Trọng Nghĩa & Nguyễn-Xuân Nghĩa
RFI Phát thanh ngày 150825
"Tạp Chí Kinh Tế"
Chuỗi nghịch lý Hoa-Nhật trên mặt trận kinh tế
* Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình - Lân bang ngang tàng *
Các thị trường tài chính thế giới vào hôm qua, thứ
hai 24/08/2015, đã kinh qua một ngày đen tối không khác những giờ khắc thảm hại
nhất vào năm 2008. Từ Châu Âu rồi qua Hoa Kỳ và châu Mỹ, các thị trường chứng
khoán mọi nơi đều nối gót Thương Hải và Châu Á để lao xuống dốc. Nguyên do
hoảng loạn là các mối lo ngại ngày càng lớn về hệ quả của việc kinh tế Trung
Quốc chậm lại đối với tăng trưởng toàn cầu.
Trung Quốc là mối ưu tư hàng đầu của giới đầu tư, trong lúc
các chỉ số tồi nối tiếp nhau cho thấy là nền kinh tế thứ nhì của hành tinh mà
cũng là xưởng chế biến của thế giới và thị trường béo bở, đang hụt hơi.
Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đã chỉ còn là 7,4% trong
năm ngoái 2014, mức thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay, và trong hai quý đầu tiên
năm nay, đã lại sụt xuống mức 7%.
Sự kiện Bắc Kinh đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ đã bị
giới phân tích coi là một cố gắng tuyệt vọng của chính quyền Trung Quốc để thúc
đẩy xuất khẩu và hoạt động kinh tế đang chậm lại. Quyết định đó đã làm cho mối
lo ngại gia tăng trên toàn thế giới, tạo ra một làn sóng chấn động trên các thị
trường tài chánh.
Nỗi quan ngại lại càng mạnh khi mà sau cuộc khủng hoảng tài
chính năm 2008, với nền kinh tế Mỹ và châu Âu bị suy yếu đi, thế giới đang chờ
đợi Trung Quốc là một đầu tầu mạnh kéo tăng trưởng toàn cầu đi lên. Vốn là một
thị trường quan trọng đối với hàng công nghiệp nhẹ của mọi nơi, bất kỳ một sự
suy giảm nào trong mức cầu tại Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng ngay đến phần còn lại
của Thế giới.
Riêng đối với Nhật Bản, cơn hoảng loạn đang diễn ra trên các
thị trường chứng khoán toàn cầu, bắt nguồn từ Trung Quốc, có hệ quả là thúc đẩy
giới đầu tư lao vào đồng yen, thường được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời
kỳ hỗn loạn.
Ngay từ thứ Ba tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro
Aso đã cảnh báo sự tăng giá nhanh chóng của đồng yen, vì điều đó tác hại đến
ngành xuất khẩu của Nhật Bản.
Tín hiệu xấu cụ thể đầu tiên là việc ngày 11 Tháng Tám và
nhiều ngày sau đó, Bắc Kinh quyết định buông tay cho đồng Nguyên của họ hạ giá
khoảng 3% so với trước đó. Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc liên tục phủ
nhận, quyết định ấy vẫn được các thị trường quốc tế gọi là “phá giá đồng
bạc”, tức là làm đồng bạc Trung Quốc sụt giá, và vì vậy mở ra “một trận
chiến ngoại tệ” khi nước nào cũng giảm giá đồng nội tệ của mình nếu so sánh
với các ngoại tệ khác.
Động lực “chinh chiến” ở đây là xứ nào cũng mong đồng
bạc hạ giá sẽ giúp hàng của mình trở thành rẻ hơn nên dễ xuất cảng hơn, mà
ngược lại, hàng nhập cảng sẽ đắt hơn nên khó bán hơn.
Nhưng vấn đề kinh tế của Trung Quốc không chỉ là nhập cảng
sa sút sau khi số xuất cảng của Tháng Bảy sụt 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vì
nhập cảng vào thị trường này cũng mất 8,1%. Vấn đề của Trung Quốc là sản xuất
trì trệ nên xuất nhập cảng gì cũng sụt. Chiều hướng ấy được xác nhận khi chỉ số
đặt hàng biến chế gọi là PMI lại giảm đến mức thấp nhất kể từ nhiều năm nay.
Tuần qua, tin đó vừa loan ra là các thị trường tài chính từ
Á Châu qua Âu Châu đến Hoa Kỳ đều trải qua một tuần biến động, cổ phiếu của
nhiều nước mất hơn 10% trong có một tuần và tiếp tục sụt giảm sang đến tuần thứ
hai. Đấy là lúc mà trung tâm nghiên cứu của nhiều doanh nghiệp quốc tế nhận
định là Trung Quốc sẽ còn phải hạ giá đồng Nguyên từ 8 đến 10% hoặc hơn nữa, từ
nay qua năm tới. Cũng vì vậy mà đã có tin đồn từ Trung Quốc là Bắc Kinh sẽ phải
nâng thanh khoản, là bơm thêm tiền qua hệ thống ngân hàng để kích thích sản
xuất, với hậu quả là đồng Nguyên còn sụt giá nữa.
Khi nền kinh tế có sản lượng thứ nhì của thế giới mà chao
đảo với viễn ảnh hạ cánh nặng nề đến nỗi đánh sụt giá đồng bạc để tự cứu nguy
thì các nước khác sẽ phải xoay trở ra sao?
Ban Việt ngữ đài Phát thanh Quốc tế Pháp nêu câu hỏi với
chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ và đặc biệt chú trọng đến
trường hợp Nhật Bản, cường quốc Đông Á có sản lượng kinh tế đứng hàng thứ ba
sau Mỹ và Trung Quốc.
RFI: Thưa anh, sau biến động
tài chính xuất phát từ Trung Quốc làm các thị trường theo nhau tuột giá, người
ta đang nói đến viễn ảnh “suy trầm toàn cầu” là khi tăng trưởng kinh tế đều giảm
đồng loạt. Vào tuần trước, khi phân tích những khó khăn của Việt Nam trong trận
chiến ngoại tệ do Bắc Kinh khai pháo hôm 11, anh nói đến trường hợp sẽ còn gay
go hơn cho Nhật Bản, vì vậy lần này xin đề nghị anh nói rõ hơn về chuyện đó sau
khi trình bày hoàn cảnh chung của các nước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Các nước không thể bán hàng lên Nguyệt cầu hay Hỏa tinh mà chỉ xuất cảng cho
nhau, do đó việc phá giá đồng bạc để dễ xuất cảng là một giải pháp tuyệt vọng.
Bắc Kinh cũng vừa đi vào giải pháp ấy vì tình hình còn nguy ngập hơn những gì
được họ loan báo ra ngoài.
- Nhìn ra ngoài, thế giới có khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật,
đối diện là các nền kinh tế gọi là “đang phát triển” hay đang lên, và đa số đều
bị điêu đứng vì hiệu ứng Trung Quốc. Một cách nhìn khác là các nước bán nguyên
nhiên vật liệu hay “thương phẩm” vào Trung Quốc, như Canada, Úc hay Brazil, thì
đều bị hại vì số cầu sụt giảm nhưng hiện tượng ấy đã khởi sự từ nhiều năm rồi.
- Bên cạnh đó, còn có các nước sản xuất và xuất cảng hàng
công nghiệp chế biến, đa số tại Đông Ám và cũng bị hoạn nạn vì nằm trong chu
trình cung cấp giữa các nền kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Đấy là trường
hợp của Nam Hàn, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, v.v… Nói chung, càng mua bán với Trung Quốc thì các nước càng
bị hiệu ứng nặng. Khi cái “công xưởng toàn cầu” là kinh tế Trung Quốc đang dập
cửa thì nạn Suy trầm toàn cầu hết là điều có thể mà đang xảy ra.
RFI: Thưa anh Nghĩa, như
vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật. Họ sẽ bị ảnh hưởng
ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật thật ra chưa vững trừ ngoại lệ ít tệ nhất của
Hoa Kỳ. Sau nhiều năm tăng chi đến kỷ lục rồi ào ạt bơm tiền để kích thích sản
xuất, thì từ hai năm nay, nước Mỹ đã giảm dần và chấm dứt biện pháp bơm tiền và
qua tháng tới còn có thể nâng lãi suất khỏi số không. Biến động Trung Quốc có
thể khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ tạm hoãn việc tăng lãi suất và ta nên theo
dõi chuyện đó vào ngày 17 tháng tới. Nhưng dù sao thì đô la Mỹ vẫn tăng giá mạnh
từ hơn một năm nay so với hầu hết các ngoại tệ khác và đấy cũng là vấn đề cho
các nước đang giàng đồng bạc của mình vào Mỹ kim. Khi Bắc Kinh phá giá đồng bạc
so với Mỹ kim thì các nước đều chết kẹt ở giữa nên cũng phải nới lỏng cái neo cột
vào tiền Mỹ.
- Khối Âu Châu thì mới chỉ tạm đẩy lui vụ khủng hoảng Euro
với hoàn cảnh Hy Lạp còn bất trắc, và Ngân hàng Trung ương Âu châu BCE vẫn còn
phải dùng biện pháp bơm tiền QE khá bất thường gọi là “quantitative easing” hay tăng mức lưu hoạt có định lượng. Tình hình
kinh tế khó khăn tại nhiều nước Âu Châu khiến biện pháp ấy tiếp tục và còn tăng
sau khi Bắc Kinh phá giá đồng bạc. Nhưng cả Hoa Kỳ lẫn Âu Châu chưa bị hiệu ứng
nặng của vụ Trung Quốc phá giá bằng Nhật Bản.
RFI: Chúng ta đi vào trọng
tâm là Nhật Bản. Thưa anh vì sao Nhật lại bị hiệu ướng nặng hơn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Hai nước Nhật và Tầu đang có nhiều mâu thuẫn song phương về an ninh và chính
trị nhưng nghịch lý là họ buôn bán với nhau nhiều hơn cả nên đang vật lộn bên bờ
vực.
- Về chuyên môn thì hối suất hay tỷ giá đồng bạc so với một
ngoại tệ khác tùy vào quan hệ mua bán với nhau. Khi tính thực giá của đồng bạc
so với một ngoại tệ khác, người ta cân đo quan hệ mua bán ấy bằng phương pháp
“gia trọng” hay “pondérer”, và có chỉ
số “Gia trọng Thương mại” hay Trade-Weighted Index, viết tắt là TWI. Kinh tế Nhật
Bản đầu tư và giao dịch nhiều nhất với Trung Quốc nên chỉ số TWI của đồng Yen
Nhật tính với đồng Nguyên lên tới 30%, so với chỉ có 20% của Mỹ hay 10% của Âu
Châu. Trung Quốc nhập hàng Nhật nhiều hơn hàng Mỹ và đóng góp vào đà tăng trưởng
của kinh tế Nhật còn nhiều hơn cho kinh tế Mỹ tới 13%.
- Nhìn trong ngắn hạn thì hàng Nhật bán qua Tầu là loại cao
cấp, với mức đàn hồi thấp về giá cả, nên độ co giãn chưa đáng kể vì đồng Nguyên
sụt giá. Nhưng khi kinh tế Trung Quốc sa sút nặng và Bắc Kinh còn phá giá thì đấy
là vấn đề cho Nhật. Cũng vì vậy mà hôm Thứ Sáu 21 Tổng trưởng Tài chính Nhật là
cựu Thủ tướng Taro Aso đã bày tỏ mối quan tâm về việc Bắc Kinh phá giá.
- Chúng ta nhớ rằng từ hơn hai năm nay, Nội các của Thủ tướng
Shinzo Abe kích thích kinh tế qua kế hoạch táo bạo như ào ạt bơm tiền sau khi
lãi suất đã hạ tới số không. Mục tiêu là cố đạt mức lạm phát 2% khiến dân Nhật
chi tiêu nhiều và sớm hơn. Nào ngờ dầu thô sụt giá rồi Bắc Kinh phá giá gây rủi
ro suy trầm toàn cầu, nên tiêu chí ấy không thành như Thủ tướng Abe vừa xác nhận
sáng Thứ Hai 24.
RFI: Bây giờ chúng ta
nhìn qua khung cảnh toàn cầu, của các nước khác. Hiệu ứng suy sụp từ Trung Quốc
sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Tình hình chung thì quả là rất tệ nhưng các thị trường Âu-Mỹ hốt hoảng mà rơi
vào trạng thái “điều chỉnh” khi sụt giá quá 10% chứ thật ra vẫn ít bị hại nhất
nếu so với các nước khác. Hệ thống tài chánh ngân hàng Trung Quốc vẫn nằm dưới
chế độ kiểm soát và khép kín cho nên cả kiến trúc tài chánh Trung Quốc mà sụp
dưới núi nợ sau khi kinh tế hạ cánh nặng nề thì cũng không gây hậu quả như vụ
khủng hoảng tài chánh tại Mỹ và Âu Châu năm 2008.
- Nhưng các quốc gia khác thì không được như vậy. Những nước
xuất cảng nguyên nhiên vật liệu thì đều điêu đứng vì khách hàng số một của họ
là Trung Quốc đã bị ứ hơi và không thể mua về chất đống trong kho. Kinh tế các
nước này đều bị ảnh hưởng tai hại, nhất là các nước “đang lên” trong nhóm BRICS
mà cứ tưởng sẽ qua mặt khối công nghiệp hóa với kế hoạch dự án lăng nhăng.
- Song song, các nước sản xuất hàng ráp chế tại Đông Á cũng
bị hiệu ứng nặng vì hụt hẫng trong chu trình sản xuất là mua bán linh kiện của
Nhật của Tầu để chế ráp và xuất cảng qua xứ khác. Họ chết kẹt giữa đồng đô la
lên giá và đồng Nguyên sụt giá nên cổ phiếu và hối suất đồng bạc đều sụp mạnh mà
có phá giá cũng chưa ra khỏi rủi ro suy trầm kinh tế. Vì vậy, ta chờ đợi nguy
cơ Tổng suy trầm và lần này xuất phát từ Trung Quốc và các nước đang phát triển.
RFI: Thưa anh, câu hỏi cuối
là hậu quả của cả một chuỗi biến động này sẽ ra sao cho Nhật Bản?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: -
Chúng ta chưa thấy hết được các hậu qủa nhưng chuyện bất ngờ trước mắt vẫn là sự
kiện giới đầu tư phải tìm nơi an toàn, mà một trong những nơi an toàn cũng lại
là Nhật Bản, làm đồng Yen Nhật càng lên giá và càng gây khó cho việc phục hồi
kinh tế Nhật. Vì thế mà trận bão từ Trung Quốc ập vào Nhật Bản sẽ thể hiện ở
nhiều góc cạnh khác nhau.
- Sau cùng, người ta kể rằng khi xảy ra vụ nổ các kho hóa
chất tại Thiên Tân, nhiều dân Tầu bên đó lại tưởng là bị quân Nhật tấn công. Họ
không ngờ rằng khi kinh tế Trung Quốc hạ cánh, nước Nhật cũng giật mình! Điều mỉa
mai là chuyện ấy xảy ra khi hai nước đang kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh
và Thủ tướng Nhật sẽ không qua Bắc Kinh dự lễ kỷ niệm vì còn bận với việc vận động
Quốc hội cho Nhật được có khả năng quân sự để bảo vệ các đồng minh. Chúng ta
chưa ra khỏi chuỗi nghịch lý Hoa-Nhật!
RFI: Ban Việt ngữ đài RFI
xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa đã trả lời từ Hoa Kỳ.
Thưa bác Nghĩa !
Trả lờiXóaKhông chỉ Nhật Bản mà cả châu Á hiện nay đều là những bạn hàng lớn của Trung Quốc. Vậy khi kinh tế Trung Quốc gặp khủng hoảng thì liệu có nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở cả khu vực Châu Á Thái Bình Dương không bác ? Quy mô lần này có lớn như đợt khủng hoảng vào năm 1997 không ạ ?
Thành nên theo dõi chuyện này và nhiều đợt phỏng vấn trên các đài phá thanh quốc tế và hai đài truyền hình Saigon TV (Bích Trâm và Bên Kia Màn Khói) và SBTN (Kim Nhung và Thời Sự Ngày Mai) thì có thể thấy ra một phần. Đây là biến cố tôi chờ đợi từ 5 năm nay!
Xóa