Thứ Bảy, tháng 2 13, 2016

Đắm Mà Chưa Chìm



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160213


Khi dàn hợp xướng không thể đẩy lui sóng dữ 


* Hình ảnh ban nhạc trên con tầu Titanic *


Hôm Thứ Ba mùng chín, sáu Ngoại trưởng Âu Châu đã “tìm về La Mã”, xưa kia là kinh đô của một đế quốc huy hoàng. Ngày nay, đấy là Roma, thủ đô của nước Ý đang nghiêng xuống biển.

Vì dư luận Mỹ còn nhìn vào cái rốn của cuộc tranh cử Tổng thống nên ít chú ý đến bữa tiệc của đại diện sáu nước thành viên nguyên thủy của Liên Hiệp Âu Châu, là Đức, Pháp, Ý, Hòa Lan, Bỉ và Luxembourg mà xưa kia ta gọi là Lục Xâm Bảo. Họ tìm cách cứu vãn cơ đồ như một con tầu đắm. Khi Thủ tướng Ý là Matteo Renzi trả lời phỏng vấn hệ thống truyền thông kinh doanh Bloomberg của Hoa Kỳ, có lẽ ông đã tóm lược tình hình một cách cô đọng nhất: “Liên Âu cũng tựa như dàn nhạc đang tấu nhạc trên con tầu Titanic.”

Cô đọng mà vẫn lạc điệu!

Khi du thuyền Titanic bị nạn và bắt đầu chìm trong một đêm giá lạnh, dàn nhạc trên tầu chào đón tử thần bằng âm thanh. Họ không hốt hoảng mà lạnh lùng chấp nhận số phận, và tấu nhạc để tiễn đưa mọi người. Còn dàn “lục âm” của sáu nước Liên Âu ngày nay thì phủ nhận định mệnh, tin rằng tiếng nhạc sẽ nâng con tầu khỏi vòng xoáy và đưa mọi người đến chốn an lành.

Tiếng nhạc của họ qua bản thông cáo chung về tình hình Liên Âu có hai giai điệu chính là di dân và khủng bố. Dàn nhạc không nhìn thấy ba bốn vòng xoáy đang đe dọa con tầu Âu Châu:

Một là tình hình kinh tế quá bi đát của các nước miền Nam, như Hy Lạp, Tây Ban Nha với thất nghiệp cỡ 20%, và mới nhất mà nặng nhất về tài chánh và ngân hàng là Ý Đại Lợi. Hai là cơ chế Liên Âu chưa có khả năng phối hợp chánh sách để giải quyết vụ khủng hoảng kinh tế nổi lên từ năm 2010. Ba là chẳng ai nhìn thấy nhiều hậu quả xã hội đang dội lên từ tình trạng kinh tế sa sút và lại bị chấn động vì nạn di dân lẫn khủng bố. Bốn là sáu quốc gia cốt lõi của Âu Châu lại gác qua một bên những thách đố đang xảy ra ở vòng ngoại vi.

Khi đọc kỹ, hay nghe kỹ, các ý kiến từ bản thông cáo chung của dàn “lục âm” với chủ âm là “cải cách Liên Âu”, ta phải kết luận rằng sáu quốc gia sáng lập viên Liên Âu  đề nghị củng cố và hội nhập hệ thống cốt lõi của sáu nước. Và thả nổi cho các nước kia tự do tìm đường thoát hiểm. Nói nôm na là trên sân thượng, dàn hợp xướng cứ tấu nhạc cho vui, trong khi ở các tầng dưới, đang mấp mé chìm xuống nước, thì thiên hạ đã tìm xuồng tháo chạy!

“Thiên hạ” đây có thể là nước Anh, thành viên của Liên Âu nhưng nằm ngoài hệ thống tự do di chuyển của Hiệp ước Schengen. Cuối năm nay hay đầu năm tới, Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định về điều kiện “đi” hay “ở” trong khối Liên Âu. Thiên hạ đây cũng có thể là các nước Đông Âu xưa kia nằm trong quỹ đạo Xô viết nay rất ngại là lại trôi vào sức hút của Liên bang Nga. Mà vì ở vòng ngoài của địa dư, họ cũng bị chấn động nặng nhất vì làn sóng nạn dân đang dập vào biên giới. Các nước này cũng có một cốt lõi khác là “Nhóm Visegrad” gồm Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, Slovakia, Hung Gia Lợi cùng Slovakia. Họ thất vọng về đối sách của Âu Châu trước đà bành trướng của Liên bang Nga.

Khi ấy, ta thấy ra một sự thật là cốt lõi Liên Âu chỉ xác nhận một phần của các vấn đề thực tế mà chưa thấy vì sao từng nước lại gia nhập dự án Âu Châu - như mua vé vào con tầu Titanic.

Dân Hy Lạp muốn tham gia vì tưởng sẽ có lợi ích kinh tế, mua vé boong dưới mà ngự boong trên với tấm nệm rất êm của kinh tế Đức. Dân Ba Lan thì coi chuyến du hành là một cách rời xa mối nguy của Đế quốc Nga vì từ nay sẽ có láng giềng đông đảo hùng cường. Người Hòa Lan thì mơ bảo vệ mức sống vương giả và lại có tiếng nói rất mạnh trong toàn cõi Âu Châu. Nước Pháp cũng không khác: có cái thế mạnh hơn cái lực kinh tế nhờ quan hệ khắng khít với nước Đức, nền kinh tế cốt lõi của cốt lõi.

Bây giờ, khi con tầu nghiêng ngả, sáu nước tiên phong trong dự án hội nhập Âu Châu có thể quyết định là sẽ hội nhập chặt chẽ hơn để bảo vệ hệ thống trung ương và cho các nước kia được ad libitum, tự do tấu nhạc theo cảm hứng. Rất hợp lý mà chẳng hợp tình.

Chuyện không hợp tình thứ nhất là hệ thống tiền tệ thống nhất của 19 thành viên - khối Euro - với vai trò quan trọng của Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB và những cái phao cứu hộ cứu sinh. Sáu nước cốt lõi có thể khiến ECB ưu tiên giải quyết khó khăn bên trong và có chánh sách dị biệt với các nước nằm ở vòng ngoài. Các quốc gia này, không chỉ có Hy Lạp, có thể càng muốn ra khỏi khối Euro. Đồng Euro sẽ thành đồng sứt.

Chuyện không hợp tình kia thuộc về địa dư: như nước Ý dài ngoằng với phân nửa miền Bắc đã kỹ nghệ hóa và hội nhập vào cốt lõi Âu Châu, mà miền Nam thì còn nghèo trên Địa Trung Hải, với hoàn cảnh khó khăn y hệt như các nước miền Nam Âu Châu là Hy Lạp hay Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Và từ Địa Trung Hải, Ý cũng ở gần làn sóng nạn dân. Trong năm 2016 này – không, trong vài tuần tới thôi – chúng ta sẽ thấy các thị trường quốc tế tri hô về vụ khủng hoảng tài chánh tại Ý với hậu quả lan rộng vào các ngân hàng chủ nợ của Âu Châu. Hãy tưởng tượng là nước lạnh đã lên tới boong trên! Cứu hay không cứu sẽ là câu hỏi không dễ có giải đáp.

Chuyện không hợp tình thứ ba, là cốt lõi của cốt lõi nước Đức sẽ lâm thế kẹt.

Có lợi nhất nhờ hệ thống Euro để duy trì khả năng xuất cảng rất cao - quá cao - Đức cần thị trường rộng lớn của cả khối Âu Châu, bây giờ cái khối toàn mỹ ấy có khi bị chia làm ba bốn mảng và xứ nào cũng trông đợi vào tinh thần hào sảng rộng chi của kinh tế Đức. Dù có là đại gia, Đức cũng không thể cáng đáng nổi trách nhiệm ấy và nạn nhân sẽ là Thủ tướng Angela Merkel. Bà vẫn còn hy vọng lãnh đạo vì đối lập quá yếu, nhưng chẳng vì vậy mà tránh nổi những sóng gió trên chính trường.

Sau Merkel sẽ là đại loạn, cho cả nước Đức, lẫn các nước cốt lõi, lẫn vòng ngoại vi đang nhìn qua bốn phương tứ hướng.

Bài này tính nói về nhạc và nghĩ đến Ludwig van Beethoven với bản Hợp xướng số 3 có tên là “Eroica”. Rất hùng tráng với hào khí Âu Châu tỏa sáng từ nước Đức. Nhưng hành âm thứ hai của tác phẩm  lại có tên là Marcia Funebre. Dịch làm sao đây? Khúc tống táng?




3 nhận xét:

  1. thưa bác Nghĩa, bác có theo dõi tình hình EU thì cho cháu biết liệu những j ông Draghi hiện phát biểu tại nghị viện EU là sự thực hay là ăn tục nói phét để trấn an dư luận. vì ổng nói rằng tuy có khủng hoảng nhưng ngân hàng mạnh hơn lúc trc nhiều nên k có j đáng ngại

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cũng phải trấn an chứ, sau khi ECB đã bơm tiền và hạ lãi suất tới số âm rồi! Quả thật là đáng ngại...

      Xóa
  2. thưa bác Nghĩa, vì cháu còn nghe là ECB sẽ cân nhắc lại chính sách vào tháng 3. mà cân nhắc đây là j, k lẽ bơm thêm QE mà ngoài cái đó ra thì đâu còn cách khác vì QE đã bơm rồi mà ls thì âm sàn. vấn đề theo cháu thấy k phải ở chính sách tiền tệ nên tuy cố nhưng cũng chả đi tới đâu

    Trả lờiXóa