Thứ Hai, tháng 5 30, 2016

Dầu Thô Lên Giá Là Mừng?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160530
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"



Những yếu tố chi phối giá dầu trên thế giới…


* Kỹ thuật khai thác dầu từ các giai tầng đá phiến nằm sâu dưới lòng đất *  

 

Tin mừng cho giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ và các nhà sản xuất toàn cầu: sau khi sụt tới mức thấp nhất vào Tháng Hai vừa qua thì trước ngày Chiến sĩ Trận vong Memorial Day, giá dầu thô đã lên quá 50 đô la một thùng. Đấy là cái giá “tối hảo” được thấy hôm Thứ Năm 26. Tối hảo vì vừa đủ thấp cho giới tiêu thụ Hoa Kỳ phóng xe trước mùa du lịch mà cũng chẳng quá cao nên sẽ giúp nhà sản xuất của nhiều quốc gia, kể cả nước Mỹ.

Nhưng vì sao giá dầu từ 115 đồng một thùng vào Tháng Sáu năm 2014 lại sụt tới 80 đồng trong có năm tháng? Tại sao sụt tiếp đến khoảng 30 đồng vào đầu năm nay? Vì sao giờ này tăng giá tới hai phần ba so với Tháng Hai thì dầu thô lại chạm cái ngưỡng dễ thương là 50? Và sau đó – câu hỏi trị giá mấy trăm tỷ đô la - dầu thô sẽ chạy đi đâu? Những nan đề ấy đang ám ảnh Tổ chức OPEC của 13 nước xuất cảng dầu thô trong kỳ họp vào mùng hai Tháng Sáu này….

Trước hết, xin nói về kinh tế.

Về kinh tế, khi dầu thô lên giá quá 100 đồng một thùng vào năm 2008, giới sản xuất Hoa Kỳ bèn tìm lại bửu bối cũ: kỹ thuật gạn đá phiến ra dầu. Họ biết kỹ thuật này từ lâu  mà không áp dụng vì chẳng bõ công, quá tốn kém khi giá dầu còn rẻ, chừng hai ba chục một thùng. Vì giá tăng, nhiều doanh nghiệp Mỹ bèn áp dụng, và cải tiến, kỹ thuật gọi là “fracking” ấy, nhưng với đặc tính Hoa Kỳ, là như sét đánh. Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng đột ngột, từ nhật lượng vào năm 2011 là năm triệu ba 300 ngàn thùng một ngày (báo chuyên ngành viết tắt là bpd) lên tới chín triệu vào năm 2014. Khi số cung tăng mạnh mà số cầu vẫn yếu vì thế giới còn bị di họa của vụ Tổng suy trầm 2008-2009, giá dầu bèn sụt mạnh. Thấy giá sụt, giới buôn bán dầu thô cũng nhập cuộc theo hướng giá hạ, làm dầu sụt giá càng nhanh hơn. Vì thế, giá dầu từ 115 một thùng đã tuột đến số 80 đồng trong có năm tháng.

Các doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật này là loại nhỏ và vừa, không là các đại gia cổ điển. Theo hệ thống sản xuất cũ, các tổ hợp lớn phải đầu tư rất nhiều và chờ khoảng tám năm mới đào ra dầu từ những giếng lớn. Các doanh nghiệp dùng kỹ thuật mới thì khai thác dầu như đánh du kích. Họ tìm đến cả ngàn giếng dầu nhỏ, phân tán ở nhiều nơi trước đây bị coi thường vì chẳng bõ công đào và bơm vào một dung dịch đặc biệt để phá vỡ các phân tử rồi hút lên dầu thô hay khí đốt. Thời gian từ khi tìm tòi đến lúc bơm dầu có khi chỉ vài tháng.

Nhưng khi dầu sụt giá quá mạnh, họ chới với vì quá thành công nên bắt đầu khóa lại các giếng kém lời - để chờ thời…. Tuy nhiên tổ chức OPEC còn chới với nặng hơn.

Là trưởng tràng của OPEC, Saudi Arabia được các thành viên kia yêu cầu giảm sản lượng để phần nào tái quân bình lại thế cung cầu cho giá khỏi sụt và họ khỏi bị thất thâu, hoặc lỗ lã. Nhưng Hoàng gia Saudi lại tính khác: không giảm số cung mà còn góp phần làm giá tuột thêm để loại bỏ các đối thủ mới xuất hiện trên thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, trận chiến dầu thô bùng nổ giữa Saudi Arabia và Hoa Kỳ: kinh tế cũng là chính trị trong ý nghĩa đó.

Với trữ lượng dầu cực lớn, lại được thiên nhiên cho loại dầu thanh và nhẹ, có phí tổn chế biến thấp, Saudi không giảm mà tăng sản lượng để làm giảm giá dầu. Ngoài ra, Hoàng gia Saudi còn có cái nệm khá dày là khối dự trữ ngoại tệ trị giá gần 600 tỷ Mỹ kim. Mục tiêu chiến lược là bảo vệ thị phần của mình trên thế giới và gạt các tay mơ của Mỹ ra khỏi trận chiến.

Vì vậy, đến Tháng Năm 2015, sản lượng của Saudi tăng 660 ngàn thùng một ngày, làm giá sụt tới 45 đồng một thùng. Điều bất ngờ là giới sản xuất Mỹ chẳng chịu thua mà cũng tăng sản lượng, thêm 400 ngàn thùng một ngày! Nhờ phương pháp mới, họ có khả năng ứng phó linh động với tình hình giá cả và dám lấy rủi ro, nhất là khi lãi suất đang rẻ nên vay tiền cũng dễ. Và, tinh hoa của Mỹ, càng áp dụng họ càng cải tiến nên phí tổn sản xuất cũng giảm.

Trận chiến ấy mới giải thích vì sao giá dầu thô có lúc mấp mé ba chục một thùng.

Đấy là khi anh hùng Saudi thấm mệt. Vì ngân sách và các khoản chi xã hội hao hụt, Hoàng gia Saudi nói đến việc chuyển hướng: trong năm năm tới sẽ đa dạng hóa sản xuất để khỏi lệ thuộc vào dầu thô và có thể tư nhân hóa con gà đẻ trứng vàng là tổ hợp dầu khí quốc doanh Aramco. Tổng trưởng Dầu khí Saudi là Ali al-Naimi nhường chức cho Chủ tịch Aramco là Khalid al-Falih thi hành chiến lược này. Al-Falih có hậu thuẫn của Hoàng thân Mohammed bin Salman, là lãnh tụ trẻ đầy tham vọng cải cách và chỉ đứng hạng nhì sau Thái tử sẽ kế nhiệm Quốc vương Salman bin Abdulaziz….

Không chỉ dàn trận để ngăn ngừa ảnh hưởng của Iran khi cường quốc theo hệ phái Shia vừa được Tổng thống Barack Obama giải vây, Saudi Arabia còn tham dự trận chiến tại Yemen, trong lúc chấp nhận một đòn hy sinh của Nhu đạo: nhất thời chịu thiệt để có ngày quật khởi. Chịu thiệt với giá dầu thấp, thu về ít tiền hơn cho tới khi đối thủ là giới sản xuất Mỹ bỏ cuộc.

Nhưng chính người dân Saudi mới chịu đòn hy sinh vì lương bổng giảm, vật giá tăng và mất dần trợ cấp. Vì thế, Hoàng gia Saudi không từ bỏ chủ trương chuyển hướng, nhưng pha loãng liều thuốc quá đắng và đành giảm mức dầu sản xuất. Quyết định ấy đã hạ bớt số cung trong khi thị trường Đông Nam Á có hy vọng tăng trưởng cao hơn nên cũng nâng mức cầu. Những biến thái phức tạp kể trên mới làm dầu thô lên giá, nay mấp mé con số 50 được coi là “tối hảo”. Ở bên này chiến hào, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng phải tạm hoãn nhiều dự án, trị giá có thể là mấy trăm tỷ đô la, để nghe ngóng tình hình…

Câu hỏi ngàn vàng là dầu thô sẽ lên giá tới đâu? Lên quá cao lại gây suy trầm, mà giữ quá thấp thì nhiều nước bán dầu chết ngộp – Venezuela không là trường hợp duy nhất. Vì vậy, thế giới mới theo dõi hội nghị tuần tới của OPEC, xem Hoàng gia Saudi và các nước tính sao….

Nhìn trong viễn ảnh dài hơn thì đâu là những yếu tố chi phối giá dầu trên thế giới?

Saudi Arabia trở thành cường quốc giàu nhất khối Á Rập theo hệ phái Hồi giáo Sunni là nhờ dầu hỏa kể từ những năm 1938. Tình trạng ấy đang giảm mà vẫn còn. Việc chuyển hướng là yêu cầu sinh tử nhưng chẳng vì vậy mà trong có năm năm đã kịp thoát xác: Hoàng gia Saudi vẫn cần dầu nhất là trong giai đoạn sinh tử này tại Trung Đông. Vì vậy, Saudi Arabia còn là đại gia giữ mặt cung vè dầu hỏa, sẽ cần tiền để đầu tư cho việc chuyển hướng mà khỏi bị loạn.

Cũng về mặt cung, Iran đang tìm lại vị trí đại gia dầu hỏa sau khi được Hoa Kỳ xả dần lệnh cấm vận và đang ra sức bán dầu để đánh hạ ảnh hưởng của Saudi Arabia. Nhưng phần cung đó cũng hạn chế vì các Giáo chủ ham làm cách mạng hơn là kiếm tiền. Nay sẽ cần tiền của thiên hạ để đầu tư vào các giếng dầu bị bỏ bê hoặc lắm rủi ro. Tức là còn lâu mới khá.

Các doanh nghiệp Mỹ đã làm cuộc cách mạng dầu khí từ năm 2011 đã thắng đợt đầu và khựng đợt hai. Nếu dầu thô lên giá mạnh thì họ sẽ bấm nút bơm dầu rất nhanh để tăng số cung nên giá dầu khó tìm lại cái giá trên trời của thời 2008. Còn lại thì doanh nghiệp Mỹ chờ đợi số cầu.

Số cầu ấy không đến từ kinh tế Trung Quốc, từ nay đi vào chu kỳ đình trệ mà tiêu thụ vẫn ngắc ngoải ở mức 36% của Tổng sản lượng nên chẳng thể là lực đẩy cho sản xuất như Bắc Kinh vẫn mơ và nói. Xứ này có khi còn ói ra mật và bề nào thì cũng hết là đầu máy hút dầu làm dầu thô lên giá. Còn Âu Châu thì ngày càng bất ổn, với kinh tế suy sụp, nợ nần tăng vọt. Kinh tế Âu Châu khó nâng số cầu về năng lượng.

Còn lại? Hy vọng có thể chớm nở từ kinh tế Đông Nam Á, Ấn Độ hay vài nơi hẻo lánh khác, nhưng số cầu đó chậm tăng làm giá cũng không biến động mạnh. Kết luận thì sau khi giá dầu sụt mạnh vì cung hơn là vì cầu, tình hình giá cả sẽ bình hòa hơn. Nếu tăng thì rất chậm và sẽ lại trở về con số tối hảo là 50 đô la một thùng….

Thứ Bảy, tháng 5 28, 2016

Chống Tẫu Nẫu Ruột



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 160526

Chiến Lược Obama và Chuyện Tà Ma Chống Tầu

 * Cứ uýnh nó thí mẹ đi - có tui đứng sau nè *


Nhiều người Việt ta ở trong nước thì ngẩn ngơ: “khách không ở, lòng em cô độc quá”, câu thơ người xưa diễn tả tâm trạng người nay, sau khi chàng tuổi trẻ lên chuyên cơ bay về phía mặt trời mọc để nói chuyện với con cháu Thái Dương Thần Nữ….

Nhưng, tỉnh dậy đi chứ! Hãy tìm hiểu nỗi niềm Obama.

Không mê muội ngóng trông chuyến thăm viếng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mà chịu khó nhìn vào toàn cảnh, ta có thể thấy ra ba bốn sự lạ.

Tháng Tư đen, cá chết trắng bờ duyên hải miền Trung, Tổng trưởng Quốc phòng Ashton Carter của Hoa Kỳ bay qua Ấn Độ ký kết hiệp ước tiếp liệu quân sự và gián tiếp cho thấy vành đai bao vây Trung Cộng. Sau đó, cũng chính ông Carter lại nhắc tới lời mời của Chính quyền Obama hướng về Bắc Kinh: dù các đấng con trời có ngang tàng uy hiếp khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ vẫn mời Trung Cộng tham dự cuộc thao dượt quân sự RIMPAC được tổ chức hai năm một lần với các quốc gia trên vành cung Á Châu Thái Bình Dương kể từ năm 1971. Trong tháng tới, các đơn vị của Tầu sẽ lần đầu tiên xuất hiện bên cạnh các đồng minh của Mỹ, để tập dượt việc cứu lấy dân gian trên vành cung. Nghĩa là làm sao?

Nghĩa là Hoa Kỳ không căng vành cung nhắm vào Trung Cộng!

Nếu nhớ lại sự thể ấy, những ai cho rằng việc Tổng thống Mỹ vừa đặt chân tới Hà Nội đã vội loan báo quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí sát thương là biến cố lịch sử thì nên… đi tìm bác sĩ tâm thần.

Ông Obama có thể làm chuyện ấy ngay tại Hoa Kỳ mà khỏi cần nẩy mông vì đấy chỉ là hành động ngoại giao không hơn không kém. Thực tế thì Hà Nội chưa thể toàn quyền đi chợ mua về những gì có giá trị nhất cho việc phòng vệ chống Tầu - nếu như họ thật tình muốn vậy như nhiều người còn cầu khẩn. Khác với dân Việt, lãnh đạo Hà Nội chưa muốn thoát Tầu và không thể toàn quyền mua súng vì từng món hàng hay dịch vụ dạm hỏi sẽ được Hoa Kỳ cứu xét cặn kẽ, dưới ống kính hiển vi của Quốc hội – nhân quyền vẫn là tiêu chuẩn cài sẵn ở nhà.

Và với Hoa Kỳ, an ninh cũng là “mối quan ngại sâu sắc” - chữ người Hà Nội – về động thái của bầy cóc nhái Ba Đình. Obama không chỉ học nhẩm thơ ta, từ Lý Thường Kiệt tới Nguyễn Du, để biểu dương sự am hiểu văn hóa Việt Nam cho người Hà Nội. Ông cũng biết thành ngữ “nối dáo cho giặc”!

Bây giờ, hãy rời Hà Nội mà nhìn vào Thiên hạ Đại thế!

Chính quyền Barack Obama đang bật ra một tín hiệu khó hiểu cho những ai chưa thấm nhuần đạo lý chính trị của nước Mỹ. Tín hiệu ấy có phần cương cứng là cùng nhau be bờ chống Tầu, chẳng khác gì chiến lược của Chính quyền Harry Truman khi be bờ chống Liên bang Xô viết vào thuở ban đầu của Chiến tranh lạnh. Nhưng kèm theo tín hiệu ấy lại là khẩu hiệu “không phân giải phải quấy trong việc tranh chấp chủ quyền giữa các nước Đông Á” mà chỉ muốn bảo vệ “quyền tự do lưu thông ngoài biển”, mặc dù Hoa Kỳ đã quyết định “chuyển trục” hay “tái cân bằng lực lượng” trong khu vực.

Chuyện cương cứng và âm nhu như vậy chỉ là lẽ thường của sinh lý chính trị học.

Ngày xưa, nước Mỹ có thể be bờ chống Liên Xô vì chẳng buôn bán gì với Đế quốc Xô viết của Nga. Các đồng minh Tây Âu cũng vậy. Và Liên Xô tan rã không vì chiến lược be bờ ấy mà vì những nhược điểm uyên nguyên nội tại của chế độ cộng sản. Nhược điểm ấy phát tác từ bên trong khi Đế quốc Xô viết quên phận con ếch mà phùng mang như con bò.

Ngày xưa, một đồng minh chiến lược của Mỹ là Cộng hòa Liên bang Đức tại miền Tây còn có lúc mơ chuyện hòa giải với miền Đông – Ostpolitik – với khẩu hiệu “Thà Đỏ Hơn Chết”, nhưng dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ và Minh ước NATO vào thời Tổng thống Ronald Reagan. Cũng chẳng sao, vì năm năm sau là Liên Xô chuyển sang từ trần mà không kịp viết cáo phó.

Ngày nay, Hoa Kỳ mua bán với Trung Cộng – bán 117 tỷ và mua 482 tỷ - chẳng khác gì các đồng minh chiến lược là Nhật Bản hay Nam Hàn, thậm chí Đài Loan. Thực tế thì các bạn hàng số một của Hoa Kỳ đều nằm tại Bắc Mỹ là Canada và Mexico, chứ bạn hàng số một của Trung Cộng chính là Nhật Bản. Be bờ thế nào khi tầu hàng thì nhận còn tầu chiến thì chận?

Cho nên chuyện hăm he be bờ chỉ là răn đe không hơn không kém.

Còn lại, càng ở sát tầm đạn Trung Cộng thì càng phải khoác bộ giáp cho dầy và nhà cung cấp có đẳng cấp cao nhất thế giới vẫn là nước Mỹ. Nói chuyện văn hóa và nhân quyền, người được giải Nobel Hòa Bình là Obama vừa có chuyến rao hàng cho kỹ nghệ sản xuất chiến cụ và dịch vụ quân sự của Mỹ. Nhưng khi rao hàng vẫn biết chữ “chọn mặt gửi vàng” nên không gửi cho phường Ba Đình.

Việc chuyển trục cũng thế.

Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu, duy nhất có thể kiểm soát và can thiệp vào mọi khu vực của địa cầu. Đấy là cái trục trung tâm như cốt lõi của một bánh xe, với các nan hoa xòe ra thập phương tứ hướng.

Cái hướng có nhiều rủi ro sinh tử cho quyền lợi của Hoa Kỳ là Tây Âu và Đông Á, nên Mỹ đã có sẵn sự hiện diện của binh lính trong nhiều căn cứ: gần 63 ngàn tại Tây Âu và gần 78 ngàn tại Đông Á. So với các đơn vị tác chiến hay viễn chinh tại Bắc Phi, Trung Đông và cả ba chiến trường nóng là Iraq, Afghanistan và Syria, là tổng cộng hai vạn, thì ta thấy ngay đâu là chính binh, đâu là kỳ binh, đâu là hư đâu là thực!

Thế thì nước Mỹ muốn gì?

Nước Mỹ muốn bán hàng, thời bình bán bánh thời loạn bán súng. Nhưng không chỉ có vậy. Nước Mỹ cũng muốn là không cường quốc nào có thể lên ngôi bá chủ để đe dọa quyền lợi của mình. Trung Cộng có thể là cường quốc đang đòi cạnh tranh với Mỹ chứ chưa thể là bá chủ thay thế Hoa Kỳ. Cạnh tranh thì được, nhưng sẽ mệt hơn và càng ngày càng mệt - như Liên bang Xô viết ngày xưa. Nếu lại muốn cạnh tranh trong lãnh vực sở trường của Hoa Kỳ, là chiến tranh, thì… cũng tốt thôi!

Hoa Kỳ không hề can ngăn khi Trung Cộng xuất huyết, là chuyện đang xảy ra về mặt kinh tế. Khi khích động và bày hàng cho các quốc gia bán đảo hay quần đảo vây quanh xứ này, Hoa Kỳ có thể dàn ra một cuộc thi đua khác để khí huyết Thiên triều càng thêm nhộn nhạo. Chống Tẫu đến nẫu ruột là võ công thuộc loại gì thì có lẽ Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra chữ! Cái ác là Obama hé cửa cho lãnh đạo Hà Nội mơ ước việc đi mua võ khí. Và đẩy qua Quốc hội cái nhiệm vụ từng bước hỏi tội chế độ tồi tệ này về nhân quyền.

Một nhân vật mà đao phủ và nạn nhân đều muốn ôm hôn thắm thiết tất nhiên là tay xuất chúng, tiêu biểu cho tinh hoa “Ma Ma Phật Phật” của nước Mỹ! Hèn gì ông chọn Điện Ngọc Hoàng ở Sàigon chứ chẳng ghé chùa Giác Lâm để chắp tay….