Thứ Hai, tháng 5 30, 2016

Dầu Thô Lên Giá Là Mừng?



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 160530
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"



Những yếu tố chi phối giá dầu trên thế giới…


* Kỹ thuật khai thác dầu từ các giai tầng đá phiến nằm sâu dưới lòng đất *  

 

Tin mừng cho giới tiêu thụ tại Hoa Kỳ và các nhà sản xuất toàn cầu: sau khi sụt tới mức thấp nhất vào Tháng Hai vừa qua thì trước ngày Chiến sĩ Trận vong Memorial Day, giá dầu thô đã lên quá 50 đô la một thùng. Đấy là cái giá “tối hảo” được thấy hôm Thứ Năm 26. Tối hảo vì vừa đủ thấp cho giới tiêu thụ Hoa Kỳ phóng xe trước mùa du lịch mà cũng chẳng quá cao nên sẽ giúp nhà sản xuất của nhiều quốc gia, kể cả nước Mỹ.

Nhưng vì sao giá dầu từ 115 đồng một thùng vào Tháng Sáu năm 2014 lại sụt tới 80 đồng trong có năm tháng? Tại sao sụt tiếp đến khoảng 30 đồng vào đầu năm nay? Vì sao giờ này tăng giá tới hai phần ba so với Tháng Hai thì dầu thô lại chạm cái ngưỡng dễ thương là 50? Và sau đó – câu hỏi trị giá mấy trăm tỷ đô la - dầu thô sẽ chạy đi đâu? Những nan đề ấy đang ám ảnh Tổ chức OPEC của 13 nước xuất cảng dầu thô trong kỳ họp vào mùng hai Tháng Sáu này….

Trước hết, xin nói về kinh tế.

Về kinh tế, khi dầu thô lên giá quá 100 đồng một thùng vào năm 2008, giới sản xuất Hoa Kỳ bèn tìm lại bửu bối cũ: kỹ thuật gạn đá phiến ra dầu. Họ biết kỹ thuật này từ lâu  mà không áp dụng vì chẳng bõ công, quá tốn kém khi giá dầu còn rẻ, chừng hai ba chục một thùng. Vì giá tăng, nhiều doanh nghiệp Mỹ bèn áp dụng, và cải tiến, kỹ thuật gọi là “fracking” ấy, nhưng với đặc tính Hoa Kỳ, là như sét đánh. Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng đột ngột, từ nhật lượng vào năm 2011 là năm triệu ba 300 ngàn thùng một ngày (báo chuyên ngành viết tắt là bpd) lên tới chín triệu vào năm 2014. Khi số cung tăng mạnh mà số cầu vẫn yếu vì thế giới còn bị di họa của vụ Tổng suy trầm 2008-2009, giá dầu bèn sụt mạnh. Thấy giá sụt, giới buôn bán dầu thô cũng nhập cuộc theo hướng giá hạ, làm dầu sụt giá càng nhanh hơn. Vì thế, giá dầu từ 115 một thùng đã tuột đến số 80 đồng trong có năm tháng.

Các doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật này là loại nhỏ và vừa, không là các đại gia cổ điển. Theo hệ thống sản xuất cũ, các tổ hợp lớn phải đầu tư rất nhiều và chờ khoảng tám năm mới đào ra dầu từ những giếng lớn. Các doanh nghiệp dùng kỹ thuật mới thì khai thác dầu như đánh du kích. Họ tìm đến cả ngàn giếng dầu nhỏ, phân tán ở nhiều nơi trước đây bị coi thường vì chẳng bõ công đào và bơm vào một dung dịch đặc biệt để phá vỡ các phân tử rồi hút lên dầu thô hay khí đốt. Thời gian từ khi tìm tòi đến lúc bơm dầu có khi chỉ vài tháng.

Nhưng khi dầu sụt giá quá mạnh, họ chới với vì quá thành công nên bắt đầu khóa lại các giếng kém lời - để chờ thời…. Tuy nhiên tổ chức OPEC còn chới với nặng hơn.

Là trưởng tràng của OPEC, Saudi Arabia được các thành viên kia yêu cầu giảm sản lượng để phần nào tái quân bình lại thế cung cầu cho giá khỏi sụt và họ khỏi bị thất thâu, hoặc lỗ lã. Nhưng Hoàng gia Saudi lại tính khác: không giảm số cung mà còn góp phần làm giá tuột thêm để loại bỏ các đối thủ mới xuất hiện trên thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, trận chiến dầu thô bùng nổ giữa Saudi Arabia và Hoa Kỳ: kinh tế cũng là chính trị trong ý nghĩa đó.

Với trữ lượng dầu cực lớn, lại được thiên nhiên cho loại dầu thanh và nhẹ, có phí tổn chế biến thấp, Saudi không giảm mà tăng sản lượng để làm giảm giá dầu. Ngoài ra, Hoàng gia Saudi còn có cái nệm khá dày là khối dự trữ ngoại tệ trị giá gần 600 tỷ Mỹ kim. Mục tiêu chiến lược là bảo vệ thị phần của mình trên thế giới và gạt các tay mơ của Mỹ ra khỏi trận chiến.

Vì vậy, đến Tháng Năm 2015, sản lượng của Saudi tăng 660 ngàn thùng một ngày, làm giá sụt tới 45 đồng một thùng. Điều bất ngờ là giới sản xuất Mỹ chẳng chịu thua mà cũng tăng sản lượng, thêm 400 ngàn thùng một ngày! Nhờ phương pháp mới, họ có khả năng ứng phó linh động với tình hình giá cả và dám lấy rủi ro, nhất là khi lãi suất đang rẻ nên vay tiền cũng dễ. Và, tinh hoa của Mỹ, càng áp dụng họ càng cải tiến nên phí tổn sản xuất cũng giảm.

Trận chiến ấy mới giải thích vì sao giá dầu thô có lúc mấp mé ba chục một thùng.

Đấy là khi anh hùng Saudi thấm mệt. Vì ngân sách và các khoản chi xã hội hao hụt, Hoàng gia Saudi nói đến việc chuyển hướng: trong năm năm tới sẽ đa dạng hóa sản xuất để khỏi lệ thuộc vào dầu thô và có thể tư nhân hóa con gà đẻ trứng vàng là tổ hợp dầu khí quốc doanh Aramco. Tổng trưởng Dầu khí Saudi là Ali al-Naimi nhường chức cho Chủ tịch Aramco là Khalid al-Falih thi hành chiến lược này. Al-Falih có hậu thuẫn của Hoàng thân Mohammed bin Salman, là lãnh tụ trẻ đầy tham vọng cải cách và chỉ đứng hạng nhì sau Thái tử sẽ kế nhiệm Quốc vương Salman bin Abdulaziz….

Không chỉ dàn trận để ngăn ngừa ảnh hưởng của Iran khi cường quốc theo hệ phái Shia vừa được Tổng thống Barack Obama giải vây, Saudi Arabia còn tham dự trận chiến tại Yemen, trong lúc chấp nhận một đòn hy sinh của Nhu đạo: nhất thời chịu thiệt để có ngày quật khởi. Chịu thiệt với giá dầu thấp, thu về ít tiền hơn cho tới khi đối thủ là giới sản xuất Mỹ bỏ cuộc.

Nhưng chính người dân Saudi mới chịu đòn hy sinh vì lương bổng giảm, vật giá tăng và mất dần trợ cấp. Vì thế, Hoàng gia Saudi không từ bỏ chủ trương chuyển hướng, nhưng pha loãng liều thuốc quá đắng và đành giảm mức dầu sản xuất. Quyết định ấy đã hạ bớt số cung trong khi thị trường Đông Nam Á có hy vọng tăng trưởng cao hơn nên cũng nâng mức cầu. Những biến thái phức tạp kể trên mới làm dầu thô lên giá, nay mấp mé con số 50 được coi là “tối hảo”. Ở bên này chiến hào, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng phải tạm hoãn nhiều dự án, trị giá có thể là mấy trăm tỷ đô la, để nghe ngóng tình hình…

Câu hỏi ngàn vàng là dầu thô sẽ lên giá tới đâu? Lên quá cao lại gây suy trầm, mà giữ quá thấp thì nhiều nước bán dầu chết ngộp – Venezuela không là trường hợp duy nhất. Vì vậy, thế giới mới theo dõi hội nghị tuần tới của OPEC, xem Hoàng gia Saudi và các nước tính sao….

Nhìn trong viễn ảnh dài hơn thì đâu là những yếu tố chi phối giá dầu trên thế giới?

Saudi Arabia trở thành cường quốc giàu nhất khối Á Rập theo hệ phái Hồi giáo Sunni là nhờ dầu hỏa kể từ những năm 1938. Tình trạng ấy đang giảm mà vẫn còn. Việc chuyển hướng là yêu cầu sinh tử nhưng chẳng vì vậy mà trong có năm năm đã kịp thoát xác: Hoàng gia Saudi vẫn cần dầu nhất là trong giai đoạn sinh tử này tại Trung Đông. Vì vậy, Saudi Arabia còn là đại gia giữ mặt cung vè dầu hỏa, sẽ cần tiền để đầu tư cho việc chuyển hướng mà khỏi bị loạn.

Cũng về mặt cung, Iran đang tìm lại vị trí đại gia dầu hỏa sau khi được Hoa Kỳ xả dần lệnh cấm vận và đang ra sức bán dầu để đánh hạ ảnh hưởng của Saudi Arabia. Nhưng phần cung đó cũng hạn chế vì các Giáo chủ ham làm cách mạng hơn là kiếm tiền. Nay sẽ cần tiền của thiên hạ để đầu tư vào các giếng dầu bị bỏ bê hoặc lắm rủi ro. Tức là còn lâu mới khá.

Các doanh nghiệp Mỹ đã làm cuộc cách mạng dầu khí từ năm 2011 đã thắng đợt đầu và khựng đợt hai. Nếu dầu thô lên giá mạnh thì họ sẽ bấm nút bơm dầu rất nhanh để tăng số cung nên giá dầu khó tìm lại cái giá trên trời của thời 2008. Còn lại thì doanh nghiệp Mỹ chờ đợi số cầu.

Số cầu ấy không đến từ kinh tế Trung Quốc, từ nay đi vào chu kỳ đình trệ mà tiêu thụ vẫn ngắc ngoải ở mức 36% của Tổng sản lượng nên chẳng thể là lực đẩy cho sản xuất như Bắc Kinh vẫn mơ và nói. Xứ này có khi còn ói ra mật và bề nào thì cũng hết là đầu máy hút dầu làm dầu thô lên giá. Còn Âu Châu thì ngày càng bất ổn, với kinh tế suy sụp, nợ nần tăng vọt. Kinh tế Âu Châu khó nâng số cầu về năng lượng.

Còn lại? Hy vọng có thể chớm nở từ kinh tế Đông Nam Á, Ấn Độ hay vài nơi hẻo lánh khác, nhưng số cầu đó chậm tăng làm giá cũng không biến động mạnh. Kết luận thì sau khi giá dầu sụt mạnh vì cung hơn là vì cầu, tình hình giá cả sẽ bình hòa hơn. Nếu tăng thì rất chậm và sẽ lại trở về con số tối hảo là 50 đô la một thùng….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét