Thứ Tư, tháng 2 18, 2015

Quốc Hội Pháp Lại Khủng Hoảng



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt Ngày 150118


Mùng Một Tết Ất Mùi, Chính Phủ Pháp Có Thể Đổ

* Thủ tướng Valls nâng khăn sửa áo cho Tổng thống Hollande *


Một lần nữa, nước Pháp lại trôi vào giông bão khi Nội các Manuel Valls của Tổng thống François Hollande thuộc đảng Xã Hội tính ra thì không có đủ phiếu thông qua một sự luật cải cách kinh tế nên phải viện dẫn điều 40 khoản 3 của Hiến pháp để Hành pháp ban hành dự luật theo thủ tục bất thường là không qua Quốc hội. Gặp trường hợp đó, giới dân cử chống dự luật chỉ còn giải pháp là yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Nếu họ đủ đa số, Chính phủ Pháp có thể đổ vào mùng một Tết này. Khi ấy, Tổng thống Pháp sẽ giải tán Quốc hội và cho bầu cử lại. 

Vụ khủng hoảng chính trị xảy ra trong lúc dầu sôi lửa bỏng tại Âu Châu vì quá nhiều vấn đề, từ Ukraine đến Euro và khủng bố của Hồi giáo quá khích. Vì lý do đó, Hồ Sơ Người-Việt trong buổi đầu năm sẽ... khỏi ăn Tết mà làm bản tổng kết cho quý độc giả.


Kinh Tế Pháp Và Dự Luật Macron


Sau vụ khủng hoảng Euro từ sáu năm trước, kinh tế Pháp vẫn ở vào tình trạng bấp bênh suy trầm, với thất nghiệp cao và sức cạnh tranh sa sút. 

Vì vụ khủng hoảng, ông François Hollande khá tầm thường của đảng Xã hội (PS) thắng phiếu Tổng thống Nicolas Sarkozy của đảng UMP (Liên hiệp Phong trào Đại chúng) thuộc khuynh hướng trung hữu, để lên làm Tổng thống Pháp từ Tháng Năm năm 2012. 

Nhưng ông cũng chẳng tạo ra phép lạ vì nhiều ách tắc trong hệ thống kinh tế xã hội Pháp và lại còn gặp sự nổi loạn từ trong đảng và từ các nhóm cực tả. Đầu năm ngoái, ông bổ nhiệm một nhân vật thân tín lên làm Thủ tướng là Maurice Valls. 

Nội các Valls có Tổng trưởng Kinh tế là Emmanuel Macron với nhiệm vụ phục hoạt nền kinh tế èo uột của  Pháp. Ông Macron đã tham khảo ý kiến từ mọi nơi để hoàn thành kế hoạch cải cách, nội dung của dự luật mang tên ông, là Dự luật Macron.

Suốt ngày 17 vừa qua, Thủ tướng Valls ra sức vận động từng Dân biểu trong đảng Xã hội để bỏ phiếu thông qua Dự luật Macron. Nhưng sau những gian nan được tính từng giờ và từng phút, đảng Xã hội đang có đa số vẫn có thể thiếu gần một chục phiếu vì sự chống đối bên cánh tả của mình. 

Vì vậy, trưa ngày 17 Thủ tướng Valls tham khảo ý kiến của Tổng thống Pháp tại Điện Élysées để họp Hội đồng Chính phủ tại Dinh Tổng thống trong chớp nhoáng. Rồi tuyên bố sẽ ban hành dự luật thành Đạo luật theo thủ tục quy định tại Điều 49.3 của bản Hiến pháp nền Đệ ngũ Cộng hoà. Đây là một biện pháp táo bạo và có tính chất áp đặt (ngôn từ của ông Hollande khi còn là dân biểu) vì vượt qua Lập pháp và có thể làm Chính phủ đổ khi bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.


Dự Luật Macron Là Gì?


Từ lâu, xã hội Pháp bị xơ cứng trong tình trạng bất động và cạnh tranh yếu kém vì quyền lợi riêng của nhiều thành phần, của các nghiệp đoàn đủ loại. Tinh thần bao quát hơn vậy là ý thích hưởng nhàn và quyền lợi riêng phải được bảo vệ. Trước nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh sa sút chung của cả khối Âu châu, Chính quyền Hollande muốn phá vỡ một số rào cản ấy. Dự luật Macron là một thí dụ, và một thử thách.

Mục tiêu của Dự luật là "giải phóng tiềm năng chưa khai thác để phát triển và kịch hoạt kinh tế". Nghĩa là Pháp có nhiều tiềm năng chưa sử dụng vì bị cản trở, dự luật cố vượt qua lực cản đó để phát triển nền kinh tế. Đi vào cụ thể thì đây là những đề nghị chính:

- Cho phép các cửa hàng được mở cửa làm ăn 12 ngày Chủ Nhật thay vì chỉ có năm ngày như hiện nay. Chúng ta có thể ngạc nhiên, nhưng tại Pháp, mở cửa buôn bán vào ngày Chủ Nhật là phải có phép, chứ không phải ai ai cũng tự do muốn đóng muốn mở khi nào cũng được.

- Lập ra các khu du lịch quốc tế trong đó mọi người đều có thể làm việc vào Chủ Nhật hay chiều tối trong suốt năm. Một ngạc nhiên khác về quy định khi nào được làm ăn, khi nào thì không.

- Vì cho phép đi làm ngày Chủ Nhật, dự luật cũng trù tính một chế độ tưởng thưởng lương bổng khác. Làm việc ngày Chủ Nhật thì có ăn lương "giờ phụ trội" hay không?

- Trong một số ngành có quy định, như chưởng khế, phụ tá pháp lý làm công chứng, thì sẽ giải toả hạn chế và tính ra một giá biểu thù lao mới. Khi có người mới được tham gia thị trường lao động khá đặc biệt này thì họ hưởng những gì và người có sẵn trong nghề sẽ bị cạnh tranh ra sao? Dự luật Macron muốn gỡ hàng rào cho nhiều người bước vào một thị trường lao động được bảo vệ và vì vậy mới bị chống.

- Về giao thông vận tải, dự luật Macron đề nghị mở ra mạng lưới xe buýt toàn quốc bổ sung mạng lưới hỏa xa sẵn có và ra quy định mới về lệ phí trên xa lộ có trả tiền để giới hạn việc tăng giá. Dù có tạo ra cơ hội đầu tư và lao động bằng xe buýt, đề nghị này xâm phạm cái thế gần như độc quyền của nhân viên hỏa xa và các nghiệp đoàn rất mạnh trong ngành này.

Chỉ nhìn vào một số đề nghị chính thì người ta cũng hiểu là vì sao khả năng cạnh tranh của kinh tế Pháp bị sa sút. Có quá nhiều lãnh vực được bảo vệ bằng đặc quyền và vì không muốn bỏ nên kinh tế chưa tận dụng được tiềm năng của mình. Đáng chú ý nhất là sự chống đối nỗ lực giải phóng ấy lại xuất phát từ cánh tả của đảng Xã hội, một đảng thuộc khuynh hướng trung tả!

Vì sự chống đối này, Tổng thống và Thủ tướng Pháp lấy quyết định táo bạo là qua mặt Quốc hội với Điều 49.3 của Hiến Pháp.

Điều 49 Khoản 3 Của Hiến Pháp


Đệ Ngũ Cộng Hoà Pháp ra đời năm 1958 với bản Hiến pháp nay đã gần 57 tuổi. Trong khoảng thời gian đó, đã có 81 lần mà điều 49.3 đã được viện dẫn. Đa số, tới 51 lần, là do quyết định của chính quyền cánh tả, với kỷ lục là của Thủ tướng Michel Roccard, 28 lần.

Điều khoản 49.3 ấy là gì?

"Sau khi Hội đồng Chính phủ (Nội các) thảo luận, Thủ tướng có thể nhận trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội để thông qua một dự luật về tài chánh hay về chế độ An sinh Xã hội. Trường hợp đó, dự luật được coi là đã biểu quyết, nếu không có một đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm được đệ nạp nội 24 giờ sau". 

Nói cho dễ hiểu, Thủ tướng Valls đã triệu tập Hội đồng Chính phủ bất thường trước sự chủ tọa của Tổng thống và thông báo quyết định viện dẫn điều khoản trên để thông qua dự luật Macron. Ngay lập tức, các đảng đối lập từ trung hữu UMP đến cực hữu là Mặt trận Quốc gia (Front National) và cánh cực tả đã thông báo là sẽ đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ ("motion de censure" theo Pháp ngữ). Nếu họ chiếm đa số ngày Thứ Năm 19 này, Chính phủ Valls sẽ đổ.

Khi đó, Tổng thống Hollande phải quyết định giải tán Quốc hội và cho bầu cử lại.

Từ khi có biện pháp bất thường này, mọi phe phái đều đếm phiếu và phe chống đối dự luật Macron bên cánh tả rơi vào thế kẹt. Vì chống dự luật mà họ có thể làm chính quyền cánh tả của họ bị đổ và cuộc bầu cử sau đó có thể đưa lên một chính quyền trung hữu. Phải chăng đây là một quyết định tháu cáy của Tổng thống Hollande và Thủ tướng Valls? 

Chúng ta chưa biết được kết quả, chỉ hiểu rằng trên nguyên tắc, Tổng thống Hollande còn tại chức cho hết nhiệm kỳ năm năm, tới 2017. Nhưng có thể phải sống chung với một nội các trung hữu và một đảng cực hữu rất mạnh nếu họ thắng trong cuộc bầu cử sau khi Quốc hội này bị giải tán.

Nhìn rộng ra ngoài, cuộc khủng hoảng bùng nổ vào thời điểm cực kỳ bất lợi cho khối Euro khi Pháp cùng nhiều quốc gia Âu châu khác đang đả kích các biện pháp kinh tế khắc khổ và gây áp lực để nước Đức và Liên hiệp Âu châu giảm đòi hỏi về bội chi ngân sách. Trong khi đó, Pháp và Đức cũng đang phải đối đầu với Liên bang Nga về chuyện Ukraine, làm sao kế hoạch ngưng bắn được thực thi mà Nga không đòi Ukraine tu chỉnh hiến phá để giảm bớt quyền hạn của Chính quyền trung ương tại Kyiv. Chúng ta chưa nói đến cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo sau khi Pháp bị tấn công ngay tại Paris vào đầu năm dương lịch, vụ Charlie Hebdo....

__________________

Kết luận ở đây là gì?

Làm báo thì không ăn Tết nên vẫn phải loan tin!
Mà năm Mùi khai mở với nhiều tin tức nhức tim!
Nhưng dù sao, kính mừng năm mới!

2 nhận xét: