Thứ Bảy, tháng 5 21, 2016

Chuyện Không Có Gì Mà Ầm Ĩ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 160520


Vì sao Barack Obama lại kém vui tại Việt Nam?



* Căn cứ quân sự Trung Cộng xây trên đảo Gạc Ma - Ảnh của quân đội Philippines * 



Miệng người sang có gang có thép.

Trước khi một nguyên thủ quốc gia phát biểu, dù chỉ một phút, thì nội dung phát biểu vẫn chưa là quan điểm chính thức. Và lúc đó, vị lãnh đạo vẫn còn có thể đổi ý so với bài diễn văn được soạn sẵn. Trước đó nữa, có khi rất lâu, hoàn cảnh phát biểu cũng phải được ban tham mưu và thuộc cấp chuẩn bị trước. Trong một cuộc gặp gỡ quốc tế, sự thể lại còn nhiêu khê rắc rối hơn vì thủ tục và nghi lễ dàn xếp liên quan đến xứ khác và lời phát biểu ấy có thể chi phối quan hệ song phương hay đa phương của quốc gia.

Đấy là bối cảnh thông thường và thực tế mà người ta không nên quên khi nói về chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình và ưu tiên của ông là để lại điều kiện tốt đẹp hơn cho quốc gia, hầu lịch sử sẽ có sự phán đoán về thành tích của mình. Riêng trong chuyến thăm viếng Đông Á kỳ này, ông Obama có ba nghị trình lớn nhỏ.

Tại Nhật Bản, ông sẽ tham dự thượng đỉnh của khối G-7 gồm bảy nước công nghiệp hóa tiên tiến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Gia Nã Đại (Canada) với các hồ sơ kinh tế và an ninh của khối dân chủ Tây phương. Với khối G-7, tình hình kinh tế toàn cầu hay an ninh của Âu Châu ở bên cạnh Liên bang Nga có thể là một ưu tiên trong nghị trình thảo luận, và trong bản tuyên bố chung đã được các đại diện soạn thảo từ trước.

Trong dịp này, hiển nhiên Tổng thống Mỹ cũng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và thăm viếng thành phố Hiroshima xưa kia từng bị bom nguyên tử của Mỹ. Quan hệ song phương Mỹ-Nhật, trong lịch sử và tương lai, tất nhiên chi phối những gì sẽ được thảo luận và phát biểu, kể cả vấn đề Bắc Hàn, Trung Quốc và quan hệ song phương giữa Nam Hàn và Nhật Bản. Dịp này, có thể lãnh tụ đôi bên sẽ nói qua về tỷ giá giữa đồng Nguyên (mà thế giới gọi là đồng Yen) của Nhật và đồng Mỹ kim là điều mà các thị trường đang theo dõi, nhưng nói chỉ ba phút mà thôi vì những biến động ấy vượt khỏi khả năng kiểm soát của cả hai.

Nghị trình thứ ba của ông Obama mới là chuyện Việt Nam. 

Nếu nhìn trên toàn cảnh thì chỉ có một số người Việt mới cho rằng chuyến đi này là chiến lược cho Tổng thống Mỹ! Giữa các hồ sơ lớn thì kích thước Việt Nam chỉ bằng… cái hộp quẹt.

Nhưng dễ cháy!

Sau khi muốn kết ước với Iran, Obama đã hòa giải với xứ Cuba cộng sản, tới thăm quốc gia này và nay đặt chân lên xứ Việt Nam cộng sản. Tính chất hòa giải là ấn tượng ông muốn để lại cho lịch sử, và là yếu tố quan trọng về tâm lý. Ban tham mưu của ông, từ Ngoại trưởng John Kerry đến các viên chức bên Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc, cần chuẩn bị cho việc tạo dựng hình ảnh đó. Kế tiếp mới là các nghị trình biểu diễn, trong khi các biến cố bất ngờ vẫn có thể xảy ra và đẩy nghị trình qua hướng khác…

Nhiều người cho rằng chuyến thăm viếng Việt Nam của Tổng thống Mỹ có dăm ba chuyện quan trọng sau đây.

Thứ nhất, về an ninh thì có nhu cầu hợp tác Mỹ-Việt do chiến lược chuyển trục về Đông Á được Chính quyền Obama thông báo từ năm năm trước. Trong hồ sơ hợp tác ấy có bài toán cấm vận võ khí sát thương và trở ngại là cái máu sát dân và chối bỏ nhân quyền của Hâ Nội. Thứ hai, về kinh tế có nhu cầu gia tăng hợp tác qua khuôn khổ Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương TPP. Trong hồ sơ TPP, còn có một số trở ngại tại Hà Nội, từ quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ tới cải thiện điều kiện lao động hay nhiều quy định khác mà Hoa Kỳ đã yêu cầu Việt Nam chấp hành vài tiếng trước khi hoàn tất việc đàm phán với 10 quốc gia thành viên khác của TPP vào Tháng 10 năm ngoái. Khốn nỗi, Hà Nội tưởng rằng sẽ lại lừa được Mỹ mà qua ải. Thứ ba, rất quan trọng với triết lý chính trị Obama là việc nâng mức đối thoại cấp nhân dân với nhân dân giữa hai nước, với trở ngại là Hà Nội coi xã hội dân sự hay các hiệp hội của nhân dân là dép rách. Sau cùng, trên toàn cảnh là an ninh và thịnh vượng của khu vực Đông Á, có sức ép của Trung Quốc và sự chần chờ lưỡng lự của Hà Nội vì muốn bảo vệ sự tồn tại chính trị nhờ Bắc Kinh và bảo vệ chủ quyền nhờ sức mạnh của Hoa Kỳ.

Tất cả đều là chuyện tào lao!

Hoa Kỳ muốn chuyển trục về Đông Á, nhưng chẳng nhờ riêng Việt Nam vì còn có nhiều nước đồng minh khác, như Úc, Nhật, Philippines và trong khi muốn chuyển trục lại tránh không làm Bắc Kinh mích lòng. Chuyện TPP thì bề nào cũng nghẹn vì chỉ có thể được Quốc hội 12 nước phê chuẩn vào năm 2018 mà thôi, khi Quốc hội Mỹ lại lần lữa do dự vì sức ép của dư luận ngay giữa cuộc tranh cử tổng thống hiện tại. Việt Nam sẽ có lợi nhất nhờ TPP, nhưng nếu mối lợi ấy lại gây thiệt hại cho nhân công Hoa Kỳ vì mất việc thì Hà Nội vẫn thủ lợi mà chà đạp nhân quyền, không cho thành lập nghiệp đoàn tự do, v.v… Việt Nam bất xứng và một số dân biểu nghị sĩ Mỹ còn mạnh mẽ đề nghị loại bỏ xứ này ra khỏi TPP trước khi Quốc hội các nước phê chuẩn.

Dân Việt bị thiệt vì triển vọng TPP bị đẩy lui, nhưng mấy ai để ý?

Về chuyện súng đạn thì dù có sự vận động của nhiều doanh nghiệp chế tạo võ khí và một số dân cử lưỡng viện, kịch bản bãi bỏ lệnh phong tỏa võ khí vẫn chẳng có hy vọng hiện thực. Cùng lắm thì Chính quyền Obama chỉ đề nghị một số giải tỏa cục bộ ngay trước khi ông mãn nhiệm, chứ Quốc hội Mỹ mới có nhiệm vụ thẩm xét sau cùng, trong khi nhiều dân biểu nghị sĩ thuộc cả hai đảng đều lên tiếng cản trở. Những vận động bên trong còn rắc rối và quy mô hơn nhiều.

Chuyện võ khí sát thương vì vậy là trình diễn cho vui.

Nói về trình diễn thì Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama cũng mất cơ hội tưng tưng nhảy múa tại Việt Nam khi cá chết dạt bờ và dân biểu tình bị chế độ đánh cho tơi tả. Vì vậy bà mới lánh mặt trong một chuyến đi bị thâu ngắn vào lúc chót. Nói theo ngôn ngữ sân khấu, chuyện liên hoan hay màn trình diễn bị bể.

Còn lại, các diễn viên trang trí sân khấu, ban tham mưu của Obama và chính quyền Hà Nội, đang từng bước cãi cọ về những chi tiết của chuyến đi cứ gọi là lịch sử. Theo ngôn ngữ nghệ sĩ, ta có thể gọi chuyến thăm viếng là “Chuyện Không Có Gì Mà Ấm Ĩ”!

11 nhận xét:

  1. Thưa bác Nghĩa !
    Trong bài viết của bác có đoạn " Dịp này, có thể lãnh tụ đôi bên sẽ nói qua về tỷ giá giữa đồng Nguyên của Nhật và đồng Mỹ kim là điểu mà các thị trường đang theo dõi " . Hình như bác gõ nhầm " đồng Yên " thành " đồng Nguyên "

    Bác cho cháu hỏi thêm là Tổng thống Philippin có quan điểm muốn đối thoại với Trung Quốc. Bác có nhận định về quan điểm của chính trị của Philippin trong việc giải quyết những vấn đề ở biển Đông trong thời gian tới không ạ ? Và Philippin có thay đổi chính sách đối ngoại với Mỹ khi Rodrigo Duterte khi lên làm Tổng thống không ạ ?

    Cháu xin cảm ơn !

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là đồng Yen của Nhật, nhưng người Nhật cũng gọi là đồng Nguyên! Rắc rối thật!

    Về Philippines, có thể là Tổng thống tân cử chủ quan nghĩ như vậy, nhưng chưa biết kết quả ra sao. Không nên đánh giá thấp khả năng mị dân của các lãnh tụ!

    Trả lờiXóa
  3. http://www.bbc.com/news/world-asia-36356695

    Mỹ đã gỡ bỏ cấm vận vk với VN. Sao bác nói là Obama k gỡ cấm vận vk mà, vì phải thông qua quốc hội nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Nhưng sẽ tiến hành việc gỡ bỏ theo từng hồ sơ" (on a case by case basis), tức là còn tùy từng loại võ khí! Mỹ điếm, bỏ qua chuyện nhân quyền, dùng Hà Nội bật tín hiệu cho Bắc Kinh và bán thêm một số của nợ. Trong khi ấy? Vẫn tránh đụng độ với Trung Cộng.

      Xóa
    2. Cảm ơn bác, nói thiệt cháu hỏi nhiều câu hơi vu vơ, bác thông cảm cho vì mấy vấn đề này ở VN khó có cách tiếp cận nên nhiều khi bác nói, cháu cứ cảm tưởng đang nghe chuyện trên trời. Cháu biết chuyện US tránh đụng độ thằng Tầu, vì đơn giản là đồ US vẫn ráp tại Tầu khá nhiều, điều này kiếm cho Mỹ k ít lợi nhuận nhờ bóc lột nhân công rẻ mạt.
      Còn chuyện bật tín hiệu là sao, mong bác giải thích giùm. Cho cháu cảm ơn trc

      Xóa
    3. Hi VN,
      Từ tối giờ mình cũng đọc nhiều báo, và cũng không rõ ràng lắm. Thật sự chưa rõ Obama có cần phải thông qua quốc hội hay không. Nhưng có thể liên hệ với vụ Iran thì đây có thể là Executive Agreement hơn là 1 Treaty. Mình có 2 links để cho VN tham khảo:

      https://vietbao.com/a243506/thoa-uoc-iran-mot-quai-uoc

      http://blogs.wsj.com/washwire/2015/03/10/treaties-vs-executive-agreements-when-does-congress-get-a-vote/

      Thật sự mình cũng cảm nhận như bác Nghĩa về việc Obama sang thăm VN không có gì đáng ầm ĩ. Vấn đề nhân quyền vẫn bị đàn áp. New York Times ngày hôm qua cũng có viết như sau:
      "Human rights remain a barrier to closer ties. Government-backed thugs routinely attack dissidents, and recent protests over a toxic spill that killed vast numbers of fish led to beatings and arrests by the police. While the country does have elections — polling places were packed Sunday for a parliamentary election — candidates must be approved by the Communist Party."

      Trong bài viết cũng có đề cập đến bầu cử không minh bạch và TPP, bạn có thể tìm đọc tại đây:
      "http://www.nytimes.com/2016/05/23/world/asia/vietnam-obama-china.html?_r=0"

      Hơn nữa, thay vì quan tâm đến việc có gỡ bõ vũ khí cấm hận hay không, ta nên quan tâm nhiều hơn đến việc vận động giúp đỡ của nhiều nước liên quan đến vấn đề Trung Quốc tại biển đông và kết nối người Việt lại với nhau để giúp đỡ người Việt trong nước khi cần lúc có loạn. Những ý kiến này được bác Nghĩa nêu tại chương trình Bên Kia Màn Khói với cô Bích Trâm:

      https://www.youtube.com/watch?v=e86FiJp5nTw

      Xóa
  4. Vui nhất là khi Obama vào Sàigòn thì lại đi thăm Điện Ngọc Hoàng mà gọi là Chùa Ngọc Hoàng. Nét vô văn hóa của Đại sứ quán Mỹ khi thu xếp việc thăm viếng này với Chính quyền Cộng sản. Thiếu gì chùa Việt Nam mà lại thăm cái điện này của người Hoa và gọi đó là cai chùa! Ngớ ngẩn

    Trả lờiXóa
  5. Bác Nghĩa. Thái Lan họ đang xả kho, họ còn dự định giảm sản lượng vào năm tới. Cam Bốt thì đang thiếu nước. Ấn Độ thì thất thu tới cả ngàn ha và cũng bị Trung Cộng cướp nước. Phen này thấy lo quá. Trong khi đó cái đảng hầm cá dồ này lại lo đi rình vàng của dân

    Trả lờiXóa
  6. Bác Nghĩa cho con hỏi. Có khi nào nhiều chuyện Việt Cộng đỗ thừa Trung Cộng để yên bề vơ vé, "xuất khẩu khủng hoảng qua Bắc Kinh" để dân không để ý gì cái Ba Đình. Con cảm ơn

    Trả lờiXóa
  7. Cháu thấy quyết định của Obama là bình thường và làm rõ thêm cho 2 lý lẽ. (1) Mỹ hợp tác với chế độ tồi để đối phó với chế độ tồi hơn. (2) Tự do và dân chủ cho dân Việt phải do họ chủ động giành lại. Bánh mì, nước mía, trà đá không miễn phí. Thế thì những thứ cao đẹp như công lý, tự do, dân chủ sao miễn phí được. Hy vọng những ai có lý tưởng tranh đấu bắt được tín hiệu này để mạnh mẽ hơn nữa.
    Kính.

    Trả lờiXóa
  8. Bật tín hiệu là thách thức đánh nhau không Trung cộng?

    Trả lờiXóa