Vũ Linh - Việt Báo ngày 150818
Đảng Dân Chủ chủ trương “hoà hợp hòa giải” tối đa với Cộng sản Việt Nam....
* Đồng chí hướng, khác nhau ở tiểu tiết *
Ứng
viên đảng Dân Chủ hiện nay có hy vọng đắc cử bầu sơ bộ trong nội bộ là
bà Hillary Clinton, cho dù đã có 4-5 ứng viên hay chuẩn ứng viên khác.
Tất cả dường như chỉ đóng vai trò làm cảnh, tạo hứng thú chút đỉnh cho
cuộc bầu bán bên đảng Dân Chủ mà kết quả cả thế giới đã biết. Không ai
nghĩ bất cứ ứng viên nào có mảy mai hy vọng hạ được bà vô địch
Hillary. Sự kiện chẳng ai buồn tổ chức tranh luận trong đảng Dân Chủ cho
tới tháng 10 hay 11 (cho có lệ) nói lên rõ ràng vị thế của bà Hillary.
Những tỳ vết trong các vụ lem nhem tiền bạc và email sẽ không có nhiều tác dụng ngăn cản bà. Những mánh mung của bà, cử tri Dân Chủ đã chấp nhận từ lâu rồi. Thời buổi truy tố Nixon là chuyện cách đây gần nửa thế kỷ. TT Nixon phải từ chức vì ngay các ông Cộng Hoà cũng công bằng chấp nhận Nixon có tội phải bị nghiêm trị. TT Clinton bị đàn hạch nhưng không phải từ chức vì tất cả các ông bà Dân Chủ đứng sau lưng Clinton, cho dù nhiều người xấu hổ vì hành động của Clinton.
Chính trị Mỹ càng ngày
càng bị tinh thần phe phái chi phối, phân hoá rõ nét giữa phe ta và phe
địch, đưa đến tình trạng không chấp nhận những cái sai của phe ta và
những cái đúng của phe địch. Bây giờ bất chấp bà Hillary phạm tội tầy
trời cỡ nào thì đảng Dân Chủ cũng vẫn nhắm mắt ủng hộ. Chẳng những
vậy, nhiều người còn tìm cách ca tụng bà, phục tính kiên trì, quyết
tâm vào Nhà Trắng bằng mọi giá của bà.
Cụ Bernie Sanders đang lên như diều, thăm dò mới nhất cho thấy ông thắng bà Hillary tới 7 điểm tại tiểu bang then chốt New Hampshire, một chuyện khó tưởng tượng. Nhưng ông Sanders lại là ứng viên cực tả khó được hậu thuẫn ngoài vùng đông bắc Mỹ. Quan trọng hơn, đảng Dân Chủ không có ai khác. Bất cứ ai trong mấy ứng viên còn lại đều sẽ bị Cộng Hòa nuốt chửng. Bà Hillary là hy vọng duy nhất của đảng Dân Chủ.
Một điều mỉa mai đáng chú ý: đảng Dân Chủ tự cho là đảng của tương lai, nhưng hai ứng viên hàng đầu cũng là hai cụ ứng viên già nhất lịch sử Mỹ!
Bây giờ, ta hãy xem thử bà Hillary khác TT Obama chỗ nào để có thể mường tượng nếu Hillary đắc cử tổng thống luôn thì ta sẽ có một vị tổng thống như thế nào.
KINH NGHIỆM
Nói về quá trình và kinh nghiệm thì hiển nhiên thượng nghị sĩ Obama khi ra tranh cử năm 2008 chỉ đủ đứng hầu quạt cho bà Hillary, tuy khả năng mồm mép của bà Hillary lại thuộc hạng học trò của Obama. Bà Hillary vừa đậu luật sư tại Yale xong đã lăn lộn vài chính trường Mỹ ngay lập tức khi bà tham gia nhóm luật sư của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện để truy tố TT Nixon về xì-căng-đan Watergate, cuối cùng đưa đến việc TT Nixon phải từ chức. Đó là đầu thập niên 1970, cách đây hơn 40 năm.
Sau đó, bà trở thành Đệ Nhất Phu Nhân Arkansas, tích cực tiếp tay chồng, đến độ có thể nói là thực sự “tham chính” luôn. Sau vài nhiệm kỳ, thì ông thống đốc trẻ măng đầy tham vọng bắt đầu chạy đua vào Nhà Trắng, và trong bất ngờ của cả thế giới, ông... ngáp phải ruồi, đắc cử tổng thống.
Bà Hillary thành Đệ Nhất Phu Nhân cả nước, và đóng vai này trong 8 năm. Trong những năm đó, ai cũng biết bà là một “đồng tổng thống” chia sẻ quyền hành với ông chồng, tích cực tham gia việc “triều chính” một cách công khai, không có chuyện ngồi sau rèm như bà Từ Hy Thái Hậu.
Ngay từ đầu, bà được chồng trao cho trách nhiệm thực hiện cải tổ y tế, dự tính tung ra Hillarycare trong năm đầu của hai ông bà tân tổng thống. Bà thất bại, nhưng học được nhiều bài học về bảo hiểm y tế, và quan trọng hơn nữa, hiểu được những khó khăn làm việc với quốc hội, cho dù quốc hội do phe ta kiểm soát.
Sau khi chồng mãn nhiệm kỳ hai, bà nhẩy dù làm thượng nghị sĩ, rồi sau đó tranh cử tổng thống luôn. Một lần nữa thất bại, nhưng lại học được nhiều bài học đáng giá về chính trị Mỹ, trong khi vẫn còn là tiếng nói lớn trong chính trường. Lớn đến độ TT Obama, để tránh hậu hoạn phải đối phó với ứng viên Hillary năm 2012, đã dâng cho bà chức ngoại trưởng. Bà cũng nhìn thấy ngay đây là bàn đạp tốt nhất để duy trì tiếng nói cụ thể hơn việc nói bá láp suốt ngày ở Thượng Viện cùng với 99 ông bà đồng nghiệp. Đây cũng là cơ hội mang tên tuổi ra cho cả thế giới biết.
Khi ra tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ Obama có vỏn vẹn 2 năm kinh nghiệm tại Thượng Viện, còn bận đi xem phòng nào ở đâu, và bắt tay làm quen với các đồng nghiệp, chưa kịp làm gì khác. Trước đó ông làm nghị sĩ tại quốc hội tiểu bang Illinois được hơn 6 năm, nổi tiếng ở điểm chuyên môn biểu quyết “có mặt” cho đỡ nhức đầu. Trước khi có dịp biểu quyết “có mặt”, ông Obama chỉ là một anh tổ chức cộng đồng. Thực tế mà nói, cái kinh nghiệm này chỉ đáng cho ông Obama ra tranh cử... hội đồng tỉnh Riverside. Nhưng dĩ nhiên, nhờ tài mồm mép hơn người, và nói cho ngay cũng nhờ màu da, ông đã được công kênh vào Nhà Trắng.
Sau lần thử lửa với ông “nói nhiều làm ít”, thiên hạ bây giờ lạnh cẳng và muốn trở về với người có kinh nghiệm. Và với kinh nghiệm nhiều như vậy, người ta có thể tin bà tổng thống Hillary sẽ gặp ít khủng hoảng, ít thất bại hơn TT Obama.
THÀNH QUẢ
Nói cho gọn cả bà Hillary lẫn ông Obama đều chẳng có thành quả gì ghê gớm để trình làng hết.
Trong thời gian 8 năm bà Hillary làm nghị sĩ đã không có một luật nào ra đời mang tên của bà hết. Biểu quyết đáng ghi nhớ nhất của bà là chấp nhận cho TT Bush đánh Afghanistan, rồi sau đó đánh Iraq. Quyết định về Iraq đã là một vết đen lớn của bà trong mắt các cử tri cấp tiến của đảng Dân Chủ, mà cho đến bây giờ, bà vẫn loay hoay biện minh.
Rồi bà qua làm ngoại trưởng. Cho đến nay, đố ai nêu ra được một thành quả cụ thể nào.
Bà khoe đã bay hơn một triệu dặm, chỉ khiến bà Carly Fiorina, ứng
viên TT Cộng Hoà, nhắc nhở bay nhiều không phải là thành quả mà chỉ
là hoạt động. Thành quả đối ngoại, trong thời bà trách nhiệm, thật
ra là một chuỗi thắng lợi của... những đối thủ của Mỹ: từ Putin chiếm
Crimea, tới Trung Cộng lộng hành Biển Đông, ISIS chiếm nửa Iraq và
Syria, Libya đại loạn hơn Somalia, Syria giết hơn 200.000 dân, cậu Ấm Ủn
tiếp tục khai triển hoả tiễn nguyên tử, Iran vẫn bình chân như vại,
đồng minh bực mình vì bị nghe lén…
Như vậy thành quả của chính sách
đối ngoại của Hillary là gì?
Tám năm thượng nghị sĩ là tám năm làm quen, thiết lập “quan hệ” với các chính khách Mỹ. Tám năm ngoại trưởng là tám năm làm quen, thiết lập “quan hệ” với các chính khách quốc tế. Cả cuộc đời chính trị của bà Hillary cho đến nay chỉ là xây dựng nền tảng “quan hệ” cho cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ
Năm 2008, ứng viên Obama chỉ trích kế hoạch bảo hiểm y tế của ứng viên Hillary là thiên tả cực đoan khi bà chủ trương tất cả những ai không mua bảo hiểm sẽ bị phạt. Ông Obama cho là quá cực đoan, và kêu gọi bảo hiểm y tế chỉ bắt buộc cho trẻ em thôi. Hiển nhiên bà Hillary khi đó thiên tả hơn ông Obama.
Cũng khi đó, ông Obama kịch liệt chỉ trích Hillary đã biểu quyết cho TT Bush đánh Iraq. Rõ ràng là bà Hillary bảo thủ hơn ông Obama.
Thế thì tóm lại ai cấp tiến hay bảo thủ hơn ai?
Muốn biết rõ, ta cần gạt qua những cú đánh võ miệng trong cuộc tranh cử, mà phải nhìn vào thực tế. Qua mấy năm cầm quyền của TT Obama và mấy năm làm ngoại trưởng của bà Hillary, người ta có thể thấy ông Obama rõ ràng là thiên tả hơn.
Về y tế, ông Obama chỉ trích bà Hillary thiên tả, nhưng thật ra chỉ là cái mánh tranh cử vì sau đó ông mang tất cả những ý kiến của bà Hillary vào Obamacare. Ông Obama cũng là người đi trước bà Hillary trong những vấn đề như cổ võ hôn nhân đồng tính, ân xá trọn vẹn di dân lậu, ban phát trợ cấp đủ loại, đánh thuế tối đa những “nhà giàu”. Đây cũng là những quan điểm của bà Hillary, nhưng trong tất cả mọi vấn đề, bà đều lên tiếng sau TT Obama. Một phần có lẽ vì “tôn ti trật tự” để tổng thống nói trước, một phần vì bà không dám hung hăng đi quá xa quá sớm. Bà Hillary là người thận trọng hơn bất cứ chính khách nào, đặc biệt là so với ông chồng vô trật tự, vô kỷ luật.
Thời gian gần đây, để chống đỡ những tấn công của ông già Bernie Sanders, bà Hillary đã ngả mạnh về phiá tả, nhưng tinh mắt một chút thì thấy ngay đây chỉ là trò thời cơ lấy phiếu. Trên căn bản, bà Hillary gần với ông chồng hơn, tức là ôn hòa, không cấp tiến quá mức như TT Obama. Dù vậy, bà cũng vẫn không phải là người hùng tranh đấu cho giới trung lưu như bà đang hứa.
Trong vấn đề quốc phòng, an ninh, bà Hillary chứng tỏ rõ ràng diều hâu hơn TT Obama rất nhiều. Trong hồi ký của mình, bà thẳng tay chỉ trích TT Obama yếu đuối, lửng lơ cá vàng vì không biết phải làm gì tại Iraq cũng như tại Syria. Bà Hillary cũng gián tiếp đổ trách nhiệm ISIS bành trướng lên đầu TT Obama vì cái bệnh yếu đuối, gãi đầu gãi tai, không dám có hành động dứt khoát. Bà diều hâu hơn vì hai lý do. Thứ nhất là có bản tính cứng rắn hơn ông Nobel Hoà Bình vừa đánh vừa run. Thứ nhì, bà bị mặc cảm là phụ nữ, sợ thiên hạ có thành kiến cho là yếu đuối, nên cố gắng phá bỏ thành kiến đó bằng thái độ cứng rắn hơn.
Do đó, ta có thể mường tượng một người lãnh đạo
cứng rắn, có bản lãnh hơn xa ông tổ chức cộng đồng, xa hơn cả ông chồng
chỉ lo chạy theo mấy em... chân ngắn ngực nở.
CHÍNH SÁCH TRỊ QUỐC
Bà Hillary sẽ không tiếp tục chính sách của Obama, ít nhất là trên phương diện đối ngoại.
Trong chính sách đối nội, bà Hillary là chính khách thính mũi và thời cơ, đã nhìn thấy khuynh hướng cấp tiến mỵ dân đang trong thế thời thượng nên sẽ đi xa hơn TT Obama ít nhất là trong nhiệm kỳ đầu, để bảo đảm việc tái đắc cử năm 2020.
Bà Hillary chắc chắn sẽ có dịp bổ nhiệm một hay hai thẩm phán Tối Cao Pháp Vviện. Bà sẽ lựa người theo khuynh hướng cấp tiến và TCPV sẽ chuyển hướng mạnh hơn nữa qua phiá cấp tiến. Đây là một vấn đề ít người để ý, nhưng vai trò của tổng thống hết sức quan trọng vì là người bổ nhiệm thẩm phán TCPV, và những vị này có thể thay đổi hướng đi của cả xã hội về lâu về dài. Biết đâu bà Hillary sẽ bổ nhiệm cựu TT Obama vào TCPV?
Obamacare thực sự đã lấy ý kiến từ Hillarycare. Do đó, bà Hillary sẽ xúc tiến mạnh việc áp đặt Obamacare.
Trong vấn đề lao động, bà Hillary sẽ chủ trương đẩy mạnh việc tăng lương tối thiểu lên 15 đô để lấy điểm với cử tri lao động cũng như để được nghiệp đoàn ủng hộ. Bà Hillary rất chú ý đến các nghiệp đoàn, do đó công khai chống lại TT Obama trong vụ TPP (hiệp ước thương mại liên Thái Bình Dương) để đứng về phía các nghiệp đoàn.
Bà cũng sẽ tiếp tục “cuộc chiến” đòi tăng thuế mấy ông nhà giàu, sẽ tiếp tục sỉ vả nhà giàu, bài bác tài phiệt Wall Street nhưng sẵn sàng nhận bạc triệu yểm trợ của họ. Cá nhân bà và cả ông chồng sẽ “từ chức” khỏi Quỹ Clinton Foundation, không dính dáng đến các hoạt động gây quỹ hay chi tiêu của quỹ, nhưng ai cũng hiểu thực tế như thế nào. Dù sao thì ông chồng cũng phải kéo thắng tay, bớt đi đọc diễn văn lãnh cả trăm triệu.
Nhưng rồi vẫn còn nhiều vấn đề mà bà Hillary khó làm được gì nên chuyện. Chẳng hạn như mâu thuẫn trắng đen, hay vấn đề kiểm soát súng đạn, di dân lậu. Đây là những khúc xương lớn của Mỹ mà tất cả các tổng thống, bất kể Dân Chủ hay Cộng Hoà, đều mắc nghẹn mà không có được giải pháp gì.
Trong chính sách đối ngoại, bà Hillary sẽ đối phó một cách mạnh tay hơn những ý đồ bành trướng của Putin, Tập Cận Bình, ISIS và khủng bố nói chung, Syria, và ngay cả Bắc Hàn. Có thể đoán chừng bà Hillary sẽ mạnh miệng hơn với TC trong việc bênh vực các quốc gia vùng Biển Đông.
Nghe có vẻ chéo cẳng ngỗng, nhưng tóm lại, so với TT Obama, đối nội bà sẽ thiên tả hơn trong khi đối ngoại bà sẽ thiên hữu hơn.
Nói chung, trên nhiều khiá cạnh, bà sẽ là một người lãnh đạo hữu hiệu, ít sai lầm hơn TT Obama nhiều. Cử tri Dân Chủ đã làm một sai lầm lớn khi lựa Obama thay vì lựa bà Hillary năm 2008. Qua năm 2012, cử tri lại một lần nữa bầu cho TT Obama, chẳng qua vì bản tính con người, ít khi chịu nhìn nhận sai lầm, đã phóng lao bầu cho Obama năm 2008 thì bây giờ phải theo lao bầu nữa thôi. Đưa nước Mỹ đến tình trạng khá bết bát hiện nay.
TÍNH TÌNH CÁ NHÂN
Ở
đây, sự khác biệt giữa hai người khá rõ nét. Dù đồng quan điểm hay
không với TT Obama, thiên hạ cũng phải nhìn nhận ông không mánh mung,
lươn lẹo như bà Hillary. Có thể ông là người đến từ bãi chính trường
Chicago nên cũng ma đầu chẳng thua ai, nhưng dù sao, ông cũng khéo léo
hơn, không trắng trợn như bà Hillary. TT Obama không nói dối quanh,
thẳng tay kiếm tiền thô bạo trong khi miệng vẫn than “gần phá sản”,
“tranh đấu cho dân nghèo”. Qua những nói dối quanh liên quan đến emails
và quỹ Clinton Foundation, ta thấy bà Hillary mánh mung, dối trá hơn TT
Obama nhiều. Bà cũng giả dối mỵ dân hạng nặng khi một mặt thì hô hào
giúp sinh viên, bỏ học phí đại học, một mặt thì chém các đại học hơn hai
triệu đô tiền đọc vài bài diễn văn.
TT Obama là vua hứa cuội, hứa một trăm việc không làm được hai, nhưng dù sao thì hứa cuội cũng là mô thức hoạt động chung của tất cả chính trị gia, khác với “nói láo bẩm sinh” của bà Hillary.
Việc bà Hillary sẵn sàng chấp nhận những lem nhem thật xấu hổ của ông chồng chỉ vì bằng mọi giá muốn vào Tòa Bạch Ốc chứng tỏ bản lãnh cao của một người đầy tham vọng. Ông Obama hiển nhiên cũng có nhiều tham vọng, nhưng chưa làm gì quá đáng đến mức của bà Hillary. TT Obama cũng chứng tỏ là một người chồng và cha gương mẫu, trong khi bà Hillary hiển nhiên là người mẹ gương mẫu mà đã đóng vai trò người vợ một cách...đáng thắc mắc. Trong khi ông chồng lem nhem lung tung thì thay vì trách chồng, bà lại ủng hộ chồng, cho chồng là nạn nhân đáng thương của mấy cô gái háo danh và quay qua sỉ vả họ, nhưng lại vẫn tự vỗ ngực là tiếng nói bảo vệ nữ quyền.
Nếu muốn so sánh trên toàn diện, ta có thể nói bà Hillary gần với TT Nixon, trong khi TT Obama gần với TT Carter hơn.
VIỆT NAM
Chính sách mở cửa, thân thiện tối đa với CSVN của TT Obama sẽ được thúc đẩy mạnh hơn với bà Hillary nếu bà đắc cử tổng thống. TT Clinton có thể nói là tổng thống Mỹ thân thiện với CSVN nhất và bù lại, được CSVN hoan nghênh nhất. Ông đã đi thăm VN 5 lần.
Chính sách thân thiện này sẽ không giúp cải tiến dân chủ hay nhân quyền tại VN nói chung, mà chỉ cứu được một vài cá nhân chống đối CS quá nổi tiếng như bà Trần Khải Thanh Thủy hay ông Điếu Cầy thôi. Cho những người này qua Mỹ có lợi cho cả... ba bên. Ông Điếu Cầy được tự do, Mỹ được tiếng tranh đấu cho nhân quyền tại VN, CSVN bớt được một người chống đối ồn ào để rồi họ qua Mỹ vài ba tháng sau là đi vào quên lãng. Hiệu quả hơn là bắt nhốt họ để họ biến thành những người hùng được cả thế giới nhắc nhở.
Chính sách thân thiện với CSVN phục vụ quyền lợi cũng như chiến lược Á Châu của Mỹ. Tuy nhiên chính sách này đã và sẽ tiếp tục khiến cho những dân tỵ nạn đang ủng hộ đảng Dân Chủ bối rối không ít, loay hoay tìm cách biện giải. Họ tiếp tục trực diện một mâu thuẫn lớn, một mặt là chính sách của đảng Dân Chủ, chủ trương “hoà hợp hòa giải” tối đa với chính quyền CSVN sau khi đã bức tử VNCH và chống việc nhận dân tỵ nạn, và mặt khác là với tư cách một người tỵ nạn, làm sao ủng hộ chính sách thân thiện, HHHG tối đa với CSVN được?
Dù sao đi nữa thì cho dù bà Hillary hay bất cứ ông hay bà Cộng Hòa nào làm tổng thống thì dân tỵ nạn cũng đừng nên hy vọng gì nhiều. Tổng thống Mỹ phục vụ quyền lợi nước Mỹ và dân Mỹ, không phục vụ quyền lợi dân tỵ nạn VN. Đối với họ, khối dân tỵ nạn Việt chỉ là một nhóm cử tri Mỹ rất nhỏ, chẳng có tiếng nói gì trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong khi CSVN với gần 100 triệu dân nằm sát nách Trung Cộng là một con chốt đáng kể trong thế cờ chiến lược của họ.
___
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
Bài đọc thú vị thật! Từ đây đến bầu cử tổng thống Mỹ, nếu thỉnh thoảng được đọc trên trang nhà của ông về những ứng viên khác (như Jeb Bush chẳng hạn) thì quý biết mấy. Cám ơn ông!
Trả lờiXóaTôi sẽ chưa viết gì nhiều về chuyện bầu cử TT Mỹ. Còn quá sớm. Đợi xem Obama ngáng chân Hillary ra sao đã. Và xem bên Cộng Hòa đã trưởng thành hơn chưa....
XóaVâng, chỉ cần 2 câu tổng quan về hiện tại như vậy cũng gợi lên nhiều điều lắm rồi. Một lần nữa, cảm ơn ông!
Trả lờiXóaVề Trump hay Jeb Bush thì sao ạ? Cháu thấy họ chưa thể hiện nhiều quan điểm đối ngoại cho lắm. Nhưng cháu đoán họ (ứng viên Cộng Hòa) ít diều hâu hơn bà Hillary
Trả lờiXóaChưa chắc đâu. Trừ Nghị sĩ Rand Paul có chủ trương "libertarian" quá đáng và đối ngoại dớ dẩn trong tinh thần tự cô lập, các chuẩn ứng của viên Cộng Hoa đều dứt khoát hơn về đối ngoại. Nhưng họ còn tập trung vào việc giải trừ hậu quả Obama bên trong. Và cần tránh bước vào bóng rợp của George W. Bush về vụ Iraq. Còn Hillary chỉ là diều hâu cơ hội, xin đọc lại bài "Ong Chúa Quay Mòng Mòng - Rồi Tự Đốt".
XóaNgoài ra, nên theo dõi lời phát biểu của Carly Fiorina khi chỉ số Dow Jones rớt hơn ngàn điểm vào sáng Thứ Hai 24: xuất sắc nhất.
http://video.foxnews.com/v/4441162360001/carly-fiorina-talks-terrorism-hillary-and-creating-jobs/?intcmp=hpvid1#sp=show-clips
XóaHãy nghe Carly Fiorina trả lời phỏng vấn về thị trường rồi chính trường. Ngắn gọn và chính xác.
Dạ, cháu sẽ theo dõi thêm.
Xóa