm chõm nhìn vào âm mưu đó, gã bèn rủ rê mấy xứ khác lập ra Ngân hàng Phát triển mới, New Development Bank, có trụ sở tại Thượng Hải. Để tranh hùng và tranh khách với Ngân hàng Thế giới, cái định chế đã công kênh gã lên bằng những dự án phát triển ban đầu, từ 30 năm về trước.

Ngân hàng Thế giới đáng được tuyên dương vì giúp gã láng giềng này thực hiện kế "thuận thủ khiên dương" trong "Tam Thập Lục Kế". Tiện tay dắt dê của người ta về nhà của mình! Năm Mùi mà quên chuyện đó là vẫn chưa tường!

Tài hóa là như vậy, tài vật lại còn tinh vi hơn vậy. Đấy là kế hoạch tái xây dựng và phát triển Con Đường Tơ Lụa, trên đất và ngoài biển. Ti Đạo không phải là ăn cắp ti tiện đâu!

Mạng lưới "ti đạo" ấy bao trùm lên toàn cõi Trung Á để vươn tới Trung Đông và Âu Châu. Từ các tỉnh miền Nam bị khóa trong lục địa, mạng lưới đan tới Nam Á, Ấn Độ dương và Đông Nam Á, phủ lên mặt biển Đông Nam Á đến tận quần đảo Nam Dương và Úc Châu. Và nối liền với cái lưỡi bò chín khúc ngoài Đông hải.

Một học sinh biết đọc bản đồ cũng thấy ra tầm cỡ vĩ đại của Trung Quốc Mộng. Người tò mò thì tìm hiểu xem cái lưới trời lồng lộng ấy được bảo vệ ra sao, bằng quân sự....


***

Chuyện thiết thực là bảo vệ thế nào về kinh tế, với hậu quả ra sao?

Gã láng giềng đã có xu hào rủng rỉnh thì nghĩ đến việc bảo vệ bằng đồng tiền. Đồng Nguyên của Trung Quốc phải có giá trị giao hoán, ổn định và khả tín, để trở thành ngoại tệ quốc tế cho đến ngày truất phế Mỹ kim. Xứ nào bắt đầu dùng đồng Nhân dân tệ làm ngoại tệ thanh toán các nghiệp vụ mua bán với Bắc Kinh là bắt đầu trôi vào vòng thắm thiết. Sắt đỏ. 

Hà Nội ơi, sao đội kim cô lên đầu như vậy?

Gã láng giềng đã phóng tài hóa thì chỉ cần nhân tâm chứ khỏi lo về lời lỗ kinh doanh. Lỗ về kinh doanh mà lời về chính trị thì vẫn là xứng đáng. Nhờ vậy mà làm ăn với gã là dễ thở hơn với Mỹ. Nhờ vậy mà cả vùng Á Phi đã có những dự án rất quái. Bauxite tại Việt Nam chỉ là thí dụ nhỏ mà người khờ thì cứ tưởng là to. Vì không nhìn ra thâm thực ý của Đế quốc.

Hậu quả?

Trung Quốc đang vươn thành đệ nhất cường quốc Á Châu, đòi nói chuyện ngang hàng với Hoa Kỳ và sau khi "rạch đôi sơn hà" thì sẽ mời Mỹ đi chơi chỗ khác. Đây là lãnh địa của ta, sau này Thiên hạ cũng là của ta.

Sau giấc mơ "kết hợp Trung Quốc" để nhờ kinh tế thị trường cảm hóa chế độ chính trị, Hoa Kỳ đang nhìn ra một cái hố đen thăm thẳm. Khi ấy, sau thời mơ mòng cải tạo của Barack Obama, nước Mỹ sẽ làm gì? Đẩy ra hay kéo vào? Be bờ hay cộng tác?

Còn các nước kia? Làm ăn với Trung Quốc để cùng chia sẻ sự thịnh vượng chung, mà vẫn mua bảo hiểm của Hoa Kỳ để bảo vệ an ninh cho két bạc và sự vẹn toàn của lãnh thổ? Những tính toán ấy sẽ là thời sự cho năm Mùi.

Ngày Tết mà bói quẻ thời sự như vậy, ta lại thấy có một cái que thổ tả văng khỏi ống: "Định hướng Xã hội Chủ nghĩa" của đảng ta, hay đảng nó. 

Cực xấu!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét