Thứ Năm, tháng 5 05, 2016

Tai Họa Kinh Tế Venezuela

Thanh Hà & Nguyễn-Xuân Nghĩa - RFI Phát thanh ngày 160426

Tạp Chí Kinh Tế  

Không phải do khủng hoảng dầu hỏa

Tai họa kinh tế Venezuela : Không phải do khủng hoảng dầu hỏa
* Cảnh cúp điện ở thành phố San Cristobal, bang Tachira, Venezuela, ngày 25/04/2016. REUTERS/Carlos Eduardo Ramirez *






Là một quốc gia có dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới và sau một chục năm thịnh vượng, Venezuela phải ban hành «tình trạng khẩn cấp kinh tế»: lạm phát tăng 180 % trong năm 2015, dự trữ ngoại tệ bốc hơi mất một nửa trong ba năm, kịch bản vỡ nợ càng cận kề, tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng đến mức báo động. Vì đâu Venezuela ra nông nỗi này?


Thời kỳ Venezuela có thể cưu mang Cuba nhờ có dầu hỏa đã đi qua. Sau một chu kỳ thịnh vượng dài nhất từ một thế kỷ qua, dự trữ ngoại tệ của Venezuela đang từ 29 tỷ đô la năm 2012, rơi xuống còn 15 tỷ năm ngoái. Nợ nước ngoài của Caracas lên tới 250 tỷ đô la. Chính quyền của tổng thống Maduro đã phải chi ra tới 27 tỷ chỉ để trả tiền lãi cho các chủ nợ trong năm 2015.

Tổng sản phẩm nội địa giảm mạnh trong hai năm liên tiếp (-3,9 % năm 2014 và - 5,7 % năm 2015). 95 % thu nhập quốc gia và 45 % ngân sách nhà nước lệ thuộc vào dầu hỏa đã giảm mất gần 70 % trong 2 năm qua. Tài chính và kinh tế của Venezuela điêu đứng theo. Bội chi ngân sách của Venezuela tương đương với từ 18 đến 20 % GDP.


Công quỹ cạn kiệt


Đối với một quốc gia đi theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, đầu tư vào các chương trình xã hội để duy trì ổn định chính trị thì đây là một tai họa.

Như nhận xét của kinh tế gia ngân hàng Saxo Banque, Christopher Dembik, thực tế ngày nay là tại Venezuela, «người ta có thể xếp hàng cả ngày để mua được một lít sữa (…) quốc gia này thiếu đủ mọi thứ từ thịt gà, đến sữa, từ giấy vệ sinh và kể cả bao cao su… ».

Trả lời RFI tiếng Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ, phác họa toàn cảnh đen tối cho Venezuela và theo ông, khủng hoảng của quốc gia châu Mỹ này «có nguồn cội sâu xa hơn nhiều so với khủng hoảng về dầu hỏa» mà các nhà sản xuất và xuất khẩu vàng đen trên thế giới phải trải qua:


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Venezuela khó tránh khủng hoảng, trước mắt thì đang bị sáu mối nguy đan kết: kinh tế bị lạm phát tới 300%; công khố hao hụt vì dầu thô sụt giá nên quốc gia có thể vỡ nợ; xã hội tắt đèn, ngày nghỉ cuối tuần vừa được kéo dài cho công chức vì cả nước hết điện khi hồ chứa nước trên con đập khổng lồ Guri bị cạn; nạn tham nhũng và tội ác tràn lan khiến dân chúng phẫn nộ ; hành chánh công quyền tê liệt không giải quyết nổi các nhu cầu xã hội, nhất là y tế và thuốc men. Lý do là vì chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro và đảng Công nhân Thống nhất PSUV không dám cải cách vì sợ mất quyền trong khi phe đối lập thắng lớn từ cuối năm 2015 cũng chưa thống nhất được chủ trương về giải pháp kinh tế và chính trị.


«Không nên đổ lỗi cho khủng hoảng dầu hỏa»

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vấn đề không là do dầu thô sụt giá, vì một nước lân bang là Mehicô cũng có sản lượng dầu rất lớn là hơn hai triệu thùng một ngày như Venezuela, nhưng Mêhicô không bị khủng hoảng sau khi cải cách để khỏi lệ thuộc vào nguồn thu năng lượng, ngày nay xuất cảng dầu thô chỉ chiếm 5% của tổng sản lượng nội địa. Trong khi đó tại Venezuela vẫn là 22,5%, hơn gấp bốn lần.

Thực ra nguy cơ khủng hoảng đã xuất hiện một lần vào năm 2000, nhưng cố tổng thống Hugo Chavez vẫn theo đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa cố hữu: tăng chi ngân sách để gây ấn tượng tăng trưởng, tiếp tục quốc hữu hóa nhiều khu vực sản xuất và kiểm soát giá cả làm lệch lạc bài toán kinh tế. Khi được Hugo Chavez chọn làm người kế nhiệm từ năm 2014, Nicolas Maduro vẫn theo đuổi đường hướng kinh tế tai hại đó mà thiếu uy tín chính trị như vị tiền nhiệm và xứ này gặp khó khăn từ đấy khi nguồn thu lớn nhất cho ngân sách là dầu thô bị sụt giá mất 2/3 kể từ 2011.


Mô hình kinh tế «sai lệch»


Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tự xưng Mác-xít, sau khi đảo chánh với Chiến dịch Zamora năm 1992 và cầm quyền từ năm 1999, Hugo Chavez thiết lập một chế độ cai trị có hai đặc tính Nam Mỹ là quân phiệt và dựa vào tinh thần độc lập của lãnh tụ Simón Bolivar của thế kỷ 19.

Nhằm huy động quần chúng, Chavez đưa ra hai chủ trương kinh tế gọi là Chavismo: 1/ theo xã hội chủ nghĩa là quốc hữu hóa bộ máy sản xuất, nhất là năng lượng và công nghiệp nặng, và 2/ có mùi đại chúng, nôm na là mị dân, là cung cấp các dịch vụ xã hội cho dân nghèo, như y tế giáo dục và tiện ích công cộng với giá cực rẻ, gần như miễn phí.

Trong khi ấy, khai thác phản ứng độc lập và chống Mỹ, Chavez đả kích lý luận dân chủ là thân Tây phương, gây phân hóa trong đối lập và tuyên truyền cho ưu thế của một chế độ của dân nghèo và dám chống Mỹ.

Hậu quả của mô hình Chavismo là quản lý tồi tệ vì kém hiệu năng mà không bị cạnh tranh, và nuôi dưỡng tham nhũng trong đám tay chân của chế độ và gây lệch lạc trong các quyết định sung dụng tài nguyên. Thí dụ đã thấy là khu vực năng lượng, với tập đoàn dầu khí nhà nước Petroléos de Venezuela S.A., viết tắt là PDVSA, bị tụt hậu về kỹ thuật, ngốn nhiều điện mà khỏi cải tiến năng suất trong khi dân chúng được trợ giá để xài điện rất rẻ, nhiều nhất Nam Mỹ.

Người ta không tính ra phí tổn thật của các sản phẩm và tin là với lượng dầu thô đào từ lòng đất lên là sẽ có tiền thanh toán mọi sự. Khi giá dầu thô đã giảm, chế độ vẫn chẳng cải sửa vì lý do ý thức hệ, vì kế hoạch sai lệch, vì sợ xâm phạm vào quyền lợi mờ ám của các phe nhóm. Kết quả là nạn khan hiếm và lạm phát, là loại thuế mù quáng đánh vào túi tiền của dân nghèo.


Bài học nào cho mô hình Chavez?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bài học Venezuela là mọi thứ trên đời đều có cái giá phải trả, mà ta chỉ thấy cái được trước mắt chứ không đếm ra cái mất. Mọi chế độ mị dân đều khai thác sự mù quáng của người dân để hứa hẹn điều bất khả cho tới ngày tính sổ là tình trạng phá sản lan rộng khi chế độ can thiệp và kiểm soát mọi việc để không có giải pháp thay thế.

Cũng vì vậy mà tương lai Venezuela là khủng hoảng kinh tế lồng trong bế tắc chính trị, khi đối lập chiếm đa số trong Quốc hội từ cuộc bầu cử 6/12/2015 mà đôi bên chưa ngã ngũ về năm sáu giải pháp chuyển quyền để chuyển hướng kinh tế. Vì vậy, một kịch bản đầy màu sắc Nam Mỹ vẫn có thể xảy ra dù với xác suất thấp, đó là quân đội sẽ lại đảo chánh.
 
Kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa còn cho thấy các chế độ nhân danh dân nghèo lại định chế hóa nạn tham nhũng từ trên đầu với hệ thống quốc doanh, như chuyện đang xảy ra cho xứ Brésil cũng rất giàu có tại Nam Mỹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét