Thứ Năm, tháng 2 04, 2016

Kinh tế Việt Nam sau Đại hội 12

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 160203
Diễn đàn Kinh tế 

Còn khoanh tay đợi đến Tháng Năm   
 
 
000_Hkg10249171-622.jpg
* Ảnh chụp hôm 25/1, bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi diễn ra Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam. AFP * 
 
 
 
 


Đại Hội Khóa XII của đảng Cộng Sản Việt Nam đã kết thúc với một số thay đổi về nhân sự có gây chú ý trong dư luận, nhưng thực chất lại chẳng thay đổi về đường lối kinh tế. Khi ấy, hai chức năng cầm đầu bộ máy nhà nước là Hội đồng Chính phủ và Quốc hội sẽ xử trí ra sao với những cam kết quốc tế đã được đàm phán từ nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo của đảng?

Chết kẹt trong mâu thuẫn

Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Đại hội lần thứ XII đảng CSVN vừa chấm dứt tuần qua với nhiều thay đổi về thành phần nhân sự lãnh đạo nhưng, ngược với sự trông đợi của nhiều người, hình như chính sách kinh tế lại vẫn như cũ. Kỳ này, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ phân tích chuyện đó, và xin ông gợi ý cho cái hướng tìm hiểu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong thế giới mờ ám của quyền lực độc tôn trong tay một đảng thì ta chỉ có thể biết về những gì đảng muốn tiến hành qua các văn kiện của đảng. Trường hợp ở đây là Nghị quyết, với nhiều phạm trù hay khái niệm được nhắc đi nhắc lại như một câu thần chú.

Khi hiểu quy cách làm việc từ trong đảng tới các chức năng của bộ máy nhà nước là Quốc hội và Hội đồng Chính phủ rồi hệ thống hành chính công quyền thì ta biết rằng đảng viên cán bộ đều phải học tập nghị quyết cho đến khi có lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ mới vào Tháng Năm này. Rồi từ đấy mới đem nghị quyết vào đời sống kinh tế - và chết kẹt trong mâu thuẫn.

Phạm trù hay ngôn ngữ thần chú gồm hai vế là “kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã có khi người cộng sản nói tới đổi mới từ 30 năm trước và cứ năm năm lại nhắc đi nhắc lại, như lắc một cái chai rỗng. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Thưa ông, mâu thuẫn ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Mâu thuẫn ấy nằm trong bước đột phá thứ nhất do đảng đề ra, đó là “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ta để ý đến từ hoàn thiện vì nó hàm ý một cái gì đó đã hiện hữu mà người ta muốn làm cho tốt hơn. Quả thật, phạm trù hay ngôn ngữ thần chú gồm hai vế là “kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã có khi người cộng sản nói tới đổi mới từ 30 năm trước và cứ năm năm lại nhắc đi nhắc lại, như lắc một cái chai rỗng. Ngoài thì dán nhãn bên trong chẳng biết là gì.

Cho tới nay, chưa ai định nghĩa được hai vế đó cho rõ để đảng viên cán bộ khả dĩ chấp hành mà điều hướng kinh tế. Hai chục năm trước, tôi từng được nghe người lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng rồi tới các chuyên gia có nhiệm vụ quản lý kinh tế nêu câu hỏi mà chẳng ai có giải đáp, thế nào là kinh tế thị trường, thế nào là xã hội chủ nghĩa?

Cùng lắm thì biết nhà nước có chức năng “quản lý” cái định hướng ấy. Tức là người ta đòi tài xế lái xe theo một tấm họa đồ trắng xóa và cứ vậy mà lao xe, rồi nói ta đi đúng hướng. Có cái gì rất siêu hiện thực trong trò chơi ngôn ngữ ấy và nó lại vừa được đưa vào một nghị quyết của thế kỷ 21.

Nguyên Lam: Hình như cách nay không lâu, đúng một tháng trước, ông nêu trước vấn đề là “chệch hướng hay tụt hậu?” Chẳng ai biết cái hướng ấy là gì thì làm sao biết được chệch hay không? Một cách cụ thể thì hình như xã hội chủ nghĩa ở vào thế đối lập mà có giá trị hơn kinh tế thị trường nên mới giữ vai trò định hướng. Thế thì tại sao phải đổi mới và áp dụng kinh tế thị trường?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có thể là người ta nuôi tham vọng dùng kinh tế thị trường để xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhân tiện củng cố quyền lãnh đạo của một đảng tự xưng xã hội chủ nghĩa. Kết quả thì kinh tế không phát triển vì luẩn quẩn trong mâu thuẫn tôi gọi là hình tròn bốn góc, mà hậu quả là đảng viên cán bộ có cơ hội bòn rút tài nguyên quốc gia và thành đại gia trọc phú. Câu thần chú là cái gốc của tham nhũng nên một Thủ tướng có 10 năm theo kinh tế thị trường cũng thành người đem lại nhiều đặc lợi nhất cho tay chân. Bây giờ, khi bộ máy nhân sự mới phải khai triển cái nghị quyết này thì làm sao mà thực hiện yêu cầu trái khoáy là hoàn thiện kinh tế thị trường, mà quyền sở hữu nhà nước vẫn chèn ép quyền sở hữu tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo?

Nguyên Lam: Theo như chúng ta hiểu thì hai hệ thống kinh tế, theo thị trường và theo xã hội chủ nghĩa, có những khác biệt khó dung hòa, tựa như lề trái lề phải của một con đường. Nếu chính phủ như người tài xế lái xe theo cách so sánh của ông thì nhiều phần sẽ lạng qua bên trái rồi bên mặt thì làm sao mà tiến và trong bối cảnh đầy bất trắc như hiện nay, làm sao mà tránh tai nạn, tức là khủng hoảng về kinh tế?



12 nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015.
12 nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015. AFP
 
 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là chuyện chúng ta sẽ thấy sau khi cũng đảng và nhà nước ấy đã có những cam kết với các nước khác là hội nhập nền kinh tế Việt Nam vào thị trường quốc tế. Một cách cụ thể thì Việt Nam đã mất bảy tám năm thương thuyết để gia nhập Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, vừa hoàn thành hiệp ước Tự do Thương mại với Liên hiệp Âu và gia nhập Khối Kinh tế chung của Hiệp hội ASEAN. Then chốt của những cam kết ấy là sự phát triển và sức cạnh tranh của hệ thống tư doanh, trong đó, tư nhân làm chủ các phương tiện sản xuất và quản lý kinh tế theo quy luật tự do của thị trường. Như vậy, làm sao Quốc hội và Hội đồng Chính phủ với nhân sự mới lại có thể đưa tư doanh vào thế cạnh tranh quốc tế mà vẫn đè nén tư doanh dưới chế độ công hữu dưới vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước?

Chúng ta cũng không quên là khi đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO mươi năm trước, giới chức Hà Nội tự cho là khôn vì yêu cầu quốc tế cho Việt Nam thời hạn khá dài, tới 15, 18 năm, để có kinh tế thị trường đích thực. Với Hiệp ước TPP cũng thế, Hà Nội xin triển hạn tùy ngành để trì hoãn cải cách mà không hiểu rằng cứ bơi trong vùng nước lợ thì làm sao ra tới đại dương? Đã vậy, nghị quyết đảng với hai vế mâu thuẫn sẽ tiếp tục kềm hãm việc cải cách đã cam kết cùng quốc tế, với hậu quả là kinh tế không phát triển, tư doanh không thể cạnh tranh thắng lợi mà hệ thống quản lý của nhà nước thì bất lực trước những xoay vần không thể tránh nổi của thị trường thế giới. Đáng lẽ kinh nghiệm quản lý tệ hại vừa qua của kinh tế Trung Quốc phải là bài học cảnh tỉnh cho mọi người.

Làm sao để tránh bất ổn và suy sụp kinh tế?

 

Nguyên Lam: Đã từng là chuyên gia tư vấn cho các nước đang phát triển, ông nghĩ sao về những việc mà Quốc hội và Chính phủ của Hà Nội nên làm ngay để tránh được những bất ổn và suy sụp kinh tế người ta đang thấy ra tại Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là ta nên bước qua bên cạnh để thấy vấn đề của Việt Nam và cả Trung Quốc không chỉ là kinh tế: chúng ta đang chứng kiến một vụ khủng hoảng lãnh đạo.

Lãnh đạo Bắc Kinh đang loay hoay giữa hai yêu cầu đóng mở, vừa củng cố quyền lực đảng tại trung ương vừa mở ra thế giới bên ngoài, với các bài toán kinh tế tài chính nan giải. Họ dự tính áp dụng biện pháp kinh tế gọi là “trọng cung”, suppy-side, của trường phái kinh tế tự do mà vẫn xiết chặt quản lý; họ muốn tránh nạn tẩu tán tư bản mà cũng muốn đồng bạc trở thành ngoại tệ dự trữ phổ biến trong rổ ngoại tệ “Đặc Trích” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Rốt cuộc thì sẽ áp dụng chế độ kiểm soát tư bản và từ bỏ giấc mơ Đặc Trích của đồng Nhân dân tệ! Khi các giấc mơ tan thành mây khói hay biến ra ác mộng thì lãnh đạo bị khủng hoảng. Nhưng đấy là cơ hội cho Việt Nam “thoát Tầu”, trước hết là về mặt tư duy, sau đó mới là chính sách.

Nguyên Lam: Xin đề nghị ông trình bày từng bước của việc “thoát Tầu” hay “thoát Trung” về tư duy và chính sách như ông vừa nói.

Khi Việt Nam có thực tâm cải cách thì còn hy vọng được quốc tế tiếp sức, nếu không, thiên hạ sẽ nhìn qua hướng khác và đầu tư vào nước khác. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta biết là trước Đại hội đảng tại Hà Nội, Bắc Kinh đã đóng chốt rất chặt qua chuyến thăm viếng Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ ngày 24 đến 27 Tháng 12. Dịp này, Quốc hội hai nước đã có những ký kết chưa công khai hóa, nhưng đấy là một vòng kim cô khác để bóp chết khả năng xoay trở của Việt Nam, vốn dĩ còn kẹt trong mâu thuẫn chúng ta vừa nói là kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Kinh cũng còn lúng túng với nhiều ưu tiên khác và đây là cơ hội cho hệ thống nhân sự mới tại Việt Nam tách dần ra khỏi bóng rợp Trung Quốc. Nếu nhìn theo hướng tích cực và chiến lược thì khủng hoảng lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc và Việt Nam lại là một cơ hội Thoát Tầu. Người ta nên chủ động thay đổi tư duy từ trên đầu xuống để khai thác cơ hội này thay vì sụp đổ cùng cả hệ thống trong những biến động kinh tế sắp tới. Chính lãnh đạo Bắc Kinh cũng đang suy nghĩ theo hướng đó để tránh khủng hoảng thì hà cớ chi ta cứ lao theo họ vào vực thẳm?

Nguyên Lam: Thưa ông, từng bước cụ thể thì những người sẽ lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ sắp tới có thể làm những gì và cần làm những gì để khai thác cơ hội ấy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, tôi thiển nghĩ rằng vì tiền đồ của Việt Nam hơn là vì những cam kết với quốc tế, hãy nhìn thẳng vào vấn đề và nói ra yêu cầu tách đảng ra khỏi bộ máy nhà nước. Nhà nước, gồm có Quốc hội và Chính phủ, từ nay sẽ chịu trách nhiệm với quốc dân hơn là với đảng vì đảng hành xử như một chi bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Thật ra, yêu cầu này đã được quốc tế nêu lên từ khi Việt Nam đổi mới rồi được viện trợ để xây dựng bộ máy hành chính công quyền độc lập và hữu hiệu, nhưng Ban Tổ chức Cán bộ Trung ương do đảng chỉ đạo ở phía sau vẫn không muốn thực thi yêu cầu đó. Những ai trong hệ thống nhân sự mới mà nói ra điều này thì mới là có ý thức thoát Tầu.

- Thứ hai, do những cam kết có tính cách pháp chế với quốc tế, phải triệt để hoàn thiện không phải là thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như cái nghị quyết mê sảng kia đề ra mà hoàn thiện hạ tầng cơ sở luật pháp để phát huy quyền sở hữu tư nhân trên quyền công hữu của nhà nước. Đấy là điều kiện tất yếu để giải phóng nội lực và tăng cường sức cạnh tranh theo trào lưu chung của thế giới.

- Trên nền tảng luật lệ ấy, phải ưu tiên cải cách và tư nhân hóa hệ thống doanh nghiệp nhà nước để có thêm tài nguyên cho công quỹ đang cạn kiệt và vận động viện trợ để phát triển khu vực kinh doanh của tư nhân. Người ta nói nhiều về tư nhân hóa hay xã hội hóa trong yêu cầu cải cách doanh nghiệp nhà nước mà chẳng làm gì. Đây là lúc nên làm và tạo ra bước đột phá. Việc phát triển tư doanh và cải cách doanh nghiệp nhà nước phải được tiến hành song song.

Nguyên Lam: Ông có nghĩ rằng các quyết định đột phá như vậy là lý tưởng mà cũng nan giải hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dĩ nhiên là mọi người đều biết như vậy, nhưng tôi tin vào hai chuyện.

- Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang mấp mé khủng hoảng, nếu chẳng làm gì thì sẽ khủng hoảng. Tình hình thật chẳng khác gì 30 năm trước, khi có Đại hội Khóa VI vào năm 1986. Ngày nay Việt Nam đã tham gia TPP mà vẫn lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, bị nhập siêu hơn 32 tỷ đô la từ phương Bắc hung đồ, chưa kể khoản tiểu ngạch lên tới gần 20 tỷ. Ngân sách Việt Nam bị bội chi quá lớn nên chỉ đủ trả nợ đáo hạn cho nước ngoài mà công trái của Việt Nam đã lên tới gần trăm tỷ, bình quân thì một người dân nợ một ngàn dù chẳng được gì! Vì ngân sách cạn kiệt và viện trợ ưu đãi theo kiểu ODA không còn thì Việt Nam sẽ khủng hoảng nếu không đổi mới thể chế. Khi Việt Nam có thực tâm cải cách thì còn hy vọng được quốc tế tiếp sức, nếu không, thiên hạ sẽ nhìn qua hướng khác và đầu tư vào nước khác.

- Chuyện thứ hai là Ban chấp hành Trung ương vừa có một lượng nhân sự đông đảo và khá trẻ, khá mới. Trong thành phần này cũng còn nhiều người dám nghĩ khác nếu có người dám chỉ ra. Nếu không thì cùng sụp đổ. Vì vậy, cách lượng định rủi ro và cân nhắc hơn thiệt đã có khác….

Nguyên Lam: Xin cảm ơn ông Nghĩa về bài phân tích này và mong rằng năm Thân sẽ mở ra một vận hội mới cho Việt Nam.


1 nhận xét:

  1. Nặc danh16/2/16 2:54 CH

    Thầy Nghĩa vưà víết trong một bài mới là "Mirage" thì cũng chỉ là Ảo ảnh. Không lẽ TT Obama đưa toàn bộ 10 thành viên SEAN lẫn ông Tập trong chuyến gặp gỡ 2013 vào "ảo ảnh" hay sao ạ? Nếu vậy "Mirage" lại hoá ra là Migraine?
    Em thấy vầy không biết có đúng không thưa Thầy, rằng TT Obama đã làm hết sức mình trong khả năng cuả ông, một người vốn thích hoà giải không thích chiến tranh, mặc dù nước Mỹ đã có tiếng là rút quân từ nơi này là sẽ điều quân vào nơi khác. Cũng may là ổng không chiến với Trung Cộng sắt máu trong 2 nhiệm kỳ qua, bằng không thật tổn thất cho HoaKỳ. Nhưng sự "lạt mềm buộc chặt cuả ổng" có thể là một cơ sở làm giảm thiểu sự xung đột trong tương lai và chiến tranh có xảy ra cũng không quá xô bồ nếu phe hiếu chiến thắng cử. Tuy nhiên, trước một đối thủ Trung Cộng "mềm nắn rắn buông" vưà hung hẵn vưà năng động, thì "lạt mềm buộc chặt" có thể bi cho là quá "mềm". Tuy chị Clinton có vẻ đang lên, dollar ủng hộ chị lên đến trên 175 triệu. Nhưng ác nghiệt thay, con số đó lại tự nó "tố cáo" chủ nhân ông cuả nó và người dân HoaKỳ bao năm qua đã bắt đầu khinh ghét những đồng tiền do các đại gia vứt vào chính trường. Họ bắt đầu thức tỉnh khỏi cơn cuồng cuả trò chơi tiền tài quyền lực. Họ khao khát những nhà chính trị có bề sâu tri thức, có kinh nghiệm chính trường, có lý tưởng tốt đẹp, để xây dựng một nước Mỹ tốt lành, thịnh vượng, mà nó xứng đáng được hưởng.

    Trả lờiXóa