Thứ Bảy, tháng 2 14, 2015

Những Chuyện Năm Mùi



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Tribune Xuân Ất Mùi

Những cái đinh nhức nhối trong ký ức tập thể    

* Thời gian hình tròn *



Trí nhớ con người vốn có hạn nên ta thường nghĩ là một biến cố gần mới có ảnh hưởng quan trọng hơn nhiều chuyện xảy ra ở xa hơn trong lịch sử. Nếu vượt qua trở ngại ấy mà nhìn về quá khứ thì người Việt ta lại có hai... loại đinh để ghim những thời điểm nên nhắc nhở: đinh ta và đinh tây! Đinh ta là mình theo âm lịch và đinh tây là dùng dương lịch. Thí dụ như những chuyện năm Mùi, hay những dấu mốc tròn của ký ức, 10 năm, 50 năm, hay cả trăm năm, tính theo lịch tây....

Bài này được viết theo tinh thần đó, với những nhận xét mang tính chất điểm xuyết có phần u uẩn - và lạc quan.


***


Trước hết, bước vào năm Ất Mùi, chúng ta nên nhớ về năm Quý Mùi 1883 - cách nay 132 năm.

Hỏi người ngoại quốc có hiểu biết thì họ nhớ năm 1883 là khi Karl Marx tạ thế, ở tuổi 65. Sở dĩ nhớ là vì ảnh hưởng của Marx trong thế kỷ 20. Năm 1848, khi Karl Marx và Friedrich Engels tung ra bản "Tuyên ngôn Cộng sản", chỉ một số rất ít đã sớm nhìn ra sự thật: hai thanh niên chưa hề lao động một ngày trong đời lại hùng hồn nhân danh giai cấp lao động kêu gọi lật đổ cái chế độ đã nuôi sống họ!

Về sau, những người sáng suốt nhìn ra chân tướng của Marx như vậy nghe chừng vẫn còn ít vì một hiện tượng khác: nhiều thanh niên thuộc gia đình trưởng giả tiếp tục con đường cực đoan - mà họ gọi là cấp tiến - cũng nhân danh "thợ thuyền" hay "nhân dân", để đòi làm cách mạng cộng sản. Thế kỷ 20 bị chiến tranh và loạn lạc liên miên, một phần cũng vì nghịch lý ấy.

Đây là nghịch lý cũng thấy tại Việt Nam và phần nào giải thích hiện tượng cộng sản hay "lực lượng thứ ba" và những kẻ đồng hành với cộng sản sau năm 1975 lại bị đảng tru diệt! Vì thế, dù chẳng thể quên được cái mốc 1975, năm Quý Mùi 1883 rất xa xưa thật ra cũng đáng nhớ!

Huống hồ, với chúng ta là nạn nhân của Marx và đám hậu duệ cuồng điên, năm Quý Mùi 1883 còn đáng nhớ vì nhiều lẽ khác....

Năm Ất Mùi 1859, thực dân Pháp nã đạn vào Đà Nẵng và sau 24 năm xâm lược từ Nam ra Bắc, họ hoàn tất việc chinh phục Việt Nam với "Hòa ước Harmand" hay Hiệp ước Quý Mùi 1883. Pháp gặt hái thành quả mang tính chất quyết định với 27 điều khoản áp đặt quyền cai trị trên đất nước Việt Nam được chia làm ba miền.

Sau khi khuất phục triều Mãn Thanh với Hiệp ước Thiên Tân năm 1883, Pháp quay lại đóng thêm cái chốt với Hiệp ước Giáp Thân 1884, hay Hòa ước Patenôtre, từ tên của Jules Patenôtre des Noyers, một học giả và nhà ngoại giao Pháp. Nhắc lại cho gọn: Việt Nam thật sự mất chủ quyền vào tay Thực dân Pháp từ năm Quý Mùi 1883. Một chuyện năm Mùi chẳng nên quên!

Cũng năm Quý Mùi 1883 đó, một nhân vật ra đời mà không ngờ là 62 năm sau sẽ là Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Đó là học giả Trần Trọng Kim với một Nội các có nhiều nhân tài trong một thời gian ngắn ngủi đã cố dựng nền móng cho quốc gia.

Trong cái trớn của Đệ nhị Thế chiến, kết thúc tại Á châu khi Nhật Bản bị "Đồng Minh" đánh bại, Việt Nam đã giành lại độc lập vào năm 1945, cách nay đúng 70 năm, vì kết thúc luôn hậu quả của Hiệp ước Quý Mùi 1883. Đây là cái đinh chọc thủng huyền thoại kia là vụ Việt Minh cướp chính quyền rồi ngụy danh thành "Cách mạng Tháng Tám" năm 1945.

Đời sau mà quên chuỗi sự kiện dồn dập vào năm 1945 thì tiếp tục "nhận giặc làm cha" và không nhìn ra nguyên ủy sâu xa của biến cố 1975. Giữa hai thời điểm ấy, ta cũng chẳng thể quên rằng hai nền Cộng Hoà tại miền Nam đều xuất hiện vào năm Mùi: Ất Mùi 1955 và Đinh Mùi 1967.

Trong cuốn biên khảo mới nhất về "Trật tự Thế giới", World Order, xuất bản vào Tháng Chín năm 2014, Henry Kissinger có biện bạch về nhiều lý do thất bại tại Việt Nam năm 1975. Một lý do được viện dẫn là vì Miền Nam (Việt Nam Cộng Hoà) chưa từng hiện hữu như một quốc gia trong lịch sử. Trí nhớ thiên lệch của ông ta đã tự ý đục bỏ các thời điểm 1945 và 1955 và việc Hoa Kỳ cùng thế giới đã công nhận Việt Nam Cộng Hoà.

Chúng ta nên trám lại hai lỗ hổng đó trong ký ức của hậu thế.

Cũng trong công trình biên khảo về chiến lược "cân bằng lực lượng", Kissinger không ngớt lời ca tụng Tổng thống John F. Kennedy, chê bai Tổng thống Lyndon B. Johnson và cho là cái "trật tự lớn" đã nghiêng đổ khi Kennedy bị ám sát vào năm 1963. Riêng với Việt Nam, sự thật có khi lại khác cũng từ năm 1963, khi nền Đệ nhất Cộng hoà sụp đổ với cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm, trước khi Kennedy bị ám sát đúng ba tuần.

Ta nên đọc cuốn sách của Patrick J. Sloyan vừa xuất bản tuần qua "The Politics of Deceptions: JFK Secret Decisions on Vietnam, Civil Rights and Cuba" – Chính sách Lừa dối: Những quyết định bí mật của JFK về Việt Nam, Dân quyền và Cuba. Tác giả là một nhà báo kỳ cựu, từng được giải Pulitzer, và bỏ nhiều năm nghiên cứu các tài liệu mới được giải mật, kể cả băng ghi âm lén của Tổng thống Kennedy để phơi bày sự tráo trở của Kenney trong nhiều hồ sơ lớn như Cuba, phong trào dân quyền của dân da đen và nhất là việc Kennedy trực tiếp quyết định về số phận của Ngô Đình Diệm, rồi đổ.  lỗi cho thuộc cấp.

Kết hợp chuyện ấy với nhận xét của Kissinger, có khi ta hiểu ra đối sách của Hoa Kỳ với Việt Nam, ngày xưa và ngày nay. Đấy là một cách khác để nhớ lại biến cố 1975, hay chuyện Việt Mỹ tái bang giao năm 1995 - một cái đinh khác – hoặc những đòn phép chính trị sắp tới giữa Cuba và Hoa Kỳ. Đấy là thời sự!

Đã nhìn lên lịch sử và nói tới Ất Mùi thì chẳng nên quên Ất Mùi 1895.

Năm đó, phong trào Cần Vương thất bại cùng cái chết của quan Đình nguyên Phan Đình Phùng. Đỗ Tiến sĩ, ra làm quan rồi từ quan tìm đường cứu nước và bị gán tội là làm giặc, Phan Đình Phùng là bậc anh hùng đáng kính. Cái chết của ông cũng khép lại đường lối đấu tranh theo chế độ quân chủ và mở ra hướng khác. Mở ra thế giới bên ngoài....

Nhắc đến Ất Mùi 1895 thì đấy cũng là dấu mốc hiện đại. Năm đó, Nhật Bản khuất phục nhà Thanh sau trận thủy chiến năm Giáp Ngọ 1894! Chuyện rất hiện đại vì mâu thuẫn Hoa-Nhật đang tái diễn ngoài Đông Hải....

Suốt năm qua, cả thế giới nhắc đến Đệ nhất Thế chiến bùng nổ từ những biến cố tưởng là nhỏ nhặt và rời rạc vào năm 1914. Kết luận chung của nhiều học giả là những biến cố ấy xuất phát từ nhiều chuyển dịch lớn lao và chậm rãi của các đại cường. Hiện tượng một cường quốc mới nổi lại thách đố vị trí của một đại cường đương trị đã gây mầm bất ổn cho nên một biến cố nhỏ lại xé ra chuyện to. Người ta kết luận như vậy để cảnh báo: khu vực Á châu đang có sự chuyển dịch tương tự, và cường quốc mới nổi có thể châm ngòi cho đại chiến chính là Trung Quốc.

Khi ấy, Nhật Bản đứng ở đâu, sẽ làm gì? Và vì sao ngân sách quốc phòng của Nhật cho tài khóa 2015 lại đột ngột gia tăng? Hãy nhớ lại chuyện năm Mùi 1895 thì sẽ hiểu ra.

Chúng ta đều nhớ đến 1975 và những gì xảy ra sau đó, nhất là sự thành công của cộng đồng người Việt trong các quốc gia đã đón nhận dân tỵ nạn và thuyền nhân. Trong một môi trường có tự do, người Việt tất nhiên là thành đạt chẳng kém gì các sắc dân khác trong rất nhiều lãnh vực. 

Duy tại Hoa Kỳ, ta gặp hoàn cảnh trớ trêu. Người Việt thành nạn dân vào Mỹ vì thất bại của Mỹ tại Việt Nam. Trong xã hội Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt là một nhắc nhở ê chề về thất bại ấy. Rồi sự thành công của dân tỵ nạn lại làm cho dư luận Mỹ nhìn ra giá trị của miền Nam, là nơi xuất phát làn sóng di dân mà cũng là nơi bị phỉ báng nhiều nhất.

Hãy nhớ lại phương cách truyền thông Hoa Kỳ viết về Sàigon và Hà Nội ngày xưa, ta thấy ra sự thiên lệch. Cộng đồng người Việt có góp phần điều chỉnh sự lệch lạc ấy. Đấy là một thành tựu vô hình mà đáng kể, nên trong một số Xuân về ký ức, chúng ta cần nhắc lại và nhấn mạnh.

Chính nỗ lực đấu tranh của người Việt tại Mỹ - không chỉ qua biểu tình – dần dần làm sáng ra nhiều điều. Trước hết là về cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam, một cuộc chiến có chính nghĩa dù tiến hành sai. Thứ hai là về miền Nam, hay hai nền Cộng hoà xuất hiện vào hai năm Mùi. Miền Nam trong chiến tranh và dưới hai chế độ chưa toàn hảo thật ra lại có những thành tựu đáng kể, thuộc loại "vượt thời gian".

Trong cộng đồng các cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, nhiều người không quên được chiến binh Việt Nam. Họ tiếp xúc và ra sức yểm trợ các chiến hữu cũ của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, nay còn lập hội thiện để quyên tiền và đem về trao tận tay cho các thương phế binh của miền Nam. Một thí dụ là sáng hội "Vietnam Healing Foundation – Helping the Forgotten" (thevhf.org) bắt đầu thành hình từ 10 năm về trước. Một cái mốc dễ nhớ.

Nhiều cựu chiến binh cũng đặt lại câu hỏi về lý do và kết quả của việc Mỹ tham chiến. Một số không ít trong thành phần ấy trở thành doanh gia cự phú hoặc giáo sư đại học mà cùng nhìn lại lịch sử và chấn chỉnh sự thật về cuộc chiến và về miền Nam. Họ chấn chỉnh từ sách giáo khoa trở đi để các thế hệ về sau của nước Mỹ không còn hiểu lầm về quá khứ. Nhiều đại học Hoa Kỳ đã kết hợp những đóng góp ấy vào chương trình giảng dạy cho sinh viên Mỹ.

Ngày nay, chúng ta nhìn ra kết quả của nỗ lực xét lại một cách rộng lớn, với một phong trào quỵ tụ nhiều học giả Hoa Kỳ từng là cựu chiến binh tại Việt Nam. Tồ chức "Vietnam Veterans for Factual History" là một thí dụ (www.vvfh.org). Đây là một nguồn tham khảo cho những ai muốn vượt qua màn khói của huyền thoại để tìm ra sự thật về một cuộc chiến thảm khốc cho Việt Nam và thảm nhục cho nước Mỹ. Nhiều cựu chiến binh và học giả Việt Nam có đóng góp cho công trình khôi phục sự thật này.

Ngoài ra, có một hiện tượng đáng chú ý khác trong trào lưu tái thẩm định sự thật là nhiều người xưa kia có cảm tình với chế độ Hà Nội hoặc thuộc về phe tả mà khách quan nhìn lại chuyện cũ và trình bày sự thể Việt Nam một cách trung thực hơn.

Cũng trong chiều hướng đó mà nhắc tới 1975 thì không thể quên một thế hệ mới của nhiều sử gia và tác giả người Mỹ gốc Việt. Là con cháu của các cựu chiến binh miền Nam, họ nghiên cứu và viết sách về cuộc chiến và về cả nhiều bí ẩn xảo trá của Hà Nội.

Vài thí dụ cần nhắc ở đây là Giáo sư Lien-Hang Nguyen, Tiến sĩ tại Yale, đang giảng dạy trong Phân khoa Lịch sử của Đại học Kentucky, tác giả của nhiều biên khảo và cuốn sách đã đoạt bốn giải thưởng "Hanoi's War: An International History of the War for Peace in Vietnam". Hoặc Lan Cao, Tiến sĩ Luật khoa và Giáo sư tại nhiều Đại học Mỹ, tác giả của hai cuốn tiểu thuyết Anh ngữ nổi tiếng về Việt Nam, Monkey BridgeThe Lotus and the Storm. Đấy cũng là những thành tựu kín đáo mà có ảnh hưởng của cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Từ đó, người ta còn đánh giá lại di sản đa diện của miền Nam. Chuyện ấy đã bắt đầu và cũng là điều đáng nhớ trong ngày Xuân Năm Mùi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét