Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 150807
Những nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng
* Một mỏm rực rỡ của cả đại lục Âu-Á *
Khi theo dõi cuộc
tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, với đề tài đang làm đảng Cộng Hòa lúng túng là
hồ sơ di dân, ta có thể nhìn qua Âu Châu là nơi có cùng loại vấn đề ấy, nhưng rắc
rối gấp bội….
Hôm Thứ Tư mùng bốn Tháng Tám vừa qua, thêm một con thuyền
chở di dân lậu bị đắm ngoài khơi nước Ý, bên trong có khoảng 600 người. Từ
Tháng Tư, nạn thuyền nhân nhập lậu từ các nước miền Nam vào Âu Châu khiến mỗi
tháng có cả trăm người thiệt mạng vì đắm tầu trên Địa Trung Hải. Khi ấy, người
ta được biết thêm là từ gần hai năm nay, tầu bè của Ý đã phải cứu vớt hơn 200
ngàn người trên biển!
Về bối cảnh, khủng hoảng và chiến tranh trải rộng từ Bắc
Phi, Tây Phi qua Trung Đông khiến dân chúng chạy loạn vào nhau. Người có tiền,
vài ngàn đô la một người chứ không ít, thì cố ra khỏi vùng giao tranh trong thế
giới Hồi giáo để tìm cuộc sống ở nơi yên bình hơn: Âu Châu. Vì không phải ai
cũng có khả năng di tản bằng máy bay qua các phi cảng quốc tế, nhiều hải cảng Bắc
Phi của Maroc, Algérie, Tunisie hay Ai Cập (Egypt) được dùng làm nơi xuất phát
của làn sóng di tản từ miền Nam lên. Ở tại chỗ, cư dân thấy khổ vì thịt cá đều
lên giá vì ngư dân đổi nghề từ đánh cá sang dẫn người vượt biên.
Tại Libya, một xứ Bắc Phi đang tan tành nhờ công lao can
thiệp của Barack Obama và Hillary Clinton năm 2011, người ta ít thấy xảy ra nạn
bắt cóc đòi tiền chuộc mạng như khủng bố Hồi giáo đã làm ở Syria, Iraq hay phía
Bắc xứ Mali. Chỉ vì nghề dẫn người vượt biển lại có lời hơn. Đâm ra sau khi
lãnh tụ Muamar Ghaddafi bị giết, Libya là trạm trung chuyển của dịch vụ xuất cảng
di dân lậu!
Bên kia Địa Trung Hải, các nước Âu Châu tại miền Nam đều
bị khốn đốn khi kinh tế suy trầm và nợ nần đang đe dọa: vụ khủng hoảng của khối
Euro lại dồn chung vào vụ khủng hoảng di dân….
Đã vậy, các nước ở xa tại miền Đông thì nhìn vào một biên
cương khác đang bị chuyển dịch. Xứ Ukraine với bán đảo Crimea bị Liên bang Nga
thôn tính, các tỉnh miền Đông bị Nga sai người tấn công để sát nhập vào khối
“Thân Nga”, vùng trái độn cho Tổng thống Vladimir Putin. Họa vô đơn chí, sau
khi các nước Tây Âu thấy khó chịu vì làn sóng di dân từ Đông Âu được giải phóng
khỏi chế độ Xô viết đổ vào xứ mình kiếm việc thì nay đến lượt các nước miền Bắc
gặp vấn đề. Di dân tụ tập trong các khu ổ chuột quanh đường hầm Channel và hải
cảng Calais của Pháp để tìm cách xâm nhập nước Anh: bên kia sông, dưới lớp
sương mù của Anh quốc là ánh mặt trời.
Ngần ấy khó khăn khiến nhiều nước Âu Châu muốn xét lại chánh
sách di trú bên trong Liên hiệp Âu châu theo tinh thần của Hiệp ước Schengen
(tên một thành phố của Luxembourg).
Được ký kết từ năm 1985 rồi mở rộng cho 26 quốc gia, Hiệp
ước quy định quyền tự do di chuyển và cư trú của người dân bên trong các nước
thành viên. Nhiều đảng phái quốc gia, thuộc cánh hữu, không muốn duy trì tinh
thần tự do đó vì xã hội mất dần bản sắc văn hóa riêng và có khi còn nhập cảng
khủng bố Hồi giáo!
Đấy mới là bối cảnh phức tạp của Liên Âu.
***
Trên đại lục địa Âu-Á, phía miền Tây được gọi là Âu Châu
gồm 50 quốc gia lớn nhỏ, xưa nay đã từng khuynh đảo cả thế giới từ hơn 500 năm.
Bên trong, họ giao chiến và giết hại nhau trong nhiều thế kỷ, với cao độ tàn
sát là hai trận Thế chiến của Thế kỷ 20.
Từ đấy, các nước Âu Châu mơ ước thành lập một hệ thống hợp
tác cho hòa bình và thịnh vượng trên cơ sở của luân lý và kinh tế: các nước tự
do trao đổi với nhau để mưu tìm thịnh vượng, và không tái diễn việc chuyển dịch
biên cương – một nguyên nhân của chiến tranh – để có hòa bình, nhưng bên trong
thì vẫn tôn trọng chủ quyền quốc gia mà coi nhẹ các vấn đề biên giới.
Một cách cụ thể minh diễn lý tưởng Âu Châu ấy: biên cương
vẫn còn nguyên vẹn, không được tẩy xóa, mà giữ vai trò thấp hơn, với nhiều lỗ hổng
cho quyền tự do chuyển dịch hàng hóa và cư dân.
Nhưng lịch sử và thực tế thường xé nát những ước mơ lý tưởng
và lý thuyết đó.
Lý tưởng cao đẹp của Thế kỷ Minh triết – cái gốc của tinh
thần dân chủ và chủ nghĩa quốc gia – dẫn đến sự chuyển hóa chế độ quân chủ
thành các quốc gia có biên cương và tôn trọng dân quyền bên trong. Quyền dân có
được mở rộng, nhưng sức mạnh của các quốc gia lại dẫn đến chiến tranh. Từ phong
trào thống nhất các tiểu vương quốc hay quân quốc Âu Châu thành nhiều quốc gia,
những cuộc chiến kéo dài mới gây ra tình trạng dời đồi cột mốc của biên cương
và vây hãm người dân xứ này trong vòng cai trị của một quốc gia hay dân tộc
khác. Cao điểm là chiến tranh Pháp-Phổ năm 1871 hay Đại chiến năm 1914 rồi Thế
chiến II năm 1939.
Từ những năm 1945 trở về sau, dự án Liên Âu nêu ra lý tưởng
giải phóng người dân khỏi những câu thúc hay khuôn khổ của biên giới. Lý tưởng ấy
trước hết giải phóng luồng vận chuyển hàng hóa và cả tiền tệ nên ngày nay người
ta mới có 28 nước thành viên của Liên Âu với chế độ tự do thương mại. Bên trong
có 19 nước xài chung một đồng tiền là khối Euro.
Tránh được chinh chiến thì khủng hoảng tài chánh lẫn kinh
tế vẫn bùng nổ từ năm 2010, chỉ vì hệ thống hợp nhất thương mại mà không thống
nhất chính trị đã gây ra - mà khỏa lấp - những sức ly tâm và mầm phân hóa. Âu
Châu không thể giải quyết được các bài toán đó nếu không bình tĩnh nhìn vào thực
tế là phải có hệ thống chính trị thống nhất, có thẩm quyền xuyên quốc gia, tức
là phải có một Liên bang Âu châu, bên trong, mỗi quốc gia chỉ là một tiểu bang.
Liên bang Hoa Kỳ là nơi mà hàng hóa, tiền tài và dân
chúng tại California hay New York có quyền đi qua Nevada hay Texas, và đồng Mỹ
kim dùng chung cho 50 tiểu bang lại thuộc thẩm quyền quyết định của hệ thống
Ngân hàng Trung ương độc lập. Âu Châu chưa đi tới đó.
Và khó thực hiện lý tưởng hòa bình thịnh vượng nếu không
triệt tiêu chủ quyền quốc gia cho một siêu quyền lực quốc tế. Việc nước Pháp
hay Đức đang đề nghị tăng cường vai trò chính trị của Liên Âu, hoặc ít ra một
chế độ thuế khóa thống nhất trong khối Euro, là một bước đúng hướng nhưng có rất
nhiều chông gai trước mắt.
Vụ khủng hoảng vì hiện tượng di dân bên trong và thuyền
nhân bên ngoài đang gây thêm nhiều vấn đề mới.
***
Trước hết, Âu Châu là một quần thể các nước hải đảo hay
bán đảo ở miền Tây đại lục địa Âu-Á lại tiếp cận với thế giới Hồi giáo ở miền
Nam.
Trong nhiều năm, các nước Tâu Âu đã sống trong ảo tưởng
mà tiếp nhận di dân từ các nước nghèo ở miền Nam để có nhân công rẻ cho kinh tế
và trùm lên trên một khái niệm lý tưởng là một xã hội đa văn hóa. Thực tế thì
nhiều di dân từ miền Nam kiếm ăn tại Âu Châu mà không chấp nhận văn hóa Âu Châu
và cũng chẳng được hội nhập. Họ không trở thành người Âu Châu dù có quốc tích
Âu Châu và họ xây dựng hậu cứ văn hóa tôn giáo riêng, là môi trường hoạt động của
các nhóm Hồi giáo cực đoan quá khích. Như những tế bào không được cơ thể tiếp
nhận, môi trường đó gây ra nạn ung thư của khủng bố Hồi giáo.
Bộ não của cơ thể này, là hệ thống lãnh đạo Âu Châu còn
chưa ý thức được mâu thuẫn không thể gỉai quyết giữa tự do thương mại và thống
nhất tiền tệ mà không có thống nhất chánh trị, hay ít ra là thẩm quyền về chính
sách kinh tế tài chánh thống nhất. Làm sao hệ thống lãnh đạo ấy dám nhìn vào
các tế bào ung thư của khủng bố Hồi giáo, hay sự giả trá bất lực của lý tưởng
đa văn hóa?
Y như Hoa Kỳ với di dân từ miền Nam, Âu Châu sẽ mất dần bản
sắc và sức mạnh trong đà bành trướng của di dân gốc Bắc Phi và Trung Đông theo
đạo Hồi. Các quốc gia muốn duy trì bản sắc thì bầu lên những chính đảng hữu
khuynh, thậm chí cực hữu, với hậu quả trước mắt là gây thêm rạn nứt trong Liên
Âu. Các chính đảng này không chỉ nghi ngờ di dân Hồi giáo, họ nghi ngờ cả kế hoạch
hội nhập Âu Châu!
Bên trong hệ thống hội nhập đó, lý tưởng vô cương – không
biên cương ranh giới – cho hàng hóa và tiền tệ thì đã bị thực tế xé rách với vụ
khủng hoảng Hy Lạp trong khối Euro. Chế độ kiểm soát tư bản và chuyển ngân, như
đã áp dụng hai năm trước cho một xứ lâm nạn là Cyprus có thể tạm cứu được khối
Euro. Nhưng nếu lại áp dụng cho Hy Lạp thì đi ngược với chủ trương lý tưởng. Trục
xuất Hy Lạp là giải pháp cần thiết mà ai cũng ngại vì những gì xảy ra sau đó
cho cả khối Euro lẫn chế độ tự do thương mại và di chuyển hàng hóa.
Quyền tự do di chuyển có vẻ lý tưởng này tạo ra lợi thế
cho các nền kinh tế mạnh mà xúc phạm chủ quyền của các nền kinh tế yếu ở miền
Nam khi các quốc gia này muốn hưởng lợi nhưng không phải trả giá!
Sau cùng, một lý tưởng của Âu Châu từ năm 1945 đến 1992
là không dời đổi cột mốc biên giới đã lung lay sau khi hệ thống Xô viết sụp đổ,
Liên bang Nam Tư tan rã rồi ngày nay bị Vladimir Putin bắn thủng với việc xâm
phạm biên giới Georgia năm 2008 rồi tấn công Ukraine năm ngoái. Những biến cố
có tính chất xâm lược ở vòng ngoại biên thật ra đang thách đố lý tưởng Âu Châu:
làm sao từng nước có thể bảo tồn chủ quyền nếu không có khả năng bảo vệ biên giới?
Nhìn vào lọai vấn đề không thể có giải pháp của Âu Châu,
chúng ta có thể kết luận về vấn đề di dân tại Hoa Kỳ. Đảng Dân Chủ tưởng rằng
khôn khi chiêu mộ lá phiếu Latino bằng cách dón nhận di dân nhập lậu từ miền
Nam. Cũng dưới khẩu hiệu đa văn hóa như nhiều nước Âu Châu, họ đang cấy nhiều tế
bào lạ vào cơ thể Hoa Kỳ và tạo ra các vùng biên vực là hậu cứ của dân Latino. Sẽ
có ngày giới dân cử của họ sẽ nói đến quyền bảo vệ ngôn ngữ riêng, rồi quyền tự
trị.
Vài chục năm nữa, nước Mỹ sẽ gặp khủng hoảng như đang thấy
tại Âu Châu.
XEM ra cái quốc gia còn trẻ tên "HOA KỲ" này sẻ còn phải học nhiều bài học xương máu lắm.
Trả lờiXóaNhiều người Mỹ quên rằng một dải đất miền Nam, từ Tezas về California đã từng là lãnh thổ của người Mễ, Hoa Kỳ đã mua hoặc "cướp" của họ. Một trăm năm sau, nếu họ chiếm lại đa số trên vùng "Đất Mẹ" thì cũng là sự thường! Từ năm 2007, họ đã biểu tình đòi thêm quyền lợi cho di dân và giương cờ Mễ, nói tiếng Tây Ban Nha, cho tới khi thấy hố thì mới cầm cờ Mỹ. Đảng Dân Chủ đang "tự sát" cả nước với lối mỵ dân nguy hiểm này.
XóaLiệu rằng ta có thể xem đây như một mặt trái của "chế độ dân chủ" không nhỉ?
Xóa"Tôi chưa thấy một nền dân chủ nào mà không có khuynh hướng tự sát!" John Adams, một quốc phụ và Tổng thống Hoa Kỳ.
Xóa"Chế độ dân chủ là ít tệ nhất trong các giải pháp mà con người ta đã thử nghiệm". Winston Churchill, Thủ tướng Anh.
Dân chủ không mà mục tiêu mà chỉ là cứu cánh và cần thường xuyên cải sửa, nếu công dân có tự do và dám sửa... Và đừng phó thác mọi chuyện cho lãnh đạo.
Vì thế, công dân xứ dân chủ mệt hơn công dân xứ độc tài - cái khác giữa người và vật.
Cháu rất tán đồng với quan điểm của ông về vấn đề này.Tuy nhiên quả thực là hiện nay cái chủ trương mà đảng dân chủ đang sử dụng để hút thêm lá phiếu cho mình quả thật rất hửu hiệu. Phần lớn thành phần ủng hộ này đến từ cộng đồng di dân với đủ mọi sắc tộc, thành phần trung lưu, giới trẻ, dân lao động. Và nhìn lại ngay cả cái cộng đồng người MỸ gốc VIỆT tại HOA KỲ không khó để có thể nhận thấy xu hướng ủng hộ cho đảng dân chủ ngày càng một tăng lên nhờ vào thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên tại HOA KỲ. Nhưng điều đáng nói hơn ở đây là có vẻ như đảng cộng hoà lại chẳng hề có được một chính sách cụ thể về vấn đề di dân, ngoài trừ sự chỉ trích đối với chính sách của đảng dân chủ. Vậy thưa ông liệu cái hệ quả mà ông dự đoán có thể thực tế trở thành sự thật được hay không nếu ta chỉ xét đến các điều kiện hiện nay mà với không có thêm một nhân tố mới nào?
Trả lờiXóaXin chân thành cám ơn ông vì đã dành ra vài phút để xem và giài đáp các thằt mắt>
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaTrong chương trình Giờ giải ảo " Liên bang Nga suy yếu " thì bác có nhắc đến chi tiết là Liên bang Nga đang tìm cách liên kết với Trung Quốc để củng cố sức mạnh và thực tế thì những diễn biến gần đây đang chứng minh cho điều đó khi Nga và Trung Quốc trong tháng 5 đã tiến hành tập trận ở Địa Trung Hải và sắp tới trong thì sẽ tập trận ở vùng biển Nhật Bản.
Tuy nhiên, cháu nhớ trong một chương trình Giờ giải ảo khác " Chuyện Tam quốc thời nay " bác có nhắc tới chi tiết là không nên nhìn vào chuyện thời sự hàng ngày mà nhìn vào chiến lược ngoại giao của Liên bang Nga thì sẽ thấy Nga đang tìm cách bao vậy, cô lập Trung Quốc ?
Cháu nghĩ chuyện Tam Quốc : Trung - Nga - Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bàn cờ chính trị quốc tế trong nhiều năm nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát sinh , giải quyết những vấn đề chính trị nóng trên thế giới. Bác có thể viết một bài phân tích rõ hơn về quan hệ chiến lược giữa ba nước trên kia để độc giả được Giải ảo thêm ạ ?
Cháu cảm ơn bác !
Đúng như vậy, Liên bang Nga bán dầu và liên kết với Trung Quốc nhưng vẫn không tin và rất ngại Bắc Kinh, chứ hai nước không là đồng minh chiến lược cùng chống Mỹ. Nước Nga càng sa sút thì càng e sợ Trung Quốc. Quan hệ quốc tế nó phức tạp chứ không trắng đen rõ rệt.
Xóa