Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 160509
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên
Ngoài"
Tội thật, mọi dân tộc đều có
chính quyền xứng đáng cho mình….
* Hai ứng cử viên đáng ghét nhất, Hillary gian ác và Donald khật khùng! *
Không, bài này không viết về chuyện Việt Nam,
dù ngạn ngữ của tiểu tựa khiến chúng ta tự hỏi là người Việt Nam đã phạm những
tội gì để ngày nay có một chính quyền như vậy. Trong cột mục “Hoa Kỳ Nhìn Từ
Bên Ngoài”, bài này viết về nước Mỹ và cuộc bầu cử năm nay.
Ngoại
trừ một biến cố hết sức bất thường, cuộc tranh cử Tổng thống trong hai đảng
chính đã ngã ngũ, với Hillary Clinton có thể là ứng cử viên Dân Chủ và Donald
Trump là ứng cử viên Cộng Hòa. Điều quái gở là cả hai đều có “tỷ lệ tiêu cực” cao
nhất, nói cho đơn giản là cả hai đều ít được cử tri trong đảng tin tưởng và là
nhân vật đáng ghét nhất. Rốt cuộc, loại cử tri có tinh thần “chiến lược” đôi
khi lại dồn phiếu cho người này chỉ để người kia thất cử, cho bõ ghét.
Đa
số còn lại có khi lại ngao ngán ngồi nhà.
Tuy
nhiên, căn cứ trên chuỗi bất ngờ dồn dập từ tám tháng qua, chưa ai có thể đoán kết
quả và mọi người ngạc nhiên là các cuộc thăm dò dân ý đều trật lấc. Vì sao nên
nỗi? Chúng ta nên trở lại đầu nguồn, rồi những biến thái về sau.
***
Nền
cộng hòa Hoa Kỳ được các nhà lập quốc xây dựng theo nguyên tắc lạ: thu hẹp ảnh
hưởng của Chính quyền và trao nhiều quyền hạn cho cơ chế “gần dân” nhất là Hạ
viện, mỗi hai năm bầu lại toàn phần theo ý người dân - vào lúc đó. Nét thứ hai,
lạ không kém là bậc tổ phụ không coi chính trị là sinh hoạt chính của dân chúng:
đời sống người dân thể hiện qua các trung tâm khác, như gia đình, nhà thờ, hiệp
hội, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, v.v….
Đã
vậy, từ xưa, các vòng sơ bộ của nên dân chủ ở cấp cơ sở lại thường bỏ phiếu vào
một ngày Thứ Ba giữa mùa giá lạnh đầu năm, khi người dân còn bận việc nhà, việc
sở, chuyện con cái hay chợ búa. Chính trị là phụ và đời sống mới là chính! Trong
các nền dân chủ trên thế giới, Hoa Kỳ là nơi mà tỷ lệ đi bầu thuộc loại thấp
cũng vì những lẽ đó.
***
Khi
ấy, ai thật sự quyết định về vị đại diện dân cử cao cấp nhất cho quốc gia là Tổng
thống?
Đấy
là thẩm quyền của từng tiểu bang qua Đại hội đảng ở địa phương, khi lãnh đạo của
đảng dưới cơ sở chọn các đại biểu đi dự Đại hội Toàn quốc. Tập thể đại biểu này,
hay cử tri đoàn ở địa phương, sẽ thay dân bầu lên Tổng thống. Thể thức gián tiếp
ấy trao thẩm quyền cho các bậc trưởng thượng của đảng, là những người sẽ chọn đại
biểu và ứng cử viên qua các vòng sơ bộ mà ta gọi là “primaries”.
Trong
thế kỷ 20, thể thức đó cho nước Mỹ nhiều Tổng thống xuất sắc như Theodore
Roosevelt, Woodrow Wilson, Franklin Roosevelt, Harry Truman, Dwight Eisenhower
hoặc nhiều người kém tài mà cũng chẳng thể làm nước Mỹ suy sụp: bề nào thì bốn
năm sau lại có bầu cử và người mua hớ có quyền đổi ý.
Kết
luận sơ khởi là hệ thống bầu cử gián tiếp - và hơi mờ ám vì vai trò quá lớn của
các bậc trưởng thượng trong đảng – thật ra cũng không đến nỗi tệ!
Nhưng
sau ba kinh nghiệm tai hại, John Kennedy, Lyndon Johnson và Richard Nixon, từ
năm 1972, thành phần lý tưởng hay tiến bộ trong đảng đã cải cách thể thức bầu cử
theo tinh thần thân dân: quyền dân được thể hiện trực tiếp hơn là ảnh hưởng của
bậc trưởng thượng trong đảng. Các trưởng tràng địa phương bị lột mão từ vòng sơ
bộ, thay vào đó là đại hội đại biểu “caucus”, mỗi tiểu bang lại có một thủ tục
riêng và thủ tục này thường thay đổi, gọi là được cải tiến.
Khốn
nỗi, và ta trở lại đầu nguồn, bậc quốc phụ của Hoa Kỳ không coi chính trị là trung
tâm của sinh hoạt quốc gia. Và thực tế thì đa số dân Mỹ chỉ chú ý đến cuộc bầu
cử tổng thống vào vài tháng cuối mà thôi. Cho nên việc cải cách thể thức bầu
bán dẫn tới một hậu quả bất lường.
Đó
là trước sự thờ ơ của đa số, một thiểu số quan tâm nhất đến chính trị hoặc có
nhiệt tình nhất với sinh hoạt dân chủ lại tích cực tham gia từ rất sớm. Đấy là
thành phần coi trọng ý thức hệ và thường liên lạc với nhau qua các phương tiện
thông tin ngày càng hiện đại. Hiện đại mà thô thiển vì đặc tính tức thời, chớp
nhoáng, và thiếu chiều sâu của hệ thống thông tin.
Qua
điện thư hay mạng điện tử, họ không thể trình bày bối cảnh rạch ròi của từng hồ
sơ lớn với những giải pháp khả thể quá chuyên môn, mà chỉ trao nhau các thông
điệp ngắn ngủi hay phản ứng quy tụ vào khẩu hiệu. Hiện tượng mới là điện thoại
di động còn làm cho việc khảo sát ý kiến bị sai lệch: dân số mẫu có thể phản ảnh
“lòng dân” là một đám mây mơ hồ lơ lửng chứ không được neo vào một địa phương
hay ngành nghề nhất định của kỹ thuật thăm dò cổ điển.
Vì
vậy mà vòng sơ bộ khởi sự rất sớm đã dẫn tới nhiều kết quả bất ngờ.
Các
bậc trưởng thượng trong đảng thì vẫn còn đó, nhưng phải đổi nghề, tham gia vào
ban tham mưu tranh cử hoặc trở thành tư vấn về truyền thông và bắt mạch cử tri
qua phản ứng tức thời nên dễ đoán trật! Họ là đại gia lỡ thời và chính trường
là nơi tung hoành của thiểu số tích cực. Thiểu số ấy có tinh thần triệt để, bị
thiểu số bên kia đả kích là có chủ trương cực đoan, nên cuộc tranh cử khiến hai
ứng cử viên bị nhiều người ghét nhất lại dẫn đầu. Đa số còn lại thì bàng hoàng
ngao ngán!
Nhìn
từ bên ngoài, chúng ta có thể nêu câu hỏi, rằng thiểu số đầy nhiệt tình ấy có đại
diện cho nước Mỹ thâm sâu không? Câu hỏi ấy chẳng có giải đáp nhưng chắc chắn
là đang ám ảnh những người đòi cải cách thể thức tuyển cử. Họ muốn lòng dân có
cơ hội thể hiện nhưng đấy là lòng dân sao?
Qua
thể thức mới, từ năm 1972, nước Mỹ có bầu lên Tổng thống xuất sắc mà cũng gặp người
kém tài, Ronald Reagan hay Jimmy Carter là hai thí dụ trái ngược. Nhưng chưa
khi nào, ít ra qua khả năng nhận định của người viết, lại có ứng cử viên bị căm
thù như trường hợp năm nay!
Dĩ
nhiên là ta phải nói đến các yếu tố chi phối khá đặc biệt như kinh tế, xã hội,
an ninh hay đối ngoại, nhưng các yếu tố ấy lại được thiểu số suy diễn theo kiểu
“mỳ ăn liền” với kết luận nóng hổi, hoặc nông nổi nếu nhìn từ giác độ của thiểu
số tích cực ở bên kia “chiến tuyến”. Họ tích cực đến độ vượt rào, nhảy vào phá
hoại vòng sơ bộ của đối phương, để bảo vệ nền dân chủ hay lý tưởng của họ.
Cột
lại cho gọn thì trước đây, người ta ủy thác cho các bậc trưởng thượng trong đảng
việc cầu hiền và bầu ra các đại biểu sẽ bỏ phiếu cho vị đại diện dân cử cao cấp
nhất. Thế rồi, vì không tin vào các đại gia ấy, hoặc vì muốn quần chúng trực tiếp
tham gia vào tiến trình tuyển chọn, họ lại trao quyền quyết định cho một thiểu
số tích cực nhất qua các vòng sơ bộ bất tận.
Đa
số còn lại đang chưng hửng với hậu quả dị thường vì vòng sơ bộ chọn ra hai
khuôn mặt tiêu cực nhất, đáng ghét nhất!
Nạn
ách tắc chính trị từ 10 năm qua có thể khiến quần chúng hết tin vào các chính
khách nhà nghề, trong đó có các bậc trưởng thượng trong đảng. Vì vậy, nhiều ứng
cử viên sáng giá bên đảng Cộng Hòa đã bị tắt đèn và Nghị sĩ Bernie Sanders bên
đảng Dân Chủ mới làm một chính khách nhà nghề là Hillary Clinton vất vả. Nhưng
thể thức tuyển cử đã được cải tổ từ hơn 40 năm trước rồi. Và khoa học kỹ thuật
của thông tin ngày nay làm nốt phần vụ còn lại, là khuếch đại quan điểm của thiểu
số tích cực trước sự cổ võ của truyền thông có nhiệt tình hốt bạc mỗi khi tường
thuật các đòn đốp chát kỳ cục như trong một hài kịch truyền hình.
Thưa bác Nghĩa,
Trả lờiXóaBác nghĩ sao giữa các mô hình cộng hòa tổng thống (tổng thống chế) và cộng hòa đại nghị? Liệu cộng hòa đại nghị giảm bớt tính mị dân trong bầu cử hơn khi người ta bầu cho đảng phái thay vì bầu cho một đại biểu có tính đại diện nào đó? Hồi trước, nếu cháu nhớ không nhầm thì một lần bác nói (trên giờ giải ảo hoặc chương trình bên kia màn khói của cô Bích Trâm) là các nước nên có hệ thống 2 chính đảng chính và mạnh như nước Mỹ hơn là các nhiều đảng nhỏ phân tán nhau (cháu chỉ xin thuật lại ý chứ câu nói chính xác thì cháu không nhớ)? Vậy bác tán thành hệ thống chính trị tổng thống chế kiểu Mỹ hay là thế nào?
Kính mong bác giải đáp.
Cháu xin cảm ơn.
Trong một xứ dân chủ, người ta có thể chọn đại nghị chế hay tổng thống chế tùy hoàn cảnh và nhu cầu.
XóaĐại nghị chế là cử tri bầu cho các chính đảng và đảng nào được nhiều phiếu nhất thì đề cử Thủ tướng hay Chủ tịch Hội đồng Chính phủ. Nếu có quá nhiều đảng, số phiếu bị phân tán thì chính đảng được nhiều phiếu nhất vẫn chưa có hơn 50% để cầm quyền nên phải liên minh với các đảng nhỏ và kết cuộc là các đảng nhỏ lại giữ vai trò bản lề, có thể làm chính phủ đổ và gây bất ổn chính trị lẫn trì trệ về luật pháp.
Tổng thống chế là khi cử tri bầu thẳng cho ứng cử viên Tổng thống do các chính đảng đưa ra, và người thắng hơn 50% thì sẽ làm Tổng thống. Nếu có quá nhiều ứng cử viên từ nhiều đảng ra tranh cử thì người được nhiều phiếu nhất vẫn có thể chưa đủ 50% và phải bầu vòng nhì giữa ứng cử viên của hai đảng được nhiều phiếu nhất. Khi ấy, các chính đảng phải tính toán và dàn xếp với nhau cho vòng nhì và điều ấy ảnh hưởng đến chánh sách và hoạt động của Tổng thống đắc cử.
Nói chung, đại nghị chế nâng tầm quan trọng của Lập pháp và Tổng thống chế cho Hành pháp nhiều quyền hơn và dễ lấy quyết định hơn.
Trường hợp Hoa Kỳ lại khác! Tổng thống chế nhưng bầu gián tiếp chứ không trực tiếp và gián tiếp qua thể thức của hai đảng lớn trong từng tiểu bang. Và thực tế thì Tổng thống không có nhiều quyền hạn về nội trị vì bị Quốc hội, Tối cao Pháp viện và các Thống đốc Tiểu bang cùng Ngân hàng Trung ương chia bớt ảnh hưởng.
Khó nói là thể chế nào có giá trị hơn, có lợi cho nước nào, có lợi cho những ai ở trong nước nào?...
Bác Nghĩa cho con hỏi chuyện Việt Nam
Trả lờiXóaDù không thấy ai nói ra. Nhưng con cũng linh tính ở Việt Nam sắp có chuyện gì rất lớn chuẩn bị xảy ra. Nội bộ đcs thì lộn tùng phèo, xã hội thì khủng hoảng,.. Cộng sản dám phá linh địa, núi thì xẻo manh múng, biển thì đổ hóa chất. Không bao lâu lại có nhiều cá Ông, cá Cô dạt vô bờ. Nói duy tâm theo mấy người lớn giống như bề trên đang nổi giận
Xin theo dõi Giờ Giải Ảo
Xóa